- Chào cụ Tưởng Vậy

- À! Chào chú Ba Gàn.

-          Thưa cụ, cụ là người tập Khí Công Dưỡng Sinh lâu năm, chắc cụ có nhiều kinh nghiệm. Tôi đã tập chung với cụ ở sân tập này cả tháng nay rồi. Xin cụ làm ơn chỉ cho tôi biết, tôi còn khiếm khuyết ở chỗ nào?
-          Mô Phật! Khi tập, tôi chỉ tập trung quán sát thân tâm mình. Tuy có nhận biết mọi sự chung quanh, nhưng quả thật tôi không chú tâm để ý nên không thể góp ý cho chú được. Chú nên hỏi ý kiến của huấn luyện viên.
-          Tôi có hỏi rồi. Nhưng tôi cũng muốn học hỏi thêm kinh nghiệm của cụ nữa.
-          À! Nếu chú muốn hỏi kinh nghiệm của riêng bản thân tôi thì được thôi.
-          Nhưng thưa cụ. Xin cụ tóm tắt trong một câu ngắn để dể nhớ. Chứ nhiều quá thì tôi không nhớ được.
-          “ Làm ngược lại ”
-          Nghĩa là sao?
-          Theo kinh nghiệm của tôi. Người mới tu tập, chiều tâm thức thường hướng ra ngoài. Trong khi bản chất của phương pháp lại là quay vào chính thân tâm của mình. Thế không phải nên làm ngược lại là gì?
-          Xin cụ làm ơn nói rõ hơn?
-          Thí dụ như :
1.       Người tập, ráng tập như là cố gắng sở đắc một điều chưa biết. Trong khi thực sự chỉ thanh tịnh thân tâm để cái “tự nhiên biết” hiển thị trong trạng thái nhận biết tỉnh giác.
2.      Người tập tưởng có sự truyền đạt từ thầy như một sự trao cho, nên ráng thu lượm. Do vậy làm thui chột khả năng tự sáng tạo. Trong khi thực sự các phương tiện của thầy chỉ là duyên để vị thầy bên trong mỗi người hành động.
3.      Người tập cố gắng nhận biết hoạt động của thân và tâm như một sự theo dõi kiểm tra để tránh tập sai. Trong khi thực sự cái biết trong khí công là không cố gắng, do tâm tịnh nên tự nhiên biết phi nỗ lực.
4.      Người tập tưởng các động tác và hơi thở đem lại hiệu quả về sức khoẻ và tâm lý. Trong khi thực sự động tác và hơi thở lại là biểu thị của tình trạng khí bên trong. Nên không làm gì về cơ bắp hay tâm lý để ngăn trở quá trình tự vận hành điều chỉnh tái lập cân bằng âm dương của khí. Các kỹ thuật tâm lý và vận động qui định trước, thường không thể phù hợp với đám đông có quá nhiều chiều hướng vận hành khí khác nhau. Chỉ bản năng sinh tồn tự nhiên của từng người mới quyết định động tác hay trạng thái tâm lý thích hợp cho riêng từng người. Bởi vậy thay vì ráng tập động tác đều hàng loạt để cho đẹp mắt thì thực sự mỗi người nên tự có động tác và điều kiện tâm lý riêng.
5.      Người tập Duỡng Sinh khác với các môn thể dục thể thao khác, luôn tranh đấu để đạt thành tích ngày càng cao hơn. Trong khi Dưỡng Sinh là nghỉ ngơi tích cực, là vận động trong thư giãn, là an thần giảm căng thẳng não, là hoà nhập với thiên nhiên và môi trường sống. Bởi vậy , thay vì ráng tập để đạt huy chương và thành tích, cố gắng rèn luyện mồ hôi nhễ nhại, cương quyết nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn, chính xác hơn, trong khi bản chất thực sự của Dưỡng Sinh là nhằm thực chứng cái an lạc tự tại về thể xác và tâm lý, cái ung dung nhàn hạ và một cảm giác tự do tuyệt đối phi nỗ lực.
6.      Người tập tưởng cái nguồn vui thật sự của Dưỡng Sinh là qua các buổi tập, qua giao tiếp với nhiều người, qua tình trạng sức khoẻ được cải thiện. .v.v. . nên có khuynh hướng hướng ngoại, do đó sinh ra lệ thuộc tâm lý đám đông. Trong khi “niềm vui không nguyên nhân” mới là trạng thái tâm lý Dưỡng Sinh. Do hoà hợp với con người và môi trường sống, do rỗng không nên không chất chứa giận hờn đấu tranh, do thân tâm an tịnh mà cái vui tự nhiên luôn hiển thị. Cái vui ấy do không lệ thuộc nguyên nhân nào bên ngoài nên mới là trường cửu.
7.      Người tập ráng tập để động tác ngày càng đẹp hơn, nhằm có thể thi đấu hay biểu diển. Trong khi yêu cầu thực sự lại là thuận theo tự nhiên để động tác ngày càng phù hợp hơn với điều kiện tâm sinh lý của riêng mình.
8.      Người tập tưởng học nhiều là biết nhiều, càng thu lượm nhiều thì càng tốt, nên thường theo tập quá nhiều phương pháp, khiến không thể chuyên sâu. Trong khi thực sự cái khuynh hướng sinh tồn tự nhiên của cơ thể, cái nhận biết tỉnh giác, cái tự do tự tại, cái hoà hợp với con người và trời đất, mới là quan trọng. Mọi phương pháp Dưỡng Sinh chân chính đều nhằm kích thích để cái nguồn Duỡng Sinh trong mỗi người tự hiển thị mà thôi. Mọi sự truyền đạt đều là áp đặt. Mọi sự thọ nhận đều là lệ thuộc! . . .
. . . .
Thôi chào chú, thằng cháu nội tôi đã đến rồi kìa. Tôi phải về để ăn sáng với bà lão nhà tôi! . . .hề hề! . . . Chúc chú sống vui, sống khoẻ, sống có ích! . . .
Còn nhiều vấn đề nữa. Nhưng hôm khác ta sẽ trao đổi thêm. Đấy chỉ là kinh nghiệm riêng của tôi chứ không phải của phương pháp. Tôi Tưởng Vậy chứ chưa chắc đã vậy. Chú Ba nên hỏi các vị thiện tri thức rồi bảo cho tôi biết với.
-          Hề hề! . .chào cụ chúc cụ và cụ bà vui khoẻ! . . .


HAI LÚA/22/11/2004