- Không có " Cái gọi là thầy".
- Tại sao lại thế?
- Vì rốt ráo không có việc dạy và truyền đạt.
- Vậy làm thế nào để giúp đỡ người khác thăng hoa và phát triển?
- Kích thích để "Cái tự nhiên biết" của họ hiển thị và tự phát triển.
- Thế nào là trò?
- Không có " Cái gọi là trò"?
- Vì rốt ráo không có việc học như thọ nhận và sở đắc.
- Vậy làm thế nào thăng hoa và phát triển thân tâm vì một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn?
- Yên lặng chứng kiến, để "Cái tự nhiên biết" tuỳ duyên mà hiển tướng.
- Chủ nghĩa tự nhiên sao?
- Không tự nhiên mà cũng không duy lý. Đều từ sự tồn tại mà ra. Sự tồn tại vô hình vô tướng bao giờ cũng có đấy. Nó hiển thị qua nguyên nhân này gọi là "thầy" và qua nguyên nhân khác gọi là "trò".
- Xin cho một thí dụ?
- Ông thấy ngọn lửa trên cây đuốc này chứ?
- Vâng .
- Khi ta thổi tắt thì ngọn lửa đi đâu?
- Ngọn lửa không mất đi. Vì nếu ta đốt, thì nó lại hiển thị.
- Đúng vậy khi không đủ duyên, vạn pháp vô hình vô tướng vì thể nhập "Tánh". Khi đủ duyên, vạn pháp hiển thị thành các hiện tượng hữu tướng. Vậy ông có cho ngọn đuốc đang cháy là thầy của ngọn đuốc chưa cháy.
- Không, vì "tánh cháy" cả hai đều có. Chỉ khác nhau ở trạng thái hiển thị.
- Bây giờ ta lấy cây đuốc chưa cháy mồi vào cây đuốc đã cháy. Thế nào ông có cho cây đuốc đã cháy truyền lửa của nó sang cây đuốc chưa cháy?
- Không, vì nếu cho lửa thì cây đuốc đang cháy phải hết lửa dần đi khi ta mồi sang nhiều cây đuốc khác.
- Đúng vậy, đây là pháp" Vô tận đăng của nhà Phật". Thế nào Cỏ May, ông có cho rằng thầy sẽ biến thành ngu đi khi truyền đạt kiến thức cho học trò.
- Không có việc ấy.
- Vậy cho nên ta bảo rốt ráo thì không có sự dạy như truyền đạt của thầy và sự học như thọ nhận của trò.
- Thế thì tại sao thực tiễn vẫn có sự truyền đạt và thọ nhận?
- Vì còn có "ngã".
- Mô Phật! . . .
BA GÀN /9/11/2004