Mới nửa buổi mà nắng đã rát da...

Thằng Vọng quần đùi trễ dưới rốn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, khệ nệ xách cái ấm đất đựng nước chè tươi, tay kia bưng cái rá tre đựng đầy bánh đúc. Con Mực chạy lăng quăng phía sau, vừa chạy vừa sục mũi vào bờ ruộng đầy cỏ đánh hơi chuột. Thỉnh thoảng nó ngừng lại, gếch chân đánh dấu đường về. Chúng đi đâu vậy kìa? À! Thì ra chúng đang đưa nửa buổi cho đám bừa cấy ở hóc Bà Só.

Leo lên mấy đám ruộng bậc thang. Đến chỗ bụi mua già, chúng đặt các thứ xuống. Trải mấy tàu lá chuối làm mâm, đặt chén mắm ớt vào giữa, đổ bánh đúc chung quanh, thằng bé cắt một khúc cọng chuối, lấy tay bóp dập một đầu, vừa quệt vào chén lá hẹ trộn dầu dừa, vừa thoa đều lên đống bánh. Cẩn thận, nó còn bẻ một mớ gai sọng đặt bên cạnh để làm xiên. Xong đâu đấy lấy tay khum lại làm loa, nó gọi với xuống đám bừa cấy. Chờ cho mọi người leo đến nơi. Nó chạy vội xuống ruộng, tháo ách, tháo bừa, thả con trâu lên bờ gặm cỏ.

Nắng vàng óng như lụa, tại mấy đám ruộng đang ngâm nước, ánh mặt trời phản chiếu như giải ngân hà lấp lánh đầy sao. Mùi cỏ úng nồng nồng cay cay, mùi bùn non ngai ngái, mùi rạ đốt đồng thơm mằn mặn, mùi khen khét của con trâu phơi nắng, tất cả làm thằng bé ngây ngất như say. Nó reo lên chạy ào xuống đám ruộng vừa bừa cấy xong, bùn nhuyễn như cháo, sền sệt, sánh đặc đang chờ tháo nước chân để trang.

Mấy con cua đồng vểnh càng giương mắt, mấy con rô ron giương vây nghiêng người cố lách vào vũng nước đọng, mấy con tràu cửng đập đuôi tanh tách búng lên cao rồi lại rơi xuống bùn, cá lia thia há hốc mồm phồng mang để thở . . . tất cả chúng đều bị cái bừa và con trâu Cộ làm cho muối bùn, đang say và nổi lờ đờ trên mặt ruộng xam xám. Thằng bé vừa lấy cái áo quây tròn trên đầu vừa la hét để xua đuổi đám chèo bẻo háu ăn đang chao lượn trên không, vừa bắt từng con cá nhỏ xỏ vào cái lạt tre mang bên hông. Gớm! thế mà cũng nhiều ra phết! được cả một xâu dài đủ loại. Ba mình trưa nay có bữa lai rai đây! Mặt mũi đầu tóc đầy bùn, nó xách xâu cá đầy bùn, chạy lên bờ nắm dây mũi, kéo con Cộ mình cũng đầy bùn đi về phía bờ sông đầy gió. Mùi bùn non nồng nàn! Ôi! Mùi của hạnh phúc! chả thế mà thằng Vọng cùng con Cộ đi đã lâu mà tiếng cười trong vắt, tiếng thở phì phì như vẫn còn vang vọng đâu đây. Gió nồm đưa âm thanh và mùi hương đất mới chạy lòng vòng trong thung, rồi quay trở về cánh đồng mênh mông đầy hoa nắng.

Nó không dắt trâu ra thẳng bờ sông, mà cùng con Mực và người bạn to lớn đi ngược lên đỉnh dốc nơi đầu con mương thuỷ lợi. Quê nó không có trạm máy bơm mà lại có bờ xe nước. Suốt ngày quay tròn kẻo cà kẽo kẹt, bụi nước bay mát cả một vùng. Tiếng xe nước buồn lê thê, tiếng côm cốp đều đều của các cối giã gạo ngoài suối, tiếng gà gáy trưa não nùng, tiếng ru trẻ thơ nhừa nhựa hoà với tiếng gió rào rào trong luỹ tre làng, thành khúc nhạc đồng quê da diết. Khúc nhạc ấy, khi vừa mở mắt chào đời thằng Vọng đã nghe, đã thuộc, đã quen thân, đã trở nên nghiện ! Chẳng thế mà mỗi khi có chuyện buồn, nó lại trốn ra bờ xe, nằm dưới tán cây dông đồng cổ thụ, nó khóc và nghe bản giao hưởng đồng quê ngân nga trong gió. Cái buồn bay đi lúc nào không biết, nó chìm trong giấc ngủ trẻ thơ và chỉ vùng dậy khi bụi nước làm ướt sũng cả quần áo.

Hôm nay nó dang nắng, đưa trâu đi tắm ở đây cũng là vì có chuyện. Chẳng phải chuyện buồn mà là chuyện lo. Nó lo cho cuộc thi gan ngày mai giữa đám trẻ làng nó và đám trẻ làng bên kia sông. Chẳng gì nó cũng nổi tiếng gan góc và mưu trí nhất trong đám con nít của cái làng Bến Mít. Nên gánh nặng này mặc nhiên nó phải cáng đáng. Nếu ngày mai mà thua tụi nó thì ê mặt! Nó nghĩ ngợi liên miên mà vẫn chưa có cách gì để chắc thắng! . . .

Gọi là thi gan nên thể lệ cuộc thi thật ác liệt và có phần nguy hiểm. Nhưng chẳng hề gì, ở đất võ việc ấy là bình thường. Bởi trẻ chăn trâu thường nghịch phá nên phải có một đứa khoẻ nhất gan nhất cai quản cả bọn. Đứa ấy được cả bọn tôn làm đại ca, và đại ca phải là đứa chiến thắng trong cuộc thi gan “luồn xe”. Khi đại ca đã lớn và có việc làm kiếm ra tiền không chăn trâu nữa, đại ca sẽ tổ chức cuộc thi gan để tìm ra đại ca mới. Hôm nay là một ngày như vậy. Đại ca Cu Tý tổ chức “luồn xe” và đứa nào cũng muốn chiến thắng để thay nó cai trị cả vương quốc nhí.

Guồng xe hình tròn cao to như cái đình. Được bện bằng dây mấu thật chắc. Giữa có cái trục gỗ to như cái phuy. Guồng quay bằng sức nước đẩy vào các tấm phên tre. Từ vành vào trục có nhiều căm bằng những thanh gỗ tròn thật lớn. Dọc theo hai bên vành, người ta cột vào rất nhiều ống tre đằng ngà kín một đầu. Làm thế nào để khi guồng ngập xuống nước thì nước được chứa vào các ống tre ấy. Khi lên đến đỉnh, nước trong ống do độ nghiêng tự nhiên sẽ tự đổ vào cái máng dừa dẫn nước ra mương. Để có sức nước mạnh đủ sức làm quay cái guồng xe khổng lồ, người ta phải dùng trâu kéo cát làm thành bờ đập chắn ngang sông, chỉ chừa một cái cổng cho nước chảy qua. Tại cổng guồng xe được đặt trên hai cháng đỡ bằng thân cây dừa lão. Nước đẩy vào các tấm phên khiến guồng xe quay suốt ngày đêm mang nước từ dưới sông lên ruộng trên cao.

Muốn thi gan à! dễ thôi! Chỉ cần đăng ký với đại ca thì xong tất. Đại ca sẽ đốt một nén hương và ra hiệu. Đứa bé phải xuôi theo dòng nước đang chảy thật mạnh, lao vào cổng. Khi đến cái guồng xe đang quay, nó phải nhanh nhẹn tóm lấy vành và nhanh chóng leo ngược lên trên. Nó phải thắng sức nước, để không bị nhận chìm và tuột ra sau. Khi guồng quay lên đến đỉnh, đứa bé sẽ bị chổng ngựợc đầu xuống, khi ấy rất nguy hiểm vì nếu không kịp quay đầu ngược lại nó sẽ bị rớt. Đứa nào luồn vào “xe” ở trong ấy đến khi tàn cây hương thì chiến thắng. Nếu có nhiều đứa đạt như vậy thì phân định thắng thua bằng đấu vật. Nhưng từ xưa tới giờ chưa có đứa nào trụ trong guồng xe đến tàn cây hương cả. Bởi vậy đứa nào lâu hơn thì đứa ấy thắng. Thằng Vọng đã thử nhiều lần nhưng đều thất bại, bởi rất mệt, gỗ lại quá trơn, khi bị đưa lên cao nó không thể xoay ngược đầu xuống đất được bởi guồng xe quay quá mạnh. Nó lo lắng! . . nghĩ hết cách mà vẫn chưa biết phải làm sao để ở trong “xe” đến tàn cây hương! . . .[#breakpage#]

Mải nghĩ lan man đến bờ xe lúc nào không hay. Khi bụi nước bay đầy mặt nó mới giật mình dắt con Cộ xuống sông. Nó huýt gió ra hiệu để con Mực lao theo. Vừa nghĩ ngợi cho cuộc đấu ngày mai, nó vừa tha thẩn lấy xơ dừa kì cọ con trâu thật sạch. Xong nó vỗ vào lưng con vật mấy cái thật mạnh. Con Cộ hiểu ý nằm bẹp, trầm mình vào làn nước mát lạnh thở phì phì. Thằng bé cười khanh khách, nó cùng con Mực bơi thi ngược dòng đến cái nổng ô rô hình mu rùa, nơi có ruộng dưa của chùa làng. Con Mực chạy như tên bắn trên cồn cát, vừa rượt mấy con le le vừa sủa ông ổng. Thằng bé rượt theo thở hồng hộc, mệt quá nó ngồi phệt xuống ruộng dưa lá đã lốm đốm vàng, vừa cười khanh khách vừa hổn hển gọi vói theo con chó đang mất hút trong đám nghễ xanh rì:

- Hì hì! . .thua, tao thua rồi, đừng chạy nữa Mực ơi, về thôi!

Bổng có tiếng quát như tiếng sấm sau lưng làm thằng Vọng hết hồn:

- Đứa nào đấy, thả trâu vào ruộng dưa thì chết với ông.

Thằng bé quay lại, nó thấy ông Năm Hộ Pháp đang đứng đấy. Tóc hoa râm, thân hình vạm vỡ như lực sĩ, bắp thịt nổi cuồn cuộn, da đen như cột nhà cháy.

- À! Vọng đấy hả? Nghỉ hè rồi, sao không lên chùa chơi ?

- Dạ, nhà cháu đang bừa cấy, cháu phải mở trâu.

- Thôi vào đây ăn dưa, rồi tao gởi cho ba mầy thang thuốc võ.

Thằng bé và con chó theo ông từ cùng về chùa. Ngang qua cây sung quỳ trước cổng tam quan, đột nhiên thằng Vọng đứng lại:

- Sao vậy cháu?

- Ông Năm ơi! Chùa cũng thờ guồng xe nước à ?

- Không phải đâu, bánh xe luân hồi đấy.

- Sao gọi vậy?

- Sư cụ bảo vậy!

- Sao gọi là luân hồi ?

- Nghĩa là quay liên miên không bao giờ nghỉ!

- Thì cũng như guồng xe nước ngoài sông chứ khác gì!

- Khác chứ, guồng xe nước thì mình đứng ngoài nhìn nó quay. Còn bánh xe luân hồi thì ai cũng ở trong đấy và đều bị quay.

- Eo ơi! thế thì chóng mặt và rớt chết sao?

- Đúng vậy. Mà cũng bởi vậy tao mới đi tu.

- Tu thì không bị quay và bị rớt sao?

- Tu thì luôn ở trung tâm không ở ngoài vành nên không bị rớt.

- Ông Năm nói sao?

- Sư cụ thường dạy.  Khi bánh xe quay thì tại trục không có tí lực nào. Chúng sanh bám theo thế giới hiện tượng, tức là bám ngoài vành bánh xe luân hồi nên chịu lực quay rất lớn. Người tu quay về bên trong trụ ở trung tâm nên tuy luân hồi đang quay mà vẫn không bị tí lực nào!

Như chợt phát hiện điều gì, thằng bé đứng ngây người, mắt nó rực sáng như có lửa, mồm há hốc hồi lâu. Đột nhiên nó nói giọng đứt quãng từng chặp:

- Hả! ông Năm nói sao? Bám ở trục thì không bị tí lực nào hả? Hì hì! . . .cháu biết rồi. Ngày mai cháu sẽ thắng. Cháu sẽ thắng! . . Cháu sẽ không bị rơi . .ha ha! . . .

Như bị ma đuổi, thằng bé quay đầu chạy về lối cũ như bay, phía sau con Mực vừa sủa ông ổng vừa lao vút đi như một mũi tên. Chúng quên cả chào ông Năm, quên cả ăn dưa, quên cả thuốc võ! . . .chúng quên mọi sự! . . .chúng chỉ còn niềm vui và cái biết! . . .[#breakpage#]

Trời đã đứng bóng, thằng Vọng ngồi trên lưng con Cộ oai vệ như một vị tướng, trên tay cầm cái roi cày của ba nó, cái roi mây bóng lưỡng, dài và hơi nặng, nhưng chẳng hề gì. Lẫn trong tiếng gió nam rào rào trong luỹ tre và tiếng nước chảy qua cổng ồ ồ, nó nghe tiếng trẻ cười nói la hét và tiếng trâu nghé ngọ từ bờ xe vang lại. Như nhận được mật lệnh, nó vung roi thúc hai chân vào bẹ sườn con Cộ. Con trâu đực lồng lên chạy ầm ầm về phía trước như chiến xa. Con Mực chạy phía sau vừa chạy vừa sủa thật to như để thị oai. Tại bờ xe, hàng trăm con trâu đang ngâm mình dưới nước sừng gếch lên trời, trẻ con hai làng đã tề tựu. Chúng cười nói, thách thức nhau vang động cả một vùng. Đến bến thằng Vọng đứng thẳng trên lưng con Cộ, thúc trâu lao thẳng xuống sông làm nước bắn lên tung toé. Cả đám hoan hô ầm ĩ, nó vung roi lên cao mồm hét hây! hây! bắt chước các chiến binh ra trận thật oai phong, như trong cái phim gì vừa chiếu ở đình.

Đại ca Cu Tý đã đốt khá nhiều nén hương và cũng đã có từng ấy đứa bị loại, đứa thì không thắng nổi sức nước bị guồng xe nhận chìm lòi ra sau, đứa thì bị guồng xe đưa lên cao loay hoay mãi không thể quay ngược đầu lại đã phải phóng xuống sông bỏ cuộc. Đột nhiên cả bọn hoan hô ầm ĩ. Một thằng bé lực lưỡng, tóc vàng cháy nắng đã bước xuống sông. Nó đưa mắt nhìn thằng Vọng ra chiều khiêu khích. À! Nó là thằng Cu Đời, đối thủ của thằng Vọng, nó là thủ lĩnh bên kia sông. Thắng nó là thắng tất cả! Đại ca Cu Tý đã đốt một nén hương mới và vẫy tay ra hiệu. Cu Đời nhanh nhẹn xuôi vào cổng. Nó chụp vành xe và nhanh chóng leo lên. Guồng xe quay xuống! . . nó cố hết sức bình sinh leo lên! . . .leo lên! . . .

-         Cố lên! . . .cố lên! . . .

Đám trẻ vừa hò hét vừa vung tay múa chân. Cu Đời mệt nhoài, nhưng kìa nó đã chiến thắng được sức nước, nó đã leo lên khá cao, bám chặt vào cái vành guồng trơn tuột nó nghĩ để hồi phục sức. Nhưng nước vẫn chảy, guồng vẫn đang quay. Nên thằng cu Đời lại từ từ nhích xuống nước. Nó có nguy cơ bị nhận chìm, lập tức nó lại cố sức leo lên. Lũ trẻ hò hét, guồng xe cứ quay thản nhiên, mà sức thằng cu Đời thì ngày càng yếu đi. Cứ như vậy, cây hương đã cháy hết nửa và thằng bé đã kiệt lực. Lần này khi guồng xe đưa nó xuống nước, nó không đủ sức leo lên nữa, đành chịu cho guồng xe nhận chìm và trôi tuột ra sau.

Bọn trẻ làng bên hoan hô ầm ĩ. Nửa cây hương!  . . một thành tích đáng nể! . . Tụi trẻ con làng Bến Mít đưa mắt lo lắng nhìn thằng Vọng. Mọi hy vọng đều dồn cho nó. Bởi cả bọn biết chẳng thể nào vượt qua nửa cây hương. Thằng Vọng yên lặng bước xuống sông. Đại Ca Cu Tý đã đốt hương và ra hiệu. Nó nhanh nhẹn xuôi vào cổng và tóm lấy vành xe. Nhưng kìa nó làm sao ấy! Cả bọn trố mắt nhìn ngạc nhiên. Đằng kia qua đám bụi nước mù mịt, chúng thấy thằng Vọng men thanh gỗ lần vào trong guồng xe. Nó ngồi vào cái trục hai tay ôm vào thanh căm xe. Guồng xe vẫn quay, thỉnh thoảng nó mới nhích người lên một tí. Nó ngồi trông ung dung chẳng mệt tí nào! Ngồi như vậy đã quá một cây hương mà thằng Vọng vẫn chưa có dấu hiệu muốn thôi.

-  Không được, làm vậy là ăn gian! . . luồn xe kiểu gì kỳ vậy! . . .

Đám trẻ con làng bên hò hét cãi vã với đám trẻ làng Bến Mít, tiếng hoan hô, tiếng trâu nghé ngọ, tiếng guồng xe rít ken két, tiếng nước chảy ồ ồ, náo động cả một vùng. Đại ca Cu Tý bây giờ mới đứng lên đưa tay làm hiệu. Cả đám thần dân nhí của nó lập tức im bặt. Nó nói:

-  Tao, nhìn nhận thằng Vọng thắng cuộc! Vọng mày xuống đi! . . đủ rồi! Mày thông minh đấy! Bởi luật thi là ai ở trên “xe” lâu hơn thì thắng cuộc, chứ đâu có qui định phải bám ở vành xe đâu! . . . Kể từ nay nó thay tao làm đại ca, đứa nào bất phục thì liệu hồn! . .

Đám trẻ hoan hô ầm ĩ. Thằng cu Đời cũng đến, nó cùng một đứa nữa của làng Bến Mít làm kiệu tay để khênh đại ca mới. Chúng reo hò và rước đại ca đi khắp bờ xe.

Đám trẻ cùng lũ trâu đi đã lâu mà tiếng cười của chúng như vẫn còn vương lại trên bến sông quê đầy nắng gió.

 . . .

-  Bác gì ơi! . .  dậy đi! . . . Bác mơ thấy gì mà cười vậy. Trưa rồi, bác bảo còn qua làng bên nữa mà.

Người đàn ông mở mắt ra, xong phải nheo lại ngay vì nắng chói:

-  Hì hì! cảm ơn cháu, bác chờ bớt nắng mới dám qua bãi cát này.

-  Quê bác ở làng bên à.

-  Phải, bác tên Vọng bạn thân với bố Đời của cháu.

-  Chắc bác làm việc trên tỉnh nên cháu không biết.

-  Phải rồi, khi bác đi thì cháu chưa sanh.

-  Thôi mời bác cứ ngồi đây uống nước chờ ba cháu. Cháu phải vào chơi tiếp với tụi nó đây.

Thằng bé nói xong, chạy vội vào nhà trong, nơi có đám con nít đang chơi trò chơi điện tử la hét ầm ĩ.

Vọng nhìn ra con sông chết đầy cát trắng, giữa dòng chỉ còn một cái lạch nước nhỏ xíu chảy ngoằn ngoèo. Buâng khuâng chàng nhớ lại sự việc đáng tiếc vừa qua ở công ty:

-         Phải chăng mình đã bám ở vành bánh xe, mình đã quên không ngồi yên ở trục! . . .

Một chiếc xe đò chạy ngang qua, bụi đỏ bay mù mịt. Vọng lắc đầu ngao ngán, chàng yên lặng quàng ba lô lên vai bước xuống dòng sông chết để về làng. Ngang qua cái lạch nước nhỏ xíu, chàng vốc lên rửa mặt mũi chân tay, uống một ngụm nhỏ như uống cả quãng đời trẻ thơ vừa mới đâu đây! . . .

Bãi cát nóng vô tình in vết chân của người tìm về quê cũ! . . .