TRĂNG SOI RỪNG TRÚC.
Bạn hỏi tại sao phải dùng động tác khi đắc khí làm đối tượng của thiền quán ư ? - Xin thưa vì nó minh hoạ trung thực cho nội tâm, thoát khỏi sự giả vờ và đóng kịch của phóng thể.
Như người câu cá, nhìn biểu hiện của cái phao trên mặt nước để biết cá cắn câu hay không ? Cái phao không phải là cá nhưng không có phao câu cá sẽ khó hơn nhiều.
Cũng vậy động tác của Khí Công minh hoạ cho trạng thái tâm thức. Do vậy nhận biết trạng thái các biếu hiện khi đắc khí là cơ sở để nhận biết một cách chuẩn xác tâm thức hiện hành. Và đây là tiền đề căn bản trong việc điều tâm để thăng hoa chuyển hoá về hướng giác ngộ.
Bởi vậy nhận biết được mối quan hệ giữa trạng thái tâm thức và các biểu hiện của nó khi đắc khí là vô cùng cần thiết trong thực hành khí công.
I/ Sơ đồ các trạng thái tâm thức:
Giác quan đối với trần tạo ra tiền ngũ thức ( nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức).
Tổng hợp của tiền ngũ thức là ý thức (thức thứ 6). Ý thức là lớp sóng của bề mặt đại dương tâm thức. Đây là quá trình từ : SẮC biến thành THỌ.
Các thông tin thu nhận được so sánh với kinh nghiệm cũ để đưa ra quyết định : đúng sai, phải trái, nên hay không nên. Quá trình này xảy ra giữa lòng đại dương tâm thức gọi là Mạt Na Thức ( thức thứ 7). Mạt na thức do vậy có tính nhị nguyên. Toàn bộ các kinh nghiệm cũ mà mạt na thức sử dụng thường được gọi là "cái Tôi". Vì mọi kinh nghiệm do phóng thể đều bị bóp méo bởi "vô thức tập thể" và "tâm lý bầy đoàn". Do vậy đúng hay sai là đúng hay sai với cái tôi của mình chứ không phải chân lý. Đây là quá trình từ THỌ biến thành TƯỞNG.
Sau khi đã so sánh và đưa ra quyết định. Quyết định này sẽ điều hành hoạt động của con người. Hình thành nên một THỨC mới hay một kinh nghiệm lưu trữ tại đáy tâm hồn gọi là A lại Da Thức hay thức thứ 8. Đây là quá trình từ TƯỞNG biến ra HÀNH để rồi từ đó tạo ra một thức mới.
Trên đây là tóm tắt toàn bộ quá trình vận hành của tâm trí nhị nguyên tạo ra huyễn ảo(Maya). Bởi huyễn ảo mất tính như thị nên hành động sai chệch không phù hợp với tình huống đang xảy ra. Đây là nguyên nhân của luân hồi và đau khổ.
Bên ngoài bế giác quan, bên trong tịnh hoá nội tâm cho đến khi A Lại Da Thức trở nên trong suốt yên lặng tự phản ảnh là con đường thăng hoa chuyển hoá tâm để đạt tự nhiên trí. Phương tiện để làm được như vậy là: "Quán động tác và các biểu hiện khi đắc khí".
II/ Mối quan hệ giữa các trạng thái tâm thức và các biểu hiện khi hành công:
- Tâm thức vọng động không nhận biết tỉnh giác: Hành động sẽ là bản năng.
- Ý thức : điều hành hoạt động thể dục dưỡng sinh ( Nhu quyền, nhất nguyên quyền, trung bình tiên, xoa bóp day bấm huyệt .v .v . . .)
- Mạt na thức : điều hành hoạt động có năng lượng của khí công (asana, dịch cân kinh, nội gia thái cực quyền, cân bằng gậy, cân bằng nước, tìm vị trí, thái thụ khí, thiên hương khí .v. v. . .)
- A lại da thức : điều hành các hoạt động bất tư nghì của Khí Công cao cấp: (Quán hơi thở, quán động tác, quán tâm thức, Mahamudra, Mahadalani, mahamantra . v. v. )
Khi hành công, nếu mất nhận biết sẽ hôn trầm. Còn nếu phan duyên theo các niệm sẽ loạn động. Như vậy yên lặng mà nhận biết khách quan, không sa vào chủ quan để xét đoán phân tích, chính là "cái biết tự nhiên không cố gắng". Cái biết tự nhiên này do tịnh mà tự có, như mặt nước để yên, cáu bẩn lắng xuống trở nên trong suốt, nên tự phản ảnh được sự vật.
Khi hành công do Định thân tâm mà Tịnh phát sinh. Do tịnh mà "cái biết không cố gắng" xuất hiện. Cái biết không cố gắng này sẽ điều hành mọi biểu hiện của Khí Công.
- Nếu ý thức trong suốt: Động tác thể dục dưỡng sinh sẽ chính xác, đẹp và có hiệu lực.
- Nếu Mạt na thức trong suốt: Hành động có năng lượng của khí công sẽ là quân bình động có hiệu lực chứ không phải loạn động.
- Nếu A lai da thức trong suốt: Các biểu hiện của thân khẩu ý sẽ là thuận tự nhiên thích ứng với tình huống. Còn gọi là trôi theo dòng của Đạo. Yên lặng mà tịch chiếu. Không phải làm mà tự nhiên hiển thị qua ta như chính nó.
Để kiểm tra độ chánh định và cái biết tự nhiên khi hành công. Hành giả có thể đặt một ly nước nhỏ trên đỉnh đầu khi luyện Khí. Nếu hôn trầm hoặc loạn động ly nước sẽ mất cân bằng và rơi xuống đất. Nếu luôn nhận biết tỉnh giác thì dù tịnh công hay động công ly nước vẫn giữ được cân bằng trên đỉnh đầu.
Như giọt nước rớt vào lòng đại dương, cái Một hợp nhất với cái Toàn diện cũng như vậy ! . . .Như hư không hợp nhất với hư không, có hành động Khí Công mà không có người tập khí công là như vậy! . . .Như đêm rằm trăng sáng, ánh trăng rơi trên ngàn cây ngọn cỏ. Gió xuân thổi qua, rừng trúc nhảy múa và hát ca cùng gió. Trên cao trăng vẫn yên lặng soi sáng núi đồi mà không hề cản trở vũ điệu của rừng thiêng. Cũng vậy, Cái biết không cố gắng cũng yên lặng soi sáng mà không hề cản trở sự vận hành của vũ điệu khí công.
Ôi ! . .huyền diệu thay! . .kỳ lạ thay! . . .bao giờ cũng vậy! . . .cũng vậy! . . .
MÂY 22/09/2003