Thí dụ: Biết người ấy thể nhập Phật trường khi người ấy Đắc Khí và có các biểu thị như: thấy hào quang sáng lòa phóng đến, ngửi được hương thơm kỳ diệu, cơ thể phát nhiệt khi trời lạnh và mát mẻ khi trời nóng nực, lời nói và hành động tự thích ứng với mọi tình huống...v.v... phát sinh trí tuệ, có sự rung động đồng cảm với mọi người và pháp giới nên có thể viết văn, làm thơ, hội họa, âm nhạc, điêu khắc, sắp đặt và các môn nghệ thuật khác... Nghĩa là tự nhiên trở thành người nghệ sĩ tâm linh tràn đầy phúc lạc.
Ngươi hỏi tại sao khi Thể Nhập Phật trường của Như Lai cơ thể lại chuyển động ư?
- Này Cỏ May, ngươi biết tại sao có gió thổi không?
- Thưa cụ, nếu trên trái đất này nhiệt độ tại các nơi đều không thay đổi thì sẽ không có gió. Do nhiệt độ, không khí bị hun nóng nên giãn nở nhẹ hơn, bốc lên cao. Không khí lạnh từ nơi khác tự tràn đến lấp chỗ trống ấy tạo thành gió.- Hềhề... Cũng vậy. Nội khí trong người ai cũng có. Nó là điều tự nhiên và là Phật lực của vị Phật tại thân ẩn tàng trong mỗi chúng ta. Nay tại một nơi trên cơ thể chúng ta bị bệnh. Phật lực hay nội khí tại nơi ấy yếu đi hay có lỗ hổng về năng lượng, nên năng lượng sinh học của cơ thể sẽ tự chảy đến chỗ ấy để làm đầy, để tái lập lại quân bình âm dương cho cơ thể, để dòng chảy tự nhiên của Phật lực trong cơ thể điều hòa ổn định thuận tự nhiên theo Dịch lý của trời đất.
Dòng chảy của Phật lực về vùng bị bệnh ở bên trong, sẽ kéo theo chuyển động của cơ bắp ở bên ngoài và tạo thành sự chuyển động phù hợp với từng cơ địa và bệnh lý riêng của từng người.
Không phải là cố gắng trị bệnh. Điều ấy tiềm năng cơ thể và Phật lực tự nhiên làm. Chỉ cần đừng cản trở một cách cố ý và hay vô thức sự vận hành tự nhiên này mà thôi!
Này Cỏ May, cũng như dòng điện chạy thì cái quạt điện này tự quay vậy mà. Cái đấy giống như người luyện Khí.
Còn nếu ta lấy tay nắm cánh quạt mà quay. Cái đấy gọi là Thể Dục thông thường!
Dòng Khí này, Phật lực này ai cũng có, bởi ai cũng có Chân Nhân hay Con Người Thật của mình ẩn tàng bên trong. Nhưng do rối loạn tâm, do căn trần duyên nhau, do trụ “Ngã”, do phóng chiếu qua lăng kính cái Tôi, nên sự luân chuyển tự nhiên của Phật lực bị đứt đi, bị rối loạn, bị mê mờ không hiển thị thành sức mạnh khả dụng được.
Nay do hành thiền, tập định, do nhứt thời không rối loạn tâm khi thực hành Khí Công Dưỡng Sinh hay Thiền Năng Lượng mà tái lập sự vận hành tự nhiên của Phật lực. Qua nhận biết tỉnh giác và Phật lực tương ưng, nên Con Người Thật của mình phục sinh. Do vậy mà lành bệnh, do vậy mà tăng cường sức khỏe, do vậy mà phát sinh trí tuệ và thân tâm thường an lạc.
Này Cỏ May, không phải ráng tập, ráng tu, để đạt những cái ấy, mà là thuận tự nhiên, không giả tạo, sống bằng con tim nhân hậu và không cản trở thì điều ấy tự nhiên thành. Cái ấy gọi là:“Mây mù tan thì huệ nhựt tự chiếu sáng” vậy!
Này Cỏ May, ông hỏi thế tại sao ta và những vị huynh cao cấp của bản môn khi đắc khí lại yên lặng không hề chuyển động?- Cái đấy gọi là “Gió thổi nhà trống, lửa cháy khoảng không”
Nghĩa là:
1. Khi đắc khí nếu Thân còn bệnh :
Thì cơ thể sẽ chuyển động theo muôn ngàn tư thế khác nhau. Không phải những tư thế này chữa lành bệnh. Mà Khí hay Phật lực bên trong di chuyển về “Ổ Bệnh” để quân bình âm dương và làm lành bệnh. Này Cỏ May, sự chuyển động của cơ thể chỉ là hiện tượng và bản chất của nó là dòng chảy của Phật lực ẩn tàng bên trong:
2. Do vậy khi một người Thân không có bệnh:
Thì đắc khí cơ thể sẽ tự chuyển động TRANG NGHIÊM. Đấy là khi người bệnh còn chấp Thân này là mình. Nếu người ấy qua tu học không còn “Chấp Thân” nữa, mà thân cũng không bệnh. Thì khi đắc khí Thân người ấy sẽ lặng ngắt không hề chuyển động!
3. Do vậy khi một người Thân đã lành bệnh nhưng tâm còn bị bệnh:
Thì đắc khí cơ thể sẽ chuyển động có tướng là TRANG NGHIÊM, nhưng trạng thái của động tác lại nhuốm màu tham dục.
Thí dụ:
Người ấy Sân bên trong, thì bên ngoài động tác đắc khí tuy điều hòa nhưng sẽ có trạng thái của Sân Hận.
Người ấy Si bên trong thì bên ngoài động tác đắc khí tuy điều hòa nhưng sẽ có trạng thái của Si.
Người ấy có tâm Tham bên trong, thì bên ngoài động tác đắc khí tuy điều hòa nhưng sẽ có trạng thái của Tham.
Này Cỏ May, người ấy không giả vờ được khi đắc khí, nên các biểu hiện khi đắc khí là “Thật Tướng của Tâm Thức” người tu.
Cái gọi là Tập khí nhiều đời và các Lậu Vi Tế khi đắc khí đều phơi bày ra bên ngoài qua trạng thái của động tác. Do vậy mà người Giám Thiền có căn cứ để hướng dẫn các Pháp Đối Trị thích hợp cho từng người.
Này Cỏ May, ta có thể theo dõi lời nói và hành động của người tu trong Thiền đường để tùy theo đấy mà có pháp đối trị. Nhưng đấy là đối với các LỖI THÔ.
Còn đối với người khéo nhịn, khéo đóng kịch và các LỖI VI TẾ thì phải qua trạng thái động tác của họ khi đắc khí mới có thể biết được, để tùy theo đấy mà có pháp đối trị.
Này Cỏ May, bản tánh của loài người là khéo đóng kịch.
Khi có người đối diện, nếu là người chưa chứng ngộ thì tòan bộ lời nói và động tác của người ấy đều là đang đóng kịch một cách có ý thức hoặc vô thức.
Bởi vậy người xưa có dạy rằng:
“Xét quân tử thì hãy xét trong phòng kín”
Ta nay cũng nương theo đấy mà rút ra được một kinh nghiệm là:
“Xét tâm thức của người Tu thì hãy xét khi họ Đắc Khí”
Hềhề... Qua các trạng thái của động tác, người thực hành thiền năng lượng như là được khám bệnh cho Tâm. Nên sau đấy sẽ được các vị Giám Thiền hướng dẫn các pháp đối trị để trị lành tâm bệnh. Khi tâm bệnh đã lành rồi, biểu hiện của động tác khi đắc khí lập tức không nhuốm màu Tham, Sân, Si nữa.
4. Do vậy khi một người Thân đã lành bệnh, Tâm đã lành bệnh. Nhưng còn “Chấp” Thân Tâm này là Mình:
Thì khi đắc khí cơ thể sẽ chuyển động TRANG NGHIÊM vàTHANH TỊNH. Nếu người ấy đang niệm Phật trì kinh, trì chú, thì động tác sẽ có tính thiêng liêng, nhàn hạ, ung dung, tự tại.
5. Do vậy khi một người Thân đã lành bệnh, Tâm đã lành bệnh. Và “Không Chấp” Thân Tâm này là Mình:
Thì khi đắc khí cơ thể sẽ ngồi im, lặng ngắt, nụ cười an lạc nở trên môi, không chuyển động ở cơ thể cũng như có các biểu hiện tâm lý khác. Toàn thân tuy ngồi im mà tràn đầy phúc lạc.
Mô Phât! Và đó chính là THIỀN TỊNH thực sự.
Này Cỏ May.
Vậy đắc khí và chuyển động trị bệnh không chưa đủ. Mà phải còn luôn nhận biết tỉnh giác điều chỉnh toàn bộ trạng thái động tác và các biểu hiện tâm lý mà năng lượng giác ngộ đã phơi bày trần trụi ra bên ngoài. Làm cho mọi biểu hiện này Trang Nghiêm Thanh Tịnh, An Lạc và vô dục.
Hềhề... Ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy.
Ông hỏi thì ta chỉ thuận miệng nói thế thôi, chứ ta chỉ là một lão già nhà quê ở xó núi, đạo học là bao mà dám lộng ngôn.
Mô Phật!
Ông nên tác bạch việc này để chư tăng và chư Thiện Tri Thức phát tâm chỉ dạy cho thì mới được.
Tưởng Vậy/13/9/2008