Đây là một vấn đề khá lý thú và tế nhị. Trước đã có biết bao bậc cao nhân bàn luận, chắc chắn sau này chẳng thiếu người tiếp tục góp hương góp sắc. Bạn hỏi đã lâu mà chưa có người thảo luận. Sợ bạn buồn chẳng đến uống trà nửa, quán ế đóng cửa thì tớ bị mất chỗ uống ké. Do vậy bạo gan trao đổi với bạn dưới góc độ của người tập khí công. Hy vọng đây chỉ là động tác khơi mào khiến nhiều vị khác ham vui mà đến thì tớ ắt được nhờ.! . . .hì hì!. . . Phải chăng Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký chính là khỉ Thần Hanoma của Ấn giáo? Phải chăng Đường Tam Tạng là hình ảnh Huyền Trang, nhà sư Trung Quốc mà cuộc Tây Du thỉnh kinh với muôn vàn gian khổ đã đi vào chuyện truyền khẩu dân gian? Nếu đúng như vậy, có thể nói Ngô Thừa Ân đã hợp nhất cái siêu thức của người Ấn với cái thực tiễn của người Trung Quốc để trở thành một thiên bi hùng ca trác tuyệt. Đứng ở góc nhìn Khí Công, tác phẩm có thể được xem như một giáo án sinh động vĩ đại. Qua đó kỹ thuật thăng hoa năng lượng Kundalini của Ấn giáo đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn với tình Thiền của Phật giáo để trở thành phương tiện thiện xảo của người truy tìm chân lý. Ngoài giá trị về văn chương nghệ thuật, tác phẩm còn minh hoạ rõ nét quá trình thăng hoa tiến hoá của người hành công, để thực chứng giác ngộ và thể nhập trạng thái như thị: I/ Tây Du Ký và các giai đoạn hành công: Tuỳ theo yêu cầu tập luyện, quá trình hành công có thể chia ra làm nhiều giai đoạn. Nếu muốn áp dụng yếu lĩnh Tây Du Ký vào việc luyện khí ta có thể tạm chia con đường: “ Dụng Tinh hoá Khí, dụng Khí hoá Thần, dụng Thần hoàn Hư” làm 3 giai đoạn: -Khí công cơ bản: điều thân -Khí công trung cấp: điều tâm -Khí công cao cấp: “ Thiên Địa Nhân đồng nhất”
1.Giai đoạn điều thân Là giai đoạn “Dụng Tinh hoá Khí”. Người tập khí công định tâm, trụ vào giác tánh, giữ chánh niệm khi hành công và trong cuộc sống. Đạt trạng thái đắc khí, tập làm chủ luồng năng lượng này, để thăng hoa tiến hoá lên những mức độ cao hơn. Một số bài tập Khí công thường sử dụng trong giai đoạn này là: -Đắc khí tự trị bệnh với các bài tập: Dò ổ bệnh, xoa bóp day bấm huyệt bằng nội lực, điều khí tự trị bệnh, thiên hương khí, lôi hoả châm, . . . -An thần giảm căng thẳng não với các bài tập: Ngũ Khí công, giải toả stress, thư giãn, thở bụng .v . v . . . -Luyện cơ bắp thể lực với các bài tập: Nhu Quyền, Xà Quyền, Dịch Cân Kinh, Thất Tinh Quyền, Côn khí, Nội gia Thái Cực, Kim Cang Thủ, Nhất nguyên quyền, Trung bình tiên1 và 2, xoa bóp day bấm huyệt 1 và 2. -Tập làm chủ khí với các bài tập: Điều khí vận động các khớp trong cơ thể, Gia giảm khí lực, Quay luân xa, Điều khí thực hiện các động tác qui định trước, Lượng công, tập khí công từ xa . v. v. . . . Liên hệ với Tây Du Ký: Toàn bộ quá trình “Luyện Tinh hoá khí” ở trên, đã được Ngô Thừa Ân tiểu thuyết hoá trong Tây Du ký rất sinh động. Tương ứng với giai đoạn Tôn Ngộ Không từ động Thuỷ Liêm núi Hoa Quả, vượt biển đi học đạo với tổ sư Bồ Đề, xuống Thuỷ Cung lấy áo giáp và thiết bảng, xuống U Minh giới chiến thắng ma quân, xoá sổ sinh tử. Đây là toàn bộ các khả năng Tôn Ngộ Không chuẩn bị để sau này có thể đại náo thiên đình. Tương ứng với giai đoạn động công, nhằm chuẩn bị cho người hành công đầy đủ khả năng về tâm lý cũng như năng lượng để có thể thực hành việc điều tâm có kết quả, có thể nhập định an toàn hiệu quả, vượt qua giới hạn của tâm trí nhị nguyên tiến vào trạng thái bất tư nghì của giai đoạn “Thần hoàn Hư”. 2.Giai đoạn điều tâm: Là giai đoạn “ Dụng Khí hoá Thần”. Người luyện Khí, dụng tâm quán tâm. Trụ vào thế tịnh làm chứng nhân cho mọi biểu hiện tâm lý. Diệt trừ vọng niệm. Đạt tâm không, thực chứng trạng thái “ Thần hoàn Hư”nghĩa là vượt khỏi xiềng xích của tâm trí nhị nguyên, thể nhập trạng thái rỗng không phản ảnh như thị. Một số bài tập Khí công thường sử dụng trong giai đoạn này là: -Tập chánh niệm và tỉnh giác với các bài tập: Quán hơi thở, quán khí, quán động tác, quán âm, hiệp khí viên dung, thanh tịnh lục căn. v. v. . Liên hệ với Tây Du Ký: Toàn bộ quá trình trên được Ngô Thừa Ân tiểu thuyết hoá trong Tây Du ký tương ứng với giai đoạn Tôn Ngộ Không lên thiên đình làm Bật Mã Ôn, làm quan không quản lý bộ nào. Coi vườn đào tiên, ăn trộm đào, uống linh đan, đập vỡ lò bát quái của Thái Thượng Lão Quân, đại náo thiên đình, bị đè ở Ngũ Hành Sơn và được Đường Tam Tạng cứu thoát. 3.Giai đoạn “Thiên Địa Nhân” đồng nhất: Do vượt khỏi nhị nguyên nên người luyện khí vượt khỏi ranh giới ta - người, con người - vũ trụ .v .v . . .thể nhập “Cái MỘT” bất khả phân của Đạo. Bởi vậy Khí với người là một, tri với hành hợp nhất, Không điều khí mà khí tự hành, không cố gắng mà luôn có cái biết tự nhiên, không làm mà làm, không nói mà nói. Ấy là vì trời đất hiển thị qua cái rỗng không mà thành, chứ không có người làm, không có người thọ. Luôn nổi trên dòng chảy của Dịch nên tịnh mà cùng biến thiên là vậy. Một số bài tập Khí Công thường sử dụng trong giai đoạn này là: -Tập giao hoà hợp nhất với môi trường sống và khí bản nhiên: Thái Thụ Khí, Thái Âm công, Thái Dương công, Chọn vị trí và hướng hành công, tập khí công trong giấc ngủ, kỹ thuật an toàn về năng lượng, Đại Thủ Ấn, quán giả, quán không, trung quán song chiếu, áp dụng khí công vào cuộc sống . v. v. . Liên hệ với Tây Du Ký: Toàn bộ quá trình trên được Ngô Thừa Ân tiểu thuyết hoá trong Tây Du ký tương ứng với giai đoạn 5 thầy trò Đường Tăng thấy xác mình trôi trên sông. Gặp Phật Tổ Như Lai, thỉnh được kinh vô tự tại chùa Lôi Âm (tượng trưng cho trạng thái Chân Không). Và thỉnh được kinh có chữ mang về (tượng trưng cho trạng thái Diệu Hữu). II/ Hành trạng của từng nhân vật liên hệ với kỹ thuật luyện công: Cuộc hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh của 5 thầy trò Đường tăng, tượng trưng cho quá trình rèn luyện Thân Tâm nhằm chuyển hoá và thăng hoa cho đến ngày giác ngộ. Trong đấy Tôn Ngộ Không tượng trưng cho năng lượng khí là phương tiện cơ bản của người luyện công. Đường Tam Tạng tượng trưng cho cái thiện của tâm trí nhị nguyên, là trạng thái tâm lý chủ đạo trong việc điều khí. Bát Giới tượng trưng cho tham sân si, cái thuộc về bản chất, người tu tập không thể diệt trừ mà chỉ có thể chuyển hoá thành giới định huệ để làm phương tiện giác ngộ. Sa Tăng tượng trưng cho sự chấp thủ, tuy tinh tấn nhưng chấp chặt vào kinh điển sách vở, vào nghi thức và các lối mòn tư duy, không có tính cá nhân và tự phát của thiền. Chấp thủ thuộc về bản chất và do chấp ngã mà thành. Do vậy không thể từ bỏ được, chỉ có thể chuyển hoá thăng hoa qua con đường trung đạo, không chấp cũng không bỏ để trở thành chính mình. Ngựa Trắng vốn là Thái Tử Long Cung hoá thành, tượng trưng cho việc người tu tập phải biết sử dụng phương tiện để cầu giác ngộ. 1/ Tôn Ngộ Không và con đường thăng hoa của năng lượng: Tôn Ngộ Không do hòn đá thụ khí âm dương của trời đất mà sinh ra. Tượng trưng cho khí hay hoả xà kundalini từ bản thể hiển thị mà thành. Cuộc đời hoạt động của nhân vật Tôn Ngộ Không tương ứng với quá trình luyện Tinh hoá Khí, luyện Khí hoá Thần, luyện Thần hoàn Hư theo Khí Công. Nó cũng tương ứng quá trình hành công hợp nhất năng lượng ở 2 kênh Ida và Pingala thành năng lượng giác ngộ trong kênh trung đạo Sushuma, thúc đẩy Kundalini thăng hoa đột phá qua 7 luân xa để giao hoà hợp nhất với năng lượng vũ trụ và thực chứng giác ngộ theo Yoga: a/Điều khí theo vòng châu thiên (Khí Công): Khởi sự điều khí đi xuống lần lượt qua các huyệt sau: Liêm Tuyền, Thiên Đột, Đản Trung, Cưu Vỉ, Thần Khuyết, Khí Hải, Hội Âm. Tại đây hàm hung bạt bối đẩy khí qua huyệt Trường Cường thuộc đốc mạch. Tiếp theo điều khí theo đốc mạch dẫn khí đi ngược cột sống lên đỉnh đầu. Lần lượt qua các huyệt sau: Trường Cường, Đương Quan, Mệnh Môn, Tâm Du, Đại Chuỳ, Ngạnh Trung, Bách Hội, Ấn Đường, Ngân Giao. Đến đây vì lưỡi đang cong lên đụng lợi hàm răng trên, nên tiếp tục đẩy khí qua huyệt Liêm Tuyền thuộc nhâm mạch, kết thúc một vòng châu thiên. Sau đó lại tiếp tục điều khí như trước. Như vậy khí công điều khí theo đường tròn khép kín. Bởi Đan điền Tinh( Khí Hải) của Khí Công trùng với vị trí của luân xa 2 theo Yoga, đan điền Khí (Đản Trung) của khí công trùng với vị trí của luân xa 4 theo Yoga và đan điền Thần (Ấn đường) của khí công trùng với luân xa 6 theo Yoga. Hơn nữa đường đi của nhâm đốc mạch theo khí công lại trùng với đường đi của kênh sushuma. Nên hệ thống 3 đan điền có thể xem như là 7 luân xa thu gọn lại mà thôi! . . b/Điều khí theo Yoga: Người Ấn điều khí theo đường thẳng đứng lần lượt từ dưới lên đỉnh đầu. Nội hoả Kundalini thăng hoa trong tuỷ sống tiến vào đại não khai mở 7 luân xa. Hợp nhất nội năng trong cơ thể với năng lượng vũ trụ, vượt khỏi tâm trí nhị nguyên, thực chứng trạng thái như thị. c/Đường đi của nhân vật Tôn Ngộ Không: Có thể xem đường đi của Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký trải qua 7 giai đoạn tương ứng với 7 luân xa trong kỹ thuật luyện hoả xà của Yoga Ấn giáo và như vậy đương nhiên nó cũng minh hoạ cho con đường thăng hoa của khí qua 3 đan điền để tam hoa tụ đỉnh theo quá trình luyện đan của người Trung Quốc: - Tôn Ngộ Không tượng trưng cho hoả xà Kundalini hoặc năng lượng khí do vậy nơi ở của nhân vật này khiến ta liên tưởng đến vị trí các luân xa hoặc các đan điền: •Vị trí thứ nhất: Tôn Ngộ Không làm vua tại động Thuỷ Liêm núi Hoa Quả: Minh hoạ cho việc hoả xà kundalini đang nằm tại luân xa 1 Muladhara. Tượng trưng cho tâm thức vô minh, luôn nô lệ cho bản năng. Cư dân của Hoa Quả sơn chỉ toàn là khỉ (loài vật). Tượng trưng cho việc, khi năng lượng còn tập trung ở trung tâm dục. Mọi biểu hiện sẽ là bản năng của loài vật. Con người khi ấy luôn nô lệ cho dục tính, luôn chạy theo việc thoả mãn cảm giác và đấu tranh nhau để sở hữu thật nhiều phương tiện thoả mãn cảm giác. Xem đó là lý tưởng của cuộc đời. Khỉ Già chết minh hoạ cho việc nhân sinh quan cũ sụp đổ, chấm dứt sự hướng ngoại chạy theo nhu cầu thoả mãn những đòi hỏi thuộc bản năng động vật. Con người khởi sự hướng nội để tự thăng hoa phát triển về hướng chân thiện mỹ. Ngô Thừa Ân minh hoạ cho việc này bằng hình tượng Tôn Ngộ Không quyết định rời Hoa Quả sơn để tầm sư học đạo.
(Còn tiếp)
Ba Gàn/26/11/2008
(Bài thảo luận từ diễn đàn và bài tổng hợp)