Bài ca đôi nạng gỗ
- Thưa cụ câu thần chú : Um mani padme hum, có nghĩa là gì? - Thần chú không có nghĩa! - Tại sao thế?

- “Nghĩa” thuộc phạm trù khái niệm, tức là sản phẩm của tâm trí. Trong khi thần chú lại thuộc về cái tối thượng vô giới hạn, nên phi khái niệm.
- Thế, sao có nhiều sách giải thích nghĩa của một số thần chú. Cụ thể nếu tôi nhớ không lầm. Có lần cụ cũng giải thích nghĩa của thần chú Um mani Padme hum rồi. Nhưng tôi vì quên nên nay mới hỏi lại?
- Ta chỉ giải thích nghĩa của câu chữ: Um mani padme hum, chứ không phải thần chú Um mani padme hum. . .!. . .
- Thưa cụ, có gì khác biệt giữa hai việc ấy vì cùng là một câu ấy cả?
- Có chứ!. . . Câu chữ và cụ thể là âm thanh của nó chỉ là cái mắc áo. Và sức thần linh diệu bên trong cái ấy mới là cái áo!. . . . .
- Vậy cách hành trì thần chú như thế nào mới có hiệu lực?
- Mô phật!. . .Không cần hành trì gì, thần chú vẫn đang hiệu lực.
- Tại sao thế?
- Nếu là thần chú thì thuộc về cái tối thượng. Nên muôn đời nó “vẫn đang là” chưa bao giờ ngừng nghỉ, chẳng có bắt đầu và cũng chẳng có kết thúc!. . . .Nếu phải đọc lên mới có hiệu lực thì nó thuộc về thế gian pháp chẳng phải “thần” nữa.
- Thế tại sao trong kinh sách chư Bồ Tát lại dạy người ta niệm thần chú?
- Mô Phật!. . .Người ta ở đây ám chỉ “con người thật” chứ không phải niệm bằng cái miệng máu thịt với cái tâm ham pháp thuật thần thông.
- Mô Phật!. . .Đã là con người thật thì tại sao còn phải niệm?
- Vâng tại sao lại phải niệm?
- Cụ chẳng thấy mình đang mâu thuẫn sao?
- Chẳng phải mâu thuẫn. Vì nếu niệm thần chú bằng cái miệng máu thịt với cái tâm ham pháp thì cái được chỉ là : “cái mắc áo”. Nghĩa là: Khả năng đọc tiếng Phạn rất hay và cái vẻ bề ngoài trang nghiêm đạo mạo. . . .
Còn khi hành thiền hội nhập với con người thật của mình rồi, thì âm thanh của: Um mani padme hum, sẽ là cái duyên để “Con người thật” hiển thị âm nhạc của cõi lặng yên với vũ điệu của tình yêu tối thượng! . .
- Xin cụ cho một thí dụ về vấn đề này?
- Này Cỏ May!. . .Khi tia nắng ban mai đầu tiên vừa chiếu rọi thì con chim chìa vôi cất tiếng hót líu lo và xoè đuôi múa điệu múa của tình yêu bất diệt. . . .Ta cũng vậy . Khi âm thanh của thần chú vang lên. “ Con người thật” trong ta chợt cất cao tiếng niệm thần chú với sự giao hoà đồng cảm và rung động sâu xa .
Này Cỏ May!. . .Việc niệm thần chú trở thành cái tự nhiên. . . .Sức thần niệm chứ không phải “cái ta” niệm và ta cũng như con chim chìa vôi kia. . .ta cũng giao hoà năng lượng và múa điệu múa của tình yêu tối thượng. . . .
Này Cỏ May!. . .Trong ánh sáng ban mai lúc cao độ của nó, con chim chìa vôi tràn đầy ngẫu hứng. . .nó hót nhiều giọng điệu nhiều cung bậc mà vẫn là tiếng hót chìa vôi. . . .mà con chim mái vẫn rung động và vẫn đến. . . .Ta cũng vậy trong hào quang của Như Lai, khi giao hoà và đồng cảm cao độ thì chẳng còn đúng sai. . .chẳng còn tiếng Phạn hay tiếng Việt. . . . . .chẳng câu nệ câu này chữ nọ. . . .Khi ấy mọi thần chú đều như nhau. . . mọi cung bậc và âm điệu đều như nhau. . . .chẳng sai. . .chẳng đúng. . .chỉ còn nương cái ấy để giao hoà. . . . . .để cái Một và “cái toàn diện” tan chảy, trộn lẫn và biến mất vào nhau!. . .
Này Cỏ May!. . .khi ấy. . .câu chữ đã chết. . . mà sức thần của câu chữ thì lại đang sống dậy cất lời ca và múa điệu múa của linh hồn!. . . .
Mô Phật!. . .Cũng như con chim chìa vôi kia, sau khi nó hót thì con chim mái đến!. . . .Ta cũng vậy sau khi “con người thật” hát thần chú. . .múa thần chú. . . .thì Thượng Đế đến. . .thì người yêu tối thượng và thiêng liêng đến!. . . .
Sau khi con mái đến thì con chim chìa vôi không hót nữa vì có sự hợp nhất sâu sắc thế!. . . .
Mô Phật!. . . .Ta cũng vậy. . .sau khi thiêng liêng đến thì mọi thần chú đều im bặt. . . mọi điệu múa đều lặng ngắt. . . .Nhường chỗ cho sự tan chảy của ta vào Thượng Đế. . .và sự biến mất của Thượng đế vào trong ta! . . . .
Này Cỏ May!. . .Khi ấy Phật và chúng sanh đều biến mất. . .cái còn lại chỉ là tình yêu tối thượng đang múa đang hát hoặc đang lặng yên mà chất ngất trào dâng !. . . . . .

- Mô Phật!. . .Xim cảm ơn cụ về tất cả những gì cụ đã nói và hiển thị hôm nay.
- Này Cỏ May!. . . .Ta tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Ông nên tác bạch việc này với chư tăng và chư thiện tri thức để các ngài ấy phát tâm chỉ dạy. . . Rồi khi nào rảnh đến đây uống trà nói lại để ta học với!. . . .
- Mô Phật!. . . .Sao cụ không tự mình hỏi có hơn không?
- Ta cũng đang hỏi và đang tu học không phút nào ngừng bằng giao hoà đồng cảm và tỉnh giác!. . . .

Tưởng Vậy/17/10/2006