1/ Đang có việc rối rắm khó giải quyết mà vẫn có thể ung dung nhàn hạ chơi cờ và thắng đối thủ giỏi cờ. Đó là đại định. Đó gọi là “ Tri chỉ nhi hậu hữu định. Định nhi hậu năng an. . .”
2/ Đang có việc trở ngại cần phải dụng tâm lực giải quyết. Thế mà vẫn ung dung nhàn hạ làm được bài thơ hay, ý tứ thâm trầm, cảm xúc thanh tao, lay động lòng người. Người như vậy gọi là “cùng trôi”. Người như vậy gọi là “vô tác”.
3/ Thiên hạ rủ uống rượu thì uống chất thơ trong rượu. Thiên hạ rủ làm thơ thì uống chất rượu trong thơ. Người như vậy gọi là “ nghệ sĩ tâm linh”.
4/ Làm thơ theo cái hứng của mình gọi là thi sĩ. Lúc nào cũng tuỳ hứng với chúng sanh, còn thơ thì tự nhiên tuôn trào thì gọi là “đạo sĩ”.
5/ Nghe nói chuyện đạo không bực mình. Nghe nói chuyện đời không a dua. Thiên hạ ham nói ham nghe, còn mình thì ung dung nhàn hạ uống trà và hoà với cái vui không phán xét. Người như vậy gọi là “tự tại”.
6/ Bài thơ đừng viết hết. Hãy là bài thơ dang dở, để người đọc có cái không gian rộng rãi mà tưởng tượng mà cảm xúc. Bức trang đừng vẽ hết. Lời nói đừng nói hết, đừng nói cạn lời. Hãy chỉ khơi nguồn cảm xúc, đừng định hướng con tim người khác. Thiên hạ đi tu là đem cây đuốc chưa cháy đến mồi lửa ở cây đuốc đang cháy. Chỉ tiếp cận họ ít nhất, rồi để họ tự cháy mới là “ pháp vô tận đăng”. Sở hữu đệ tử là tội ác của các vị thầy.
7/ Gặp là “ngộ” cho dù ngộ lý, ngộ sự, ngộ lý sự viên dung hay ngộ vị thầy gồm đủ các việc nầy cũng không bằng ngộ “Phật tánh” ẩn tàng trong sự vật. Ngộ Phật Tánh cũng không bằng Ngộ Tánh. Khi ấy thì gọi là Satori.
8/ Uống rượu dưới trăng, uống luôn ánh trăng vào bụng.Làm thơ trong cõi nhân gian, làm luôn cái việc thượng đế đang làm.
9/ Ra ngoài mưa uống trà khác chi ngồi trong nhà niệm thần chú.Nếu thấy trà vẫn thơm thì hiệu lệnh được Quỉ Thần. Nếu mưa ướt không làm mất đi sự thú vị của ly trà thì “ về nhà” hay “rong chơi” cõi ta bà có chi khác biệt. Lẽ dĩ nhiên thế gian sẽ nói ta điên. . .hề hề. . .
10/ Gõ vào mõ, mõ liền kêu cốc. . .cốc. . .Gõ vào chuông, chuông liền kêu . . .uông. . .uông. . .Gõ vào cốc gõ vào uông, cái biết liền buông nghe thấyHề hề. . .