1. Nếu có chân lý, chân lý phải bao la vô giới hạn. Không ai có thể nhét nó vào một câu nói, một hành động, thậm chí một phương pháp. Người thuyết giảng nhiều, giống như con kiến bò trên miệng chén chẳng đi đến đâu. Cái mà họ truyền đạt được chỉ là kiến thức hoặc sở tri kiến mà nhiều khi cái ấy theo năm tháng cũng biến chất đi vì tâm lý đám đông. 
- Này Cỏ May. Ông xem ta có thành con kiến hay chưa? 
- Cụ chưa có giấy phép để thành. . .hề hề. . .

2. Mỗi người đều có những điều tuyệt diệu của riêng mình. Những điều chân thật trần trụi không giả tạo. Người khác chỉ có thể đồng cảm phi tâm trí và qua sự đồng điệu ấy sẽ có sự cảm thông đồng giai điệu, Nhưng vĩnh viễn không ai biết ai. 
Này Cỏ May, ta và ông đang đứng trước nhau thế mà còn không thể biết nhau huống hồ là biết chân lý. Vậy cho nên ông đừng giảng người ta chân lý là gì, mà hãy nói lại kinh nghiệm của riêng mình làm sao để tránh bị tổn thương như mình đã bị.

3. Này Cỏ May, nơi để có thể xảy ra sự đồng cảm với người khác luôn là im lặng, là điểm dừng giữa 2 hai thở, là điểm dừng giữa 2 lời nói, là kẽ hở giữa những bài thuyết giảng tràng giang liên miên bất tận, là khoảng trống giữa các ý nghĩ, là lúc mà mọi cảm xúc tạm thời lắng xuống bình yên. . . Này Cỏ May, người đạo đức là người thành thật. Người thành thật thì sống tự nhiên không nhằm biến người khác thành đệ tử hay người lệ thuộc.

4. Nghe là qua lời nói. “Lắng nghe” là cảm nhận sự hiện hữu của đối tượng trong im lặng. Thế thì tai chỉ là phương tiện đầu tiên của người sơ học. Bạn chỉ có thể nghe qua tai, nhưng trong thiền bạn có thể “lắng nghe” qua mọi giác quan của cơ thể. Và thế rồi đến mùa thì hoa nở. Một giây phút nào đấy “không có đối tượng” “không có nguyên nhân” mà bạn vẫn có cái tự nhiên biết như là đang “lắng nghe”. Bạn nghe mà không có người nhe. Gọi là Tánh nghe.

5. Này Cỏ May. Qua thời gian, “nghe” của người trò sẽ biến thành “lắng nghe”. Sự giảng dạy của thầy không cần nữa mà thầy biến thành “sự hiện hữu” . Thế rồi sự hiện hữu của thầy không là vấn đề chỉ còn lại “sự hiện hữu”. Hề hề. . . đấy là lúc “nghe” bằng cái tai máu thịt và cái đầu phán xét tự nhiên thể nhập Tánh Nghe.

Hề hề. . . Ta nói vậy, ông cứ xem như là nói bậy vì đằng nào cũng bò quanh miệng chén ! . . .

6.
Lá bàng chin đỏ như cái quạt
Nhiều quạt đỏ rơi trên cỏ xanh
Hề hề. . .
Ta nhặt một cái
Vừa đi vừa quạt
Có tiếng cao các kêu trên cây bồ đề
Xuân đã về rồi sao?