1. Khi bạn tự do khỏi chính mình, tự do khỏi ngòi bút mình, tự do với xã hội dù vẫn sống trong nó, tự do khỏi thượng đế và thánh thần hữu tướng. Thì bạn nói và viết là vô ích vì chẳng ai hiểu và đồng cảm với bạn. Tình yêu tối thượng khi ấy chỉ nên im lặng và tận hưởng.
2. Đó là đối với những người vô cảm với bạn. Còn đối với những người đồng cảm bạn thì bạn nói và viết hay chỉ bày cho họ cũng là vô ích. Vì kém như mình mà mình còn biết, còn làm được huống hồ thông minh tài trí và mưu lược như họ. . .hề hề. . .
3. Cho nên buộc phải viết thì viết thật ít thật cô đọng để trả nợ cơm ăn nước uống. Buộc phải nói thì nói thật ít thật cô đọng để trả nợ chỗ ngủ và chỗ chơi. . . hề hề. . . Cho dù thế, chống đối và chê cười là điều không bao giờ tránh được. Bạn đã có cái gan viết và nói thì phải có cái gan mặc kệ cuộc đời.
4. Những người không muốn leo qua dốc thì thôi vậy. Những người dù muốn đi nhưng không đủ sức leo qua, họ cần sống ở bên nầy dốc cho thích hợp với sức khỏe của mình, thì cũng thôi vậy. Nhưng có những người đã lên gần tới đỉnh, chỉ cần một chú xíu sức lực là họ qua được bên kia dốc, vì ở bên ấy khí hậu và điều kiện sống phù hợp với họ hơn bên nầy. Thế thì sao, bạn cũng đang đi bên cạnh. Khi ấy bạn chỉ cần kéo họ, hích họ một chút xíu thôi là họ qua được. Bạn tiếc gì mà không làm chứ. Họ qua dốc là công của họ, bạn chỉ là người đồng hành giúp họ một chút xíu sức lực của mình thì có đáng gì mà kể công, thì đâu phải là đạo sư, đâu phải là thiền sư, đâu phải là bổn sư của họ chớ?. . .Hề hề. . .Đừng lạm xưng mà có lỗi với cuộc đời nầy.
5. Moska hay tự do thực sự chỉ có ở bản thể, chỉ có ở bên trong bạn. Bên ngoài con người là một hiện tượng. Do vậy phải có sự liên thuộc và sự tự chế của từng cá thể. Bên ngoài không thể có tự do đúng nghĩa. Cho nên tôn giáo nói tự do là nói về bản thể của bạn chứ không phải về thể xác vật lý. Và các sự liên thuộc của bạn với mọi người và xã hội không phải là mất tự do. Không cái gì có thể làm mất tự do bên trong của bạn được. Cho nên bên ngoài bạn phải chấp nhận sự liên thuộc với xã hội mà phải có khả năng luôn thích ứng mọi tình huống.
6. Cầu nguyện thực sự chỉ có khi bạn đang trong trạng thái thiền. Bởi vì khi ấy bạn tự do khỏi mọi ước định của xã hội về tôn giáo, về thượng đế, về chúng sanh và về các các tầng trời và địa ngục. . .Bạn chỉ thực sự đối diện với thiêng liêng theo kiểu của bạn. Nó là sự hợp nhất với im lặng mênh mông.
7. Đừng biện minh, đừng thuyết phục, đừng cố chứng minh. Bạn chỉ đơn giản hiện diện một cách tự nhiên và thực tiển. Nếu ngẫu hứng nói, viết và làm. . .v.v. . thì cũng từ đấy mà ra.
8. Tu không phải là làm cái gì đấy để “được”. Mà là làm tự nhiên vì tình yêu. Đừng chạy đi kiếm học trò. Đừng chạy đi kiếm người tán thưởng mình. Cái ngã từ thiện, cái ngã hành bồ tát đạo sẽ làm bạn mất đi cái gốc tự nhiên và bị sống theo cái vỏ đạo đức mà xã hội đã ước định. Hãy hành động vì tình thương. Hãy hiện diện như một thực tại trần trụi. Và giá trị của bạn cũng như của bất kỳ ai luôn là duy nhất một nên bạn không cần phải kèn cựa với ai.
9. Cuộc sống nầy chỉ là nơi chơi đùa thôi. Nếu bạn xem nó quá nghiêm túc bạn sẽ khổ và sẽ sa vào đấu tranh giành dật. Ngay cả đạo cũng chỉ là để chơi thôi mà. Đạo thực sự là vô hình, vô tướng, philogic. . .là bản thể phi nhân cách. . .thì chẳng có cách nào để truyền đạt cả. Thế thì dụng công cố gắng ích gì chớ?Hề hề. . .Nếu để chỉ măt trăng thì dùng ngón tay nào mà chả được. Nếu ngón tay có đeo nhẫn, có sơn phết hay là dùng cây cột thật to để chỉ . . .v.v. . .cũng là để chơi thôi mà. Mặt trăng mới là quan trọng. Cường điệu cái ngón tay, bộ muốn thiên hạ dòm cái ngón tay quên dòm mặt trăng sao?
10. Tâm linh không phải là một thế giới với Trời Phật Tiên Thánh Ma Quỉ. . .v.v. . Tâm linh là trạng thái khi bạn không bị đồng nhất với mọi thứ thấy biết của mình. Khi bạn vẫn còn là người chứng kiến. Về thực tiển, tâm linh là thái độ sống thích ứng với mọi thứ trong khi bạn vẫn giữ được chính mình không bị xã hội lôi kéo làm mất bản chất. Hãy là người tâm linh và đừng là người mê tín.>>>
(Niêm hoa vi tiếu)