1. Hy vọng tạo ra đông lực để làm việc. Nhưng nếu hy vọng bị cường điệu nó sẽ thành ham muốn. Ham muốn là không nên dù là ham muốn làm thiện. Bởi vì khi ấy bạn mất bình thường nên không làm chủ được lời nói và hành động.
2. Tri thức là kinh nghiệm của người khác. Trong khi tu học bắt buộc phải là kinh nghiệm của chính bạn. Thế cho nên bạn phải trải nghiệm lại những điều thánh nhân nói, chứ đừng vội tin như một kiểu tri thức.
3. Tri thức là tích lủy kinh nghiệm của người khác. Nó có lợi trong việc áp dụng vào đời sống vật chất. Nhưng là trở ngại trên con đường truy tìm chân lý, nếu bạn chấp vào nó. Thế cho nên khi gọi là giải thoát thì phải giải thoát khỏi “sở tri kiến” là giải thoát khỏi cái biết riêng của mình. Do vậy một vị thầy tâm linh thực sự thì thường không quá chú trọng vào việc truyền dạy kinh nghiệm của người khác, mà giúp đỡ tạo điều kiện cho học trò mình trải nghiệm lại những điều ấy để tự có kinh nghiệm riêng của bản thân.
4. Biết trong thiền hay huệ là một sự trưởng thành về tâm thức, chứ không phải là cái kho chứa kinh nghiệm và kiến thức của người khác cho dù người ấy là thánh nhân.
5. Giới, định, tuệ. Tuệ là cái biết riêng của bạn căn cứ trên sự phản ảnh lại tức khắc tức thì vạn pháp. Cho nên tuệ xuất hiện khi cái kho trong tâm thức của bạn trống rỗng chứ không phải chứa đầy. Tuệ không thể bị tẩy não vì não không có gì lấy gì tẩy. Sở tri kiến làm bạn sa vào đấu tranh vì tâm phán xét. Còn tuệ là phi nổ lực không phán xét vì không có gì để làm căn cứ đối lập với nhận thức của bạn. Tuệ là trực giác, tức khắc, tức thì, không chần chừ do dự và hành động của hành giả là tự động thích ứng tình huống.
6. Do vậy biết của thiền hay tuệ sẽ đưa đến sự phản ảnh chứ không phải phản ứng. Và lời nói và hành động sau phản ảnh là không lưu ảnh. Cái kho tạng thức của bạn là trống, rỗng và nhạy bén để phản ảnh do vậy phải không chứa cái gì.
7. Không câu trả lời thực sự nào của vị thầy mà tới từ kinh nghiệm. Nó đơn giản chỉ là phản ảnh của câu hỏi nên tự động, tức khắc và trực giác. Nó là phản ảnh của tấm gương.
8. Kinh nghiệm và lời khuyên của vị thầy không phải để học trò tin và làm theo. Mà nó nhằm giúp học trò trải nghiệm trở lại điều ấy và tự mình có kinh nghiệm về vấn đề ấy ở ngay thời điểm nầy. Bởi vì mọi kinh nghiệm đều lạc hậu với biến dịch của cuộc sống, cho dù đó là kinh nghiệm của thánh nhân.
9. Đừng như con chim bị mù. Đừng như con chim bị gãy cánh. Hãy luôn mở con mắt nhận biết và tung đôi cánh năng lượng để bay vào trời cao rộng lớn và bay đi muôn nơi. Hãy tự đến cái nơi của bạn vì mùa màng năm ngoái bây giờ có thể đang xảy ra ở chỗ khác, vì mùa xuân ấm áp năm ngoái chưa chắc đã là thời điểm nầy. Thầy ngươi làm cho ngươi khởi động lại đôi cánh và ngươi hãy tự bay về phía có mùa màng, có thức ăn, có khí hậu thích hợp. . . Chỗ ấy chưa chắc đã là chỗ mà thầy ngươi đã biết. . .hề hề. . .
10. Khi bạn muốn đánh thức người nào đó. Đừng hát ru bên cạnh người ấy, mà hãy lay thật mạnh và gọi thật to thật chối tai. Và đó là phẩm chất của của người thầy. Người ấy không nói họ thấy cái gì khi bạn đang ngũ mơ. Người ấy không ca bài ca của thánh nhân để ru ngủ bạn. Người ấy lay và đập mạnh vào bạn. . . .hề hề. . .Thực ra đừng gọi người ấy là thầy mà nên gọi là “người đánh thức” và cái thấy là bạn thấy, chứ ông ấy thấy thì có ý nghĩa gì với bạn chứ.