1. Bằng sự kính trọng và trầm tĩnh. Khi nói chuyện với ai, hãy nói với chính con người ấy. Đừng nói với tướng trạng bên ngoài hay giá trị ảo của người ấy mà đám đông đã sơn phết cho. Còn khi người khác nói chuyện với mình, thì cũng vậy, hãy xem họ có thật nói chuyện với chính con người mình hay dùng mình như cái cớ để cường điệu về bản thân. Điều ấy gọi là “chí thành”.
2. Hãy là chính mình và đừng là con người cũ nữa. Nếu chưa được vậy thì việc tu tập của bạn là vô ích vì bạn chỉ là đang lún sâu vào một kiểu tâm lý đám đông khác mà thôi.
3. Con người thật của bạn như là đang được che chở và bảo vệ bởi thân xác và các tướng trạng bên ngoài. Cái đấy nó làm cho không ai có thể tác động được tới tự do của bạn. Cho nên cách đối xử của người khác với bạn chỉ là họ đang nói đang tác động tới bề ngoài của bạn mà thôi, chứ không thể tác động đến bạn được. Vậy cớ chi bạn lại giận và phản ứng chứ. Khi bạn hiểu điều này, bạn sẽ tự do giữa muôn vàn tác động của xã hội.
4. Nếu bạn cố gắng tu, thì rồi bạn sẽ chán và bỏ nó khi cố gắng của bạn tới cực điểm. Bởi cuộc sống là vận động qua lại giữa có và không. Thế cho nên tu phải là một kiểu sống thoải mái và phi nổ lực.
5. Trước khi suy nghĩ tìm ra cách ôm cục đá nặng nầy như thế nào cho khỏi dập chân. Thì nên suy nghĩ xem có cần thiết phải bưng nó lên không. Không cần thiết thì không nên đặt ra vấn đề để rồi được vui mừng khi tìm ra phương án giải quyết. Giảm nhu cầu không cần thiết thì “người tài vô ích” sẽ giảm đi và xã hội sẽ nhẹ gánh hơn.
6. Nhận biết của thiền không đến bằng sự cố gắng mà tự xuất hiện do tịnh tâm. Bởi vậy không phải cố gắng để luôn luôn nhận biết, vì bạn không bao giờ làm được. Bạn sẽ quên và sẽ vô nhận biết. Nhưng không có vấn đề gì. Nhận biết thì thọ hưởng nhận biết, vô nhận biết thì thọ hưởng vô nhận biết. Nó như làm việc và nghỉ ngơi phải song hành nhau. Hãy thọ hưởng cả hai và tịnh hóa thân tâm thì nhận biết phi nổ lực sẽ tự xuất hiện.
7. Khi tịnh hóa thân tâm và nhận biết xuất hiện thì biết cơ thể nầy không phải là mình, biết tâm trí nầy không phải là mình. Chúng chỉ là cái vỏ tướng trạng bên ngoài để bảo vệ bạn khỏi tác động của người khác. Hề hề. . .Không ai thấy được bạn ngoài bạn. Không ai biết được bạn ngoài bạn. Bạn tự biết, có nói thì người khác cũng không thể biết.
8. Nghệ thuật sống thú vị là tận hưởng mọi hoàn cảnh. Bạn thích vui nhưng bạn có vấn đề với buồn, tại sao thế, bạn có thể tận hưởng nó mà. Ớt cay, chanh chua, mắm mặn. . .thế mà thức ăn thiếu nó sao ngon được chứ? Hãy là người biết cách ăn uống và bạn sẽ luôn hạnh phúc vì biết tận hưởng mọi sự. Thế thì trở ngại như đánh cờ, khó khăn như đi phượt. . .Vấn đề là đừng phận biệt đối tượng để mình tận hưởng. Giống như người khó tính kén chọn thức ăn thì dù đi du lịch cũng mất vui đi. Hãy hòa mình, hãy trải nghiệm, hãy tận hưởng mọi sự. Và hãy là một phượt thủ tâm linh đúng nghĩa. . .hề hề. . .
9. - Ai tạo ra tội lỗi?- Quỉ- Ai tại ra quỉ?- Thượng Đế?- Thế thì mọi tội lỗi thượng đế phải chịu trách nhiệm. Cho nên thượng đế phải là phi nhân cách và nó phải là bản thể. Và con người tự chịu trách nhiệm về mọi sự mình đã làm không đổ lỗi cho người khác. Không đổ lỗi cho thượng đế, Không đổ lỗi cho nghiệp, không đổ lỗi cho hoàn cảnh. . .v.v. . . Khi nào con người chưa dám nhìn nhận “Lỗi tại tôi” thì nó vẫn chưa trưởng thành.
10. Bất cứ cái gì tồn tại cũng đều có cái bóng của nó. Cuộc đời này là thực hay cuộc đời nầy là cái bóng của cuộc đời thực qua tâm thức chúng sanh. Nó vẫn còn là cuộc tranh luận và mãi mãi vẫn còn là tranh luận. Thái độ khôn khéo là vẫn sống an vui hạnh phúc với cuộc đời nầy, nhưng tịnh hóa thân tâm để cuộc đời dần hiện rõ về đúng với chính nó. Và qua đó dần đần có cuộc sống thích hợp, thuận tự nhiên. Và làm như vậy chính là thiền.