1. Người ta thấy thực tại qua lăng kính riêng của từng người. Do vậy khi ở cùng nhau sẽ sinh va chạm. Chỉ người “giải thoát sở tri kiến” mới có thể hòa hợp với mọi người một cách thực sự. Còn lại hòa hợp chỉ là thuật ngữ của chính trị.
2. Do vậy mà cổ đức đã dạy: Kính nhi viễn chi. Muốn còn giữ được sự cung kính nhau thì đừng quá gần gũi. Người tâm linh thì cũng nên "Kính quỷ thần nhi viễn chi". Nếu không dễ sinh mê tín.
3. Bình tĩnh và đầy nhận biết. Hành động như sự việc nó là như vậy. Nếu nó chưa được như vậy thì cũng là cách tiếp cận với bản chất vấn đề. Cái đó gọi là tu. Nghĩa là sửa để cho phù hợp với tự nhiên.
4. Thành quả của công việc chỉ là quan tâm thứ yếu của người tu tập. Trạng thái tịnh, an lạc và thuận tự nhiên của trong khi làm và sau đó là đối diện với kết quả mới là việc đáng quan tâm. Cho nên người chỉ chăm chăm vào việc mình thu hoạch được gì? Thần thông gì? Pháp tu gì? Để sở hữu công năng. . .Người ấy chỉ là thợ tu.
5. Bạn luôn luôn hiện hữu khi nói, khi làm và khi không làm gì cả. . .thì rồi bạn mới nói đến vấn đề tỉnh giác và nhận biết. Nếu không, bạn chỉ tỉnh giác và nhận biết theo kiểu đám đông chứ không phải bạn hợp nhất với nó.
6. Một số người đồng cảm với bạn thế thì sông hợp nhất với suối để cùng chảy ra đại đương. Thế nhưng một số người đóng kín, phòng thủ và đầy phán xét. . .Sao bạn lại phí thì giờ với nổ lực và cố gắng. Hãy để gió thổi mọi thứ bay đi, bạn uống trà nhàn hạ, rỗng không, đừng tuyên truyền ầm ĩ để lôi kéo người đến. Cũng đừng theo đuôi ai hay chứng tỏ để cố giữ người vô cảm ở lại. . . Hề hề. . .hãy để tự nhiên làm việc của nó.
7. Bất cứ cái gì như là hạnh phúc hay một sự rung cảm thiêng liêng vượt qua ngưỡng của tâm trí và sự hòa hợp của con tim thì im lặng là phương tiện để cảm thông với nó.
8. Với xã hội ham muốn giúp đỡ mọi người và ham muốn làm hại người khác là khác nhau. Xã hội tôn vinh loại ham muốn thứ nhất và chống lại loại ham muốn thứ hai. Nhưng đối với người tu học cả hai đều là ham muốn và cần phải loại trừ. Trong quân bình tâm lý, không bị ảnh hưởng bởi tâm lý bầy đàn, việc thiện được hành động tự nhiên mới thực sự là thiện. Ham muốn đeo mặt nạ thiện là nguy hiểm.
9. Khi chưa tự giúp được mình sao bạn có thể giúp đỡ người khác. Nhân danh làm thiện với ý tốt, nhưng qua đó bạn có thể gây hại cho người khác. Hãy đem ánh sáng vào bên trong tâm hồn bạn. Sau đó mọi thứ bạn làm đều tự nhiên là thiện.
10. Học trò là người biết rằng mình không biết nên mới tìm đến thầy. Bởi vậy một số người có học thức cao và địa vị cao thường không thể làm học trò và môn sinh thật sự được. Bởi họ chưa “giải thoát sở tri kiến”. Họ đến học mà họ cho là họ biết hơn thầy và họ phán xét ông thầy. . . .Hề hề. . .sao bạn lại tốn cống vô ích với những loại người ấy chứ?