1.Người thực tu chẳng những tu tập tinh tấn thông tuệ mọi giáo lý và thực hành chúng có kết quả. Nhưng tất cả cái ấy chỉ là một nửa. Phần còn lại, người ấy cũng phải thành thục kỹ thuật không tu.
2.Hãy toàn bộ trong nỗ lực. Khi không còn có gì có thể làm thêm được nữa. Khi đã đụng trần. Hãy thảnh thơi và buông xuôi. Thế thì hạnh phúc và thi vị tự nhiên thoát ra mà không phải bạn làm.
3.Chỉ có thể sống thiền chứ không thể tu thiền. Bởi vì thiền thực sự thì đâu còn có thiền nhân và đâu chấp vào hành động ngồi thiền.
4.Bản năng không thể sai và không thể quên. Còn trí tuệ là cái có thể sai và luôn phải sai ở thời điểm tương lai nếu muốn tiến bộ. Trí tuệ thường mù quáng, nó luôn đem cái cũ để xem xét cái mới. Bởi vậy trở ngại lớn nhất của loài người là không biết dùng“sở tri kiến” vì chấp “sở tri kiến”.
5.Trực giác là một dạng bản năng của con người. Nó là cánh cửa thông từ Thể qua Dụng. Và thiền là bước qua cánh cửa nầy để từ Thể qua Dụng và từ Dụng qua Thể. Và như thế rong chơi trong bản thể của mình là người tự do. Trực giác mang tính tồn tại. Bản năng mang tính tự nhiên. Và trí tuệ chỉ là việc dò dẫm trong bóng tối
6.Người thông thái không phải là người tích lủy nhiều kiến thức. Mà là người biết dùng trí tuệ của mình để vượt ra ngoài nó. Và đó là hành trạng của thiền chứ không dính dáng gì đến nghi thức, động tác và cách thở.
7.Nếu bản năng mất đi bạn sẽ chết. Và khi nào trực giác chưa có đấy cuộc sống của bạn chỉ là biểu thị của tâm lý đám đông và vô thức tập thể. Bạn đơn giản đang chết lâm sàng dù chưa chết não.
8.Có tôn giáo muốn bạn trở lại làm đứa bé sống theo cảm xúc tự nhiên. Có tôn giáo muốn bạn làm học sinh luôn nghe theo lời dạy của người đi trước. Có tôn giáo muốn bạn là người trưởng thành chỉ tin và làm theo ý nghĩ riêng của mình. Nhưng khổ thay, dù bạn là 1 trong 3 điều trên hay bạn theo cả 3 như một kiểu “tam giáo đồng nguyên” thì đó vẫn chỉ là “phản ứng” của một bộ phận hay “phản ứng của môt phạm trù bộ phận” chứ không phải là “đáp ứng” của toàn thể con người bạn. Đáp ứng toàn diện chỉ có, khi từ Thể biểu thị thành Dụng gọi là Tánh hoạt Dụng.
9.Khi cái biết mà lệ thuộc người khác thì không thực biết. Vậy “nhận biết tỉnh giác” trong tu học chỉ có ý nghĩa khi người nhận biết biết mình đang nhận biết. Nhận biết mình đang nhận biết chính là đang hiện hữu. Và lẽ dĩ nhiên người tu thì phải luôn hiện hữu trong khi tu, cho nên đó là vấn đề cốt lõi.
10.Cái biết thật sự là cái biết cội nguồn thuần khiết, không cần có nguyên nhân để đem tới sự biết. Bởi vì tâm trí sẽ bao gồm mọi cái biết về vật được biết. Nếu không có đối tượng để biết thì cái biết cũng biến mất. Cái biết tâm trí chỉ là tổng hợp nhiều của nhiều cái biết cục bộ. Không phải là cái biết thuần khiết từ đó phát sinh ra sự biết. Nó như đặc tính phản ảnh của cái gương. Biết như vậy gọi là Kiến Tánh.>>>Ảnh sưu tầm