- Thế nào là từ bi?
- Như gió thổi rừng trúc chuyển động
>>>
- Tại sao khi con trì kinh hay xúc động muốn khóc. Có gì sai trong vấn đề nầy không? Con phải làm sao mới là đúng pháp?
- Đầy tớ có thể thay mặt chủ nhà làm một số việc chứ không phải chủ.
>>>
- Cụ bảo dùng thức ăn như thuốc thì không chay không mặn. Tại sao như thế?
- Như đứa bé nằm trong bụng mẹ. Mẹ nó ăn gì thì nó ăn nấy. Mẹ nó đi đâu thì nó đến đấy. Ông hãy hợp nhất với thiêng liêng và buông xuôi.
>>>
- Thế nào là giới tự giữ?
- Tịnh hóa thân tâm và luôn tỉnh giác thì tự nhiên luôn đúng giới luật. Không thấy giới là cực khổ, gò ép hay trái tự nhiên.
>>>
- Thế nào là giáo ngoại biệt truyền?
Ông già rút một cái hoa hồng đang cắm trong bình đưa lên và chỉ một người ngồi gần đấy?
- Cái gì đây?
Người ấy chần chừ vì đang suy nghĩ câu trả lời. Ông già liền chỉ người khác:
- Nói mau, cái gì đây?
Người ấy lại chần chừ vì sợ sai. Ông già lại chỉ ngay một người khác:
- Nói mau không chần chừ. Cái gì đây?
- Cái hoa hồng
Ông già cười hề hề. Rút một cái hoa hồng khác đưa lên và hỏi người ấy:
- Vậy thì cái gì đây? Nói mau không chần chừ để tâm trí chen vào?
- Cái hoa hồng đỏ
Ông già cười hề hề. . .và hỏi:
- Vậy những cái hoa khác trong bình không đỏ sao?
Các ông thấy đấy, chỉ dùng một chữ hoa hồng, nhưng 3 cái hoa nầy là khác nhau. Nếu ta thêm chi tiết để diễn tả thì thêm bao giờ cho đủ. . .Cho nên nếu chỉ dùng văn tự và lời nói mà người nghe người đọc chưa thấy thực tiễn cái ấy thì không thể phân biệt được rõ ràng, không thể thấy đích thực và cụ thể, chỉ có cái chung chung và lẽ dĩ nhiên không dùng được trong thực tiễn. 
Không căn cứ vào câu văn hay lời nói hoặc hành động mô tả, thì gọi là “bất lập”. Còn muốn ông thấy cái hoa hồng nào thì đưa cái ấy ra trước mặt để ông thấy và có thể sờ mó được nó. . .thì gọi là “trực chỉ” chỉ thẳng và “biệt truyền”. Chứ không phải là truyền riêng theo một khái niệm khác.
Này các ông nó là phi khái niệm.
>>>
- Tại sao dạo nầy con thấy mình tu học và làm thiện không có tiến bộ? Cụ chỉ con pháp đối trị.
Ông già cười hề hề. . . đưa cái nắm đấm ra trước mặt và bảo:
- Nhìn đây
Xong ông già xòe bàn tay ra. . .đưa ra trước mặt và bảo người ấy:
- Nhìn đây. 
Cũng là cái bàn tay nầy mà bây giờ nó lớn hơn có thể ôm trọn cái trước. Khi nắm bàn tay lại có thể dấu kín vật bên trong nên gọi là mật. Nhưng lúc nào cũng nắm thì không thể làm việc được.