Tiếng lá rơi, tiếng chim hót, tiếng suối chảy rì rào. . .nghe mà chẳng thấy ồn, lại có cảm giác êm dịu dễ chịu và khoan khoái. Tiếng người nói và các tiếng động do con người gây ra thì lại thấy ồn ào khó chịu, gây cảm giác mệt mỏi cho người nghe. Này Cỏ May, nếu phải nói thì buông xuôi trong yên lặng như tiếng lá rơi. Nếu phải tụng kinh niệm Phật thì tự nhiên vô tư lự như tiếng chim hót, tiếng chim chẳng dạy đúng sai thiện ác và chẳng cố gắng tuyên truyền nội dung gì.Nếu phải làm thơ thì từng chữ từng từ chảy rì rào trong dòng suối cảm xúc, chảy mà chẳng cố gắng dành nhau chảy trước, reo tự nhiên mà chẳng nhằm truyền bá lý tưởng gì, tôn giáo gì, chẳng cần có người khen người chứng kiến mới chảy. Hởi ơi! Thơ là tự nhiên, người làm thơ là tâm trí bóp chết thơ. Thơ đâu cần làm, nó vẫn luôn có đấy. Thi sĩ chỉ là mảnh đất để mầm thơ tự vươn lên trong ánh mặt trời.Hoa nở trên cành ai cũng thích vì thơm và đẹp. Hoa rơi trong gió rớt đầy trên mặt đất, lại càng đẹp vì không còn ở trên cao và không còn tỏa hương thơm quyến rũ bướm ong. Thế nhưng, hoa rụng chỉ chơi nhất thời để lâu sẽ thành rác. . .Này Cỏ May, tư tưởng đẹp lúc còn ở trên trang sách ai cũng thích vì phù hợp với cái mùi thế gian và cái tướng trạng phù hợp với cái đẹp của đám đông. Nay cái tư tưởng ấy rơi rụng xuống cuộc sống đời thường như hoa rơi trong gió. Chỉ có những con tim đồng cảm mới cảm thấy cái đẹp lãng mạn huyền vi của buổi tàn hoa. Còn ong bướm cuộc đời thì lập tức lánh xa vì hết mùi thơm và không còn phấn hoa. . .Này Cỏ May, pháp Bồ Tát như hoa rơi buổi tàn xuân, chỉ hợp với người lãng tử yêu cái lãng mạn tế vi, bướm ong làm sao biết được chứ.Hề hề. . . Hoa rơi của Bồ Tát giáo ông chỉ chơi nhất thời rồi hốt bỏ đi. Để lâu hoa sẽ thành rác, ruồi nhặng sẽ tìm đến. . . Hề hề. . . ông đừng tưởng hoa rơi là bí pháp. Ta chỉ chơi dăm ba bữa rồi lại hốt bỏ đi. Trên cành pháp giới, hoa thơm của trời đất nở bốn mùa. . .lúc nào cũng có. Còn gió nghiệp cõi trần ai thì khi thổi khi dừng, hoa rơi Bồ Tát Giáo cũng vì thế mà lúc hiển lúc mật.