1. Người đời nghĩ rằng, cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Nhưng thật ra, dù rất nhiều tiền cũng không thể mua được bất cứ cái gì có tính thiêng liêng.
2. Người đời thường bảo. Không cho bạn mượn tiền là mất bạn. Cho bạn mượn tiền thì mất tiền và mất luôn bạn. Vậy đừng cho mượn mà hãy tặng bạn một khoản tiền thì không gọi là mất tiền mà cũng không mất bạn.
3. Khi ta say thiên hạ sẽ biết ta là ai. Khi ta bệnh thiên hạ sẽ biết ai là ta. Khi ta đứng lên trước thiên hạ, ta sẽ biết ai tạo ra ta. Khi ta ngã xuống, ta sẽ biết ta tạo ra ai. Khi đã trải đời trải đạo ta mới biết, ta và kẻ khác chẳng qua chỉ là chuyện cười của người vô sự.
4. Đứa bé hoạt động là bản năng, chỉ có một phần nhỏ là do con người tập và nó đang làm theo để hòa nhập. Người trưởng thành về tâm linh cũng thuận tự nhiên như đứa bé. Người ấy tự phát, bản năng, hồn nhiên, ngẫu hứng là chính, phần còn lại là giả vờ làm theo đám đông để hòa nhập. Người ấy giống đứa bé mọi sự, chỉ khác ở chỗ đứa bé không biết giả vờ, nó đang bị xã hội uốn để thành khuôn của đám đông. Còn người từng trải thì chơi đùa với điều ấy. . .hề hề. . .
5. Quá khó để diễn tả hạnh phúc tối thượng là gì, nên đành mỉm cười. Do vậy cái cười ấy là vô vị chẳng phải cười. Nó chẳng phải là an lạc. Nó chẳng có nội dung gì cần truyền đạt qua cái tướng cười. Trong trạng thái nhập thần, ông cũng có thể nhăn mặt, vỗ tay, hếch mũi, duỗi chân hay giả vờ quát nạt. . . .v.v. . .những hành động ấy là phi Logic, là phi nội dung, không dùng các khái niệm của tâm trí nhị nguyên để hiểu được. Muốn tìm hiểu nội dung tiếng gió thổi, tiếng mưa rơi, tiếng chim hót. . .v.v. . .thà để thời gian uống trà còn thú vị hơn.
6. Sống gần nhau sẽ sinh ra những va chạm và đó là điều bình thường, ai cũng vậy. Đừng biến những va chạm nhỏ nhặt thành những hố sâu ngăn cách. Nếu bạn biết bỏ qua lòng tự trọng thái quá của mình, bạn hoàn toàn có thể chủ động làm lành. Và đó là nghệ thuật sống hạnh phúc. Nếu không phải vậy, lòng tự trọng có thể làm bạn sống đời cô độc dù bạn có nhiều tiền và có địa vị.
7. Đêm tối là khoảng thời gian ta sống thật với mình, vì không còn ai khác ở chung quanh. Yên lặng là khoảng không gian ta hợp nhất với thiêng liêng vì không còn bất kỳ sở tri kiến nào. Tư tại là trạng thái ta và thiêng liêng đồng hành đồng hoạt dụng. Vì không còn người không còn ta, không còn đạo không còn đời, chỉ còn cuộc chơi như một dòng chảy tự đưa ta đi muôn nơi.
8. Cuộc sống vốn bất công, cuộc đời chẳng bao giờ bình đẳng, những điều ấy chỉ có trên miệng của người làm chính trị chứ từ xưa đến nay chưa hề thấy. Bạn hãy tập làm quen với những điều ấy đi. Khi bạn đã xem nó là điều hiển nhiên, bạn sẽ không còn bất mãn và cố làm điều không thể được. Thái độ khôn ngoan nhất là hạn chế tối đa sự thiệt hại qua hiện tượng tự nhiên ấy và trí tuệ hơn nữa là biết lợi dụng nó chứ không để nó vùi dập mình. Lợi dụng được sự bất công và bất bình đẳng trong xã hội mà mình vẫn không mất tính nhân văn và nhân ái là nghệ thuật sống của từng người. Và hạnh phúc của bạn là đứng lên trên mọi cuộc đấu tranh để vận dụng nó.
9. Người luyện khí thì tâm phải bình và khí phải hòa. Khí hòa biểu thị rõ khi bạn vẫn thích thú ngồi nghe người khác nói láo trong khi mình đã biết sự thật. Thế mà mình chẳng tỏ vẻ gì là khó chịu. Hề hề. . .Trái lại mình thưởng thức sự bố láo ấy, chứ không cần phải phản ứng ra mặt. Thế nhưng sau khi cười cho vui, mình sẽ kín đáo làm theo cái biết của mình, chứ không cần cường điệu. Làm như vậy là để người kia còn có cơ hội quay về sự thật. Đại bộ phận người phản ứng lại sự nói láo, không phải vì bênh cái thật mà vì cái ngã của mình bị tổn thương.
10. Người học đạo bây giờ thay thầy như thay áo. Còn người siêu học đạo thì không bao giờ làm vậy. Người ấy chỉ mặc thêm áo cho ấm. . .hề hề. . .