1. Nếm trải điều thiêng liêng, nhưng đừng phí công định nghĩa. Giết chết tức khắc “thượng đế suy luận” thì “bản năng tâm linh” sẽ trỗi dậy. Con người tâm linh hay “chân nhân” sẽ phục sinh ngay trong chính cơ thể trần tục của mình. Thế thì ngạc nhiên sẽ sống dậy, hồn nhiên sẽ trở về, nhạy cảm sẽ ngân nga và đồng cảm sẽ ca bài ca không tiếng động. 

2. Tranh đấu để tồn tại là cần thiết, nhưng chỉ khi bạn tồn tại trong buông xuôi thì hạnh phúc mới mỉm cười với bạn. Tinh tấn là quan trọng đối với người tu tập. Nhưng như đứa bé buông xuôi và hạnh phúc khi nằm trong lòng mẹ nó. Hạnh phúc trong ngôi nhà tâm của mình, hợp nhất với thượng đế ở bào thai vũ trụ, chỉ xảy ra lúc bạn an và định. Đó chính là lúc bạn buông xuôi trong Phật trường, không nổ lực và không đấu tranh. 

3. Một người chỉ vào cái tượng đất nung hình con hổ phía trước có đặt cái lư trầm và hỏi ông già:

- Cụ ơi, cụ là người tu thiền không chấp tướng và không mê tín, chắc chắn là cụ không tin cái con hổ bằng đất này sẽ mang lại cho cụ vận may chứ?

Ông già cười hiền lành:

- Tui chẳng tin vào những điều như thế đâu. Chẳng hề tin chút nào. Tuy nhiên người ta bảo tui là con hổ này sẽ đem lại vận may cho bạn dù bạn có tin hay không tin. . . Hề hề. . .

Này Cỏ May, đức tin thực sự thì không dính gì đến tin hoặc không tin. Nó là bất nhị. 

4. -Này ông, hàng ngày ông có cầu nguyện và luyện công để mặt trời buổi sáng mọc lên ở đằng đông và buổi chiều lặn ở đằng tây không?

-Không cần làm thế đâu

-Ông cầu thành Phật thì cũng như thế. Vấn đề là trị bệnh cho mắt, chứ không phải mặt trời. 

5. Hồn nhiên là biểu thị của trực giác. Nó là thuần khiết vì không qua lăng kính của tâm trí, dù là một tâm trí tri thức. Hồn nhiên thì tự nhiên chứ không phải nhận biết để thuận tự nhiên. Nó là hành động của bạn chứ không phải hành động của xã hội thông qua bạn. Hành động hồn nhiên là “duy nhất một” không thể so sánh nên vượt qua phạm trù đúng và sai. Trang nghiêm đạo mạo là cái bạn thường thấy ở người tu hành. Nhưng hồn nhiên và trực giác là cái bạn chỉ có thể thấy ở một người tâm linh thực sự. 

6. Bản ngã cảm thấy rất được đề cao rằng nó đã biết. Cho nên người đóng vai học trò của tất cả chúng sanh thì luôn tiến bộ và thăng hoa tiến hóa về tâm thức. Nhưng người đã lỡ đóng vai thầy, bản ngã họ sẽ cản trở việc họ tiếp tục khiêm tốn tu học. Người ấy dể dàng làm đệ tử của thượng đế vô vi nhưng không sẳn sàng để tiếp thu tinh hoa từ những người đương thời với họ. Họ thích dạy hơn thích học, luôn thích cọ xát để khẳng định mình do vậy họ không có thì giờ để vui sống.

>>>> 

(Nhận biết là "hành động" chứ không chỉ là tâm lý. Vì nhận biết làm thay đổi trường năng lượng của hành giả)