1. “Cảm” nhiều hơn và phán xét ít đi, bạn sẽ ngày càng hạnh phúc hơn. Đằng sau mọi hình tướng, là cái đẹp chân thật, đằm thắm và tinh tế. Thực tại ẩn phía sau cái nhãn. Thế gian là ngôi nhà chung vĩ đại. Qua ngõ con tim bạn đi vào con tim của mọi người. Qua yên lặng và đồng cảm bạn giao tiếp được với linh hồn của sự vật. Khi ấy thì cái Một hợp nhất với cái Toàn Diện, cảm xúc trào dâng, có được cái hạnh phúc của người tha hương nay quay về lại nhà mình. 

2. Khi tiếp xúc đủ gần, đủ lâu, trong yên lặng và đồng cảm, chúng ta sẽ nhận được năng lượng từ cuộc sống nầy. Nếu vô cảm chúng ta sẽ bỏ lỡ. Hãy yên lặng mỉm cười bước vào con tim của mọi người. Rỗng rang, xuyên thấu, để hợp nhất với linh hồn của sự vật. Hãy mời mọi người cùng chim muông, thú vật, đất đá sông núi, nghỉ ngơi vui chơi nơi con tim bé nhỏ của mình. Một người cũng không rộng mà hết thảy mọi người cũng chẳng chật. Hề hề. . . Có đủ chỗ, bao giờ cũng đủ chỗ cho cả pháp giới nầy. 

3. Muốn hạnh phúc lẽ dĩ nhiên chúng ta phải có mặt. Muốn trải nghiệm hương vị cuộc đời lẽ dĩ nhiên chúng ta cũng phải có mặt. Bàn tiệc thì thượng đế đã bày sẳn rồi. Chúng ta chỉ cần có mặt để tham dự. Đừng để cái nhãn mình tới mà mình không tới. Đừng để công việc mình tới mà mình không tới. Đừng để quan tòa của mình tới mà mình không tới. Đừng để cái người mà “mình tưởng mình là. . .” tới mà chính mình lại không tới. . . Ngay tại đây và ngay giây phút nầy, hãy hiện hữu. Nếu không thì cái nhãn chúng ta sống chứ chúng ta thì đã chết từ lâu. Này Cỏ May, nếu ông không có mặt trong chính thể xác và tâm trí của ông, thế thì kẻ nào đấy đang tu chứ ông đâu có tu, làm sao chứng ngộ được? 

4. Quá nhiều thượng đế, quá nhiều thiền, quá nhiều lý tưởng. . .sẽ trở thành cực đoan. Khi tất cả những thứ ấy ngấm đủ lâu, thấm đủ sâu. . . từ cái đầu lắng xuống con tim nó sẽ trở nên thăng bằng hơn, thâm trầm vững chắc hơn. Con người sẽ trưởng thành hơn thông qua trải nghiệm chứ không phải kìm nén. Đừng biến thiền thành một kiểu kìm nén sâu. Mà hãy chấp nhận thử thách để bào mòn mọi góc cạnh, cái còn lại sẽ thành tinh túy. 

5. Nếu chúng ta yêu ai đấy, chúng ta sẽ muốn người ấy là người thứ nhất, còn mình thì lùi lại phía sau. Cho nên nếu có người yêu thiện hạ, thì thiên hạ phải là thứ nhất còn người ấy nhất định lui lại phía sau. Người muốn đứng đầu thiên hạ thì không có tình yêu. Chính tham vọng muốn thành người nổi trội nhất, thành người điều khiển người khác, chỉ ra rằng chúng ta đang bỏ lỡ cuộc sống vì chúng ta không có tình yêu. Khi chúng ta không có con tim, chỉ có cái đầu, chúng ta có thể thành người giỏi, nhưng chúng ta còn không biết sống là gì, huống hồ là chứng ngộ. 

***

(Tâm sự với bóng đêm)