1. Khi có người hỏi và vị thầy trả lời, nó chỉ có ý nghĩa riêng tư cho người ấy, vì câu hỏi là riêng tư. Câu trả lời không thể biến thành phổ quát dùng cho mọi trường hợp được. Câu trả lời bao giờ cũng là pháp phương tiện vì câu hỏi chưa phải là nền tảng. Bởi vậy 2 người khác nhau có cùng một câu hỏi. Vị thầy tâm linh nhất định sẽ trả lời khác nhau. 

2. Thiền sâu là thế giới không lời, nó dùng cảm xúc trực tiếp và là trực giác, nó không tìm hiểu để biết, mà “hợp nhất tự biểu thị”. Thầy của bạn sẽ gặp khó khăn vì lời không thể dùng để diễn đạt cái không lời, nhưng có thể dùng để chỉ cái không lời. Còn im lặng thì chẳng cái gì có thể xảy ra với bạn. Thế mà thầy của bạn vẫn dạy được, cho nên lời nói, chữ viết và hành động của người thầy bao giờ cũng được dùng như một phương tiện và bao giờ cũng theo một phương cách rất đặc biệt. Nếu bạn chấp vào hình tướng và nội dung để phán xét bạn sẽ bỏ lỡ.
3. Người tưởng là lời có thể truyền trao chân lý, người ấy sẽ tiết kiệm lời nói, mục đích để lời của mình có chất lượng hơn. Còn người biết rằng dù có nói nhiều cách mấy đi nữa vẫn không thể truyền trao điều mình chứng ngộ, thì người ấy sẽ nói nhiều hoặc chỉ im lặng mỉm cười.
4. Có một người ngồi trong phòng. Người ấy muốn ra khỏi phòng phải bước đi vài bước trong phòng hướng đến cửa rồi mới ra khỏi phòng. Bạn không thể nói: - Đi trong phòng làm sao ra khỏi phòng? Nhưng trường hợp thứ nhì bạn đi lòng vòng trong phòng không hướng ra cửa, thì dù đi mãi bạn vẫn ở trong phòng. Trường hợp thứ nhất đi trong phòng chỉ là phương tiện để ra khỏi phòng. Trường hợp thứ nhì đi trong phòng vốn là phương tiện đã biến thành mục đích, nên không ra khỏi phòng được. Trường hợp thứ 2 là trường hợp bạn chấp vào lời và câu văn của thầy rồi sinh tâm phán xét nên luẩn quẩn mãi trong tâm trí.
5. Vị thầy thật sự không có nhu cầu để diễn đạt huống hồ là tuyên truyền. Có “Lời” là do có câu hỏi cần phải đáp ứng. Và “viết” cũng thật sự là không cần thiết vì không có nhu cầu để diễn đạt, nó chỉ dùng để đáp ứng một câu hỏi mà chưa có duyên gặp mặt. Vị thầy thực sự không có nhu cầu về “viết” và “nói”, tâm thức người thầy yên lặng nên không có nhu cầu phải giải tỏa qua “nói” và “viết”. Người thầy thực sự không có nhu cầu trình bày cái biết của mình để được người khác kính trọng và để có thể gây ảnh hưởng tới người khác. Tâm thức vị ấy như tấm gương chỉ đơn giản “phản ảnh”, không “lưu ảnh” và không có “dư ảnh”.

***
( Đi về phía con mắt bão/Tranh thiền Ba Gàn)