Con người đẻ ra cơ chế và bộ máy quản lý vì hạnh phúc chung của cộng đồng. Thế nhưng dần dần cơ chế và bộ máy đã trở thành chủ nhân ông của loài người. Con người bị nô lệ cho cái sản phẩm do mình tạo ra. Và đó là nguyên nhân khách quan của cái Khổ (Dukha), chứ không phải tâm lý như tham sân si.
Bởi vậy, dù tốt dù xấu dù thiện dù ác, tất tần tật đều phải quay theo cái guồng cơ chế. Không một sức mạnh nào có thể cản trở guồng quay của bánh xe cơ chế và bộ máy. Xã hội càng văn minh, cơ chế và bộ máy lại càng tinh vi. Nó khiến con người bị nô lệ mà mê muội, nên hết lời ca tụng nó vì tâm lý bầy đàn.
Bởi thế để con người tự do khỏi cái guồng máy cơ chế và hệ thống. Người ta nghĩ ra cơ chế và hệ thống khác tinh vi hơn để thay thế. Nhưng tình trạng con người do vậy lại càng tồi tệ hơn. Bởi nó không tự do mà còn nô lệ sâu hơn, chặt hơn vào cái cơ chế và guồng máy khác còn tinh vi hơn trước.
Một cách hài hước, phải chăng đây chính là cộng nghiệp của loài người?
Nghĩ ra cơ chế để tiêu diệt cơ chế không được. Con người bèn tìm tự do (Moska) trong tâm lý và như thế tôn giáo đã ra đời.
Người ta còn có cách khác để thoát khỏi sự nô lệ vào cơ chế và guồng máy. Bằng cách cùng quay với cái cơ chế ấy, không phản kháng, buông xuôi và tạo tâm lý như thế là hạnh phúc. Và đó là cái cách mà thiền phong trào đã ra đời.
Hề hề. . . .Tôn giáo và thiền phong trào có cái lợi làm loài người có thể chịu đựng được áp lực của cơ chế và guồng máy. Nó như cái sú páp qua đó hơi nước phun ra để nồi súp de khỏi nổ!
Bởi thế cho nên, từ nguyên thủy sơ khai cho mãi tận đến ngày nay, từ “Tự Do” là khái niệm, không có thật và bị lợi dụng nhiều nhất.

*****
(“Tự Do” là khái niệm, không có thật và bị lợi dụng nhiều nhất.)