1. Hãy tin rằng nếu đột nhiên bạn biến mất đi thì thế giới nầy vẫn tồn tại, vẫn sinh hoạt bình thường và vẫn có thể hạnh phúc. Cho nên việc đầu tiên là hãy làm tròn chức năng của mình trước khi tự gán cho mình những trách nhiệm nặng nề to lớn để tự quảng cáo bản thân.
  2. Trách nhiệm bao giờ cũng đi đôi với thẩm quyền và đó là điều tồi tệ. Trong khi chỉ cần có chức năng là đủ. Cho nên khi một người cường điệu về trách nhiệm của mình đối với hạnh phúc hay khổ đau của người khác, thì đó là một dạng biểu thị của lòng ham muốn quyền lực.
  3. Hành vi của bạn là do bạn học từ người khác. Cho nên quan sát lời nói và hành động có ý thức của một người nào đấy, có thể biết được nền tảng đạo đức của xã hội mà người đó cư trú. Còn quan sát lời nói và hành động lúc vô thức của một người nào đấy có thể biết được nền tảng đạo đức thật sự của người ấy.
  4. Nếu muốn thăng hoa chuyển hóa về hướng chân thiện mỹ. Từ xưa đến nay chỉ có một phương cách duy nhất có hiệu quả. Đó là : Hãy quan sát lời nói, hành động và ý nghĩ của mình với tình yêu thương. Và khi bạn ý thức về việc quan sát bản thân mình, bạn sẽ có ý thức về việc chon lựa theo chiều hướng thăng hoa.
  5. Mỗi một người mỗi một sự vật tự nó có giá trị riêng không ai giống ai giống như vân tay vậy. Cho nên việc cố gắng đánh đồng và thống nhất các giá trị trong cộng đồng, chỉ là tam thời không phải là bản chất và do vậy sẽ dẫn đến xung đột nội tại. Cho nên muốn sống hài hòa giữa các giá trị mâu thuẫn, bạn cần phải rỗng không hoặc là bồ tát không có ý muốn riêng, ý muốn bồ tát là ý muốn chúng sanh.
  6. Nếu bạn muốn mình thật sự được tự do và tôn trọng tự do của người khác. Thì hãy chỉ sống với ước mơ của chính mình mà thôi. Đừng biến ước mơ ấy thành lý tưởng chung cho mọi người, để rồi phải tự gán cho mình trách nhiệm to lớn về hạnh phúc và khổ đau của người khác. Bởi vì con đường ấy rồi sẽ dẫn đến quyền lực là thứ tồi tệ nhất của con người cho dù đó là quyền lực thật sự, quyền lực mềm hay quyền lực siêu nhiên của tâm linh.
  7. Trên đời có 3 thứ làm ta đau khổ: rượu ngon làm ta mất trí, tiền nhiều làm ta bất chính, vợ đẹp làm ta đau khổ. Nhưng có một thứ còn đau khổ hơn 3 thứ trên, đó là không có 3 thứ ấy. . .hề hề. . . .
  8. Thành công là đạt thứ mình muốn? - Không phải vậy. Vì thành công là khách quan không dính gì đến chủ quan của ý muốn. Hạnh phúc là muốn thứ mình đạt được? -Không phải vậy, trừ phi bạn thật sự đã biết “Mình là ai?”. Vì nếu không bạn sẽ muốn hộ cho xã hội.
  9. Nếu bạn yêu điều bạn đang làm, bạn sẽ thành công. Nhưng người thực tu không phấn đấu để thành công mà phấn đấu để mình có ích.
  10. Khi “con người thật” của mình chưa làm chủ được “con người xã hội”. Thì được làm mọi điều bạn thích chưa chắc đã là tự do. Vì thật ra bạn chỉ là công cụ cho ý muốn xã hội. Thích điều bạn làm chưa chắc đã là hạnh phúc. Vì thật ra bạn chỉ là công cụ thích hộ cho xã hội.
  11. Hạnh phúc không giống như một nụ hôn... cần chia sẻ để tận hưởng nó. Hạnh phúc là cảm nhận riêng tư và đơn độc trong trạng thái nhận biết. Để tận hưởng nó bạn cần phải một mình trên đỉnh cô đơn dù là đang tương tác nhiều chiều.
  12. Thời gian duy nhất thực dụng là ngay lúc nầy đây. Sự việc duy nhất ta có thể làm chủ là tình huống trước mắt. Hạnh phúc duy nhất mà ta có thể tạo ra là chủ động an lạc trong từng giây phút.Cho nên nhận biết, thích ứng tình huống và chủ động an lạc qua từng sát na chính là thực tu thực sống.
  13. Những lý thuyết học được từ tiền nhân đã chết theo ngày hôm qua. Hãy làm nó sống dậy sinh động và thích ứng hơn với những con người đang sống hôm nay. Những ước mơ và kế hoạch cho ngày mai chỉ là ảo tưởng hãy đặt nền móng cho nó thành sự thật bằng những hành động ngay tại giây phút nầy.
  14. Nếu thực tế không vừa với lý thuyết. Phải thay đổi thực tế bằng cách mạng, hoặc thay đổi lý thuyết bằng sáng tạo. Nếu mãi nhìn mặt trăng bạn có thể ngã vào rãnh nước. Nhưng bạn có thể nương ánh trăng để khỏi sa vào rãnh nước.
  15. Hãy viết vào trời xanh ước mơ, viết vào con tim mục đích sống và viết vào máy tính kế hoạch của bạn. Chẳng có kế hoạch nào thất bại chỉ có thất bại trong việc lập kế hoạch.
  16. Càng sống lâu càng từng trải thì càng biết ít đi. Đơn giản vì người ấy vất đi những điều không cần thiết. Biết đủ, có lòng khoan dung và sống nhún nhường, như thế là hợp với đạo trời. Hãy thay sự hằn học và châm biếm bằng sự dí dỏm để sáng suốt và khoan dung nở hoa từ bi trong cuộc sống.

 ******