Bắt đầu chuyến hành hương về Tứ Động Tâm
>>>>>>>
Ngẫu hứng ở thạch động Khổ Hạnh Lâm Hang thần là gốc huyền không, ở giữa trời và đất. Do có Phật vào ra mà Huyền Không khởi thành vạn pháp. Cho nên cửa ngõ của hang thần là mẹ của đạo. Và vô lượng pháp môn đều là con của mẹ nhiệm mầu. Mờ mờ mịt mịt, kim quang Tuyết Sơn như ánh chớp lập lòe trong bóng tối âm u. Gió nghiệp thổi ào ào qua Khổ Hạnh Lâm rồi mất hút ở hang thần như muối bỏ biển. Năng lượng trời đất chảy rất thật qua thăm thẳm huyền vi. Ta chẳng còn chi nên trống không đồng với hang thần im lặng. Thân ta rỗng với cơ hoành lên xuống nhịp nhàng như cái ống bể của trời đất. Rỗng mà không cùng kiệt. Càng phát động, hải triều âm càng dài dằng dặc. Có khi mong manh như sợi tơ trời, có khi ào ào như sóng thần ngập trời cao, mênh mênh mang mang chảy vào cái hang thần không đáy. Có cái thấy huyền vi là tánh nhìn. Có cái nghe huyền vi là tánh nghe. Có cái làm huyền vi là tánh làm. Ba điều ấy không thể truy cứu rõ ràng. Chỉ thấy hỗn độn làm thành một. Theo thì không thấy đuôi. Đón thì không thấy đầu. Nhưng nếu nắm giữ được khoảnh khắc ngay trước mặt thì chế ngự được việc hiện tại lẫn cả nguồn cơn xưa cũ. Anh linh người xưa như ẩn hiện đâu đây. Nổi niềm người xưa thì vẫn tràn đầy: “Chẳng phải khổ hạnh hay từ bỏ khổ hạnh, mà vấn đề là vì hạnh phúc của mình và mọi người có dám thay đổi cái nếp mòn tri kiến đã thành chân lý của cả một thời đại, của cả một xã hội hay không ? ” Tiếng quạ kêu buồn thảm trên đầu non. Gió chiều lành lạnh. Ánh nến chập chờn. Chúng tôi ra về xuyên qua khu rừng Khổ Hạnh, đi qua những xóm làng nghèo khổ. Dòng đời thì cứ đổi thay mà cuộc sống nơi đây như chưa từng thay đổi. Bên kia sông Ni Liên, ánh đèn từ Bồ Đề Đạo Tràng lung linh trong bóng tối mượt như nhung
Tượng Tuyết Sơn trong hang khổ hạnh
>>>>>
Hướng dẫn cách hành công ở Tứ Động Tâm
Luyện công trong hang Khổ Hạnh
>>>>>>
Tập ở sân trước cửa thạch động
Ngẫu hứng ở Bồ Đề Đạo Tràng/11/2014 Chấm đỏ duyên dáng trên trán, ánh mắt có đuôi, nụ cười huyền bí, tiếng chào mời ríu rít như tiếng chim và tiếng nhạc dồn dập vui tươi với ánh điện màu sặc sỡ. Bò đi đủng đỉnh trên đường giữa dòng xe cộ, khỉ ăn xin trên hè phố, quạ kêu quang quác ở các quán ăn và sáo sậu nói chuyện ồn ào trên ngọn cây bồ đề lấp lánh ánh mặt trời. Yên lặng giữa Bồ Đề Đạo Tràng ngập tràn âm thanh và ánh sáng. Mài mòn các góc cạnh, hóa giải các phân liệt, hợp nhất với thường tịch quang, yên lặng mà tràn đầy nhận biết, ở chỗ thấp nhất của mọi dòng chảy, biểu thị ở trạng thái bình thường, tự nhiên không dụng công dụng lực, đồng với cát bụi đời thường, yên lặng mà an vui, tự nhiên mà hoạt dụng, tự tại vô ngại, để huệ lực tự sinh hóa mà không hề can thiệp, sống trong thành trụ hoại diệt mà vẫn thường không đổi, làm mà không cậy công, tu mà không cầu công đức, vui cười yên phận, bằng lòng với hiện tại, chuyển hóa thăng hoa mà không hề cố gắng. Hợp nhất với điều huyền diệu mà vẫn tự nhiên: Huyền diệu là động thì động cũng như động bình thường. Huyền diệu là tịnh thì tịnh cũng như tịnh bình thường. Huyền diệu là vô vi thì vô vi thành cách vật trí tri như người đời vẫn thường tưởng vậy. Cho nên bèn tới tận cùng cái hư không, tới mãi. . . .tới mãi. . . .đang lúc ấy gọi là giữ được cái cực tĩnh. Do cực tĩnh giữa dòng sinh sinh hóa hóa của vạn vật nên gọi là phản bổn hoàn nguyên. Đó là sự trở về nên hợp nhất với vạn vật, vì mọi sự khi trưởng thành đều tự quay về căn nguyên của nó là tĩnh lặng. . . . . . . . Gió từ sông Ni Liên thổi về lồng lộng. Hương trầm ngan ngát. Hoa treo khắp nơi. Và những bước chân thảnh thơi tràn đầy nhận biết vẫn âm thầm mãi miết đi vòng quanh thánh địa. Giữa tiếng tụng kinh và tiếng thuyết giáo của các vị thầy, chúng tôi ngồi yên lặng hợp nhất với cái rỗng không diệu lạc của vô vi. Dưới gốc bồ đề kia hàng nghìn năm trước, Như Lai yên lặng mà thành chánh quả. “Ta thuyết pháp mà 49 năm qua lưỡi ta không hề động đậy”. Ôi! Lời nói người xưa như tiếng sấm rền lúc trời quang mây tạnh, âm vang như vẫn còn vang vọng đến muôn đời sau không bao giờ tắt. Ôi! Người thầy vĩ đại đã “hành bất ngôn chi giáo”, nay kẻ hậu sinh ngu muội chúng con cũng sẽ từ yên lặng đồng cảm mà thể nhập trạng thái huyền vi. (Viết ở Bồ Đề Đạo Tràng/Ấn Độ/ 11/2014) >>>>>
Bồ Đề Đạo Tràng về đêm
Ngồi thiền ỏ Bồ Đề Đạo Tràng nơi xưa kia Như Lai đã đắc thành chánh quả
Đảnh lễ ở tháp Đại Giác/Bồ Đề Đạo Tràng
>>>>
Kỷ niệm ở Bồ Đề Đạo Tràng/Ấn Độ/11/2014
Người mù cầm đèn Hàng cây Asoka đứng yên lăng trong ánh huyền quang. Quạ kêu buồn thảm trên tháp Đại Bát Niết Bàn. Hoa nở trong sương mù và chúng tôi thành kính đi thành một đoàn dài trong cái yên lặng mênh mông. Hành lễ Như lai xong, lúc ra về có người thưa chuyện: - Thưa cụ, chúng ta đang đứng ở Câu Thi Na. Chẳng phải Phật sinh ra ở Lâm Tỳ Ni và chết ở Câu Thi Na nầy sao? Thế sao gọi là ngài đã thoát khỏi luân hồi sinh tử? - Bản thể thì muôn đời vẫn vậy, còn hiện tượng thì có thành trụ hoại diệt. - Như vậy tướng Phật và kinh điển thì thuộc về thế giới hiện tượng. - Đúng vậy. Nhưng ông cũng nên biết là bản thể phải luôn biểu thị qua một hiện tượng. Không thể có bản thể tồn tại độc lập như một thực thể. Giống như nước phải luôn biểu thị qua một bình đựng vậy. - Như vậy, không thể biết Phật qua tướng Phật và không thể chứng ngộ rốt ráo qua kinh điển hữu vi? - Không thể nhưng cần thiết - Tại sao thế? - Vốn ban đầu không thấy mặt trăng. Nhờ người chỉ giùm. Nếu không nương ngón tay chỉ làm sao thấy mặt trăng được. Tướng trạng của Phật và kinh điển hữu vi cũng y như vậy. - Thưa cụ, cụ đưa môn sinh và bệnh nhân đến các Thánh địa là để ơn trên độ họ khỏe mạnh bình an và hạnh phúc? - Không chỉ như vậy. Bản thân ta cũng đi học như họ. Nếu có ai hỏi kinh nghiệm riêng của ta trong đợt hành hương nầy, ta sẽ vui vẻ chia sẻ cùng họ. - Thưa cụ, con nghĩ là cụ khiêm tốn nên nói vậy? - Nầy các ông, ta là người chưa chứng đắc. Ta chỉ may mắn được thầy mình dạy cho một ít giáo lý nhà Phật. Nhờ đó mà đời sống ta an lạc và có ích cho mọi người hơn. Nhưng ta là người quê mùa thô kệch lúc nhớ lúc quên, nên thường phải tìm cách học lại nếu muốn thân tâm mình thường an lạc. Ta nghe được một chuyện hay, nay xin kể lại các ông nghe: “ Một thời kia, có người mù đến nhà bạn chơi. Khi trời tối mới ra về. Người bạn bèn đưa cho ông ta một cây đèn đã thắp sáng. Người mù liền cười hỏi: - Ông không biết tôi mù hay sao mà đưa đèn? – Trời tối rồi, mọi người nhờ cái đèn nầy mà không tông vào ông khi ông đi trên đường. Người mù cầm đèn đi về, nửa chừng gió làm tắt đèn đi, nên người đi đường tông vào ông ta. Ông ta la lên: Bộ không thấy cái đèn tôi cầm hay sao. Tôi mù chớ các vị đâu có mù? Ai nấy đều cười ầm lên và bảo: - Ông ơi, cái đèn ông tắt từ lâu rồi, sao ông không đốt lại đi?” Nầy các ông, giông bão cuộc đời và sóng to gó lớn ở nội tâm chắc đã làm đèn của ta tắt từ lâu rồi. Ta phải năng đốt lại nếu không muốn người đời tông vào ta. . . . Hề hề. . . .ta là người mù, ta còn vô minh nên tự ta phải thường làm như vậy. Ta cảm ơn các vị đã giúp đỡ để ta đi được chuyến nầy. Ta nhất quyết phải đốt đèn mình cháy trở lại. - Thưa cụ, có cách gì để không đốt đèn mãi như thế không? - Có chứ, khi nào cái đèn bên trong luôn cháy sáng thì không cần cái đèn hữu tướng bên ngoài nữa. ( Viết tai Câu Thi Na/Ấn Độ, nơi Như Lai nhập niết bàn/11/2014)
Đảnh lễ trên đỉnh núi Linh Thứu/Ấn Độ/ Nơi xưa kia Như Lai đã giảng kinh Pháp Hoa và các kinh Đại Thừa khác
Ngồi thiền trên đỉnh Linh Thứu sơn
Con dế mèn ở Bồ Đề Đạo Tràng Như con dế đang gáy khe khẽ dưới đám cỏ ướt đẩm sương đêm, rung động thiêng liêng hình như đang cứa khe khẽ vào con tim yên lặng. Như con bướm đêm rời vườn hoa bay vào vùng ánh sáng. Cái Tôi chết đi trong cái biết của mình, để phục sinh thành giọt sương im lặng long lanh và tinh khiết. Như cơn gió từ sông Ni Liên đêm nay có mà như không chỉ thấy phơn phớt lạnh. Thường tịch quang của Như Lai có mà như không chỉ thấy thậm thâm diệu lạc. Chúng tôi ngồi đấy lặng yên trong biển quang minh bên cạnh Tháp Đại Giác. Trong kia linh tượng của Như Lai đang mỉm cười với đại chúng từ khắp nơi vân tập về đây. Không dám thở mạnh sợ làm xáo trộn cái rỗng không mênh mông vô giới hạn. Không dám chuyển động dù là nhẹ nhất vì sợ làm cái mong manh vi tế biến thành thô trọc. Không dám cầu nguyện điều gì vì sợ làm Như lai buồn lòng do không tin tưởng vào toàn giác toàn năng của phổ môn diệu dụng. Như mưa xuống cỏ non tự lên xanh, chúng tôi hạnh phúc trong tự tại và yên lặng nhìn xem tâm thức mình tự thăng hoa chuyển hóa qua từng khoảnh khắc. Chẳng có pháp gì để tu, chẳng có điều gì để cần chứng đắc. Chỉ hợp nhất với điều huyền diệu và hạnh phúc qua từng biểu thị tự nhiên của thể hợp nhất “Phật-Chúng sanh”. Nầy bạn Nếu cái “minh minh đức” nầy đủ lớn và đủ mạnh nó sẽ kích hoạt được lòng nhân ái và sự chí thành nơi trần thế. Ha ha. . . .ha. . . Chẳng phải vậy sao? (Kỷ niệm đêm ngồi thiền tại Bồ Đề Đạo Tràng/11/2014)
Luyện công và cầu nguyện trên sông Hằng/Ấn Độ/11/2014
Ngắm bình minh trên sông Hằng/Ấn Độ/11/2014
Mật tông. . . .hề hề. . . .đã mật sao lại còn có tông?
Có điều gì sở hữu, muốn có cái quyền riêng tư nên giấu đi sao ?- Chẳng phải vậy. Mà là nói chẳng ai tin, nói cũng chẳng ích gì, còn làm người nghe sinh tâm ngã mạn. Thế thì mỉm cười im đi có phải hay hơn không? Cho nên không muốn mật mà thành ra cứ mật là vậy.
Mật tông. . . .hề hề. . . .đã mật sao lại còn có tông? - Như chuyện rung động; cảm xúc; và hạnh phúc với người yêu, đâu phải có thể công khai, nếu điều ấy vẫn còn thanh cao ý nhị. Thế cho nên không tiện nói mà thành mật! Ai cũng có cái hạnh phúc riêng tư ấy nhưng nó không phải là tông. Nếu là tông thì nó sẽ thành giáo dục giới tính!. . .hề hề. . . .
Mật tông. . . .hề hề. . . .đã mật sao lại còn có tông?- Ai cũng có người yêu hay đã từng yêu người khác. Thế nhưng sống với tình yêu thì được, nhưng giải thích và dạy cho người khác là điều khiên cưỡng.Thế mà có người đi day mật tông và có người đi học mật tông không phải là bỏ hình bắt bóng sao? Phải chăng vấn đề là có người yêu, sống trong tình yêu và cảm nhận hạnh phúc từ tình yêu của mình. . . .Hề hề. . .tình yêu tối thượng đối với điều huyền diệu cũng y như vậy.. . .như vậy.
Mật tông. . . .hề hề. . . .đã mật sao lại còn có tông?- Khi hai người yêu nhau ở gần nhau. Lập tức lời nói, thái độ và cử chỉ tự nhiên khác với điều bình thường. Không ai hiểu cả, chỉ có người ấy mới hiểu.Khi ta ở gần Phật cũng như vậy, lời nói chẳng có nội dung, hành động chẳng có nội dung, phi logic và ngẫu hứng, chẳng có nguyên do gì để có những biểu thị ấy. Hề hề. . . .đơn giản nó là ngôn ngữ và biểu thị của tình yêu tối thượng chỉ có ta và thiêng liêng là đồng cảm mà thôi. Cho nên sao ta có thể phổ quát hóa cái biểu thị bất thường ấy được chứ? Đơn giản nó chỉ có hiệu quả với ta và chưa chắc đã có hiệu quả với người khác khi cùng người yêu tối thượng của họ ở chỗ thầm kín riêng tư. Hề hề. . . .Vì thế mà không muốn là mật vẫn cứ thành mật là vậy.
Mật tông. . . .hề hề. . . .đã mật sao lại còn có tông?- Vô lượng vô biên Phật tương thích với vô lượng tâm thức chúng sanh. Cho nên ai cũng có tình yêu tối thượng của riêng mình. Ajanta đầy khách hành hương, nhưng ta và Như Lai vẫn ngồi ở chỗ riêng tư và tràn đầy cảm xúc. Tình yêu thật sự không đến từ thể xác, không đến từ vật chất, không đến từ học thức hay địa vị danh vọng. . . .Tình yêu tối thượng với điều huyền diệu cũng không đến từ các pháp hữu vi hữu lậu. Đối với ta nó là sự giao cảm riêng tư của con tim chúng sanh với con tim của thượng đế phi nhân cách.
Hề hề. . . Mật tông. . . . đã mật sao lại còn có tông?
(Viết tai Ajanta/Ấn Độ/11/2014)
Thực hành thiền mật trong thạch động ẩn tu của chư Tổ trên núi Linh Thứu
Ngồi thiền ở Tháp Đại Bát Niết Bàn/Câu Thi Na nơi Như lai nhập niết bàn
Chúng ta sống ở đời nầy rốt cuộc để làm gì?
Muốn viết nhưng chẳng biết viết gì để khỏi phí thì giờ người đọc. Cảm xúc nhiều nhưng tâm sự thì biết nói điều gì ích lợi cho người nghe đây. Chúng ta sống ở đời nầy rốt cuộc để làm gì? Nếu nhìn về cái mục đích sống của mình thì từng giây từng phút trôi qua chúng ta bỏ phí quá nhiều thì giờ vào những chuyện không đâu! Ít nói bao đồng, ít làm lan man, ít suy nghĩ ra ngoài cái mục đích sống của mình. Rèn luyện kỹ năng và sự hiểu biết để giúp mình có thể hoàn thành mục đích sống. Thế rồi hiệu quả về chất lượng sống sẽ khẳng định điều mình đang theo đuổi có phù hợp với mình hay không. Đừng cường điệu vấn đề, hãy sống vì mục đích của mình một cách thoải mái tự nhiên. Phát hiện những điều thú vị ẩn tàng trong từng sự việc. Sống hết mình với nó và hay hơn hết biến nó thành trò chơi ngày một hấp dẫn và thú vị hơn.
Hề hề. . . .Phật là gì ta thực tình không biết, nhưng sống theo lời Phật dạy thú vị thế nào thì ta biết. Niết bàn là gì ta thực tình không biết, nhưng con đường hướng tới niết bàn thú vị thế nào thì ta biết. Năng lực gia trì hay khí là cái gì thì ta thực sự không biết. Nhưng ta thấy tràn đầy năng lượng mỗi khi: trao cho ai đó nụ cười... thốt lên một lời tử tế... chìa tay ra cho người đang cần giúp đỡ... viết một lời cảm ơn... nói một lời khuyến khích với người đang cố gắng vượt qua rắc rối... hay chia sẻ một phần tài sản vật chất với những người xung quanh.
Này bạn, như nước tuy có đấy nhưng không thể biểu thị khi không có vật đựng. Năng lượng gia trì hay khí luôn có đấy nhưng luôn phải biểu thị qua một tấm lòng nhân ái. Thế mà có người muốn luyện Khí mà chẳng muốn tốn hao công sức để luyện Tâm. Đó chẳng phải là chuyện vươn tay bắt gió hay mò trăng đáy nước sao?!
Đi kinh hành ở vườn Lâm Tỳ Ni. Nơi xưa kia đức Phật đã sinh ra đời/Népal
Cầu nguyện và đi nhiễu chung quanh hòn đá đánh dấu nơi đức Phật Thích Ca đã sinh ra đời/Lâm Tỳ Ni/Népal
Ngồi thiền nơi gốc bồ đề trong vườn Lâm Tỳ Ni, bên bờ hồ, nơi xưa kia khi đức Phật sinh ra đời có 9 con rồng hiện ra phun nước tắm cho ngài.
Kỷ niệm bên đền thờ đức Phật ở vườn Lâm Tỳ Ni/Népal
Kỷ niệm bên gốc bồ đề ở vườn Lâm Tỳ Ni/Népal
Trụ đá của vua A Dục ở vườn Lâm Tỳ Ni/Népal
Đi kinh hành chung quanh tháp Dimak ở Vườn Lộc Uyển, nơi xưa kia đức Phật chuyển pháp luân lần thứ nhất độ cho 5 anh em ngài Kiều Trần Như
Ngồi thiền ở vườn Lộc Uyển nơi Như Lai chuyển pháp luân lần thứ nhất/Ấn Độ
Đảnh lễ đức Bổn Sư và 5 anh em ngài Kiều Trần Như ở tháp Dimak/ Vườn Lộc Uyển/Ấn Độ
Luyện công ở vườn Lộc Uyển, tại nơi xưa kia đức Phật thường giảng pháp và trị bệnh cho dân chúng/Ấn Độ
Kỷ niệm ở vườn Lộc Uyển/Ấn Độ
Kỷ niệm ở tháp Dimak nơi đức Phật độ 5 anh em ngài Kiều Trần Như
Toàn cảnh vườn Lộc Uyển hiện nay/Ấn Độ/2014
Một nền tháp cổ ở vườn Lộc Uyển, nơi xưa kia có thờ xá lợi Phật