1. Công việc chính của người thầy không phải là dạy, mà là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn; kích thích truyền cảm hứng để những gì tiềm ẩn trong người trò tự hiển thị.
Cũng thế, công việc chính của một vị huynh KCDS không phải là dạy, mà kích thích truyền cảm hứng, để những gì tiềm ẩn trong người tập tự biểu thị. Làm như vậy là chư huynh được học 2 lần.

2. Như người thợ rèn không đập búa lên sắt nguội. Một vị thầy tâm linh trước tiên dùng lửa con tim khiến học trò mình đỏ rực và phát hào quang; khiến vô minh mềm ra trong lửa từ bi. Nhiên hậu mới nện búa nghịch pháp biến đổi vô minh thành hữu dụng.

3. Người thầy trung bình chỉ biết thuyết pháp. Người thầy giỏi biết giải thích pháp bằng luận. Người thầy xuất chúng biết minh họa giáo pháp bằng các sự việc thực tiễn trong cuộc sống. Còn người thầy vĩ đại lại là người biết cách truyền cảm hứng. Và người học trò của người thầy vĩ đại là người biết dùng nghệ thuật biến cảm hứng thành sáng tạo.

4. Cha mẹ cho ta sự sống, thầy giáo cho ta phương cách sống đàng hoàng tử tế, còn vị thầy tâm linh cho ta phương cách sống với “con người thật” của chính mình.

5. Sáng tạo không phải cố tạo cái mới, mà là thành thật với chính mình và tự nhiên. Sau khi đổ mồ hôi trong lao động và suy tưởng cần cù, thì sáng tạo sẽ nở hoa trên mảnh đất nghỉ ngơi. Khi ấy thì ngươi khoanh tay còn thượng đế lay hoay; khi ấy ngươi buông tay còn thượng đế sẽ bay bằng đôi cánh mới. Khi ấy ngươi ngước lên mỉm cười nhàn hạ còn thượng đế mới là người phải tạo dựng thiên đường.. . .hề hề. . .

6. Sáng tạo đích thực là việc của vô thức. Nó ngẫu hứng, tức khắc, tức thì và phi tâm trí. Nó nhất thiết không phải là việc kết nối và tổng hợp các kinh nghiệm. Nó là bất tư nghì chẳng biết vì sao và nguyên nhân do đâu. Vì vậy mọi sáng tạo đích thực đều là món quà gửi tới tương lai.

7. Khi con người muốn làm cái máy có thể đi, anh ta tạo ra bánh xe, chẳng có gì giống như một cái chân. Và như vậy, anh ta đã theo chủ nghĩa siêu thực. Nhưng khi con người tạo ra tôn giáo, thì thượng đế lại giống như người thật. Nên tôn giáo không phải siêu thực mà là thực dụng.

8. Khi ta mới học thiền, ta luôn chọn con đường đối lập với lối mòn. Và khi ấy nếu có người đưa giấy có dòng kẻ, ta luôn viết bằng mặt còn lại. Còn bây giờ ta già rồi, nên luôn đi theo con đường thú vị và viết những điều mình thích.

9. Khi thân và tâm bạn ở trong an toàn và chắc chắn. Thì mọi sáng tạo đội nón ra đi. Và như vậy bạn không có cơ hội gặp được thượng đế. Vì cái tối thượng là bản thể nội bao cả sáng tạo và hủy diệt.

10. Cái nguy hiểm của thời đại chúng ta, không phải là chúng sanh không tu theo Phật pháp, mà là chúng sanh tu theo Phật pháp được diễn dịch theo kiểu chúng sanh.

11. Kẻ biết người là người "Khôn". Kẻ biết mình là người "Sáng". Nhưng kẻ biết thật ra mình không biết gì mới chính là người đạo đức.

12. Karl Marx nói: Bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục. Nhưng cứ theo logic nầy suy ra, thì bản thân nhà giáo dục của nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục.

13. Yêu không phải là một danh từ ; không phải là một động từ. Cũng như thiền, nó là “bất lập văn tự”. Có thể sống với nó, nhưng không thể hiểu được nó.

14. Tôn giáo coi tình yêu là tội lổi. Bởi vì chỉ có tình yêu mới có thể cạnh tranh được với thượng đế về tính huyền diệu và sự hấp dẫn.

15. Để chiếm được trái tim người phụ nữ, người đàn ông đầu tiên phải dùng trái tim của mình. Cũng vậy con đường từ con tim chúng sanh tới con tim thượng đế là con đường ngắn nhất để chúng sanh hợp nhất với thượng đế phi nhân cách.

16. Người ta bảo tiền bạc không mang lại hạnh phúc, nhưng dù vậy ai cũng muốn tự mình chứng minh điều đó. Và nguyên nhân của mọi xấu xa là lổi của thượng đế. Bởi vì ngài không có khả năng tạo ra đủ tiền cho tất cả mọi người xài. Cho nên ngài phải tạo ra tôn giáo để khiến người ta nghĩ rằng mình có thể thiếu tiền mà vẫn hạnh phúc.