Hội Bàn Đào thường mở theo kỳ.

Một đời người có diễm phúc lắm cũng chỉ có thể dự hôi 1 lần. Kỳ này, hội mở vào mùa thu.

Kế Hoạch và Tùy Hứng cùng hăm hở lên đường mong sớm đến dự hội. Thời gian thấm thoát trôi không mau, chẳng chậm…

Kế Hoạch mải miết đi theo đúng lịch trình.  Những khi mưa bão, Hoạch vẫn gia công chèo chống, xông pha tiến lên như 1 anh hùng… Đến khi trời quang mây tạnh thì Hoạch ốm, chẳng lê chân nổi…. Hội Bàn Đào kỳ ấy Hoạch lỡ làng….

Còn Tùy Hứng đủng đỉnh trên đường. Nắng đi, mưa nghỉ. Hoa thơm, quả lạ làm hứng mải mê lang thang như em bé Quàng Khăn Đỏ trong rừng thuở nào. Xuân qua, hè tới. Hè qua, thu tới… Bỗng Hứng chợt nhớ rằng thời gian sắp hết. mà đường thì xa….Hứng cũng lỡ rồi….

                                                                                                                                                                                                                            Hihumi

>>>>>>>>>

 Lời bình của Cà độc Dược:

Thế à

Đoàn người đang trẩy hội Bàn Đào. Họ ngày đi, đêm nghỉ, ung dung, nhàn hạ, chánh định và trang ngiêm, lúc nào cũng tỉnh giác, lúc nào cũng an lạc, vui vẻ, không cố gắng quá sức như bác Kế Hoạch, cũng không giải đãi như bác Tùy Hứng. Ai cũng vui vẻ vì thế nào cũng kịp dự hội Bàn Đào.

Họ gặp một bác nông dân vừa cày xong thửa ruộng đang nằm trên đám cỏ ngủ ngon lành.

-   Này bác gì ơi!... Bác không biết có hội Bàn Đào sao? Hội Bàn Đào chỉ mở theo kỳ. Một đời người có diễm phúc lắm cũng chỉ có thể dự hội 1 lần. Kỳ này, hội mở vào mùa thu. Vui lắm!… Phúc đức lắm!…Đây là dịp may hiếm có đấy!...

-   Thế à!...

                                                                                                              Cà Độc Dược

>>>>>>>>>>

Bài thơ phúc đáp của Nông Dân:

Thưa bác Cà Độc Dược…., ai nói vậy?

Ruộng đã cày xong,

Chỉ còn có ngủ,

Chẳng đất chẳng trời

Chẳng người, chẳng hội,

Lại có…” Thế à?”….?

 

Có hẹn thì có lỡ

Không hẹn chẳng có không

Khói sương mờ vũ trụ

Chẳng 1 bóng nhạt nhòa….

Mà lại có …”Thế à?”….?

                        Nông Dân

>>>>>>>

Hồi âm cho bài thơ của Nông Dân:

Ai nói

Lúc nào cũng phải im lặng là trụ vào cái im lặng

Lúc nào cũng phải trả lời là trụ vào cái trả lời

Muốn nói muốn nín tùy duyên mà không rời xa Phật tánh nên :”Thế à!”

“Thế à!” chẳng khẳng định mà cũng chẳng phủ định.

Nếu chấp vào “có” thì :Thế à!” là khẳng định. Nếu chấp vào “không” thì “Thế à!”  phủ định.

Không chấp vào nhị nguyên thì “Thế à!” là “Thế à!”

Khi biểu thị cho cái tối thượng, tùy đối tượng mà Như Lai và chư Tổ có tùy duyên khác nhau:

-       Như lai thì im lặng

-       Tổ sư Bạch Ẩn thì “Thế à!”

-       Có người thì “Vô’

-       Có người vỗ tay cười lớn

-       Có người thổi tắt đèn đi..v..v…

Đều là pháp phương tiện. Bởi vậy nay chúng ta là kẻ hậu học. Nương ngón tay để hy vọng thấy mặt trăng. Đâu dám chấp ngón tay để lạc vào hý luận.

Vô ngã là chân không ở “thể” mà diệu hữu ở “dụng”. Bởi vậy chư bồ tát khi độ sanh đều luôn phải nói năng hành động nhưng không phải trụ ngã.

Cả đời đức Phật thuyết giảng không lúc nào ngừng . Vậy ai nói?!...

Mô Phật!.. mấy lời thô thiển mong bạn Nông Dân tha cho cái tội nói càn, bớt chút thời gian góp ý, chỉ giáo cho thì thật là may mắn lắm thay!

                                                                                                                                                                                              Cà Độc Dược