Mỗi lần đi xe đò ngang qua Đèo Cả là tôi đều thức giấc tỉnh dậy, nhìn ngắm con đèo và biển xanh ngắt của vịnh Vũng Rô. Đôi khi xe chạy ban đêm thì chỉ nhìn ngắm được đèn xe chạy ngược và đèn những chiếc tàu cá ngoài biển. Trong tiềm thức của tôi như có gì đó đánh thức tôi khi xe vừa mới lên con dốc đầu đèo Cả từ hướng Đại Lãnh, dù lúc đó tôi đang ngủ thật say cũng phải thức giấc. Chắc có lẽ đó là tình cảm quê nhà của người con xa xứ.
Rồi từ đèo Cả lại nhấp nhỏm mong ngóng cho mau mau tới nhà. Vừa qua khỏi đèo là thấy núi đá Bia ngàn năm mây phủ, nơi này tương truyền từ cuộc Nam tiến của vua Lê Thánh Tông, năm 1471 đã tiến quân đến đèo Cả và sai lính khắc bia đá để đánh dấu ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành.
Từ núi đá Bia xe chạy ngang cánh đồng lúa Hòa Vinh, Hòa Xuân xa xa là cầu Đà Rằng và thấp thoáng Núi Nhạn hiện ra. Sông Đà núi Nhạn là biểu tượng đặc trưng của Tuy Hòa. Núi Nhạn là công trình kiến trúc nghệ thuật Chăm duy nhất còn sót lại trên vùng đất Tuy Hoà. Ngọn tháp nằm trên đỉnh Núi Nhạn nên được người dân địa phương gọi là Tháp Nhạn.
Ảnh: Tháp Nhạn
Đứng từ đỉnh núi Nhạn nhìn bốn mặt Thành phố Tuy Hòa được. Hướng đông là cửa biển với sông Đà Rằng và sông Chùa chảy ra. Hướng Tây là cánh đồng lúa với khách sạn 5 sao Cendeluxe của Thuận Thảo. Hướng Nam là cánh đồng lúa và xa xa là núi Đá Bia. Hướng Bắc là núi Chóp Chài hình dáng con rùa đang đi ra biển.
Ảnh: Núi Chóp Chài và Sông Đà Rằng
Một số truyền thuyết ở đất Phú Yên (truyện sưu tầm)
1 . Trong số các truyền thuyết sưu tầm được ở Phú Yên có một số truyền thuyết liên quan đến Cao Biền. Cao Biền là một nhân vật có thật, là một vị tướng giỏi đời nhà Đường của Trung Hoa, theo đồn đại trong dân gian thì ông có tài điều khiển âm binh, trấn yểm long mạch...Ở Phú Yên, con quạ của Cao Biền cưỡi bị dân Phú Yên bắn rớt tạo thành đầm Ô Loan, giày mũ văng ra hóa thành các đảo hòn Mão, hòn Giày, máu ngựa của ông phun ra tạo nên gành Đỏ, rồi cuối cùng ông chết gục trên bãi cát An Hải.
2. Chiếc bánh nậm của Nữ Nhi Phù Quốc ở đầm Cù Mông: Tương truyền khi quân Nguyễn Ánh bị anh em nhà Tây Sơn đánh tháo chạy ẩn nấp trên hòn Khô (thuộc dãy Cù Mông) sau đó tìm đường xuống chân đèo tìm cách vượt qua đầm Cù Mông để xuôi về phương Nam. Trong khoảng thời gian này, việc tiếp ứng quân lương hoàn toàn bị bế tắc, tất cả quân sĩ đều phải đào rễ củ trên rừng để sống qua ngày. Đến khi lần xuống được khu vực Xuân Lộc thì tìm thấy một số cư dân sinh sống từ lâu ở đó. Do đời sống kinh tế khó khăn, lúa thóc hiếm, nên người dân phải xay gạo thành bột rồi gói bánh cho quân sĩ Nguyễn Ánh tạm sống qua ngày. Ở đây có người đàn bà tên là Phạm thị mang bánh nậm dâng lên cho Nguyễn Ánh và dặn: Các ngài ăn uống xong nên tìm đường mà lánh quân Tây Sơn đã phát hiện ra chổ trú ngụ của ngài. Nguyễn Ánh hỏi: nhà ngươi là ai, sao không tâu báo chổ ta ẩn nấp mà lãnh thưởng? Phạm thị nói: Tôi tuy phận đàn bà nhưng cũng biết chút ít đạo lý thánh hiền, xin ngài chớ nói vậy. Nguyễn Ánh gạt nước mắt: Ta thâu tóm được giang san, sẽ nguyện báo đáp ơn này. Sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh cho người đến bến đò Tuỳ Luật, tìm bà Phạm thị để báo đáp ân xưa.
Ảnh: đèo Cù Mông
Khi còn thiếu thời, người ta thường muốn bay nhảy hướng về thành phố nơi phồn hoa đô hội, luôn muốn thoát ra khỏi cái nơi đã sinh ra và nuôi lớn mình.
Bây giờ, sống nơi đất khách quê người lòng lại luôn đau đáu một nỗi niềm quê hương ...