QUẦN LONG VÔ THỦ ( Tiếp theo )

Trên hiên gian Đại Hùng bửu điện bốn vị đại sư thuộc hàng chữ Huệ và Linh Thông đạo trưởng, vị khách quý cùng đại đệ tử Thanh Phong mới từ núi Thất Sơn trong Nam ra thăm viếng chiều qua đang chăm chú xem buổi luyện công của các tục gia đệ tử.
Dưới sân các đệ tử tục gia đã chuyển từ Dịch Cân Kinh sang Thất Tinh Quyền.
Thiên Long Tự toạ lạc trên sườn núi phía đông của Hồng Lĩnh Sơn, nhìn ra biển
Đông. Dưới chân núi những đợt sóng xô vào vách núi tung bọt trắng xoá. Tiếng gió lộng hoà tiếng sóng Hải Triều Âm vang động núi rừng…
Chợt đạo đồng Thanh Phong quay sang nói nhỏ với Linh Thông đạo trưởng:
- Thưa Sư phụ từ đầu tới giờ con chưa thấy có gì đặc biệt, Xà quyền, Hầu quyền, Hạc quyền, Báo quyền, Hổ quyền tuy biến hoá cuơng mãnh nhưng cũng chẳng hơn võ công của ta là bao, nhưng bây giờ thì đã có sự biến hoá. Họ đã chia thành hai nhóm . Vòng ngoài hai người một nhóm có tám nhóm xếp theo vòng tròn trông giống như phương vị Bát Quái. Võ công họ đang luyện trông giống như Hạc quyền của phái Bạch Hạc nhưng đòn sát thủ không phải bằng đòn chân mà bằng đòn tay quật ngược và bằng đòn đánh đầu giống như Thiết đầu công. Ở vòng trong cũng hai người một nhóm nhưng đứng trấn bốn góc thành hình vuông, ở chính giữa chỉ có một người. Chín người này võ công họ đang luyện nhìn chiêu thức thì đúng là Long quyền nhưng có điều lạ là chiêu thức không đều nhau, mà cũng chẳng ai giống ai.
Linh Thông đạo trưởng sợ làm kinh động các Đại sư nên hạ giọng nói nhỏ:
- Mắt con nhìn quả không sai. Con đã thấy được điều tinh yếu cơ bản trong trận pháp và võ công họ đang luyện nhưng chưa thấy được cái kỳ diệu của Huyền Công vô thượng của Thiền phái Mật thừa. Họ đang luyện Nhất Nguyên Thần Công. Một Thần công vô thượng của người Việt cổ đã bị thât truyền.
- Thưa sư phụ tại sao lại gọi là Nhất Nguyên Thần công?
- Con hãy nhìn cho kỹ.Vòng ngoài là tám cặp đứng theo phương vị Tiên Thiên Bát quái : Càn- Tốn- Khảm- Cấn- Khôn- Chấn- Ly- Đoài. Võ công họ đang luyện không phải là Hạc quyền mà là Hồng Lạc quyền. Tương truyền đó là võ công của con Đại Thần ưng mà Tiên nữ Âu Cơ cưỡi bay xuống trần gian. Trên cổ đeo một cuốn Thiên thư . Cuốn thiên thư đó sau được gọi là Lạc Thư. Về sau Vua Hùng Vương đã sai thợ đúc hình chim Hồng Lạc trên trống Đồng để lưu lại hình ảnh con Thần ưng của dân tộc cho đời sau.
Vòng trong chín người đứng theo phương vị Ngũ hành, cứ hai người một góc, bốn góc là Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả và ở giữa là Thổ: Trung ươngThổ Mậu Kỷ. Chín người này luyện Long Quyền, ứng với số 9 là số lão Dương, tượng trưng cho Cửu Long. Tương trưyền khi Lạc Long Quân đi tuần du tới miền đất ven biển Đông Ngài đã dùng pho thần công này diệt trừ rất nhiều Sơn tinh ,Thuỷ quái, Hồ ly tinh. Sau khi Lạc Long Quân lấy Tiên nữ Âu Cơ đẻ ra một trăm trứng nở thành một trăm người con, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “ Ta là giống Rồng nàng là giống Tiên không thể ở gần nhau mãi được. Nay ta đem 50 con xuống biển nàng đem 50 con lên núi.” Và Ngài lập người con trưởng lên làm vua. Đó là vua Hùng Vương thứ nhất. Để giúp vua Hùng Vương cai trị thiên hạ Lạc Long Quân và Âu Cơ đã truyền hai pho Thần công là Hồng Lạc quyền (sau này gọi là Điểu quyền) và Long Quyền. Mẹ Âu Cơ trao cho cuốn Thiên thư- tục gọi là Lạc thư- Cha Lạc Long Quân cho thần Kim Quy dâng lên Quy thư là sách ghi các việc thần bí khai thiên lập địa ở trên mai Rùa Thần. Dưới thời vua Hùng nền văn minh của dân tộc ta đã phát triển rực rỡ, có chữ viết là loại chữ Khoa Đẩu, xem Quy Thư, xem tượng trời đất mà làm ra lịch nông nghiệp. Vua HùngVương đem trao đổi văn minh của dân tộc Lạc Việt cho vua Nghiêu. Người phương Bắc liền kết hợp hai nền nền văn minh lại. Họ dùng nền tảng vũ trụ thần minh ghi trên mai Rùa Thần, ghi trongThiên Thư( Lạc Thư) của người Lạc Việt kết hợp với tích Long Mã Hà Đồ mà soạn ra bộ Kinh Dịch. ( Về việc này Sách Thông chí của Trịnh Tiều TQ chép rằng: Đời Đào Đường ( Nghiêu ) năm 2253 trước Công Nguyên phương Nam có họ Việt Thường cử sứ bộ qua hai lần phiên dịch sang chầu dâng con Rùa Thần có lẽ đã sống một nghìn năm, mình dài hơn ba thước, trên lưng có văn khoa Đẩu ghi việc trời đất mở mang. Vua Nghiêu sai chép lấy.) Trích “ Vài nét về Văn Hoá thời Hùng Vương” của Giáo sư Bùi Văn Nguyên đăng trongtạp chí Văn Học số ra tháng 9 / 10 /1973 – Bàn về Lịch Vạn Niên- N X B VHDT trang9-2004.
Hai pho võ công ấy kết hợp lại thành pho Nhất Nguyên thần công. Lạc Quyền vòng ngoài thuộc Âm. Long Quyền vòng trong thuộc Dương. Đó là ngoại Âm nội Dương. Theo Kinh Dịch thì Ngoại Âm nội Dương thuộc về Nhất Nguyên luận. Mà Nhất nguyên là Thái Cực. Thái cực trở về Vô Cực là trở về Đạo, vì thế mới có tên là Nhất Nguyên Thần Công. Chính vì thế mà pho Long Quyền là phương tiện giúp Hành Giả luyện được Khí hoá Thần.
- Thưa sư phụ, nhưng đó chỉ là truyện truyền thuyết lưu truyền trong dân gian. Đã có ai chứng minh được là có Lạc Long Quân và Âu Cơ đâu?
- Nhà ngươi trí óc còn non nớt chưa hiểu. Con hãy xem bất cứ một dân tộc nào trên thế giới cũng đều có truyền thuyết, huyền thoại riêng của dân tộc mình. Người Trung Hoa có truyền thuyết về ông Bàn Cổ thưở khai thiên lập địa, về cuộc chiến giữa thần Cung Công và thần Chúc Dong làm gẫy cột đá chống Trời khiến Trời nghiêng về góc Tây Bắc đó sao. Đó là lý do tại sao trên bản đồ Tử Vi sao Tuần Trung không vong không an được vào giữa hai cung Tuất Hợi thuộc phương Tây Bắc. Ngưòi Hy Lạp có thần thoại Hy Lạp với Thần Dớt, thần Pơ Rô Mê Tê lấy trộm lửa xuống cho con ngưòi. Có huyền thoại A Đam-EVa thì mới có Chúa Zê Su. Có chúa Zê Su thì mới có Đạo Thiên chúa. Có cụ Lão Tử thì mới có Đạo Lão, mới có phái tu Tiên Lão giáo ở Trung Hoa. Có Thái tử Tất Đạt Đa đi tu thành Phật Thích Ca Mâu Ni thì mới có đạo Phật. Có Lạc Long Quân thì mới có 18 đời vua Hùng, mới có nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam ngày nay. Có…có…… mà thôi…. Từ xưa tới nay việc khởi đầu đều phải có Đệ nhất Kỳ Nhân cả. Như thế thì truyền thuyết huyền thoại cũng có những giá trị riêng của nó, không ai có thể phủ định được. Con tin cũng được mà không tin cũng chẳng sao. Sau chuyến viếng thăm Thiên Long Tự này ta sẽ cho con đi viếng thăm Đền Hùng Vương tại tỉnh Phú Thọ. Cha Ông ta đã lập đền thờ 18 đời Vua Hùng, thờ Tổ là Trời Đất và có riêng đền thờ đức khai sáng là Lạc Long Quân mẹ Âu cơ cùng các vị Anh thư, Nữ kiệt có công với dân với nước. Mẹ Âu Cơ là vị Thánh Mẫu đầu tiên của dân tộc Việt Nam, vị đứng đầu Đạo Tiên Thiên Thánh Mẫu Việt Nam. Con hãy nhìn xem trên dải đất hình con Rồng do hoá thân của Lạc Long Quân nhập vào đất Việt nơi đâu cũng có đền thờ các vị Thánh Mẫu . Ở Miền Nam có đền thờ Thiên Y A Na Thánh Mẫu trên tháp Chàm. Ở Miền Bắc có đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị Mẫu Nghi Thiên Hạ, vị Thánh tứ bất tử duy nhất có đủ cả bốn danh hiệu: Thần-Tiên-Thánh-Phật.
Đạo đồng Thanh phong ngẩn người, chăm chú lắng nghe như nuốt lấy từng lời của sư phụ, mắt vẫn chăm chú nhìn xuống giữa sân tập. Đây là lần đầu tiên trong đời Thanh Phong được nghe các truyện kỳ bí cao xa như vậy.
- Thưa Sư phụ tại sao mọi người đều tập Long Quyền nhưng chiêu thức không đều nhau, chẳng ai giống ai.
- Đó chính là điều khác biệt với các môn phái khác. Các kỹ thuật tâm lý, các động tác thể dục, các động tác chiêu thức võ thuật được quy định trước theo bài bản tuy có đều và đẹp song không thể phát huy hết tác dụng vì trong đám đông mức độ tiếp thu, thích hợp của từng người sẽ khác nhau. Nhưng đối với Hành Giả Khí Công khi đã hiệp được Nội khí của mình với khí Bản nhiên của Vũ trụ thì Năng lượng Khí sẽ tuỳ duyên hiển tướng thành các động tác theo yêu cầu, mục đích bài tập được quy định trong phạm trù Mã Khoá mà Hành Giả ra lệnh cho Não bộ.
Mỗi người tuỳ theo bệnh lý, sức khoẻ, tuổi tác mà khí sẽ hiển thị thành các động tác khác nhau. Ví như khi có gió thì mặt hồ, cây cối, lá cờ…sẽ có những hình thái chuyển động khác nhau.
Ở liệu trình A buổi tập thứ 9-10 tất cả các môn sinh đều được tập Xà Quyền. còn các bài Hạc-Báo-Hầu-Hổ-Điểu(Hồng Lạc)- Long Quyền thì có người tập được bài này có người tập được bài khác. Riêng đối với Long Quyền là bài tập cực kỳ quan trọng vì để luyện Khí hoá Thần nên người tập phải có nội lực sung mãn, có công đức tu tập có căn cơ phúc duyên. Và ngày giờ tập phải có sự khế hợp, tương thích , thích ứng giữa nhịp sinh học của Hành giả với nhịp sinh học của Vũ trụ
- Sư phụ. Lại có sự biến hoá nữa rồi. 18 môn sinh đứng ở vòng ngoài theo phương vị Bát Quái cũng đã chuyển từ Hồng Lạc Quyền sang LongQuyền. 25 môn sinh như 25 con Rồng uốn lượn quẫy lộn trong không trung
- Chà! Du Long bát quái chưởng...Hắc Long thám Hải...Cửu Long Tranh Châu... Cửu Long thăng Thiên...
Hoà trong tiếng gió lồng lộng, tiếng sóng biển ầm ầm, tiêng chưởng phong kình lực ào ào là tiếng Hải Triều Âm vang vọng truyền đi như một con Rồng cực dài uốn lượn giữa từng không.
Đạo đồng Thanh Phong thốt lên:
- Tuyệt quá! Thật đúng như một bầy Rồng con!..
Linh Thông đạo trưởng chợt nhíu đôi lông mày bạc trắng. Chuyển cây phất trần sang tay phải Đạo trưởng nhắm mắt, miệng lẩm bẩm rồi co tay bấm một quẻ bói Dịch. Lát sau Đạo Trưởng mỉm cười hai mắt sáng rực.
- Kỳ lạ thật! Việc hiện tại lại ứng với quẻ Thuần Càn. Quẻ Thuần Càn Nội quái Ngoại quái đều là Càn. Càn có bốn đức tính: Đầu tiên và lớn – Hanh thông – Thích đáng – Chính và bền.
Càn: Nguyên – Hanh - Lợi – Trinh
Có nghĩa là việc cần bói ứng vào quẻ này thì Đại cát. Sự việc sẽ hanh thông, có lợi, tất giữ vững được chung chính và bền vững. Quẻ Càn gồm 6 hào dương có nghĩa là rất cương kiện.Tượng trưng cho Trời. Bậc Thánh nhân đứng đầu muôn vật theo đạo Trời thì Thiên hạ bình an vô sự.
Đạo trưởng lại bấm bấm tính tính, vẻ mặt đăm chiêu, thỉnh thoảng lại gật đầu.
- Hào 1 Dương : Tiềm Long vật dụng.
Rồng còn ẩn náu chưa đem tài ra dùng được –( QUA!)
- Hào 2 Dương : Hiện Long tại điền, lợi kiến Đại nhân
Rồng đã hiện ra ở cánh đồng, ra mắt đại nhân thì lợi –( QUA!)
- Hào 3 Dương : Quân tử chung nhật càn càn, tịch dịch nhược Lệ, vô cửu
Người quân tử suốt ngày hăng hái tự cường, đến tối vẫn còn thận trọng như lo sợ.Nguy hiểm, nhưng không tội lỗi.- (QUA)
- Hào 4 Dương : Hoặc dược, tại uyên, vô cửu
Như con Rồng có khi bay nhảy, có khi nằm trong vực( biết tuỳ thờinhư thế thì) không lầm lỗi.- ( QUA)
- Hào 5 Dương : Phi Long tại Thiên, lợi kiến đại nhân
Rồng bay trên Trời, ra mắt kẻ đại nhân thì lợi-(QUA)
- Hào 6 Dương : Kháng Long hữu hối
Hào trên cùng- Dương :Rồng lên cao quá có hối hận- (QUA)
Văn ngôn : Hào 6 địa vị rât quý (vì ở trên cao hơn hết ). Nhưng không có ngôi, cao mà không có dân ( vì hào 5 là vua mới có dân ), các người hiền ở dưới mình mà không giúp đỡ mình (vì hào 3 tuy ứng với hào 6 nhưng lại ở nội quái, mà giữa hào 3 và hào 6 có hào 5 là vua làm chủ hào 3 rồi) cho nên ở hào này mà hoạt động thì tất có điều phải ăn năn.
Như vậy, thời của hào này là thời không nên hoạt động gì cả sớm rút lui đi thì giữ được tư cách Người Quân Tử.
Linh Thông đạo trưởng ngẩn người, hai mắt nhắm lại có vẻ suy nghĩ lung lắm.
- Cùng tắc biến. Cực Dương sinh Âm.
Chợt Đạo trưởng chợt nhớ lại khẩu quyết mà sư phụ trao cho trước lúc người bế quan : Thuần Khôn dụng Lục-Thuần Càn dụng Cửu.
-Thuần Càn dụng Cửu ?…dụng Cửu ?
A ! Dụng Cửu : Kiến Quần Long vô thủ. Cát.
Dùng hào Dương : thấy bầy Rông không có đầu, tốt. ) –(Thời ĐANG LÀ)
Chu Hy giảng : Gặp quẻ Càn này mà sáu hào(dương) đều biến (ra âm) cả, tức là cương mà biến ra nhu, thì tốt. Thánh Nhân dùng cái tượng bầy Rồng(sáu hào dương) mà không đầu (tức là nhu) để diễn tả ý đó. “Quần Long vô thủ” là sáu hào dương đều biến. Con Rồng hoạt động thường cốt ở cái đầu. Sáu hào dương đã biến (ra âm) hết thì không còn hình tích hoạt động nữa nên gọi là Rồng không đầu
Dụng Cửu : “Cửu” là hào dương biến; “Dụng” là lợi dụng; “Vô thủ” là không có đầu mối. Đạo Càn ( Quần Long ) vận hành, biến hoá kỳ diệu, vạn vật nhờ đó mà thành công, nhưng cái lý do nó không thể thấy được ( vô thủ), hễ dùng nó hợp thời thì tốt.
Đạo trưởng chợt thốt lên : - Ôi ! “Ý thâm diệu của Thánh nhân thì sâu xa huyền bí quá”. Then máy Huyền Cơ thật huyền nhiệm vô vùng.
Chợt trong không trung rền vang tiếng Long ngân Um…Ah…ah…triền miên từng đợt, từng đợt không dứt ngỡ như đức Lạc Long Quân oai linh hiện về thị hiện tuyền dạyThần công cho cho đàn con nhỏ…

…Độc Cô Cư Sĩ chợt giật mình thức giấc. Hoá ra Cư Sĩ nằm mơ. Tiêu Diêu cốc vào tiết Thanh Minh hạ cuối tháng 3 chan hoà ánh nắng. Rừng mơ vào kỳ cưối vụ chín vàng không người hái rụng đầy cốc. Nhẩy xuống khỏi tảng đá to như cái phản Độc Cô Cư Sỹ hít nhẹ một hơi dài rồi chắp tay thụ khí. Thân hình lão chợt rung nhẹ rồi hai bàn tay các ngón co rút lại như móng vuốt Rồng. Đôi chân di chuyển vùn vụt luồn lách qua những gộp đá, lão vọt lên hụp xuống thi triển long chỉ thủ, long chảo thủ. Lão mới tập Long Quyền được vài tháng, công lực còn yếu .Nhưng giấc mơ kỳ lạ kích thích làm lão say sưa luyện tập quên cả cái đói đang cồn cào trong bụng. Chợt lão thấy như có một luồng điện chạy từ Bách Hội xuống tụ ở Đan điền tinh Khí Hải rồi tiến lên Đan Điền Khí Đản Trung. Một luồng kình lực tuôn trào ra cánh tay, lão lộn nhào một vòng rồi tung người lên cao, hai tay vươn cao chộp xuống theo thế long chảo thủ rồi kéo mạnh sang hai bên.
…Xoạc….Um…um !...
Tay trái lão thủ Bút quyết Liên Hoa Thủ vạch loằng ngoằng trong không trung. Tay phải lão quài ra sau lưng rút Phán Quan Bút. Lão loan bút loang loáng, đâm trên gạt dưới, đỡ trái bạt phải. Chợt Bút quyết Liên Hoa Thủ tay trái lão thu về thủ trước ngực, luồng Khí lực cuồn cuộn từ Đan Điền Khí Đản Trung xông thẳng lên Ấn Đường. Khí tuôn trào ra cánh tay phải lão vung Phán Quan Bút viết lia lịa lên trời xanh.
- Hay quá ! Hay quá ! Long Quyền kết hợp “Tả Thiên Thanh” thật tuyệt vời.
Thu Phán Quan Bút Độc Cô Cư Sỹ quay lại. Đạo sỹ Ngộ Chân Tử đã vào cốc từ lúc nào đang đứng vừa cười vừa vỗ tay.
Gặp lại cố nhân, sau một vài lời chào hỏi Độc Cô Cư Sỹ kể lại quá trình tu luyện của mình và thuật lại giấc mơ kỳ lạ cho Đạo Sỹ Ngộ Chân Tử nghe.
Nghe xong Đạo Sỹ Ngộ Chân Tử chẳng nói chẳng rằng, đứng lên đi đi lại lại tay vung vẩy cây Phất Trần. Chợt Đạo Sỹ cúi xuống nhặt một quả mơ bỏ vào miệng. Mơ chín cây mọng nước. Cầm hột mơ trên tay Đạp Sỹ Ngộ Chân Tử ngâm nga :
- Một giấc mơ giữa rừng mơ. Mơ.. mơ…mơ.. Quả mơ có hột !...

15/6/2005 Quang Minh
:lol: