- Biết bao người gặp rắn, cũng sợ như thế. Nhưng chẳng ngộ. Tâm trí của người học trò qua công phu quán công án dần dần trở nên đầy, rắn chỉ là giọt nước làm tràn cái tâm trí nhị nguyên, để thể nhập thế giới rỗng không như thị của thiền. Thầy có nhiệm vụ phủ nhận mọi kiến giải của trò, vì mọi lời giải đáp khi ấy đều là tâm trí. Do đấy mà trò lại phải tiếp tục tư duy mài dũa trí tuệ. Đấy là quá trình làm đầy tâm trí để vượt qua tâm trí của thiền công án. Vai trò của Thầy cực kỳ quan trọng, do sự phủ nhận của Thầy trò mới tự làm đầy tâm trí của mình được. Một việc mà không một ai có thể làm thay!
- Nếu trò không ái kính Thầy, không một lòng tin tưởng ở Thầy thì việc thất bại. Bởi khi bị Thầy phủ nhận kiến giải và việc làm của mình, trò sẽ tự ái ngã mạn, tự bệnh vực cho lập luận của mình. Thế thì! "nhất tâm bất loạn" của người trò không thể được làm đầy và satori là không thể được. Thậm chí trò sẽ bỏ thầy và thường thì phản lại vì ngã mạn, bởi không biết thầy đang dùng nghịch pháp để giúp mình vượt qua tâm trí! . . .
- Còn người thầy nếu vì một lý do nào đấy, không dám phủ nhận kiến giải và thành quả của trò sau bao nhọc nhằn cố gắng, chẳng hạn sợ mất học trò, sợ mất sự ủng hộ .v. v . . thì trò chẳng bao giờ vượt khỏi tâm trí để nhập lưu được.
- Trong chuyện không đề cập đến hành vi ngôn ngữ của người trò sau giây phút ấy. Nếu đã vượt khỏi tâm trí thì hành vi và ngôn ngữ phải là trực tiếp, tức thì, là phản ảnh của sự kiện qua môi trường Bát Nhã chứ không phải là quyết định của tâm trí. Hành vi trở thành thiền cơ và ngôn ngữ trở thành thiền ngữ là vậy. Còn gọi là tam mật tương ưng: "thân mật, khẩu mật, ý mật". Thường thì thầy sẽ hỏi một câu hoặc làm một động tác để quan sát hành vi ngôn ngữ của trò xem đó là phản ảnh hay phản ứng mà chứng minh cho trò đã ngộ hay chưa. Dĩ nhiên thầy phải là một người đã kinh qua kinh nghiệm này.
Chuyện cực hay, ý tứ thâm trầm, thật quí lắm thay! . . .