1. Sự tương phản là cơ hội chứ không phải tai họa. Khi vào đời hành thiện, sự chống đối và trở ngại giúp hành giả tự phát, sáng tạo và tích hợp các khả năng đang tản mát của mình để tạo ra ích lợi thực dụng. Nếu yếu kém bạn sẽ không tồn tại. Nếu tồn tại bạn trưởng thành.
2. Tình yêu không biết tới khoảng cách và tình yêu tối thượng còn không biết tới thời gian. Khi bạn lặng yên và đồng cảm trong trường năng lượng thiêng liêng. Bạn hiện hữu thuần khiết, chấp tạy không làm gì, chính là lúc thượng đế hành động. Lúc bạn nhắm mắt lặng im, chính là lúc bạn thấy được “thầy mình thực sự”.
3. Huyền môn hiển lộ chỉ là nhất thời. Cái không hiển lộ mới là vĩnh hằng. Bởi vậy khi gần một vị thầy đích thực, bạn thấy người ấy luôn có những điều mới mẻ tràn đầy sinh lực và thực dụng. Đấy không phải là vừa nghĩ ra, vừa làm ra. . .mà nó đã có ở đấy tự bao giờ. Bạn đang chỉ thấy bề nổi của tảng băng trôi nên đừng vội phán xét. Một người không thể tự làm mới mình, không thể làm mới phương pháp, không thể làm mới môi trường hoạt dụng. . . người ấy không phải là vị thầy tâm linh thực sự.
4. Như hoa sen đang tỏa hương thơm. Bạn có thể có kinh nghiệm về hương thơm chứ không nắm giữ nó được. Diệu pháp ứng truyền cho người hữu duyên cũng vậy. Bạn có thể có kinh nghiệm về nó và rồi tự thân hành động qua sáng tạo tự do của mình, chứ không thể sở hữu hay nắm giữ nó rồi rập khuôn theo được. Tuy cái Một và Toàn Diện không chia lìa. Nhưng bạn là bạn, thầy là thầy và Phật là Phật. Cái đồng nhất thể phải là bản thể chứ không phải tướng trạng.
5. Thực pháp thì không thể rập khuôn, không thể chạm vào nó. Nhưng có thể xúc động và biến đổi qua nó. Pháp mà không gây ra xúc động và biến đổi chỉ là xác khô hay gỗ đá.
6. Nếu luyện công với mắt mở bạn bị kết dính với thế giới hiển thị là cuộc đời nầy. Nếu luyện công mà nhắm mắt bạn bị kết dính với thế giới không hiển thị là thế giới tâm linh. Người tu thiền hành công với mắt nửa nhắm nửa mở là ở Trung Đạo, để luôn là người quan sát chứng kiến mà không nô lệ cho tâm trí nhị nguyên: Thượng Đế và cuộc đời.
7. Biết thực ra là một loại căng thẳng tinh vi. Và sâu bên dưới thì tri thức cũng là một loại tù túng. Cho nên khi việc biết bị vứt bỏ, chỉ sự hiện hữu thuần khiết còn lại thì gọi là “giải thoát sở tri kiến”. Khi ấy lọt vào trạng thái thảnh thơi vô biên, còn gọi là tự do.
8. Trong tâm linh, khi người thầy ngồi đấy chẳng làm gì với Phật trường bao quanh. Chính sự hiện hữu thuần khiết cũng đủ tạo ra hoạt dụng. Người thầy vĩ đại là người thầy không dạy. Và đại y vương là người kêu gọi thức dậy (khai thị) chứ không phải trị bệnh. Trị thân và tâm bệnh chỉ là phương tiện.
9. Khi buông bỏ dốt nát bạn có trí tuệ. Khi buông bỏ trí tuệ bạn có cái kinh nghiệm tối thượng, hay là cái tự nhiên biết không nguyên nhân. Và đó là điều bí hiểm nhất của tâm linh và thiền. Chẳng cái gì còn lại để được biết, nơi không chỉ dốt nát đã biến mất, mà ý tưởng, cảm giác rằng bạn biết cái gì đó, cũng đã biến mất. Hành động thích ứng tình huống xảy ra tự nhiên chứ không phải qua sự hiểu biết của tâm trí. Bạn tự do vì lọt ra ngoài tâm trí nhị nguyên: Dốt nát và tri thức.
10. Mỗi khi bạn biết cái gì thì bản ngã được làm mạnh thêm. Cho nên không phải ngu dốt mà tri thức tạo ra bản ngã. Ngu dốt không tạo tham sân si mà nó chỉ thể hiện bản năng. Bản năng là tự nhiên nên không thể gọi là tham sân si được. Ngu dốt tạo ra nhiều sai lầm và nhiều bệnh. Còn tri thức chỉ tạo ra một loại bệnh và một sai lầm: bản ngã. Nhưng bạn biết đấy mọi bệnh tật cộng với mọi sai lầm đều không là gì so với bệnh Bản Ngã.>>>
Bồ Tát Quán Thế Âm