Trà đạo được biết đến như một loại nghệ thuật thưởng thức trà. Trà đạo phát triển từ khoảng cuối thế kỷ thứ 12. Theo truyền thuyết Nhật, vào khoảng thời gian đó, có vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215), sang Trung Hoa để tham vấn học đạo. Khi trở về nước, ngài mang theo một số hạt trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính Eisai này đã sáng tác ra cuốn "Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà. Từ đó, dần dần công dụng giúp thư giãn lẫn tính hấp dẫn đặc biệt của hương vị trà đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tinh thần thiền của Phật Giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo (chado, 茶道), một sản phẩm đặc sắc thuần Nhật. Trà đạo, không đơn thuần là con đường, phép tắc uống trà, mà trên hết là một phương tiện hữu hiệu nhằm làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, từ đó tu tâm dưỡng tính để đạt giác ngộ. Hòa - Kính - Thanh - Tịch, là bốn nguyên tắc cơ bản của Trà đạo. Trà đạo luôn gắn liền với thực hành bằng lối sống "tự làm chủ bản thân". Từ xa xưa ở Nhật, trà đạo đã có tầm ảnh hưởng khá sâu rộng trong tầng lớp võ sĩ và chính trị. Kết hợp với Zen và giáo lý nhà Phật, trà đạo chú trọng việc thực hành ở chính nơi bản thân mỗi người. Một buổi thực hành trà đạo thường diễn ra ở trà thất. Trà thất là một căn phòng nhỏ dành riêng cho việc uống trà, nó còn được gọi là "nhà không". Nhà uống trà ở Nhật, thường nhỏ và xinh xắn. Nó thường được làm bằng tre, nứa, mái lá, gỗ mộc, sàn gỗ hay lát đá núi. Thỉnh thoảng cũng có những trà thất làm bằng gỗ quí lợp ngói. Nhưng nói chung nhà uống trà thường đơn sơ, giản dị và yên lặng. Toàn bộ trà thất và khu vườn trà, đẹp một cách thanh cao, hài hoà, hợp nhất với môi trường thiên nhiên, với trời đất, với con người và thú vật. Nếu giao cảm trong yên lặng, bạn sẽ thấy nó còn hợp nhất với thần linh và cõi vô cùng.
Trà thất như một nét chấm phá trong khu vườn rợp bóng cây cổ thụ, cây bonsai, hồ nước trong xanh, lối đi rải sỏi đá. Những cây cầu xinh xinh, đèn đá, thảm rêu xanh. Những mái ngói phủ đầy rêu. Những hàng rào tre truyền thống. Không thấy những pho tượng bằng đá hay gốm sứ đặt trong vườn như ở Trung Quốc và Việt Nam. Chỉ có hoa lá tươi xanh, thảm có ngút ngàn. Cá chép bơi từng bầy, le le, vịt nước và chim trời, tự do như ở giữa những khu rừng nguyên sinh hoang vắng.
Nó như một bức tranh thuỷ mặc gợi lên bầu không khí mà Kobiri Emshiu đã tả:
Một chòm cây mùa hạ,
một nét biển xa,
một vừng trăng chiếu mờ nhạt.
Một lối đi nhỏ như đường mòn dẫn đến trà thất. Phía trước trà thất thường có một ống tre dẫn nước chảy róc rách vào một hòn đá già có chỗ lõm như cái chậu chứa đầy nước. Bên cạnh có đặt gáo gỗ để múc nước. Ở đây người ta "rửa tay" trước khi vào ngôi nhà nằm ở cuối con đường, chỗ tịch liêu nhất:
Tôi nhìn ra,
không có hoa,
cũng không có lá.
Trên bờ biển,
một chòi tranh đứng trơ trọi,
trong ánh nắng nhạt chiều thu.
Ngôi nhà uống trà làm bằng những nguyên liệu mong manh làm cho ta nghĩ đến cái vô thường và trống rỗng của mọi sự. Không có một vẻ gì là chắc chắn hay cân đối trong lối kiến trúc, vì đối với thiền, sự cân đối là chết, là thiếu tự nhiên, nó quá toàn bích không còn chỗ nào cho sự phát triển và đổi thay. Điều thiết yếu là ngôi trà thất phải hòa nhịp với cảnh vật chung quanh, tự nhiên như cây cối và những tảng đá. Lối vào nhà nhỏ và thấp đến nỗi người nào bước vào nhà cần phải cúi đầu xuống trong vẻ khiêm cung, trong khi người võ sĩ đạo thì phải để lại bên ngoài cây kiếm dài.
Bên trong trà thất là một không gian tỉnh lặng, trang nghiêm. Trên tường trống trơn. Tokonoma là một góc phòng được trang trí và hơi thụt vào trong so với vách tường. Hôm chúng tôi đến một trà thất ở Kyoto để dự một buổi trà đạo. Chỉ có một bức thư pháp lớn viết bằng mực đen treo ở tokonoma. Bên cạnh là một bình hoa trà nhỏ xíu có 2 bông, một trắng một đỏ rực như máu. Ở đây chúng ta thấy thiền gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến tokonoma lẫn chabana... vì chú tâm đến những chi tiết nhỏ bé trong cuộc sống để làm thăng hoa cái đẹp từ những điều giản dị. Chabana (花) là phong cách cắm hoa đơn giản mà thanh lịch của Trà đạo, có nguồn gốc sâu xa từ việc nghi thức hóa Ikebana. Cha, theo nghĩa đen, là "trà" và ban, biến âm của từ hana, có nghĩa là "hoa". Phong cách của chabana là không có bất kỳ qui tắc chính thức nào để trở thành chuẩn mực cho nghệ thuật cắm hoa trong trà thất. Hoa thể hiện tình cảm của chủ nhà trong một buổi tiệc trà. Hoa được cắm trong một chiếc bình hoặc một cái lọ mộc mạc với phong cách thay đổi theo mùa. Lọ hoa có thể được làm từ bất kỳ chất liệu nào, từ đồng, gốm tráng men hoặc không tráng men, cho đến tre, thuỷ tinh và các vật liệu khác. Khi cắm hoa cho một bữa tiệc trà, đầu tiên chủ nhà phải chọn hoa và lọ tương ứng. Hoa trong phòng trà gợi được cho người ngắm cảm giác như đang đứng giữa khu vườn tự nhiên. Nhìn thư pháp và lọ hoa khách có thể đồng cảm để nhận ra sự tỉnh giác đầy tinh tế, sự rung động thâm trầm sâu xa biểu thị qua thanh tinh trang nghiêm của người chủ trà.
Chúng tôi ngồi trên ghế. Trước mặt là 2 dãy bàn dài. Một người đàn bà trung niên mặc đồ đà giới thiệu về trà đạo. Sau đó người chủ trà là một cô gái Nhật xinh đẹp, mặc kimono truyền thống bước vào cúi đầu chào thật thấp rồi bắt đầu hướng dẫn chúng tôi các nghi thức uống trà đạo.
Trên lò than, cái ấm nước sôi sùng sục. Trong góc phòng lư trầm yên lặng toả khói thơm. Cô gái Nhật ngồi yên lặng, từ tốn chậm rãi xếp cái khăn lau màu đỏ, từ tốn dùng cái khan ấy lau các chén uống trà, bình trà và các dụng cụ bằng gỗ. Sau đấy cô lấy một cái chày nhỏ bắt đầu nghiền chè bột trong cối. Cô gái làm chậm rãi, lặng yên, nhẹ nhàng với nụ cười ẩn hiện trên môi. Nghiền xong, cô bỏ trà vào một cái chén rồi rót nước sôi vào. Đặt chén trà trên khay cô ta từ tốn trang nghiêm đi về phía chúng tôi để mời trà.
Chúng tôi đưa 2 tay nhận chén trà, cúi đầu chào đáp lễ cô gái đang cúi đầu chào mình thật thấp. Một tay nâng ly trà, tay kia tôi xoay 2 lần để cái hoa sen đỏ như máu vẽ trên thành ly ở phía trước quay vào bên trong người mình ngay phía trước ngực. Lúc ấy mới bắt đầu uống trà một cách từ tốn trong yên lặng. Uống xong phải xoay ngược 2 lần để cái hoa sen đỏ ấy quay trở ra phía ngoài, nhiên hậu mới được đặt xuống bàn.
- Thưa cụ, chẳng lẽ uống trà rồi thêm mấy cái chào và mấy cái động tác ấy mà thành cái Đạo sao?
- Này ông, trà chỉ là cái cớ để thực hành “chứng kiến và hành động trong tỉnh giác”.
- Thưa cụ, tại sao phải làm thế?
- Này ông, thiền nghĩa là chứng kiến lời nói, hành động và ý nghĩ của mình liên tục trong tỉnh giác. Để tự mình điều chỉnh nếu thấy lời nói, hành động và ý nghĩ của mình mất tịnh, mất an lạc, mất từ bi. Thiền cũng có nghĩa là sống với con người thật của mình, “bình thường tâm thị đạo”, thoát khỏi vô thức tập thể, cảm nhận cái đẹp, cái thú vị trong từng sự sự vật vật, sống với nó và hợp nhất với nó.
Không gian yên lặng, thanh thoát và diểm lệ ở vườn trà và trà thất, sẽ làm cho người đồng cảm dễ giao hoà với thế giới vô vi, dễ giao hoà với cái đẹp thuần khiết. Tâm thức nhờ vậy sẽ dễ thăng hoa phát triển về hướng chân thiện mỹ. Thế nhưng sự rung động của con tim với điều tối thượng bất tư nghì, có thể khiến hành giả mất tự chủ và lạc vào vô thức bản năng. Bởi vậy các động tác trang nghiêm, các qui định nghiêm ngặt về nghi thức mà người tham dự trà đạo phải tuân theo sẽ giúp người ấy luôn trang nghiêm chánh định, hợp nhất với điều huyền diệu mà không lạc vào vô thức. Cái đó gọi là “Vô”.
Này ông, uống trà như vậy chính là một phương pháp hành thiền. Khiến hành giả rèn được tâm mà không sa vào tâm linh tôn giáo với những giáo điều hoặc sa vào mê tín tự đánh mất chính mình trong cuộc sống.
Trong cái xã hội xô bồ, sống vội, sống gấp. Những cử chỉ nhẹ nhàng, chậm rãi, trang nghiêm thanh thoát và tràn đầy phúc lạc của trà đạo, như một pháp đối trị đưa ta về với cuộc đời thực của mình.
Trong cái xã hội tham cầu, danh lợi, địa vị, dùng vật chất như là thước đo giá trị, thì cái lặng yên, tịch tỉnh, cái trần trụi cô đơn hợp nhất với vẽ đẹp nguyên sơ thuần khiết của nguồn cội, sẽ là pháp đối trị để con người luôn sống trong phúc lạc, xa rời đấu tranh tàn hại lẫn nhau.
Con người là bạn của mọi con người khác. Con người là bạn của môi trường tự nhiên và hết thảy chúng sanh. Con người cũng là bạn của Thần Linh và những điều thánh thiện.
Này bạn, bất kỳ cái gì phát sinh từ lặng yên và sự rung động của con tim thì đều đẹp và đều có khả năng truyền nguồn cảm hứng thiêng liêng ra chung quanh. Trà đạo là một trong những điều kỳ diệu ấy. Nó là một biểu thị thuần phác cho vẽ đẹp của thiền và của nội tâm con người.
Này ông, cái gì đã qua rồi thì không bao giờ quay trở lại. Từng giây từng phút hãy hiện hữu đích thực và sống trọn vẹn điều mà trà sĩ gọi là:”Nhất kỳ nhất hội”.
Bây giờ thì hãy nâng ly lên vượt qua mọi qui tắc, chỉ còn đơn độc mình ta với trà. Uống đi, hợp nhất , cảm nhận, rung động trọn vẹn, thực sống không giả tạo với cuộc đời này.
>>>>>>>
Rong chơi đến xứ Hoa Đào
Muốn uống trà đạo phải vào nhà không
Hoa xuân yên lặng toả hương thơm trong khu vườn vắng
Tre, nứa, cỏ tranh, rêu và gỗ tạp. . . .tượng trưng cho sự vô thường không bền chắc của cuộc phù sinh
Trà thất đơn sơ thanh đạm
Cúng dường tam thế Phật. Phật ngồi xuống đất cùng với con người vui cuộc thịnh suy.
Chỉ có một bức thư pháp lớn viết bằng mực đen treo ở tokonoma. Bên cạnh là một bình hoa trà nhỏ xíu có 2 bông hoa. Một hoa trắng lặng yên, một hoa đỏ rực như màu lửa cháy.
Một cơn gió thoảng qua. Hoa rụng trên cỏ úa trước trà thất. Chung quanh yên lặng. Chỉ có ánh nắng mùa xuân đang chảy chầm chậm trên cỏ non.
Bên thềm nhà, rêu xanh và đá già nằm chơi trong nắng xuân
Trong trà thất. Cô gái Nhật yên lặng, hướng dẫn mọi người nghi thức uống trà theo phong cách trà đạo/Kyoto/Nhật
Hoà, Kính, Thanh, tịch: 4 tiêu chí của trà đạo
Thực hành pha trà theo phong cách trà đạo của Nhật/Kyoto
Thực hành nghi thức uống trà theo phong cách Trà đạo của Nhật/Kyoto
Cô gái Nhật và bộ Kimono truyền thống
Viết thư pháp ở phố cổ Kyoto/Japan
Đèn đá giữa vườn hoa
Cá chép trong hồ rêu
Một trà thất nằm giữa khu vườn Chaniwa tuyệt đẹp ở phố cổ Kyoto
Đá già, cây thế cổ thụ, hồ nước phong sương. chim trời cá nước, tình người và sự rung động thần thánh đã làm nên sự kỳ diệu của trà đạo. Trà chỉ là tá vật, năng lượng thiêng liêng của đạo mới là tinh tuý của nghệ thuật Zen.
Diệu pháp trà hoa minh
Nhà không
Ông già pha trà mời khách
Dùng khăn mây
Ông lau sạch chén đồng
Lau bình rỗng viên thông
Hoà tâm đồng bất động
Ông bỏ hoa, bỏ lá,
bỏ đá, bỏ cây,
bỏ vũ trụ thơ ngây vào cối
Ông xoay chày từ tối sang sáng
Từ hư không mênh mang sang cái đang là
Trộn với tiếng cười haha
để hoá ra trà hoa diệu pháp
Này Ông Già
Có phải. . .
Diệu pháp trà hoa minh là tánh linh của đạo?
Một trà thất cô đơn nằm giữa hồ nước và lặng im dưới tán cây rừng cổ thụ
Đưa con người trở về với thiên nhiên. Hợp nhất với trời đất lặng yên. Rung động, đồng cảm và sống hết mình vì cái đẹp thuần khiết ẩn tàng trong từng sự sự vật vật. Chính là yếu chỉ của trà đạo.
Uồng trà ở Kyoto, ngắm mưa xuân rơi trên vườn Chaniwa. Cây anh đào bên hồ đang yên lặng nở trong cái lạnh trong veo. Nhớ hôm nào ở quê nhà cùng chư huynh uống trà ở vườn trúc Diên Lâm, bốn bề gió lộng ào ào. Trời đất ngỗn ngang tâm sự. Còn lũ chúng mình vô sự, cùng ngắm lá trúc bay trong bóng hoàng hôn. Cuộc đời này ngắn ngủi quá. Tiếng cười trẻ thơ chưa dứt, đầu tóc đã bạc phơ. Tội chi không sống hết mình, để từng giây từng phút trôi qua không hối tiếc.
Trong từng sự vật, đều có một ly trà thượng đế mời. Lặng im, đồng cảm, linh hồn của mình hợp nhất với linh hồn của sự vật. Thì tự nhiên uống được ly trà này. Tự nhiên ngửi được hương thơm của ly trà vô vi. Nhấp được vị ngọt của trà hoa diệu pháp. Tư nhiên hợp nhất với tánh trà và hoá thành cha của muôn loài muôn vật.
Mời các bạn xem phim:
1/ Hoa anh đào/Kyoto/Japan/2012:
2/ Trà đạo Nhật/4/2012:
(Sắp đặt/D.T tặng diễn đàn)