Uống trà trong rừng hoa Anh Đào:
Buổi chiều đang xuống dần, Kyoto trời rét. Nắng chiều nhuộm vàng mặt hồ và soi sáng rừng anh đào thành từng vệt sáng mong manh. Quạ kêu quang quác và chim rừng ríu rít trong những vòm lá tối đen. Mấy người bạn Việt Nam cùng ngồi với Già Năm dưới tán rừng hoa anh đào của Nhật, uống trà và nói chuyện vui tươi:
- Thưa cụ, có người nói: “Đối với tình thương của một vị thầy, khi thấy đệ tử hạnh phúc sẽ không vì hạnh phúc ấy mà vui, khi thấy đệ tử khổ đau sẽ không vì khổ đau ấy mà buồn, vì có sá gì hạnh phúc khổ đau của thế gian. Chỉ có sự giác ngộ của người đệ tử mới làm cho thầy vui sướng mà thôi”. Thưa cụ, cụ có nghĩ như vậy không?
- Già cũng nghĩ như vậy mà không giống vậy
- Cụ nói vậy là như thế nào?
- Hề hề. . . .Thứ nhất, tình thương của người Thầy đối với người Trò là sự tự nhiên như mẹ thương con, chẳng cần nguyên nhân gì. Nhưng người Thầy thực sự lại là người luôn luôn an lạc, sự an lạc này không phụ thuộc bất kỳ một nguyên nhân nào. Đó là niềm vui không nguyên nhân, do cực tịnh mà có. Dù học trò có khổ đau hay hạnh phúc việc ấy không ảnh hưởng gì đến tâm thức cực tịnh của Thầy cả. Nếu bị ảnh hưởng thì người ấy đang bị phan duyên. Cho nên dù học trò giác ngộ hay không giác ngộ, chẳng dính dáng gì đến niềm vui không nguyên nhân của người Thầy. Dù người ấy có là học trò mình hay không phải học trò của mình thì có chi khác đâu, vì đều bình đẳng trong Tánh.
Thứ hai. Hạnh phúc thế gian và hạnh phúc của sự giác ngộ là bất khả phân ly. Vì đời và đạo là bất phân ly. Nên không thể có hạnh phúc của sự giác ngộ mà đời sống của mình không hạnh phúc được. Hoặc đời sống thực tiễn không hạnh phúc thì không thể có hạnh phúc nào của sự giác ngộ cả. Vì giác ngộ luôn bao gồm đời sống thực.
- Thưa cụ, có người nói: “ Sống và nhận thức được sự buốt đau tột cùng của sự sống, mới có thể giải thoát và an nhiên”. Cụ nghĩ sao về vấn đề này?
- Ta không nghĩ vậy. Đối với ta, thấy cuộc sống này “Như Thị”mới có thể giải thoát và an nhiên.
- Thưa cụ có người bảo: “Hạnh phúc trần gian là vực thẳm bi đát khôn cùng, vì nó chỉ là ảo ảnh trước mắt của những kẻ lạc đường trong sa mạc. Chỉ có an ổn thanh tịnh mới là nguồn chân phúc ngọt ngào vi diệu”. Cụ nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Già cũng cho rằng an ổn thanh tịnh là nguồn của chân phúc. Nhưng nếu thật sự an ổn thanh tịnh thì không đối lập với hạnh phúc trần gian, cũng như không mất an ổn mất thanh tịnh khi không có hạnh phúc trần gian.
- Thưa cụ, cụ nói vậy, tại sao trong “Luận Bảo Vương Tam Muội” có đoạn viết:
“ Đức Phật thiết lập chánh pháp, lấy bệnh khổ làm thuốc hay, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai gốc làm giải thoát, lấy ma quân làm bạo dạn, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạc làm người giúp đỡ, lấy kẻ chống nghịch làm người giao du, lấy sự thi ân làm đôi dép bỏ, lấy xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ. Thế nên ở trong chướng ngại mà vượt qua tất cả. Đức Thế Tôn được giác ngộ chính trong mọi sự chướng ngại, Angulimàla hành hung, Devàdatta khuấy phá mà đức Phật giáo hoá cho thành đạo tất cả. Như vậy há không phải sự tác nghịch là sự tác thành, mà sự khuấy phá là sự giúp đỡ cho ta đó sao? “ ?
- Này ông luận Bảo Vương Tam Muội viết như thế chứ không khẳng định. Người không có các nghịch cảnh chướng ngại như vậy thì tu không giác ngộ. Cho nên trong cuộc sống không nên chỉ chăm chăm đi tìm cái Khổ, nhận thức cái Khổ để làm động lực tu hành. Mà theo già, trong từng sự vật đều ẩn tàng niềm vui và sự thú vị của nó. Bởi nếu không có cái thú vị ấy, lấy đâu ra cái Khổ để mà nhận thức chứ. Vì cái Khổ có được là do so sánh với niềm vui và hạnh phúc. Cái Khổ chính là đối lập với thú vị và niềm vui. Cái này có là vì có cái kia. Có Khổ ắt đang có niềm vui đang ẩn tàng. Cho nên thay vì nhận thức cái Khổ để đau xót, sao bằng đồng cảm với điều thú vị đang ẩn tàng trong chính nó, để làm động lực cho cuộc sống và sự tu hành. Thế, có phải lúc nào cũng vui sao.
Hơn nữa đối với già thì nghịch cảnh hay không nghịch cảnh không quan trọng. Quan trọng là trạng thái tâm thức của người tu khi đối diện với các tình huống ấy trong cuộc sống. Nếu luôn giữ được tâm tịnh và an lạc, tràn đầy nhận biết thì giải thoát. Còn bị nghịch cảnh lôi đi thì đoạ luân hồi. Chứ chướng ngại phiền não hay không chướng ngại phiền não đều không phải là điều kiện ắt có và đủ để giác ngộ.
1/Hoa Anh Đào:
Hoa Anh Đào nở trong nắng xuân:
- Thưa cụ, bình thường không thấy hoa anh đào. Sao bây giờ hoa lại xuất hiện. Nó không phải từ dưới đất chui lên, không phải từ trên trời rơi xuống.Cũng không phải từ trong cây chui ra, vì bình thường chẻ cây ra chẳng thấy hoa đâu. Vậy hoa này từ đâu mà ra? Khi hoa rụng đi, nó cũng chẳng thật mất đi?. Vì nếu mất đi, thì sao sau đó hoa đào lại xuất hiện trên cây?
- Này ông, Tánh Hoa khởi dụng có hoa hoặc không có hoa. Có hoa hoặc không có hoa là hiện tượng sinh diệt của hoa. Còn Tánh Hoa thì chẳng thêm gì được vào, chẳng bớt gì được ra như như thường hằng muôn đời vẫn vậy.
Còn hoa bây giờ với hoa những mùa trước và hoa những mùa sau. Tuy cùng nguồn cội, nhưng bao giờ cũng khác biệt. Vì mỗi một hoa là một cá nhân duy nhất, chẳng bao giờ lập lại trong dòng chảy của biến dịch. Cá nhân tự nó có giá trị riêng, không phải thông qua so sánh với cái gì cả. Trước đấy và muôn đời sau không có cái gì giống như thế cả. Này ông, cái đó nhà thiền gọi là:"nhất kỳ, nhất hội".
Cũng vậy Tánh khởi dụng thành tướng Phật và tướng chúng sanh. Tướng Phật và tướng chúng sanh đều là hiện tượng sinh diệt và đều giới hạn. Bởi vậy chúng sanh nương theo tướng Phật để thấy Tánh, chứ chấp vào tướng Phật thì sẽ lọt vào phạm trù sinh diệt luân hồi.
Nắng vàng tươi. Nhưng trời khá lạnh. Chúng tôi đi dưới tán những rặng Anh Đào đang khoe hương sắc để đến tham quan các đền chùa ở Tokyo.
2/Sinh hoạt đời thường:
Một khu phố bên bờ con sông xanh
Một hồ phun nước ở quảng trường
Một quán ăn theo lối tự phục vụ ở Nhật.
(Chúng tôi gọi món. Người bán hàng ghi vào một tờ giấy các món ăn tôi đã gọi với giá tiền. Tôi đưa tiền. Sau đó người bán hàng đưa cho tôi một cái chuông điện. Chúng tôi tự tới bàn ngồi. Lát sau, khi món ăn đã làm xong. Họ sẽ bấm chuông. Nghe chuông reo chúng tôi, tự đến quầy nhận mân thức ăn, mang về bàn ăn. Ăn xong, chúng tôi tự mang mâm đến trả tại quầy).
Trước mỗi quán ăn. Đều có một tủ kính trưng bày mô hình mẫu các món ăn kèm giá bán, trông rất đẹp mắt.
Trồng cỏ trên sườn đồi
Hoa mộc lan trắng toát, tinh khiết, yên lặng nở một mình, bên cạnh rừng anh đào đang khoe hương, khoe sắc trong nắng xuân.
Hào nước quanh chân thành cổ của một vị lãnh chúa
Những người già cô đơn thường làm bạn với con vật nuôi của mình. Trong khi con cái theo nếp sống công nghiệp thường ở riêng, hoặc ít có thời gian dành cho người thân của mình.
Hoàng hôn trên thành cổ
Hoa anh đào nở bên thành cổ
. . . . . . .
3/Một Đền Thần Đạo:
Hành lang của một ngôi Đền Thần Đạo ở Kyoto
Khi đến Đền xin xăm. Nếu gặp phải xăm xấu. Người Nhật không mang về nhà mà treo lại tại Đền hay chùa. Sau đó có lễ vật cầu xin tâm linh giải hạn cho.
Sau khi phá thai hay các cháu bé bị chết non. Các bà mẹ Nhật, thường đến chùa hoặc đền thờ. Mua một con búp bê bằng đá, đội mũ len, tay cầm cái chong chóng nhiều màu sắc, đặt ở đây. Để thỉnh thoảng đến cầu xin thần linh gia hộ cho linh hồn bé nhỏ của các cháu chóng siêu thoát.
Vô số con búp bê đá. Vô số linh hồn bé nhỏ.
Trời lạnh thế. Nhưng người mẹ trẻ này vẫn tắm cho Như Lai để cầu xin cho linh hồn bé nhỏ của đứa con mình chóng siêu thoát.
Những bức tượng Phật đứng ngoài trời giá lạnh, cùng với những con búp bê đá nhỏ xíu đang mặc đồ len.
Lễ vật, hoa và bát hương ở khu tưởng niệm
Một Thần Xã của Thần Đạo bên đường
>>>>>
- Thưa cụ, có người nói: “ Chúng sinh ít ai có thể trở lại bình thường, vì họ hoặc là quá tầm thường,hoặc quá bất thường hay quá phi thường.
Người tầm thường là người bị cuộc sống cuốn trôi như một kẻ vong thân buông mình theo dòng sông định mệnh.
Người bất thường là người bị phong ba của cuộc đời quăng lên bờ sự sống, nằm giãy chết chờ ngọn thủy triều lôi trở lại dòng sông.
Còn người phi thường muốn với lên cao, bay bổng khỏi thực tại khổ đau của cuộc sống, muốn chấp cánh tung bay, lánh xa thế sự, cho đến ngày kia cánh mỏi, sức mòn lại rơi trở về phong ba, định mệnh.
Chúng sanh thường là một trong 3 hạng người trên,hoặc là cả 3 cùng làm chủ họ, thế thì biết làm sao trở lại bình thường? ”Thưa cụ, cụ nghĩ sao về nhận xét này?
- Không phải chúng sanh có 3 loại người: Tầm thường, bất bình thường và phi thường. Mà người ấy đang mang đôi kính có 3 màu: Tầm thường, bất bình thường và phi thường.. . .hề hề. . .
- Thưa cụ, có người nói: “ Cái bình thường là cái khổ đau, vô thường, vô ngã mà con luôn ở trong đó. Chỉ vì con vọng cái phi thường-cái thường lạc ngã tịnh- hay cái bình an xa xăm nào khác, nên con đã tự bỏ quên cái bình thường thiên thu vô giá”. Thưa cụ, cụ nghĩ sao về vấn đề này?
- Này ông, 2 quan niệm: một là khổ, không, vô thường, vô ngã của nguyên thủy và một là thường, lạc, ngã, tịnh của đại thừa thật ra chẳng khác nhau. Nhưng là đề cập đến 2 mặt khác nhau của cùng một vấn đề.
- Thưa cụ vấn đề gì?
- Bản chất của cuộc sống.
Một sự việc nếu nhìn ở mặt hiện tượng thì các biểu thị của nó là: biến dịch(chứ không phải khổ), không, vô thường và vô ngã. Nhưng nếu nhìn ở mặt tánh là bản thể thì nó là: Thường, lạc, ngã, tịnh. Tưởng 2 quan niệm này khác nhau, rồi sinh tâm phán xét thị phi đấu tranh khen chê là điều không nên.
- Thưa cụ, có người bảo: Giác ngộ chỉ có nghĩa là “trở lại bình thường”, mà người ta thường diễn tả thật kêu là : “ ngộ nhập tự tánh”. Cụ nghĩ sao về vấn đề này?
- Này ông,”bình thường” hay không là nói về trạng thái biểu thị. Còn “Tánh” là nói về bản chất. Hai điều ấy không thể so sánh với nhau vì không cùng một phạm trù.
- Thưa cụ, có người bảo rằng:
Tư do là ung dung trong ràng buộc
Hạnh phúc là tự tại giữa đau thương
Cụ nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Này ông, khi đã thấy là “ràng buộc” thì không thể tự do. Còn khi đã thấy “đau thương” thì không thể hạnh phúc được. Bởi vậy cho nên 2 câu ấy nên đổi thành:
Tự do là ung dung trong mọi việc
Hạnh phúc là tự tại giữa âm dương.
- Thưa cụ, có người bảo : “. . .Biết bao nhiêu người niệm Phật Di Đà, vọng cảnh Tây Phương. Những người phi thường ấy thật là khờ dại khi bỏ cõi tịnh độ ta bà đi tìm Tây Phương Cực Lạc mộng ảo xa xăm, vì không biết rằng Di Đà là tự tánh, tịnh độ là bổn tâm.” Thưa cụ, cụ nghĩ sao về vấn đề này?
- Hề hề. . . .chưa niệm Phật A Di Đà, sao biết niệm là khờ dại?
Cũng vậy chưa niệm A Di Đà sao biết Di Đà là tự tánh?
Còn chưa vãng sanh sao biết tịnh độ là bổn tâm?
Thứ nữa, chưa phân biệt được tánh và tướng. Tự Tánh là chỉ về thể làm sao có đặc tính do vậy không thể là Di Đà ở phạm trù tướng có đặc tính được.
Hề hề. . .Còn đã vô ngã thì sao còn có bổn tâm.
>>>>>>>>
4/ Hồ Kawaguchi:
Khách sạn nằm dưới chân khu rừng anh đào và sát bờ hồ Kawaguchi, một trong 5 hồ lớn quanh Phú Sĩ Sơn
Bình minh trên hồ Kawaguchi dưới chân núi Phú Sĩ.
4/Nhà bên hồ:
5/Tham quan núi Phú Sĩ:
Một tấm quảng cáo du lịch núi Phú Sĩ ở sảnh khách sạn
Đường lên núi Phú Sĩ. Hai bên là rừng cây trơ trụi lá. Gió thổi ào ào. Tuyết phủ trắng xoá. Tiếng bánh xe ma sát vào các vạch bê tông trên đường tạo thành bản giao hưởng vĩ đại, ca ngợi Ngài Phú Sĩ Sơn hùng vĩ và tráng lệ.
Trời rất lạnh, rừng cây trụi lá. Dưới đất tuyết phủ trắng xoá. Nhưng ánh nắng mùa xuân vẫn vàng tươi, chảy chầm chậm, phút chốc đã tràn ngập cả đỉnh đèo lộng gió.
Vì trời đổ tuyết nhiều. Đường đóng băng trơn tuột nên không thể đi xe lên đỉnh. Chúng tôi dừng xe ở trạm số 4 và xuống xe tham quan đi dạo trong rừng
Rêu xanh và địa y là loại thảm thực vật phổ biến ở đây. Ở trạm dừng chân số 4, lưng chừng núi. Trời rét -15 độ C. Chúng tôi đi dạo trên băng và tuyết, ngắm đỉnh Phú Sĩ tuyết phú trắng tinh và rừng cây trơ xương ngập tràn ánh nắng mùa xuân. Tuyết tan chảy thành những con suối nhỏ. Nhớ câu thơ cổ: "Xuân thuỷ mãn tứ trạch" Nước xuân tràn 4 phương là vậy. Mùa xuân nắng ấm tuyết tan nên sông suối ao hồ tràn đầy nước. Do vậy nước tự tràn 4 phương bất định. Cũng như chân lý gặp thời thì tự nhiên phát triển chẳng cần cố gắng tuyên truyền và quảng cáo.
Cảnh đẹp mê hồn. Ánh nắng phản chiếu qua băng tuyết tạo thành muôn vạn sắc màu. Bầu trời trong vắt. Không khí trong và sạch. Mọi người nô đùa, cười nói vui vẻ. Nhiều người trong đoàn hồi giờ chưa thấy băng, tuyết nên tỏ ra vô cùng thú vị.
Kỷ niệm ở núi Phú Sĩ.
Rừng ngập tràn tuyết trắng
Rêu và địa y mọc đầy trên đá và các thân gỗ mục
Trong lòng vô sự, chân đạp trên tuyết trắng, chúng tôi cùng nhau đi dạo trong rừng Phú Sĩ ngập tràn ánh nắng mùa xuân.
Ngước nhìn lên bầu trời cao trong vắt. Đỉnh núi thần Phú Sĩ, tráng lệ, uy nghiêm, phủ đầy tuyết như đang đùa với chín tầng mây.
6/ Sự tuyệt vọng của con người và khu rừng tự sát Aokigahara ở chân núi Phú Sĩ/ Nhật:
Một xác chết với quần áo còn mới được tìm thấy ở khu rừng tự sát Aokigahara
Các nhà nghiên cứu tìm thấy di vật của một người tự tử. Đó là một con búp bê bị đóng đinh trên cây. Nó biểu thị cho lòng căm thù xã hội, căm thù cuộc sống hiện tai.
Rừng Aokigahara là một khu rừng hoang sơ, cây cối rậm rạp với thảm thực vật dày nằm bên dưới chân ngọn núi Phú Sĩ của Nhật. Tuy nhiên, từ lâu nay, khu rừng trở nên nổi tiếng không phải bởi vẻ đẹp của mình mà vì nó được chọn là một nơi lý tưởng của những người muốn tự tử. Mỗi năm, người ta tìm thấy hơn 100 thi thể người tự tử trong rừng Aokigahara. Tuy nhiên, họ tin rằng vẫn còn có nhiều người khác đã chết tại đây mà họ chưa được tìm thấy. Nguyên nhân chính khiến nhiều người coi rừng Aokigahara làm nơi kết thúc những bế tắc và cuộc sống của mình vẫn còn là một điều bí ẩn chưa tìm ra lời đáp chính xác. Ông Hayano một nhà địa chất chuyên nghiên cứu về Phú Sĩ sơn, đã tìm thấy một con búp bê bị đóng đinh vào cây, mà theo ông đó là một biểu hiện của lòng căm thù xã hội. Ngoài ra, ông cũng tìm thấy các dây băng nhựa mà một số người dùng để tìm đường ra ngoài trong trường hợp thay đổi ý định. Những cảnh quay trong bộ phim tài liệu cho thấy sự tĩnh lặng đến ám ảnh xung quanh những thi thể người tự tử được tìm thấy trong rừng. Từ những di vật mà họ để lại - thường là các dấu hiệu cho thấy sự đau khổ và do dự trước khi chết. Hiệp Hội Chống Tự Tử Nhật Bản cũng đã đặt các cảnh báo xung quanh khu rừng để mong những người trẻ tìm đến đây sẽ thay đổi suy nghĩ của họ. Nơi đây mang đượm vẻ u tối với những rễ cây mọc chằng chịt như mê cung trên nền đất ẩm ướt và những phiến đá trơn trượt. Khu rừng rất rộng, cây cối lại mọc đan xen dầy đặc, nên tên gọi của nó dịch ra còn có nghĩa là "biển cây". Trong suốt một nửa thế kỷ qua, hàng ngàn người Nhật mệt mỏi với cuộc sống hiện tại đã tìm tới khu rừng này để tự kết thúc cuộc sống đáng chán của họ. Bởi thế, rừng Aokigahara Juka được biết đến với cái tên Rừng Tự Sát nhiều hơn cả tên thật của nó. Bằng chứng của những cuộc hành hương tìm tới cái chết của những con người tuyệt vọng nhiều năm trước vẫn còn nằm rải rác trong rừng. Cảnh sát và lính cứu hỏa tình nguyện địa phương hàng tháng đều tổ chức các cuộc tìm kiếm bên trong "Rừng tự sát". Khi họ di chuyển trong khu rừng này, họ sẽ căng các dây nilon màu để đánh dấu nơi họ đã tiến hành tìm kiếm hoặc nơi đã phát hiện ra các thi thể người tự tử, hoặc chỉ đơn giản là để đánh dấu con đường để có thể ra khỏi mê cung xanh này.Trong tháng 1/2011, Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản thống kê có 31.690 người Nhật tự tử trong năm 2010 và đây là năm thứ 13 liên tiếp có số người tự tử trên 30.000 người.Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản là 28,5/100.000 người - mức cao nhất trong số các nước phát triển và gấp đôi tỷ lệ của Mỹ.
- Thưa cụ, ở Nhật, Phật giáo rất phát triển, có thời nó như là quốc giáo và Zen ảnh hưởng đến mọi hoạt động của cuộc sống người Nhật. Thế sao tỷ lệ người tự tử lại cao đến như vậy. Thế thì cái thiền vị biến đi đâu?
- Này ông, áp lực của cuộc sống cọng thêm với áp lực của Zen, kiến con người bị stress trầm trọng. Cái gì thái quá đều không hay kể cả Zen hoặc thiền.
Trong ánh nắng mùa xuân và cái lạnh cắt da. Tôi yên lặng nhìn, chung quanh tôi mọi thứ đều sạch sẽ ngăn nắp quá. Vườn thiền chỉ bằng cát khô và đá, không có cây, không có nước, không có sự sống, chỉ có yên lặng, cô đơn, tịch mịch và ngoan không. Nó là yên lặng của cái chết, nên hấp dẫn bản năng của con người. Chung quanh tôi đâu đâu cũng thế , từ thiền viện đến ngoài đường phố. Cây nào cũng không còn một cái lá vàng, lá úa, lá sâu. Trên thảm cỏ luôn được cắt xén phẳng lì, chẳng có một cái lá nào rụng. Cây nào cũng đứng thành hàng thẳng tắp. Đường ngay, ngõ ngay và thẳng. Mọi thứ đều quá trang nghiêm, quá ngay ngắn, quá kỹ luật. . . .Từ cái cúi đầu chào như tượng gỗ đến tiếng hây! quyết liệt rõ ràng. Từ đáng đi thẳng, vội vàng, đúng giờ cực kỳ từng giây từng phút. Từ ăn uống, giao tiếp, tới tu hành và kể cả nghĩ ngơi đều quá khuôn phép, quá kỹ luật, quá giờ giấc, quá nguyên tắc, gần như bất di bất dịch. . . .Cái gì cũng cố nhanh hơn, cố đúng hơn, cố chính xác hơn, cố nhiều hơn,. . .nhiều hơn nữa. . . cố hiệu quả hơn. . .hiệu quả hơn nữa. . .Mọi thứ ấy lan truyền từ cách tu, cho đến trà đạo, kiếm đạo, thư pháp, cắm hoa, nghệ thuật và cả mọi sự trong cuộc sống. . . .Nó khiến cái thiền vị nguyên sơ biến thành gánh nặng của cuộc đời này. Cái gánh nặng của đạo cọng với cái gánh nặng của đời đã thành cái gánh nặng khổng lồ toàn diện và quá tải đối với con người. Đã khiến cho con người mệt mỏi, tuyệt vọng, kiệt sức và mất niềm tin vào cuộc đời này.
Than ôi! Đằng xa kia, núi Phú Sĩ biểu tượng của xứ Phù Tang cũng quá cân đối, quá chỉn chu, với đỉnh tuyết tròn đầy và 2 sườn núi đều, cân bằng, không lệch chút nào. Nó cũng giống như cái quá đúng của Zen đã biến thành stress.
Hoàng hôn trên đỉnh núi Phú Sĩ với bầu trời đầy mây/4/2012
. . . . . .
6/ Đảnh lễ và luyện công ở mộ Tổ Sư Đạo Nguyên Hi Huyền ( dōgen kigen)
Đạo Nguyên Hi Huyền (Nhật: 道元希玄 dōgen kigen?) 1200-1253 là một trong những Thiền sư quan trọng nhất của Nhật Bản. Người đưa dòng Thiền Tào Động (ja. sōtō) qua đây. Ngài được Phật tử của tất cả các tông phái thờ phụng như một Đại Bồ Tát. Ngài thường bị hiểu lầm là một triết gia với quan điểm "thâm sâu và quái dị nhất" nhưng những gì ngài viết không xuất phát từ những suy luận về thật tại mà từ sự trực chứng thực tại.
Mới đầu, ngài học giáo pháp của Thiên Thai tông. Năm mười lăm tuổi, ngài bị câu hỏi sau đây dày vò: "Nếu quả thật, như kinh dạy, thể tính của ta đã là Bồ-đề, thì sao Chư Phật còn phải tu học để giác ngộ?"Ngài tìm học với Thiền sư Minh Am Vinh Tây, người đã đưa dòng Thiền Lâm Tế từ Trung Quốc qua Nhật Bản. Vinh Tây trả lời câu hỏi của ngài: "Chư Phật không ai biết mình có Phật tính, chỉ có súc sinh mới biết mình có Phật tính." Ngài nghe đây có chút tỉnh ngộ và sau đó học đạo với Vinh Tây, nhưng học không được lâu vì Vinh Tây tịch ngay trong năm đó.
Dù đã tiến xa, ngài vẫn khắc khoải và cuối cùng, vào năm 1223, cất bước lên đường sang Trung Quốc bằng đường biển, một chuyến đi đầy hiểm nguy thời đó. Ngài tham vấn nhiều Thiền sư, học hỏi nhiều phép tu nhưng chỉ tại chùa Thiên Đồng, ngài mới được Thiền sư Trường Ông Như Tịnh (zh. 長翁如淨) ở Thiên Đồng sơn (zh. 天童山), Minh Châu (zh. 明州) hướng dẫn đạt tông chỉ của dòng Tào Động. Ngài đại ngộ qua câu nói của Thiên Đồng Như Tịnh: "Ngươi hãy xả bỏ thân tâm."
Hai năm sau ngày đại ngộ, ngài trở về Nhật và thành lập dòng Tào Động ở đây. Ngài sống 10 năm ở Kinh Đô (ja. kyōto). Về sau nhằm tránh ảnh hưởng của triều đình Nhật, ngài rút về sống viễn li trên núi.
Hôm chúng tôi đến đảnh lễ ở mộ tổ sư Đạo Nguyên. Hoàng hôn đang dát vàng thành phố cổ. Quạ kêu quang quác trên cái nghĩa trang bằng đá bên cạnh. Gió thổi ào ào. Trời khá lạnh và hoa đào đang yên lặng nở. Dịu dàng, đằm thắm bên mộ tổ. Yên lặng mênh mông và có vị mằn mặn. Chúng tôi quì trên nền đá núi, hoa anh đào bay tơi bời trong gió lạnh. Còn tôi thì ngập chìm trong cái quạnh hiu đơn sơ thanh đạm ở nơi đây.
Một vị đại bồ tát mà ngôi mộ đơn sơ thế này sao! Chẳng có tháp hùng vĩ. Cũng chẳng nhà cửa gì to lớn. Ngôi mộ bằng đá nhỏ xíu, nằm dưới tán cây hoa anh đào cổ thụ, là nơi an nghĩ của một nghệ sĩ tâm linh vĩ đại. Khuôn viên ngôi mộ cũng rất bé, có hàng rào trúc vây quanh.
Chúng tôi yên lặng đi vào thiền định để giao cảm với người xưa. Từ ngàn dặm xa xôi, chúng tôi về đây. Người xưa thì đã mất. Nhưng cái anh linh cái huyền diệu bất tư nghì thì vẫn còn thấm đậm. Tôi chợt ngộ ra một điều: "Chẳng có gì phải học thêm nữa cả. Chỉ bỏ hết những cái dư thừa. . . .Bỏ hết. . . .bỏ từ ngoài vào trong. . . . .bỏ hết chỉ để lại những gì tinh tuý nhất. . . .ít nhất. . . .cần thiết nhất. . . . .đơn sơ. . . .thanh đạm. . . .nhưng tràn đầy sức mạnh. . . ..ẩn tàng. . . .chứ không hiển lộ. . . . . .tinh tuý và chất lượng chứ không nhằm số đông. . . .giao cảm và tràn đầy rung động sáng tạo. Thế rồi cái biểu thị bên ngoài là nghệ thuật của tâm linh, trực giác mà tràn đầy ngẫu hứng. Cần gì cái hiểu và sự phán xét của vô thức tập thể. Tự nhiên phải có ngôn ngữ mới, tự nhiên có cách biểu thị mới từ nguyên liệu cho đến hương sắc nếu thực sự muốn dâng hiến cho cuộc đời này. . . ." Trong bóng chiều hiu hắt, hình như người xưa đã giao cảm và truyền cảm hứng cho tôi. . . Ngọn lửa nhỏ của vô tận đăng đã được thắp sáng và sẽ cháy. . .cháy mãi. . ..Một đoá hoa anh đào theo gió bay vào người. Tôi nhặt áp vào tim mình, rồi đem đặt trên mộ đá.
Than ôi! Cái gì cũng thành trụ hoại diệt, kể cả tôn giáo, thiền hoặc Zen đều không ngoài qui luật này. Dần dần theo thời gian, nó chỉ còn cái vỏ rỗng tuếch. Muốn hưởng được hương vị nguyên sơ của nó thì hãy can đảm vứt bỏ Thân Tâm minh đi như tổ dạy. Dùng cái huyền diệu bên trong của mình giao hoà với cái anh linh vô hình vô tướng của người xưa thì mới được.
Đảnh lễ và luyện công ở mộ Tổ sư Đạo Nguyên Hi Huyền
7/ Đảnh lễ và luyện công ở mộ và thiền viện của Tổ Sư Bạch Ẩn Huệ Hạc (zh. 白隱慧鶴, ja. hakuin ekaku)
Bạch Ẩn Huệ Hạc (zh. 白隱慧鶴, ja. hakuin ekaku), 1686-1769, là một trong những Thiền sư quan trọng nhất của tông Lâm Tế (ja. rinzai) ở Nhật Bản. Mặc dù dòng Lâm Tế đã có từ lâu tại Nhật, nhưng ngài là người đã phục hưng, cải cách lại thiền phái này, vốn đã bắt đầu tàn lụi từ thế kỷ thứ 14. Ngài là người tổng kết lại các công án và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc toạ thiền vì ngài nhận thấy rằng nhiều người đã ham thích suy tư về công án mà quên hẳn tu tập thiền định. Con người thiên tài này không phải chỉ là một vị Thiền sư mà là một hoạ sĩ, văn sĩ và nghệ sĩ tạc tượng xuất chúng. Các tranh mực tàu của ngài là những kiệt tác của thiền hoạ Nhật (mặc tích) . Theo ngài, hành giả cần 3 yếu tố sau đây mới toạ thiền thành công: Đại tín căn, Đại nghi đoàn và Đại phấn chí. Sư coi trọng phép quán công án và xếp đặt các công án trong một hệ thống mà hành giả cần giải đáp theo thứ tự nhất định. Công án "Vô" của Triệu Châu và "bàn tay" được ngài xem là những bài học hay nhất. Sau quá trình giải công án, hành giả được ấn chứng và tiếp tục sống một đời sống viễn li cô tịch trong một thời gian vài năm để chiêm nghiệm và tiếp tục đạt thêm những kinh nghiệm giác ngộ. Sau đó hành giả mới được giáo hoá với tính cách một Thiền sư. Ngài cũng coi trọng một đời sống nghiêm túc trong thiền viện với giới luật nghiêm minh cũng như lao động hằng ngày, xem lao động cũng là một phần của thiền định.
Chúng tôi tìm đến thiền viện của Tổ Sư Hakuin dưới chân núi Phú Sĩ vào một buổi trưa. Ngôi chùa cổ nằm giữa rừng thông già. Gió hát trong những vòm lá xanh tươi và tuyết trắng trên đỉnh Phú Sĩ Sơn. Thiền viện vắng, yên lặng, chỉ có tiếng gió thì thào và tiếng chim rừng ríu rít trên mái ngói rêu xanh. Một vị tăng mặc quần áo nâu ra tiếp chúng tôi và hướng dẫn vào phòng thờ Tổ Sư Hakuin (Bạch Ẩn Huệ Hạc). Đây là vị thiền sư rất nổi tiếng ở Nhật thuộc dòng Lâm Tế. Trên ban chỉ có duy nhất một tượng của ngài bằng gỗ, cổ kính. Tượng ở tư thế ngồi trên ghế, nhỏ hơn người thật một chút, với đôi mắt sáng quắc giống như mắt tượng Bồ Đề Đạt Ma ở Việt Nam. Vị tăng giới thiệu về tổ sư Hakuin. Sau đấy chúng tôi xin phép được đảnh lễ ngài.
Không có bát hương. Chỉ có lư trầm trước tượng. Cũng không thấy hoa và đồ cúng như ở bên mình. Gian phòng thờ ngài chỉ rộng độ vài chục người ngồi là chật. Trên nền trải chiếu và có đặt các bồ đoàn để ngồi thiền. Khung cảnh đơn sơ, yên lặng và cô tịch quá.
Chúng tôi quì xuống đảnh lễ ngài, rồi ngồi xếp bằng trên chiếu để hành thiền. Sau đấy vị tăng lại đưa chúng tôi ra sau chùa để đảnh lễ mộ Tổ sư Hakuin và các học trò của ngài. Một lần nữa chúng tôi lại quì xuống đảnh lễ chư Tổ sư dòng Zen và ngồi xếp bằng trên nền đá núi thông công nhận điển quang gia trì của các ngài để luyện công. Điển quang gia trì rất mạnh. Đại Thủ Ấn hiển thị liên miên, nhưng trang nghiêm và tràn đầy nhận biết.
Qua hành công tự nhiên tôi ngộ ra rất nhiều điều: Phải chăng con rắn tôn giáo, con rắn thiền Phật giáo nguyên thuỷ Ấn Độ và Phật giáo Đại Thừa Trung Quốc đã sinh ra quá nhiều cái chân và việc loại bỏ những cái chân này, đã khiến Thiền trở thành Zen, đơn sơ, tinh tuý, mạnh mẽ, phổ cập và thấm đậm trong cuộc đời này.
Trong Chân, Thiện, Mỹ, thì nó lấy Mỹ như là phương tiện để làm động lực cho cuộc đời. Nó đã khiến cuộc sống khổ đau này nở hoa, khoe hương khoe sắc. Nó đã làm mọi sự bình thường, tự nhiên có hào quang và có cánh để tung bay tự do vào vùng trời ngẫu hứng, sáng tạo, tràn đầy nghệ thuật và phúc lạc.
Thế rồi quá trình đi sâu vào thực tiễn cuộc đời, đã được đẩy quá xa, quá mạnh. Đã làm con rắn Thiền, sau khi rụng hết chân thì bị tróc da, rách thịt, khiến nó không bò đi được nữa. Cuộc sống công nghiệp hiện đại đã khiến Zen mất đi cái thiền vị nguyên sơ, thay vào đấy là khuôn mẫu, là phép tắc, là kỹ luật và mệnh lệnh.
Than ôi! con rắn Zen đã biến thành Stress. Nó đã bị mắc cái bệnh chung của mọi tôn giáo thời công nghiệp: Bệnh Stress tâm linh.
Cổng vào thiền viện. Nơi xưa kia Tổ Sư Hakuin cư ngụ và giảng dạy về Zen.
Một góc cổng vào thiền viện
Chánh điện của thiền viện
Một góc sân của thiền viện
Gác chuông của thiền viện
Cây thông nổi tiếng trước sân thiền viện
Tượng Phật trước sân thiền viện
Tượng Bồ tát trước sân thiền viện
Tượng La Hán trước sân thiền viện
Mộ Tổ Sư Haikuin và học trò.
(Phía trên mộ có các biểu tượng giống như hình Linga-Yoni với hoa sen ở dưới và Linga nhô lên trời. Nó tượng trưng cho sự hợp nhất của âm dương hay gọi là Bất Nhị pháp môn, để rồi sau đó thăng hoa phát triển về giác ngộ)