Gió sớm lồng lộng mang theo hơi muối mằn mặn. Biển xa yên lặng. Đồng ruộng núi đồi đầy sương. Mấy cái chòi nuôi tôm và hàng cây kè nước lờ mờ hư ảo như trôi nổi trên biển mây. Ánh nắng yếu ớt, rụt rè, run rẩy trên đèo Rù Rì rồi dừng lại chảy lênh láng và nhuộm vàng con đường đèo Rọ Tượng quanh co uốn khúc. Chúng tôi đi Ninh Hòa cách Nha Trang độ mấy chục cây số, để theo thầy luyện công dã ngoại trên đỉnh Hòn Lớn quanh năm mây mù bao phủ. Thầy bảo trên đỉnh Hòn Lớn này có Động Mẹ Tây Lầu, có Hồ Đá Xẻ, có thác đại ngàn, có cây cổ thụ, có đá kỳ quái, có chim muông thú rừng, đẹp như cảnh tiên. Mười bảy năm trước khi nơi này chẳng có ai tới lui vì rừng thiêng hiểm địa. Thì lúc ấy trên đỉnh Hòn Lớn thầy đã dạy những vị huynh đầu tiên của KCDS nơi thạch động có tượng Mẹ Tây Lầu không đầu. Nay thầy lại dẫn chúng tôi đến đấy luyện công. Nghe vậy, ai nấy đều háo hức, nên đường đi cực thế mà ai cũng vui như tết.

Dọc đường đi suối Ré chảy ào ào nước nguồn tuôn trắng xóa. Chim hót líu lo. Rừng cây sủng nước. Có mùi hăng hắc của con chồn xạ hương đâu đây. Gà rừng gáy te te bên suối. Có tiếng con mang tác cô đơn trên trảng tranh xanh non. Lẩn trong tiếng gió hú và tiếng rừng cây xào xạc có tiếng con vượn lẻ mẹ hú buồn thiu giửa rừng thiêng hoang vắng. Tắc kè núi phồng mang cào chân rào rào trên vách đá cao vút hùng vĩ đầy rêu xanh và địa y lấm tấm hoa vàng. 

Khòm người chui qua những con đường tối thui vì cây rừng và dây leo bao phủ um tùm như đi qua những hang sâu thăm thẳm. Dưới chân chúng tôi bùn đất ướt lép nhép trơn tuột. Đường đi nước mưa xói thành những giao thông hào dài hun hút sâu đến ngang ngực. Chúng tôi đang tiến đến Trảng Tranh Miểu Cậu tức Ổ Gà, một địa danh nổi tiếng nhiều cọp. Từ lâu trong dân gian đã truyền tụng câu ca:

Cọp Khánh Hòa

Ma Bình Thuận

Mà khánh Hòa thì Ổ Gà, nơi chúng tôi đang luồn rừng đến đây là nổi tiếng nhiều cọp nhất. Xưa kia nhiều người bị cọp vồ chết ở đây nên mới có cái Miểu thờ Cậu như vậy. Đúng là:

Mưa Đồng Cọ

Gió Tu Bông

Cọp Ổ Gà

Ma Hòn Lớn

Đường chúng tôi đi rừng đại ngàn sủng nước, ẩm ướt, sương núi mờ mịt. Mặt trời chói chang hun nóng đại dương, những đám mây mang hơi nước từ vịnh Nha Trang bị rừng Trường Sơn chắn lại nên đổ mưa xuống những cánh rừng nhiệt đới. Gió biển thổi ào ào giật lên từng chặp qua những cánh đồng đìu hiu và hú lên buồn bả trên những vách đá cao ngất trời xanh. Giữa cánh rừng đại ngàn xanh đen là khu rừng lá thấp cỏ tranh bạc ngàn thực bì xanh tốt, dây leo chằng chịt và cây bụi thâm thấp. Đây là nơi có nhiều động vật nhỏ như chồn, thỏ, nhen sóc, chim cút núi, khỉ, mang, cheo. . .v.v. .sinh sống nên kéo theo những động vật săn mồi lớn hơn như chim ưng, chó sói, trăn, mảng xà vương, gấu. . .v.v. .  và cả những thú dữ  như cọp, gấu ngựa. . .v.v. .

Đỉnh Hòn Lớn trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước là căn cứ địa của Khánh Hòa. Bệnh viện của quân ta đóng ở đây, bị máy bay Mỹ ném bom, hy sinh rất nhiều, nên sau này nổi tiếng là Ma Hòn Lớn. Ngoài ra trên đỉnh núi có thạch động của Mẹ Tây Lầu rất huyền bí linh thiêng. Chẳng thế mà có dạo đồng bào khắp nơi đổ xô về đây xin nước của Mẹ để chửa bịnh. Không biết linh hiển tác dụng thế nào nhưng người đi xin quá đông, xe ca xe khách chật cả đường. Chính quyền địa phương phải cấm ngăn mãi mới được. Bây giờ thì núi rừng lại trở về vẽ yên tỉnh âm u huyền bí ngàn đời của nó. Và chúng tôi như những con sói hoang theo cơn mưa rừng lang thang tìm về nơi đây, luyện công và rong chơi nơi rừng thiêng thác đổ, nơi mây mù ôm ấp động tiên, nơi hội tụ anh linh của trời và đất.

Cứ khòm người chui qua một quảng đường cây và dây leo bao phủ tối thui một chặp, thì lại ra một khoảng trống nắng chói chang, đúng là rừng lá thấp. Đường càng ngày càng dốc, ai nấy thở phì phò. Bây giờ mới biết tác dụng của Khí Công. Những người luyện công thường thì ít mệt hồi phục nhanh, còn người làm biếng luyện công thì la lết, nghỉ từng chặng mặt mũi đỏ gay, mồ hôi ra như tắm, mũi miệng dành nhau thở, nói như hụt hơi. . .

Lưng chừng núi chúng tôi ngồi nghỉ bên miếu Thổ Địa. Không đâu có ông Địa to và hoành tráng như ở đây. Phía sau cái bát hương trên cắm đầy tàn thuốc lá, Ông Địa ngồi trên lưng hổ, cười toe toét, nét mặt sởn sơ như mặt đại gia. Thấy tôi chăm chú nhìn tượng ông Địa tỏ vẽ thích thú. Một người đàn bà gánh một gánh đầy can nhựa không đi theo đoàn, cười và bảo tôi:

-  Này chú biết không, tượng này là của chủ xe Cúc Dũng dâng đấy. Thỉnh từ sài Gòn đem lên đấy.

-  Sao bà biết?

-  Ối dào chuyện vợ chồng Cúc Dũng ở đây ai mà không biết chứ. Vợ chồng họ nghèo khổ lên Hòn Lớn lễ Mẹ, tới miếu ông Địa khấn xin cho chúng con có tài có lộc mua được xe hơi để chở bà con lên lễ Mẹ không lấy tiền. Tự nhiên về Sài Gòn trúng số mua được xe ca, bây giờ ngày húy ngày kỵ Mẹ, xe Cúc Dũng đều chở mọi người tới đây không lấy tiền. Sau khi trúng mánh mua được xe, vợ chồng họ đã thỉnh tượng ông Địa này từ sài Gòn đem lên đây để thờ đấy. . . .

-  À mà nè, sao bà lại gánh can không lên núi theo chúng tôi chi.

-  Hề hề. . .để có ai trong đoàn muốn thỉnh nước của Mẹ về chửa bịnh thì tui gánh xuống núi giùm lấy công chớ chi. Mình phải đi theo đoàn họ mới tin, chứ bán nước ở dưới chân núi làm sao họ tin mình thỉnh của Mẹ được chớ.

Hôm nay ngại mưa, nên nhiều người báo đi, rồi lại không đi, nên số lượng bánh mì đem theo dư rất nhiều. Long Sồ làm Sa Tăng quảy gánh cứ rên mệt và đề nghị mọi người ăn bớt. Cô Bảy bảo ai ăn hết 5 cái bánh mì lớn thì được thưởng,  nhưng đang lúc mệt nên chả ai ăn được.

Ông Mập thấy vậy cười hề hề và bảo Sa Ngộ Tịnh:

-      Chả ai ăn, thôi để ta phát tâm từ bi ăn dùm cho ông bớt nặng. . .hề hề. .

Ông Mập già nhưng đi rất nhanh, cứ đến chỗ nghỉ mọi người đang rất mệt thì cụ lại ăn bánh mì cặp đậu và rau, từ dưới lên đến lưng chừng núi gần 2 tiếng đồng hồ mà cụ xơi đến 5 cái bánh mì lớn. . . .

Ổng cười hề hề và bảo cô Bảy:

-       Nè, ta đã ăn hết 5 cái rồi thưởng gì nào?

-      Thưởng 5 cái nữa

-      !. . . . .

Khu Hồ Đá Xẻ, đá lớn chồng chất, rêu xanh và địa y phủ đầy. Chúng tôi  phải lách người theo những kẹt đá hẹp, tay bám vào vách đá và rễ cây để đu người về phía trước. Đa bóp cổ và nhiều loại cây cổ thụ khác buông rễ chằng chịt, bám đá, tạo thành những hình thù kỳ dị. Suối Ré ở đây biến thành một cái thác lớn hùng vĩ đổ nước ào ào xuống hồ Đá Xẻ. Gọi là hồ Đá Xẻ vì chung quanh hồ là vách đá phẳng lì cao ngất, đáy hồ lại có một lớp cát rất mịn đứng rất êm. Hồ Đá Xẻ có 2 hồ. Hồ dưới trông giống như một cái hồ bơi thật lớn làm bằng đá granite màu xám. Phía bên trái hồ có bực cấp thiên nhiên đá đen thui như than kíp lê. Nước hồ không sâu lắm đứng độ ngang ngực. Có một quảng bên trong rất sâu nhưng không nguy hiểm vì nước chảy mạnh sẽ đẩy ra chỗ cạn ngay.

Chúng tôi vào cái lán bên cạnh, lễ Mẹ rồi ùa xuống hồ để tắm. Bóng hoa nắng nhảy múa lung linh. Thác đổ ào ào. Nước hồ trong vắt và rất mát. Dưới chân cát mịn êm. Chim rừng ca hót líu lo. Tiếng cười đùa nghịch nước. Tiếng gió thổi xào xạc trong vòm cây, nghe như tiếng của mười bảy năm trước đang vọng về. Than ôi! Cảnh cũ còn đây, người xưa thì người còn người mất, người lạc đường còn chưa quay về, người mới lại tìm đến ngày càng đông hơn nên tiếng cười năm xưa vẫn còn vang vọng và sẽ vang mãi. . .vang mãi, không bao giờ tắt.

Bổng thầy cười và bảo mọi người chui qua cái lổ hổng dưới đáy một hòn đá cực lớn chắn ngang suối để vào hồ trên tắm ngay dưới thác.

Thầy và chúng tôi ngồi ngay trên những bực đá đen thui láng bóng hứng lấy những ngọn nước từ thác dội cực mạnh xuống đầu, xuống lưng, xuống toàn thân, như được xoa bóp day bấm huyệt bằng nước cực kỳ khoan khoái. Thầy ngồi trên cao giữa màn mưa nước của thác đại ngàn phát công. Chúng tôi ngồi ngay trong nước lạnh và ngay dưới màn nước đang xối xuống ào ào để luyện huyền công. Tiếng thở mạnh, tiếng hét kiai, tiếng đập vỗ vào người, tiếng niệm chú trì kinh, hòa với tiếng thác ngàn chảy ào ào, tiếng chim kêu vượn hú, thành một âm thanh huyền diệu thân thương, mà tôi biết rằng, nó sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời này. Trời lạnh, nước đá ra rất lạnh, ngâm nước lâu thế mà chả thấy ai kêu ca gì. Luyện công rất thích thú, ai nấy mặt mũi hồng hào, tinh thần tráng kiện vui như tết.

Bửa trưa chúng tôi ngồi ăn trên một hòn đá bằng cực lớn nổi lên giữa hồ. Ông Mập cười và bảo:

-  Nè, leo núi mà chẳng chân mõi chân, chỉ thấy mõi miệng thôi.. . hề hề. .

Mấy người nam cùng cười:

- Ăn mấy cái bánh mì này mà không vận công vào xương quai hàm thì nhai hổng nổi đâu.

Truyền thuyết dân gian kể rằng. Xưa kia dưới làng, ngay chân Hòn Lớn có ông thầy cúng tên là Biện Ba. Cứ năm nào trời hạn hán, thì dân làng lại lấy võng khiêng cụ lên đây. Cụ lập đàn khấn khứa, bắt ấn làm phép, xong bưng một hòn đá thả xuống hồ Đá Xẻ này rồi về. Thì võng cụ chưa xuống đến chân núi, trời đã nổi cơn giông mưa như trút nước. Học trò cụ những đời về sau có một người tên là Lê Cự pháp danh là Viên Chiếu, tu ở núi này và đã chết, mộ chôn sát đường mòn lên núi ngay trên bải đá lớn nằm kề bên hồ Đá Xẻ này.

-  Cụ ơi vậy người ta đến xin nước uống trị bệnh chỗ nào. Nếu họ lấy ngay hồ Đá Xẻ này thì sao chúng ta lại xuống đó tắm như vậy.

-  Hề hề. . .Không phải lấy nước ở đây đâu. Mà nước lấy ngay trong thạch động của Mẹ Tây Lầu trên cao kia. Nước suối Ré qua động Mẹ rồi mới chảy ra đây thành thác và đổ xuống hồ Đá Xẻ này. Ăn trưa xong nghỉ một chút, chiều ta sẽ dẫn lên luyện công trong động Mẹ thì biết ngay.

Nói thật ra mười bảy năm trước, lúc ta dẫn chư huynh vào động luyện công thì chẳng có cái lán này và cái lán trước thạch động. Những cái lán này bây giờ có là do dân đồng bóng tự dựng lên để thờ Mẹ sau khi nước suối Ré tự nhiên có công năng trị bệnh. Lúc ấy còn chưa có ai. Thạch động mạng nhện chăng ngoài cửa, bên trong ẩm ướt lạnh ngắt, rắn rít và bò cạp ở đầy, ta phải đốt lửa cho chúng bỏ đi rồi mới cùng chư huynh luyện công. Chỗ mà bây giờ có tượng Mẹ Tây Lầu và mọi người đến xin nước. Thật ra là chỗ ta thường vào đó ngủ trưa và lấy nước để uống vì nước chảy ngầm qua dưới đá. Khắp thạch động này chẳng có chỗ nào lấy nước được trừ chỗ ấy. Tượng Mẹ không đầu lúc ấy chỉ là một hòn đá lớn có hình giống Mẹ, sau này mới được khoát xiêm y và đặt bát hương.

Hề hề. . .vì nước trong động Mẹ có công năng trị bệnh huyền diệu nên dưới làng bây giờ tự truyền tụng một bài thơ, mà dân làng ai cũng thuộc:

Động Mẹ thời nay ai tìm ra

Vang chi làn sóng khắp gần xa

Người già trai gái cùng xuôi ngược

Trèo núi lặn non mấy nệ hà

Nước suối bệnh lành nghe mới lạ

Hang sâu thuốc giỏi khó chi mà

Buổi trưa chúng tôi theo thầy leo lên thạch động của Mẹ Tây Lầu. Đường đi cheo leo hiểm trở, một bên là vực sâu không đáy, một bên là vách đá cao ngất trời xanh dây leo chằng chịt. Động của Mẹ rất lớn, ngổn ngang những tảng đá to chồng chất lên nhau. Phía dưới ngầm, nước suối chảy ào ào. Bên trên rêu xanh và địa y đóng thành từng mảng lớn. Trên vài tảng đá như vậy có dấu bàn thờ đã bị phá còn trơ lại mấy cái lục bình và vài bát hương đã bể nát nằm lăn lóc. Một phiến đá bằng thật to cuối động là nơi cách đây mười bảy năm trước, thầy đã từng ngồi phát công dạy ra lớp huynh KCDS đầu tiên ở Việt Nam. Thầy cười, chỉ vào một góc tối phía bên trái thạch động và bảo:

-  Chỗ ấy có lối đi hẹp vào một cái động nhỏ, bên dưới có nước suối chảy là nơi mười bảy năm trước thầy vẫn thường vào đấy ngủ trưa và lấy nước uống khi cùng chư huynh luyện công ở đây.

Khí đá bốc ra lạnh lẽo, thạch nhủ nhỏ tí tách, gió thổi hu hu buồn thiu, tắc kè đá kêu cô đơn. Mọi người ai nấy đều im lặng chắc đang đồng cảm với cảnh cũ người xưa bồi hồi tương ngộ. Bổng một bà trung niên từ trong bóng tối bước ra và gọi lớn:

-  Vào đây, đi lối này nè, Mẹ ở đây nè. . .

Chúng tôi bước tới nhưng đường vào quá hẹp nên chỉ có thầy là chui lọt vào bên trong còn chúng tôi ngồi ở ngoài nhìn vào gian thạch thất tối nhờ nhờ ánh nến leo lét soi tượng Mẹ xiêm y chỉnh tề nhưng không có đầu. Bóng Mẹ khi mờ khi tỏ trên vách đá trơn tuột đầy rêu. Gió núi hú u. . .u. . .tiếng bà đồng tụng kinh rì rầm rì rầm. Thầy mỉm cười đặt thẻ nhang thơm, trái cây và ít tiền lên ban thờ rồi cười với bà đồng bóng đang lắc lư ợ ngáp:

-  A Di Đà Phật

Bà đồng mở mắt ra quì mọp đảnh lễ thầy và thưa:

-  Bạch thầy khi hôm con nằm mơ thấy một vị thầy bận đồ đà từ trong vách đá đi ra nhìn con cười. Sau đó dạy đạo cho con. Từ sáng đến giờ con có ý chờ, bây giờ thấy thầy giống y như trong giấc mơ xin thầy có gì chỉ dạy cho con.

-  Mô Phật, trụ chắc tâm vào hồng danh A Di Đà khi có điển quang gia trì, nhất tâm bất loạn, luôn chánh niệm tỉnh giác không được lạc vào vô thức. Phải trường trai ly dục và giữ  ngủ giới của nhà Phật.

-  Thưa thầy không vô thức thì làm sao con nhận được điển quang gia trì.

-  Kể từ hôm nay bà sẽ được như vậy.

Chúng tôi luyện công với thầy trong thạch động đến xế chiều thì xuống núi.

Trong tôi dư vị đằm thắm ngọt ngào của ngày hôm nay chắc sẽ không bao giờ phai mờ. Tôi tự hứa với lòng mình khi có dịp nhất định sẽ quay lại nơi đây, quay lại đỉnh Hòn Lớn âm u mây mù bao phủ, quay lại với hồ Đá Xẻ, quay lại với thác đại ngàn, quay lại với thạch động của mẹ Tây Lầu, quay lại với suối Ré, quay lại với trảng tranh Miểu Cậu, quay lại với kỹ niệm ngọt ngào đầm ấm của tình thầy trò, quay lại với kỹ niệm từ mười bảy năm về trước và của cả ngày hôm nay.

Mây/10/2009

. . . . . .

Nắng loang suối Ré/Hòn Lớn/23/10/2009

 

Quán cóc dưới chân núi / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009


Đường vào chùa / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009


Đường lên Động Mẹ Tây Lầu / Chim ca ta cũng ca. . .haha. . .ha.. ./Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009


Mau lên Mẹ đang chờ/Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Lội qua suối Ré /Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009


Chui qua kẹt đá để đi / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Vui ơi là vui / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Rừng già, tuổi già, nhưng ta chẳng  già

Giữa ta bà, ta múa, ta ca, ta hát, ta la. . . .là lá la. . .

 

Gánh can không theo đoàn để chờ gánh nước của Mẹ xuống núi / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Lạy ông Địa xin ông hộ con lên núi mà không mệt / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Ông Địa hoành tráng của Hòn Lớn /Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Đường về nhà / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Mộ tỳ kheo Viên Chiếu bên cạnh đường đi / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Ghi âm tiếng Ve sầu mùa đông / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Vùa đi vừa hát, chim rừng và thác hát cùng em / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Nắng trong rừng / Đi chơi Hòn Lớn/23/10/2009

 

Thưa thầy niết bàn nghĩa là gì? - Nirvana hay niết bàn từ nguyên của nó có nghĩa là ra khỏi khu rừng rậm / Đi chơi Hòn Lớn/23/10/2009

 

Sao gọi là rừng lá thấp? - Vì đó là chổ nấp của Cái Tôi / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Gần đến. . . .mà đi mãi chả thấy đến . . . .hề hề. . ./ Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Sơn nữ Phà Kha đang tìm đường về nhà với Mẹ / Đi chơi Hòn Lớn/ 23/10/2009


Em nghe chăng mùa đông
Lá đông rơi xào xạc
Mấy Tiên ông ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
Hề hề. . . ./ Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009





Tâm bồ đề kiên cố. . . .(Như đá núi) / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009





Mỏi gối chồn chân cũng muốn trèo /Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009





Vừa đi vừa chơi hơi đâu cố cho mệt. . . ./Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009




Ôi ! Mát quá. . . /Hồ Đá Xẻ nhìn từ trên cao / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Đá và Người / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Coi chừng trơn đấy!. . . /Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009


Theo truyền tụng của dân gian, tắm  ở Hồ Đá Xẻ của Mẹ, chướng ngại sẽ tiêu trừ, bệnh tật sẽ tiêu tan / Đi chơi Hòn Lớn/23/10/2009

 

Vách hồ là đá granite màu xanh xám, đấy hồ là cát mịn, còn bực cấp thiên tạo là đá đen như than kíp lê/ Hồ Đá Xẻ/Hòn lớn/23/10/2009

 

Leo qua hòn đá lớn để vào hồ trên luyện công với Thầy / Đi chơi Hòn Lớn /23/10/2009

 

Luyện công tại thác đại ngàn / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Phát công ngay dưới thác / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Ăn trưa ở bải đá nổi giữa lòng suối Ré /Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Luyện huyền công ở bải đá nổi bên hồ Đá Xẻ / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Cửa Động Mẹ Tây Lầu ở Hòn Lớn / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Đường vào Động Mẹ / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Bên trong động Mẹ / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Đường vào mật thất thờ Mẹ Tây Lầu / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Ngách đá hẹp vào gian mật thất thờ Mẹ không đầu /Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

 

Thôi chào Mẹ con đi / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

. . . . .

Mời các bạn xem phim:

Nội dung phim:    Đường lên động Mẹ Tây Lầu / Hòn Lớn /23/10/2009

Click here to play this video

 

Nội dun phim:      Hồ Đá Xẻ / Đi chơi Hòn Lớn / 23/10/2009

Click here to play this video

 

Nội dung phim:     Luyện công và tắm tại thác đại ngàn / Hòn Lớn / 23/10/2009

Click here to play this video

 

Nội dung phim: Luyện công ở Bải Đá Nổi trên đỉnh Hòn Lớn, Uống nước Thiêng trong mật thất và luyện Huyền Công trong động đá của Mẹ Tây Lầu/ 23/10/2009

Click here to play this video

 

Nội dung phim:  Luyện huyền công ở Trường Thiên (Hòn đá to và bằng phẳng trước Động Mẹ ) /23/10/2009

Click here to play this video