- “Rượu say” ngụ ý tâm vọng tưởng điên đảo, đầy những định kiến chấp trước, khiến sự vật thông qua trạng thái tâm thức ấy bị méo mó sai chệch với bản chất của nó. Giống như người say rượu tuy có thấy sự vật nhưng bị méo mó sai chệch do vậy không thể hành động chính xác được. Vì thế “Rượu say” ngụ ý chỉ tâm trí nhị nguyên khi chưa tu tập. Uống rượu nhiều thì say là chuyện đương nhiên!. . . Lệ thuộc huyễn tướng thì cũng là say chứ khác chi! . . . .- Rượu say thì ai cũng biết, nhưng sao trà cũng say?- Uống trà vừa phải thì kích thích làm trí não hưng phấn, chống được hôn trầm ngủ gật khi ngồi thiền hoặc học tập. Do vậy trong dưỡng sinh người ta dùng trà tượng trưng cho sự nhận biết tỉnh giác. Thế nhưng uống trà quá đậm, uống quá nhiều sẽ dẫn đến mất ngủ làm thần kinh căng thẳng. Uống trà nguội, pha đi pha lại nhiều lần khiến chất ta-nanh trong trà làm hại bao tử và làm loạn chức năng tiêu hoá. Khi bụng đói uống trà quá đậm sẽ bị cồn cào, nhịp tim hỗn loạn, hơi thở không thông suốt, ảnh hưởng đến tim mạch và huyết áp nên gọi là say trà. Say rượu và say trà tuy khác nhau nhưng đều dẫn đến trang thái mất bình thường của cơ thể! . . .Do vậy trong dưỡng sinh người ta dùng hình tượng say trà để diễn tả trạng thái của người hành công quá cố gắng để nhận biết, khiến chìm đắm trong tâm trí hữu lậu và cái biết nhị nguyên. Không phải là cái “tự nhiên biết” do tịnh tâm mang lại. Do vậy vượt khỏi “ rượu say” thì lại chìm đắm trong “trà say” nên không thể thăng hoa thực chứng trạng thái “giải thoát tri kiến” được.- Thưa nội! Con không hiểu nên hỏi nội. Nội giải thích rồi con cũng không hiểu gì cả.- Mô Phật! con tu tập tiến bộ rồi từ từ sẽ hiểu. Tuy nhiên đây là ý kiến riêng của nội, chứ không phải của tác giả câu thư pháp ấy. Khi nào bác ấy tới chơi nội sẽ nhờ bác ấy giải thích cho cháu.- Thưa nội, con đi pha trà mới mời nội uống. Ấm trà này nguội rồi, để lâu uống sẽ bị đắng và chát. - Hềhề!. . . Con nhớ pha vừa phải đừng quá đậm! Nội không muốn bị say trà đâu! . . .
PHÙ VÂN/24/11/2004