Nghĩa là:
Vốc nước trăng trong tay
Chơi hoa thơm cả áo.
Này Cỏ May! Vốc nước là một duyên. Qua duyên ấy, bóng trăng hiển thị nơi tay. Chơi đùa thân cận với hoa là một duyên. Qua duyên ấy mùi thơm của hoa thấm đậm cả quần áo.
Trăng trong tay chỉ là bóng của mặt trăng trên trời!
Mùi thơm của hoa vương vào quần áo, chứ y phục chẳng biến thành hoa!
Này Cỏ May! "Vốc nước trăng trong tay". Nhưng khi bóng trăng vừa hiển thị cũng là lúc nước chảy qua kẽ tay, nên khi nước hết trăng trong tay cũng mất. Cũng vậy, việc ông tới đây luyện tập Khí Công là một duyên, khiến được lành bệnh khoẻ mạnh tin yêu vào cuộc sống. Nhưng đấy chỉ là bóng của cái mặt trăng giác ngộ " thể nhập tánh". Nếu trụ vào pháp trị bệnh hữu tướng, hoặc các pháp phương tiện khác, ông sẽ sa vào cái biết hữu lậu của tâm trí và sẽ mãi mãi chẳng biết đến huệ lực như thị của Bát Nhã Ba La Mật Đa. Ngoài ra khi duyên hết, sẽ hoang mang rối loạn rồi sinh tâm ngã mạn!
Này Cỏ May! Biết có mặt trăng thật trên trời nên mới có trăng trong tay. Người ấy bèn hướng tầm nhìn vào chốn hư không để thấy cái mặt trăng thật. Bởi vậy khi nước trong tay chảy hết, bóng trăng trong tay biến mất, người ấy không hoang mang, không nuối tiếc, không rối loạn sinh tâm ngã mạn do đang thực chứng "Cái mặt trăng như thị".
Này Cỏ May! Có người khác khi nước trong tay chảy hết, mặt trăng biến mất. Người ấy lại vốc nước để có mặt trăng! Than ôi! . . . Tuy tinh tấn tu tập, tạo nhiều thuận duyên, tâm bồ đề kiên cố, không hoang mang bất định, không sinh tâm ngã mạn. Nhưng người ấy cũng mãi mãi chỉ thấy cái bóng trăng nhỏ bé trong lòng bàn tay, không một lần được chiêm ngưỡng cái vẽ đẹp rực rỡ của mặt trăng thật trong khoảng không bao la mênh mông! . . . Người ấy sẽ bằng lòng với cái biết tâm trí và như vậy sẽ thành người tốt hữu dụng chứ không thể thực chứng giác ngộ! . . .
Này Cỏ May! "Chơi hoa thơm cả áo" , nhưng không phải người ấy đã biến thành hoa. Nếu người ấy không thận cận gần gũi với hoa. Mùi thơm nơi người ấy sẽ phai dần rồi mất. Giả dụ có người luôn chánh niệm và tỉnh giác, gọi là gần gũi với pháp hoa của Như Lai. Do vậy mà hương thơm của Bát Nhã còn vương. Nếu người ấy ngã mạn nghĩ rằng hương thơm ấy là do mình tự có không thân cận với pháp hoa nữa. Hương thơm của Bát Nhã sẽ phai nhạt dần rồi mất.
Này Cỏ May! Khí Công là hương thơm của Bát Nhã còn vương nơi thân tâm của chư huynh. Nên ông đừng bám chặt cái hương thơm ấy. Bởi khi ông ngửi cái hương thơm nơi người họ sẽ có lẫn mùi mồ hôi. Ông nên hỏi chư huynh mùi thơm này do đâu mà có. Rồi theo hướng chỉ của họ mà tự tìm đến vườn hoa thật của pháp giới. Ông hãy chơi đùa với pháp hoa và rồi hương thơm cũng bám vào người ông y như chư huynh vậy!
Này Cỏ May! Nếu có người do chơi đùa với hoa mà hương thơm còn vương nơi quần áo. Nhiều người khác thích cái mùi thơm ấy tìm đến thân cận người này. Người này muốn nổi tiếng, muốn thu lợi, hoặc vì phức cảm tự ti chẳng hạn, không chỉ cho mọi người nơi vườn hoa. Làm cho mọi người vây quanh mình ngày càng đông. Thế nào Cỏ May! Đó chẳng phải là tội ác sao?! . . .
Chỉ có hương thơm của pháp hoa mới không có mùi mồ hôi của "Cái Tôi"! . . . Sau này ông biết rồi thì cũng nên làm như thế! . . Đừng để người nào ngửi cái mùi thơm bát nhã vương nơi người của ông mà hãy chỉ họ nơi pháp hoa muôn đời vẫn nở! . . .
Này! Do ông hỏi, nên ta ngẫu hứng nói vậy thôi! Nghe rồi bỏ đi! . . . Chẳng cần tin như vậy hoặc chẳng tin như vậy. Nước mưa khắc sẽ tự thấm vào lòng đất hoặc chảy ra đại dương.
Nhưng cỏ mùa xuân thì sẽ lên xanh! . . .
Sẽ lên xanh! . . .
YÊN TỬ/13/11/2004