- Ông đang đọc cái gì thế?

- Sách nói về sự tái sinh của các Lạt Ma.

-          Một thần thông lớn như thế sao trong kinh điển của chư Phật chư Bồ Tát và các luận của chư Tổ đều không thấy nói đến?

-          Vì tái sinh là hiện tượng phổ quát của vật chất, nên không cần phải cường điệu!. . .

-          Sao như thế được? Bằng chứng là chúng ta đâu có làm như các Ngài được.

-          Vạn pháp đều từ "tánh" hiển thị. Tuỳ theo duyên và nghiệp lực, sắc tướng được hiển thị thành các dạng khác nhau.  Sắc tướng ở phạm trù hiện tượng chịu qui luật của thành trụ hoại diệt nên sinh sinh hoá hoá thay đổi liên tục từ dạng này sang dạng khác. Nhưng suy cho cùng đều từ "tánh" mà ra. Như vậy chẳng phải tái sinh là gì?. . .hề hề!. . chẳng những tôi, ông, mà con gà, con chó, cái cây, hòn đá này đều đang được "tái sinh" đấy!. . .

-          Nếu thế thì ông còn đọc sách này làm gì?

-          Để học tập cái pháp tối thượng trong ấy?

-          Sao ông bảo chỉ là hiện tượng phổ quát?

-          Chẳng phải là thần thông nếu chỉ nhằm đến cái xác tái sinh với các khả năng cũ được tái hiện.

-          Vậy cái gì là vi diệu trong pháp tái sinh?

-          Trạng thái nhận biết trước, trong, và sau cái chết.

-          Tại sao gọi " nhận biết trước, trong, và sau cái chết." là pháp tối thượng.

-          Bởi vì Phật đạo nhằm thực chứng giác ngộ, nghĩa là cái biết thấu triệt toàn diện tức khắc và phi tâm trí. Thế nhưng thường người tu tập trong lúc thức mới có thể nhận biết tỉnh giác. Còn khi ngủ thì thân tâm bất lực đành để cho vô thức hoành hành. Do vậy mà sống chánh niệm tỉnh giác chỉ mới một nửa. Ngủ đã như vậy nói gì đến vô thức của cái chết!. . .

-          Quả đúng vậy. Hiện tượng tái sinh chỉ là minh hoạ cho trạng thái nhận biết tỉnh giác toàn diện trong lúc thức cũng như trong lúc ngủ, trong cuộc sống cũng như trong cái chết. Và như vậy nó là cánh cửa bước vào trạng thái giác ngộ toàn diện.

-          Tiếc rằng các sách này chỉ nhằm đề cao sự tái sinh qua mặt hiện tượng mà bỏ qua cách thức để có cái "tự nhiên biết toàn diện phi thời gian, phi không gian và phi tâm trí". Thế chẳng phải là bỏ hình bắt bóng sao?

-          Mô Phật! Xin cảm ơn ông về buổi nói chuyện hôm nay.

-          Mời ông dùng trà ! . . .Tôi tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Xin ông hỏi việc này với các vị thiện tri thức rồi bảo cho tôi biết với.

 

                                           TƯỞNG VẬY/8/10/2004

 


About

Tâm lý khí công