THẬP BÁT GIỚI QUÁN Thập bát giới quấn hay quán giới phân biệt là một trong các pháp thiền quán, quán chiếu về mừơi tám lãnh vực hay mười tám giới. MỤC ĐÍCH CỦA THẬP BÁT GIỚI QUÁN Mục đích của quán giới phân biệt là để thấy không có gì trường tồn bất biến trong mười tám giới, tức là để phá ngã chấp, thủ lãnh của tham sân si, tức là phá đựơc căn cứ của đau khổ phiền não, cũng tức là thoát ly sinh tử luân hồi. THẾ NÀO LÀ THẬP BÁT GIỚI? Thập bát giới là sáu căn, sáu trần, sáu thức. SÁU CĂN: 1-Nhãn căn: con mắt 2-Nhĩ căn: lỗ tai 3-Tĩ căn: lỗ mũi 4-Thiệt căn: lưỡi 5-Thân căn: thân thể nơi tiếp xúc và biết được nóng lạnh, cứng mềm... 6-Ý căn: nơi phát sinh sự phân biệt, tức là tiềm thức hay mạt na thức hay thức thứ bảy, mà bản chất :"là cơ chế tự tồn, là bản năng dục ái"(Duy biểu học- Nhất Hạnh) SÁU TRẦN: 1-Sắc trần: tất cả những gì mắt có thể nhận biết được trong vũ trụ từ mặt trời,cho đến các vì sao, núi rừng, sông biển, con người, muôn vật, cùng những sinh hoạt, cho đến các màu sắc, các hiện tượng như mây mưa, sấm chớp, cầu vồng, sao xẹt, sao băng,... 2-Thinh trần: tất cả những âm thanh mà tai có thể nhận biết từ tiếng nói con người, cho đến tiếng va chạm, tiếng xe cộ, máy móc, tiếng mưa, tiếng sấm,... 3-Hương trần: tất cả những mùi mà mũi có thể nhận biết được, mùi thối, thơm, ... 4-Vị trần: tất cả những vị mà lưỡi có thể nhận biết được, mặn, ngọt, chua, cay, đắng, chát,... 5-Xúc trần: tất cả những cảm giác mà thân tiếp xúc được như nóng lạnh, cứng mềm,... 6-Pháp trần: tất cả những ý niệm, khái niệm, hay nhớ tưởng của sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần lưu lại trên ý căn; như một hình ảnh khi nhớ lại, một âm thanh khi nhớ lại, một mùi vị, một cảm giác khi nhớ lại,... SÁU THỨC: 1-Nhãn thức: sự nhận biết của mắt, khi mắt tiếp xúc với sắc trần(hình ảnh,...) 2-Nhĩ thức: sự nhận biết của tai, khi tai tiếp xúc với thinh trần(âm thanh,...) 3-Tĩ thức: sự nhận biết của mũi, khi mũi tiếp xúc với hương trần(mùi hương,...) 4-Thiệt thức: sự nhận biết của lưỡi, khi lưỡi tiếp xúc với vị trần(ngọt, chua, ...) 5-Thân thức: sự nhận biết của thân, khi thân tiếp xúc với xúc trần(cảm giác) 6-Ý thức: sự nhận biết của ý, khi ý căn tiếp xúc với pháp trần, tức là nhận thức khi nghĩ nhớ hay tư duy một sự kiện hay hình ảnh nào, "nương vào ý làm căn, pháp trần làm đối tượng, ý thức được phát sinh,..."(Duy biểu học-Nhất Hạnh) Như vậy mười tám giới bao gồm tất cả mọi hiện tượng của vũ trụ và nhân sinh ( và muôn loài). QUÁN GIỚI PHÂN BIỆT ( thập bát giới quán ) Khi căn duyên với trần sinh ra thức. Căn, trần, thức liên quan mật thiết với nhau. Sự sinh hoạt của con người, muôn vật, và sự vận hành, tuần hoàn của vũ trụ cũng liên hệ mật thiết với nhau trên căn, trần, thức. -Nếu không căn thì không có cơ sở cho thức phát sinh. -Nếu không trần thì không có duyên cho thức phát sinh. -Nếu không thức thì căn, trần tức là con người và mọi hiện tượng trong vũ trụ đã không hiện hữu. Năm căn, mắt tai mũi lưỡi thân, là da thịt xương máu, là tứ đại, biến đổi từng giây từng phút, theo luật sinh diệt vô thường. Sáu trần, sắc thinh hương vị xúc pháp cũng là biến đổi từng giây từng phút, cũng sinh diệt vô thường. Căn trần đã như thế thì sáu thức, cùng ý căn, tức thức thứ bảy, há có thể thường được sao? Không thể tìm được điều gì trường tồn bất biến ở mười tám giới, sáu căn, sáu trần, sáu thức, chúng là vô thường, chúng nó không có tự ngã hay chúng nó là vô ngã. MỤC ĐÍCH CỦA QUÁN GIỚI PHÂN BIỆT LÀ ĐỂ THẤY TÍNH VÔ NGÃ CỦA CON NGƯỜI VÀ CỦA MỌI HIỆN TƯỢNG TRONG VŨ TRỤ. Mục đích của thập bát giới quán là để phá được tính chấp ngã,thủ lãnh của tham sân si, thành luỹ của đau khổ và sinh tử luân hồi VÀ MỤC ĐÍCH CỦA THẬP BÁT GIỚI QUÁN LÀ ĐỂ THOÁT LY SINH TỬ LUÂN HỒI! QUÁN GIỚI PHÂN BIỆT là một pháp quán rất căn bản; -Quán chiếu tường tận để có thể thấy được điều mà Tâm kinh Bát nhã nói là: " vô nhãn nhĩ tĩ thiệt thân ý, vô sắc thinh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới..." -Quán chiếu tường tận để tu được điều mà kinh Kim Cương nói rằng: " bất ưng trụ sắc sinh tâm, bất ưng trụ thinh hương vị xúc pháp sinh tâm,..." -Quán chiếu tường tận để đạt được điều mà Trúc Lâm Đại sĩ Trần Nhân Tôn nói là: " đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền"
Tue Uyen/
. . . . .
Lời bình qua bài viết này:
1. Khi “Quán Thập Bát Giới ” thì AI là người quán?
2. Nếu đã có “người quán” thì vẫn còn “Ngã”?
3. Hóa ra càng Quán thì “ngã” lại càng lớn chứ làm sao vô ngã được?
4. “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, thì “cái gì” đối cảnh? Nếu đã có có “Cái gì” ấy thì sao gọi là “Vô ngã” được? .
5. “Vô tâm”thì “Ai” là người biết đang “Vô tâm”?
Mô Phật
Đệ tử vì tâm cầu đạo nên đã có lời hỏi. Nếu có điều chi sơ xuất xin niệm tình tha thứ cho.
Đại Ngu/