Ba Gàn đang ba hoa thuyết giảng về nghệ thuật làm non bộ với Cu Tý và đám con nít trong xóm. Thấy bọn nhóc tròn mắt vểnh tai nghe ra chiều khâm phục. Hăng tiết vịt Ba Gàn chỉ tay vào một cây cảnh trong bồn, dáng cây đổ rạp về phía sau, rễ lồi trên mặt đất gân guốc, ngọn lại ngóc lên quay ngược về phía trước:
- Đố bay, đây là thế gì? Đứa nào biết tao thưởng.
- Tụi cháu chịu, ai mà biết được. Chú nói xem nào.
- Đây là thế “bạt phong hồi đầu”.
- Sao lại gọi như thế?
- Nghĩa là gió thổi cây phải nghiêng theo chiều gió, đổ rạp xuống, nhưng ngọn lại ngẩng cao đầu quay nhìn ngược về chốn cũ. Nó tượng trưng cho người anh hùng bất phùng thời, bị chướng ngại trở lực đè nén vẫn ngẫng cao đầu, trung trinh bất khuất theo đuổi lý tưởng đến cùng.
- Còn cây này, sao chú không trồng xuống đất mà lại trồng trên đá, như thế nó sẽ khó hút chất bổ và dễ chết sao?
- Đây là thế: “ ôm đá”. Cây si này sức sống rất mãnh liệt, đặc biệt nó có nhiều rễ phụ có thể hút chất bổ nuôi cây một khi rễ chính không tiếp được đất. Nó tượng trưng cho người anh hùng, dù xuất phát điểm là hoàn toàn bất lợi, như cây ở trên đá vẫn phát triển tinh hoa ở nhiều lãnh vực khác, tồn tại và phát triển rực rỡ. Rễ phụ sẽ thành rễ chính hút chất bổ nuôi cây. Nhờ vậy rễ chính có đủ thì giờ phát triển ôm cả hòn đá này để lại chui vào lòng đất. Bộ rễ gân guốc ôm đá sẽ làm cây tăng thêm vẻ đẹp. Giống như người anh hùng biến khó khăn thành thuận lợi. Trở lực chướng ngại càng làm cho họ thăng hoa chứ không vùi dập được họ.
Chỉ vào một tiểu cảnh đặt ở gần bờ ao. Cu Tý làm ra vẻ rành rõi:
- Đây là dây “ vạn niên thanh” phải không chú? Cái bình trồng nó đã bị bể rồi kìa. Cháu sẽ cho chú một cái lọ khác, để vậy trông xấu quá!
- Hề hề! Tụi bay không biết đấy thôi. Đây là tác phẩm “Mầm sống”. Không phải lọ bị bể đâu. Tao cố ý làm ra như vậy đấy.
- Chi vậy chú, sao lại gọi là mầm sống?
- Đất trong bình là nền tảng của sự phát triển, nuôi sống dây vạn niên thanh, tượng trưng cho sự sáng tạo chân chính đời đời xanh thắm không thể úa tàn.Cái bình tượng trưng cho khuôn mẫu của tâm trí. Lối mòn chính là xác chết biết đi của mọi nghệ thuật chân chính. Do vậy bình ấy không đặt ở vị trí cân bằng bình thường, mà được đặt ở vị trí nằm nghiêng mất cân bằng, tượng trưng cho sự năng động thay đổi biến hoá liên tục, đó chính là động lực của mọi nguồn sáng tạo. Cái bình bể, nhờ vậy dây vạn niên thanh mới chui qua vết nứt này ngoi lên phát triển xanh tốt. Tượng trưng cho mọi sáng tạo chân chính đều xuất phát từ sự đổ vỡ của khuôn mẫu tâm thức sáo mòn và sự sáng tạo chân chính là “mầm sống”, là cái mầm mà từ đó cuộc sống đích thực hiển thị.
- Thế còn cái màn nhện này, sao lại phủ lên toàn bộ tác phẩm thế ?
- Nó tượng trưng cho sự quên lãng của chúng ta về cái mầm đích thực của cuộc sống. Bởi chúng ta luôn bị cuốn hút về thế giới cảm giác, chưa từng một lần thấy được cái mầm vạn niên thanh của cuộc đời. Bởi vậy bụi thời gian và nhện giăng che phủ là vậy!
- Còn cô vũ nữ đang nhảy múa sao lại đặt phía trên ?
- Mầm sống, sau khi vượt qua khuôn mẫu tâm thức sẽ thăng hoa phát triển thành vũ điệu thiêng liêng. Cháu thấy không, mọi sự đang nhảy múa, quả đất đang quay, cây cối núi đồi cũng đang nhảy múa, chúng ta sống cũng chính là đang nhảy múa theo nhịp điệu thiêng liêng của trời đất. Mọi sự như một dòng sông chảy mãi chẳng bao giờ ngừng. Trong âm nhạc của cõi lặng yên, vũ điệu thiêng liêng mang trong mình cái mầm của sự sống! . . .
- Nè chú Ba, sao núi đá kia chú lại gắn đầu mình, tay chân rải rác khắp núi như vậy? Cháu chưa từng thấy bao giờ? Chú giải thích cho chúng cháu nghe đi.
- Đó là tác phẩm “Hồn của đá”
- Sao lại gọi như thế?
- Nầy nhé! Cứ có đầu mặt tay chân thì chúng ta quen gọi là người. Đã là người thì có tư duy, suy nghĩ, có rung động và có tình người. Còn cây cối, núi đá, dòng sông, chim chóc . . .v. v. . .do không có đầu mặt tay chân như người nên bị coi như khác chúng ta. Bởi vậy đã từ lâu chúng ta tự cho mình có cái quyền xâm hại thiên nhiên. Bởi chúng có biết gì đâu! . . Con người tự cô lập và tách rời khỏi cái toàn diện. Nên nay Ba Gàn này làm thượng đế, ban cho núi đá kia cũng có đầu mặt, tay chân, khắc núi đá cũng có linh hồn và đồng cảm với ta. Thế thì cái một hợp nhất với cái toàn diện, thế thì linh hồn chúng ta sẽ bắt gặp linh hồn của đá. Hề hề! cháu nhảy múa, thì đá cũng nhảy múa, cháu vui buồn thì đá cũng khóc cười! Cháu suy tư thì đá kia cũng lặng yên giao cảm!. . Chúng ta bao giờ cũng là bạn của muôn loài, muôn sự vật phải không các cháu! Do vậy mà ta gọi là: "Hồn của đá”.[#breakpage#]
Cu Tý nhìn chăm chú vào cái bồn hình tròn nằm giữa thảm cỏ xanh như suy nghĩ điều gì. Đột nhiên nó reo lên:
- Nè chú! Trên đường vòng này có những vết chân. Con sên đang bò trên vết chân nghĩa là nó sẽ trở về chỗ cũ phải không?
- Mầy thông minh đấy! Đây là tác phẩm: “Cái bóng ngôi nhà”.
- Sao lại gọi như thế?
- Chim bay trên trời đâu để lại dấu vết gì. Người nghệ sĩ chân chính trực nhập cái đẹp tối thượng sẽ nở hoa phục vụ nhân sinh. Thế nhưng con đường nhập thần đâu để lại dấu chân! . . .Các dấu chân trên đường đi của nghệ thuật đều là đi vòng quanh “cái ấy”! Con sên này chỉ nương theo dấu chân để tìm cái bóng ngôi nhà ấy mà! Nói đến đây Ba Gàn hứng chí rên ư ử mấy câu thơ tự biên:
Anh chỉ cho tôi cái bóng ngôi nhà
Bởi vì nhà là nơi tôi đang đứng
Nghêu ngao hát, tôi hiểu nhầm lời anh nói
Bận chỉ đường, tôi đâu biết chẳng cần đi
Dù trên vai anh hay khi tự bước.
Tôi vẫn đam mê cái bóng ngôi nhà.
Anh vẫn ở nhà còn tôi mãi đi xa.
Tôi hãnh diện bởi vì đi nhanh thế!
Than ôi!
Ngày càng xa, anh mãi còn chờ! . . .
Cu Tý đang nhìn vào giữa vườn cảnh. Tại đấy có rất nhiều hòn giả sơn đắp nổi trên mặt hồ, trông như một đám lửa đang cháy bập bùng trên mặt nước. Đoạn nó kéo áo Ba Gàn hạ thấp giọng với vẻ mặt nghiêm trọng:
- Nè chú Ba, ông thầy Năm địa lý bảo chú đắp cái núi “lửa trí huệ” này là phạm luật phong thuỷ đấy! . . Ổng bảo thằng Ba Gàn chắc nó dốt và gàn, nên mới để nước và lửa ở chung nhau như vậy. Hệ lắm chứ chẳng chơi đâu.[#breakpage#]
Ba Gàn cười khoái trá:
- Hề hề! Không phải vậy. Các cháu thấy đấy toàn bộ các hòn giả sơn này giống hình ngọn lửa đang cháy trên mặt nước. Lửa này từ nước mà ra, nghĩa là từ cái đối lập mà có, nên lửa này không bao giờ tắt, gọi là lửa trí huệ. Cực âm thì dương sinh là vậy! Nước này sinh ra lửa nên không cái gì có thể làm khô nó được. Cực dương sinh âm là vậy! Nước và lửa hợp nhất như vậy gọi là thái cực. Âm dương tuy khác biệt nhưng không tiêu diệt nhau mà tương tác để cùng biến hoá mới là chân địa lý vậy.
- Sao chú lại dùng ngọn lửa để tượng trưng cho trí tuệ?
- Bởi ngọn lửa soi sáng đêm tối vô minh và truyền hơi ấm cho mọi con tim băng giá. Thế mà ngọn lửa càng lên cao lại càng nhỏ đi để cuối cùng biến mất vào chốn hư không. Giống như người nghệ sĩ đích thực, càng lên cao cái tôi càng nhỏ đi để cuối cùng biến mất trong thế hoà nhập với cộng đồng.
Cái Hĩm nãy giờ ngồi im đột nhiên lên tiếng:
- Nè chú, vườn cảnh của chú có quá nhiều cái hay cái đẹp. Nhưng chú thích nhất là cái gì? Cái gì là độc đáo nhất?
- Độc đáo nhất là cái cây cổ thụ này đây.
- Sao, cái cây bé xíu này hả?
- Đúng vậy, tuy nó nhỏ vậy mà tướng của nó rất già, rất cổ, như hàng trăm năm vậy.
- Chắc nó là của gia bảo do các cụ để lại.
- Hề hề! không phải vậy đâu. Chú Ba mầy mới trồng độ vài ba năm nay thôi! Nhưng nhờ kỹ thuật làm già trước tuổi mà tụi bay thấy vậy.
- Làm sao được vậy, chú chỉ cho tụi cháu đi!
- Được thôi cũng chẳng khó gì. Các cháu xem đây: Cái cây này được trồng trong cái chậu trống đáy. Tao chỉ cần lấy mấy sợi dây kẽm ràng qua đít chậu. Phía trên lót mấy tấm áo dừa rồi đổ đất lên trên. Cây trồng trong chậu này khi đâm rễ ra phía dưới chậu tao đều cắt đi tất. Các cháu biết đấy, rễ càng sâu thì cây mới càng lên cao được. Có một tỷ lệ tự nhiên nào đấy trong vấn đề này. Nay cắt rễ ngắn đi, khắc cây không thể phát triển chiều cao được. Cái cây như vậy là bị cắt với nguồn sống tự nhiên của nó. Nó sẽ bị nhỏ bé hơn bình thường và bị lão hoá rất nhanh, nên chỉ có mấy năm mà các cháu thấy nó già đi hàng trăm tuổi! Khi nó đã nhỏ bé hơn bình thường rất nhiều, ta sẽ cắt tỉa đi các cành không cần thiết. Thế là có một cây bonsai thượng hạng. Hềhề! . . .
Cái Hĩm im lặng, đoạn nó nói một mình, giọng buồn buồn:
- Tội nghiệp cái cây.
- Người không thương lại đi tội nghiệp cây.
- Chú nói sao?
- Xã hội công nghiệp ngày nay, cũng có nhiều người trở thành bonsai kiểu như vậy! Chẳng biết nên vui hay buồn đây! . . .
Ba Gàn đang hăng say thuyết giáo cho đám con nít. Đột nhiên từ túp lều tranh cuối vườn thím Ba Gàn xuất hiện ở bục cửa, khum tay làm loa gọi thật to:
- Ông ơi! Trưa rồi về ăn cơm, để xế còn đi cày, bộ ông muốn đình công luôn cả ngày hả.
Ba Gàn vội vội vàng vàng quay lưng định đi về quên cả chào đám thính giả nhí. Đám con nít le lưỡi rụt cổ nhìn thím Ba, rồi nhìn nhau cười hí hí.
Cu Tý nín cười nói đùa:
- Nè! Gió đã nổi rồi đấy. Chắc chú phải “bạt phong” thôi! Hìhì! . . .
- Yên trí, thế nào lão anh hùng này cũng “hồi đầu” đừng lo! . . .Chủ nhật tới tụi bay đến, tao sẽ hướng dẫn cách trồng cây và làm non bộ. Nhớ nghen!
Ba Gàn đi đã lâu chợt Cái Hĩm cao giọng gọi về cuối vườn:
- Chú Ba Gàn ơi! tụi cháu không học kiểu làm già cây của chú đâu nhé. Mang tội chết!
Im lặng chẳng có tiếng trả lời. Vườn cây đầy tiếng ve kêu ran ran trong vòm lá xanh tươi.
Mây 27/05/05