Hôm nay chỉ còn độc một mình ta ở nhà Tổ Xuân Mai. Mọi người đã về phố thị hết rồi. Chung quanh nhà Tổ, mặt hồ Văn Sơn mênh mông. Làng xóm thì quá xa. Chẳng có tiếng động nào. Chẳng có bóng dáng nào! Ha ha. . .ha. . .thoải mái thật, chỉ còn ta với chim, với thú, với rừng, với hồ nước mênh mông, với gió với mây và với Như Lai.
Này Cỏ May. Như giọt sương rơi nhẹ thật nhẹ vì sợ làm đau mặt hồ. Như bình minh hừng lên nhẹ thật nhẹ vì sợ bóng đêm buồn lặng lẽ ra đi. Như gió sớm nhẹ thật nhẹ vì sợ hoa lá giật mình thức giấc. Như ta đứng đây, đứng nhẹ thật nhẹ vì sợ làm đau đám rêu xanh bám đầy sân gạch. Như ta đang chuyển động đây, nhẹ thật nhẹ vì sợ làm kinh động loài người và Quỉ Thần. Như ta đang biết đây, nhẹ thật nhẹ, không dùng tí lực cố gắng nào thế mà vẫn tràn đầy nhận biết. Haha. . .ha. . .nhẹ thật nhẹ. . .không dùng tí lực nào để biết vì sợ kinh động hí sự của chúng sanh. Như ý nghĩ của ta đây, nhẹ thật nhẹ, có mà như không vì sợ kinh động tam thiên đại thiên thế giới. Như ta đang thở đây, nhẹ thật nhẹ, như là không thở vì sợ làm ô nhiểm hư không vốn rỗng không trong suốt không tì không vết. . . .
Haha. . .ha. . .Nơi nào không có con người, nơi đó sẽ có tự do!
Nơi này giờ đây chẳng có ai. Chỉ có ta đang tập Dịch Cân Kinh trước sân nhà Tổ mà như chẳng có ta đang ở đấy. Do vậy mà chim chóc tự do ca hát. Do vậy mà nhen sóc thú rừng tự do chạy nhảy. Do vậy mà hoa lá và rừng cây tự do khoe hương khoe sắc chẳng ngần ngại chi. . . .Do vậy tiếng chim hót khi ấy là tiếng chim thật, tiếng chim tự do, tiếng chim hót chẳng ngần chẳng ngại, chẳng sợ hải, chẳng dòm ngó, chẳng tránh né, chẳng e sợ điều gì. . . .vì chẳng có con người ở đấy!
Ha ha. . .ha. . .và ta đang đứng đấy, Có mà như Không Có đấy. Chẳng ai biết chẳng ai hay. Thần Thánh Ma Quỉ còn không hay không biết huống gì con người! Thế cho nên ta bổng có tự do. . . .Ha ha. . .ha. . .Ta tự do múa điệu múa thiêng của trời đất với tiếng chim ca tự do và với pháp giới cũng đang tự do.
Ta tặng các bạn và chư huynh băng luyện công hôm ấy. Nếu các bạn thấy hứng thú thì có thể dùng băng này để luyện công.
Ngày ấy ta từ Hà Nội quay về Nam để ẩn cư tu luyện. Ta tìm một nơi vắng người, yên lặng, phong cảnh u tịch để luyện công. Tìm mãi. . .tìm mãi, mà nơi nào cũng làm du lịch, cũng ồn ào, cũng diển cảnh chợ đời nơi cửa Phật. Ta đã định bỏ lên Tây Nguyên leo lên đỉnh Ngọc Linh hay lại quay ra Bắc leo lên Fansipan thì may quá gặp một vị huynh tu đạo Cao Đài làm nghề hái thuốc Nam, chỉ ta lên chùa Suối Ngỗ.
Nương tựa nơi cửa Phật. Hàng ngày ta luyện công dưới gốc cây đa bên dòng suối hai bên mọc đầy rau ngỗ. Ông Bảy Bụng làm cái nhà nhỏ xíu trên cháng cây đa. Còn ta thì ngủ trong thạch động ẩn sâu dưới lòng đất ngay dưới gốc cây. Dưới chân cây đa, đá lớn như cái nhà nằm chồng lên nhau ngổn ngang. Rễ cây quấn chằng chịt. Suối chảy róc rách dưới gầm đá. Hàng ngày chim chóc ca hát trong vòm lá xanh tươi, cua đá, nhen sóc, rắn hổ, bò cạp núi, bò chung quanh phiến đá ta ngồi thiền. Có 2 con chim trĩ đuôi dài ngoằng vẫn hay bay qua bay lại. Chim ưng bay trên trời và rắn trườn dưới hang sâu. Ta luyện công mãi miết, ngày qua ngày, ban ngày mặt rời lên, hoa nắng lung linh như dệt gấm thêu hoa trên nền đá núi đầy rêu xanh và địa y. Khỉ đít đỏ và chồn hương ngồi chơi cùng ta. Ban đêm trăng lên, núi rừng như dát bạc, thú rừng gầm thét, đom đóm bay lập lòe, dơi núi kêu chèn chẹt bay lượn chung quanh. Ta vẫn ngồi yên với khế ấn trên tay và điển quang chạy rần rần trong người. Thần Thánh và Ma Quỉ như đều có mặt ở nơi đây. . . .Cùng ta luyện công, uống trà, tắm suối, dạo chơi trên đỉnh Hòn Chùa. Con vượn hú đầu non kêu ta thức dậy luyện công khyua. Con gà rừng gáy te te bên trảng tranh gọi ta thức dậy luyện công sáng. Con chim cúc cu kêu buồn bả trong khu rừng mù u kêu ta luyện công trưa. Con mang tác trên đồi Đại Hàn gọi ta luyện công chiều . . .Haha. . .ha. . .tí ngọ mẹo dậu tứ thời công phu. . . .Những ngày mưa lạnh ta tập Nhiệt Tâm Linh trên đồi vắng. Những khi Khí đá bay ra mù mịt ta tập Dịch Cân Kinh như tập trên mây. Khi ta cúng thí thực rải gạo, bao giờ chim chóc cũng chạy theo sau hàng đàn để nhặt. Ta uống nước ở giếng Tiên từ lòng đất phọt lên, ăn rau rừng chấm tương với gạo lứt. . . .Đu đưa trên võng. Tản bộ trong rừng thưa, luyện nội công trong hang sâu của thạch động, hái thuốc nam, phát công trị bệnh cho thợ rừng và dân nghèo miền sơn cước. Dưới xa kia, cánh đồng Diên Khánh vàng ươm. Còn trong rừng chung quanh chùa, thú rừng đang gầm thét. Chưa có dân lên làm rẫy. Chưa có ai lên đây chặt cây phá rừng, nên rừng thiêng vẫn còn huyền bí âm u. Ngày ấy Chùa Suối Ngỗ còn nhỏ xíu như cái lán của thợ rừng, thờ ông Phật cũng nhỏ xíu đơn sơ.
Ta luyện công. . .luyện công mãi. . .cuối cùng ơn trên đã gia hộ để ta biết cách làm các bộ băng phát công hiệu lực chẳng kém gì ta phát công trực tiếp.
Ta đã làm bộ băng phát công đầu tiên ở đây.
Từ trước đó khi đồng bào học KCDS đều phải học trực tiếp với ta. Chính dưới gốc đa này, tại thạch động này, ta đã làm một cuộc cách mạng về phương pháp, khi có thể dạy KCDS qua băng phát công. Điều này đã ghi dấu ấn quan trọng đối với bản môn vì đã mở ra một hướng mới. Mọi người ai cũng đều có thể tập KCDS để tự trị lành thân bệnh và tâm bệnh mình qua băng casette, mà không lệ thuộc vào ta nữa. . .Mô Phật, vui nào vui hơn. . .mừng nào mừng hơn. . .từ đó cho đến nay, dù cuộc sống đời thường vẫn còn nhiều khó khăn cực khổ, ta vẫn luôn pháp thí các bộ băng tập KCDS, không lấy tiền của ai, không giữ bản quyền phương pháp. . . ta cam lòng chịu cực quyết noi theo hạnh Phổ Môn của Như Lai.
Mười lăm năm qua rồi. Như một giấc mơ. Ông Bảy Bụng đã chết. Ông Sáu Gù cũng đã chết. Chư huynh đệ tỷ muội ở chùa năm ấy, giờ chẳng còn lại mấy người. Chùa cũng xây lại lớn hơn. Rừng đã bị tàn phá tan hoang, nên Suối Ngỗ chỉ mùa mưa mới còn nước chảy. Thú rừng cũng còn quá ít!
Nhưng mây gió vẫn còn đây. Cặp rắn hổ canh thạch động vẫn còn huýt gió trong những đêm tối trời. Chim chóc những khi vắng người vẫn về cây đa ông Bảy Bụng hát ca. Vợ chồng anh Bảy tu Tiên vẫn còn ngụ bện kia đồi. Những đêm trăng sáng họ vẫn tụng kinh Pháp Hoa và chơi độc huyền cầm.
Và ta, theo cơn mưa rừng ta lại quay về chùa Núi. Ta đã già hơn xưa, hòn đá ta ngồi già hơn xưa, núi rừng ma quỉ già hơn xưa, cây đa sần sùi già hơn xưa, thạch động rêu phủ xanh đen già hơn xưa, tiếng suối chảy già hơn xưa, tiếng chim ca già hơn xưa, tiếng đàn độc huyền của anh Bảy tu tiên cũng già hơn xưa.
Để nhớ lại kỹ niệm của 15 năm trước. Ta đã làm bộ băng phát công này để tặng các bạn và chư huynh. Hề hề. . .chắc băng phát công này cũng già hơn xưa. . . .
Tình già. . . .đạo già. . . .trời già. . .đất già. . . .pháp tu của ta giờ cũng già lắm rồi. . . . Ha ha. . .ha. . nhưng con tim ta thì chưa chịu già. . .ngọn lửa nhỏ, Như Lai thắp lên từ năm ấy giờ vẫn còn cháy, còn tỏa sáng và còn nồng ấm, nó sẽ còn theo ta lang thang khắp cõi ta bà.
Ngày ấy ta có cơ duyên được leo lên đỉnh Kailash, đỉnh núi tuyết cao nhất ở Tây Tạng, cao gần 7.000 m. Đây là bàn thờ tâm linh của toàn thế giới. Ta vượt qua biết bao gian khổ tìm về đây đảnh lễ Như Lai, đảnh lễ Tổ sư liên Hoa Sanh và Tổ sư Minarepa của dòng cổ Mật Tây Tạng.
Lưng chừng núi tuyết có một cái chùa nhỏ bên trong có động đá là nơi đức Minarepa đã ẩn cư tu tập và đã chứng ngộ.
Ta đã luyện công ở đây, trời lạnh kinh khủng, không khí loảng, chỉ còn khoảng 30%, gió thổi ào ào, hú lên từng chặp trên sườn núi tuyết hoang vu, chim ưng kêu quang quác trên trời và ta luyện công với tiếng chuông chùa trên núi tuyết cùng tiếng trì chú của đức lạt ma ẩn cư nơi này.
Bổng ta nghĩ đến chư huynh ở nhà, ta bèn phát công và lấy máy ghi âm ghi lại âm thanh trên kailash lúc này để chư huynh luyện công.
Nay ta tặng chư huynh và các bạn như là món quà nhỏ của người đang trên đường tìm về nơi đất Phật.