Giọt sương tròn và long lanh. Rừng tùng mập mạp, cường tráng, đứng cười trong gió lạnh. Tháp già rêu phong, an nhiên tự tại. Trời đất thì cô đơn nhưng dát đầy muôn ánh hào quang. Mây núi mù mịt, cảnh vật như thực như hư. Rừng trúc xanh mướt, chuyện trò khe khẽ. Chim rừng cười rúc rich trong các bụi rậm. Mấy ông già, bà già, đầu tóc như sương thu mặt mũi hồng hào, chống gậy trúc nhàn hạ đi sau thầy. Mấy cô mấy cậu thì trẻ trung, nhanh nhẹn, hồn nhiên. Tiếng cười trong vắt, âm vang lanh canh, như tiếng thủy tinh lăn tròn trong khoảng không phẳng lặng trơn tru không hạt bụi. Khí xuân nồng ấm, dịu dàng và đằm thắm trên ánh mắt long lanh của cô gái trẻ. Mấy đứa con nít má đỏ hồng, răng trắng muốt, mắt trong như giọt nước đọng đầu cành dương. Chúng chạy nhảy trên các bục đá nhanh như con chồn con cáo.
Ông già đi đầu mỉm cười chào chư Thiên và chư Thần Linh đang đứng chờ trong gió lạnh. Chùa Hoa Yên như một sinh vật khổng lồ nhiều tay, nhiều chân, nhiều góc cạnh, đang thò ra, ngo ngoe bò trên cái sườn núi hẹp phủ đầy mây xám. Không có gió, nhưng những cây đại cổ trên 700 năm tuổi vẫn đang vặn mình quằn quại. Trong cái tháp đá khói hương nghi ngút. Tượng vua Trần sống động, đang ngồi yên lặng giữa bao cái bề bộn lao xao của việc tái cơ cấu truyền thống tâm linh vốn đã có từ ngàn xưa.
- Thưa cụ con thấy 2 câu đối này có vẻ không hợp với khu Thánh địa linh thiêng này:
Thanh danh Yên Tử truyền Nam Bắc
Chánh pháp Trúc Lâm trụ đất trời
- Tại sao thế?
- Tại vì nó có vẻ chấp tướng và chấp pháp không hợp với tính Thiền?
- Ông thích thì cứ sửa theo ý mình. Nhưng đừng chê cái khác. Hãy chấp nhận tính toàn bộ và xem như ăn phải chút ớt. Tuy cay, nhưng nếu biết dùng làm gia vị thì sẽ tăng thêm cái ngon cho tô phở Phù Vân. . . .hề hề. . .
- Thưa cụ, con sửa thế này, cụ xem có được không:
Thanh tâm Yên Tử đồng Nam Bắc
Diệu pháp Trúc Lâm hiệp đất trời
- Hề hề. . . .
Yên Tử tâm đồng
Trúc Lâm pháp hiệp
Tiếng cười của một già một trẻ âm vang vào vách đá. Rừng tùng, rừng trúc đưa nó đi lang thang trên đỉnh Phù Vân, rồi đồng vọng ngân nga qua rừng mai cổ thụ trên Bạch Vân Sơn nghi ngút khói mây.
Chúng tôi theo cụ già du xuân, vừa đi chơi vừa áp dụng các bài học vào thực tiễn đầy sinh động. Các tình huống xảy ra và cách thích ứng chúng qua trực giác nhạy bén, linh hoạt, đồng biến dịch của người thực hành. Đã khiến các bài tập của KCDS mang hơi thở của cuộc sống và đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc và sự đồng cảm với mọi người chung quanh, với cảnh quan, với môi trường và với thế giới tâm linh vô hình vô tướng.
Sau khi ổn định chỗ nghỉ và ăn trưa. Chúng tôi theo cụ già đi lễ Phật, lễ Tổ ở các nơi:
- Thưa cụ, sao con thấy có đức Hộ Pháp tên là: trừng ác. Như vậy có đi ngược lại tính từ bi của nhà Phật chăng? Tại sao không giúp cái ác thăng hoa chuyển hóa thành cái thiện mà phải “trừng” nó như thế?
- Này ông, ý định trong tâm thức sẽ điều khiển và quyết định hành động tiếp theo sau. Cho nên để ngăn ngừa cái ác, cái xấu, thì tốt hơn cả là nên ngăn ngừa khi nó bắt đầu hình thành “Tác ý” làm trong tâm. Theo đấy hành giả phải luôn nhận biết tỉnh giác để thấy khi nào khởi ý niệm lành, ý thiện thì phát triển để nó thành hành động thiện có lợi cho mình và cho mọi người. Còn nếu nhận biết tỉnh giác phát hiện một ý niệm xấu, ý niệm ác, thì phải tiêu diệt nó đi, đừng để nó biến thành “tác ý” điều khiển làm xuất hiện hành động ác làm hại mình và hại mọi người. Vị Hộ pháp hộ trì để ý niệm Thiện có thể biến thành hành động thiện đem lại hạnh phúc cho mình và cho mọi người gọi là: Hộ Pháp Khuyến Thiện. Còn vị Hộ Pháp giúp người tu đủ năng lực tiêu diệt các ý niệm ác không để nó xuất hiện hành động ác làm hại mình và hại mọi người được gọi là :Hộ Pháp Trừng Ác.
Buổi tối, ngay tại sân chùa Hoa Yên, trong cái nhà trống, bốn bề sương núi đìu hiu, mây bay gió cuốn. Trong tiếng rừng trúc rì rào, rừng tùng vi vu than thở trên đỉnh Phù Vân. Chúng tôi ngồi uống trà với nhau, cùng hát, cùng ngâm thơ và hỏi thầy về các vấn đề luyện công tu học.
Gà gáy, khi bình minh chưa ló dạng. Trời rét căm căm. Sương núi mờ mịt. Chúng tôi đã theo cụ già xuống Đường Tùng để thực hành bài tập “Thái Thụ Khí” theo giáo án mới nhất. Theo đấy người tập tuy vẫn giao hòa năng lượng với các cây lão tùng cổ thụ. Nhưng trên đầu có đặt một ly nước đầy. Nếu người nào làm đổ ly nước khi hành công thì mất tỉnh giác, mất trang nghiêm, mất tịnh, đều phải thực hành Thiền Định cho đến khi tâm đạt chánh định mới được học Thiền Động.
Gió núi ào ào, sương sa mù mịt. Cụ già thiết lập Mandala. Sau đấy mọi người thực hành “Thái Thụ Khí” theo giáo án cải tiến. Lạ kỳ thay, tất cả đều chuyển động trang nghiêm thanh tịnh, không một ai làm rơi ly nước cả, cho dù lực hút của cây lão tùng là rất lớn. Hàng trăm người đã tham gia dự tập hôm ấy, không một ai có biểu hiện vô thức, tất cả mọi người đều tỉnh giác, đều an lạc, đều giao hòa năng lượng và điều khí trị bệnh rất hiệu lực. Bài tập rất hiệu quả, mà người dự tập không cần phải hiển thị khế ấn, không cần trì Dalani, không cần các nghi thức về tâm linh tôn giáo. Các biểu thị khi hành công đều có thiền vị và được thực hiện trong trạng thái tịnh tâm, an lạc, tràn đầy nhận biết.
Sau khi tách ra khỏi sức hút của cây đại thụ, bà con kết thúc buổi luyện công bằng bài tập Dịch Cân Kinh ngay trên nền dốc núi. Đây là bài tập Dịch Cân Kinh nâng cao, để rèn luyện khả năng thích ứng tình huống. Theo đấy người tập phải đội ly nước đầy trên đầu mình và phải di chuyển bằng khi trên nền dốc ngổn ngang đá núi, địa hình lởm chởm, nhiều rễ và gốc cây.
Bài tập Dịch Cân Kinh nâng cao này cũng được bà con thực hiện rất hiệu quả. Người già, người trẻ, bệnh nhân vẫn thực hiện được những động tác kỹ thuật và cơ động trên địa hình phức tạp trong gió lạnh và sương núi mờ mịt trên đỉnh Phù Vân. Cuối buổi tập ai nấy đều hồng hào, cơ thể cực kỳ khoan khoái, chỗ bị đau giảm hoặc hết đau hẳn, tinh thần bà con đều an lạc vui tươi. Bà con lại hát và ngâm thơ, uống trà và vui cùng nhau ngay giữa rừng thiêng Yên Tử mà không thấy lạnh, không thấy mệt, cho dù leo núi, di chuyển nhiều và phải tập KCDS ngoài sương gió với địa hình phức tạp.
Nhớ hôm ấy, lúc cả đoàn ăn sáng xong chuẩn bị leo lên đỉnh chùa Đồng, thì một người đến thưa với cụ già:
- Thưa cụ, mọi người đồn cụ giỏi pháp thuật thần thông. Cụ có thể dạy chúng tôi một pháp nào đấy để chúng tôi leo lên Chùa Đồng không mệt không?
- Này ông, có đấy. Ta có pháp môn tối thượng có thể giúp mọi người ở đây leo lên chùa Đồng Yên Tử mà không mệt. Mọi người có muốn nghe không?
- Dạ có. . . .dạ thưa có. . . . . .xin cụ chỉ dạy cho.
Khi ấy cụ già mới vừa nhấp ngụm trà nóng vừa thủng thẳng nói:
- Muốn leo lên đỉnh núi này mà không mệt thì phải đi mà không mệt.
Nghe cụ già nói vậy, mọi người cười phá lên. Có người cười chảy cả nước mắt. Có người hỏi lại:
- Cụ dạy thế nào? Mình có phải kiết ấn, trì chú, niệm thần chú hay trì kinh khi leo lên núi không?
- Này bạn, không cần các nghi thức tâm linh như vậy. Hề. . hề. . .Này thần thông, này diệu dụng. . .ta gánh nước, ta đốn củi. . .
- Xin cụ nói rõ cho
- Mọi người cứ thủng thẳng mà đi. Lúc nào cũng nhận biết tỉnh giác. Phát hiện khi nào mình sắp mệt, thì liền dừng lại nghỉ ngơi đến khi hồi phục hoàn toàn thì lại đi tiếp. . . .cứ như vậy. . . .Chưa mệt thì đã nghỉ rồi thì làm sao mệt được chứ? Nên để người yếu nhất đi trước và mọi người đi theo sau người ấy. Luôn ung dung nhàn hạ, an lạc, tràn đầy nhận biết. Không cố gắng, luôn vừa với sức của mình. Đừng bao giờ cố ý biểu thị mình hơn người khác thì sẽ không mệt.
Cả đoàn theo cách cụ già bày, đã di chuyển lên Chùa Đồng và đi hành lễ ở chùa Bảo Sái và chùa Vân Tiêu mà không ai bị mệt cả. Trong đoàn có cụ già trên 80 tuổi, có các bệnh nhân thấp khớp, thần kinh tọa, cột sống, hen suyển, huyết áp, ung thư . .v.v. . . .nhưng ai nấy đều lên đến đỉnh chùa Đồng và xuống núi an toàn khỏe mạnh, ăn được, ngủ được tình thần phấn chấn vui tươi. . . .
Tiếng cười tiếng hát theo suốt cả chuyến du xuân. Mọi người đều hòa hợp an vui. Không có bất kỳ sự va chạm hay khó chịu nào xảy ra giữa những người cùng đoàn hay với du khách và mọi người chung quanh. Bà con luôn thích ứng được với mọi tình huống xảy ra trong an lạc, đồng cảm và hòa hợp. Thích ứng được với thời tiết giá lạnh, địa hình phức tạp, thực hành đầy đủ các bài tập nâng cao. Thể lực và tinh thần bà con đều có bước phát triển tốt sau chuyến đi.
Đúng là một chuyến du xuân đầy thú vị và bổ ích.
Mây /1/ 2012
>>>>>>
Mùa xuân đã về thật rồi. Một cây bạch mai đang yên lặng nở hoa trong khe đá
Nắng xuân mênh mang
Hương xuân dịu dàng, khí xuân đầm ấm
Chúng tôi lại cùng nhau quay về chốn Tổ, tìm hương vị mùa xuân trên đỉnh non thiêng
Như từ ngàn xưa vang vọng lại. Ngay giây phút này đây. Trên thềm mùa xuân mới. Tiếng cười KCDS an lạc, trong vắt, âm vang lanh canh, như tiếng thủy tinh lăn tròn trong khoảng không phẳng lặng trơn tru không hạt bụi.
Trước khi đến Yên Tử, cả đoàn leo lên núi lễ Phật và lễ Tổ ở chùa Cầm Thực
Kỷ niệm ở chùa Cầm Thực
Đã đến bến xe dưới chân núi Yên Tử
Kỷ niệm dưới chân Yên Tử/12/2011.
Dù chưa chuẩn bị kịp . Nhưng chuyến du xuân này bà con cũng tham gia hơn 100 người.
Một số môn sinh trẻ của Câu lạc Bộ KCDS/Dusinam vừa mới thành lập ở Hà Nội cũng tham gia du xuân với bà con.
Mọi người đều vui vẻ và phấn khởi vì đã lâu chưa được gặp thầy.
Vườn tháp ở chùa Hoa Yên
Tháp Tổ thờ đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Trên đỉnh tháp có xá lợi Vua Trần.
Đảnh lễ Trúc Lâm Tam Tổ ở Vườn Tháp chùa Hoa Yên
Lão tùng rỗng ruột ở chùa Hoa Yên/Yên Tử/12/2011
Đá già nở hoa phi thời gian
Đạo già thênh thang vô giới hạn
Tình già làm bạn với cô liêu
Người đi lá đổ muôn chiều vắng
Trong nắng Phù Vân nhớ tiếng cười
Tháp đá thờ bài vị Lâm Tế Chánh Tông trước chùa Hoa Yên/Yên Tử
Trăm năm cũng một kiếp người
Khói hương ở lại, tiếng cười xa chơi
Bà con đang leo lên chùa Hoa Yên/Yên tử
(Cây đại trên 700 tuổi ở Yên tử)
Cây già tựa đá chưa già
Đạo nhà tựa đá quá già biển dâu
Thời gian xoắn
Cây vặn mình quằn quại
Rỗng không thường tự tại
Sao lại biểu thị bằng chia hai ?
Canh chùa
Trúc già, tùng cũng đã già
Còn ta nhàn hạ ta bà du xuân
Hề hề. . . .
Mười bảy năm trước, khi Yên tử vẫn còn hoang sơ. Tại cái sân chùa Hoa Yên này, thầy vẫn thường phát công để bà con tập KCDS. Các lớp học khi ấy có khi lên đến 500 người.
Mười bảy năm sau, có duyên quay lại. Hàng trăm người vẫn còn đang luyện tập KCDS trong khói mây Yên Tử. Quá khứ, hiện tại, vị lại đồng gọp lại thành giây phút này đây.
Bia Tổ trước sân chùa Hoa Yên/Yên Tử/12/2011
Chùa Hoa Yên/Yên Tử. Hôm nay Yên Tử vắng khách. Chỉ có đoàn KCDS và một vài du khách. Bởi vậy rất thuận tiện cho việc tham quan lễ Phật, lễ Tổ và luyện công tu học
Đảnh lễ ở chùa Hoa Yên/Yên Tử
Thầy đang hướng dẫn cho chư huynh và bà con về phương pháp "Thái Thụ Khí" nâng cao/Yên Tử/12/2011
17 năm trước ta vẫn thường ở đây. Lúc ấy còn chùa cũ và du lịch còn chưa biết tới nơi nầy. Ta vẫn thường ngủ ở cái lán phía bên trái chùa. Tắm ở con suối gần chùa Một Mái. Ăn chay thì vị Ni Sư người Tày ở chùa Hoa yên nấu hộ. Uống trà và ngắm trăng ở đầu chái hiên. Ta đã nghiên cứu thành công bài "Thái Thụ Khí" và "Nhất nguyên quyền 72 thức" ở đây.
Ăn trưa. Vì đông quá nên đoàn phải chia ra ở nhiều nơi. Bữa cơm chay sum họp thầy trò, huynh đệ, tỷ muội, và đồng môn trên non thiêng Yên Tử/12/2011
Kỷ niệm trước sân chùa Hoa Yên/Yên Tử/12/2011
Chúng ta leo lên chùa Đồng chơi. Ai có thích đi thì đi . . .
Sang chùa Một Mái lễ Phật và lễ Tổ
Trên đường từ chùa Hoa Yên sang chùa Một Mái. Chúng tôi dừng lại chỗ mấy cây lão tùng thật to đứng bên vách đá cao ngất trời xanh rất hùng vĩ. Thầy cười và bảo đây là nơi trước kia thầy và các vị huynh khi ở lại Yên Tử vẫn thường ra đây tắm. Ngay phía sau chỗ thầy đang ngồi đây, là cái giếng Khí Công do thầy và chư huynh đào để lấy nước tắm, khỏi ra suối xa, vì nơi nầy rất gần chùa Hoa Yên.
Tượng đá cổ chùa Một Mái. Chùa còn có tên là chùa Thanh Long. Vì ở đây có một loại rắn xanh rất lớn. Mỗi lần mưa lũ tràn về. Nước ngập hang. Chúng thường bò vào chùa để sưởi ấm vì chùa có bếp lửa, có nhang khói. Thế, nhưng chúng chưa cắn ai bao giờ.
Bà con tổ chức sinh hoạt văn nghệ ngay giữa rừng thiêng Yên Tử và tham vấn thầy về các phương pháp dùng KCDS để tự điều trị bệnh của mình.
Buổi tối hôm ấy, ngay tại sân chùa Hoa Yên, trong cái nhà trống, bốn bề sương núi đìu hiu, mây bay gió cuốn. Trong tiếng rừng trúc rì rào, rừng tùng vi vu than thở trên đỉnh Phù Vân. Chúng tôi ngồi uống trà với nhau, cùng hát, cùng ngâm thơ và hỏi thầy về các vấn đề luyện công tu học. Thầy đã hướng dẫn cặn kẽ các bài tập nâng cao để gà gáy mai trong gió lạnh và mây bay, chúng tôi sẽ thực hành giữa rừng thiêng Yên Tử,
Chư huynh Nam Định theo Thầy luyện công nâng cao/Yên Tử/12/2011
Chùa Vân Tiêu nhìn từ Tháp Thiền Định
Tham quan đảnh lễ ở chùa Vân Tiêu/Yên Tử/12/2011
Chùa Bảo Sái đang tôn tạo sửa chữa
Điện Quan Âm chùa Bảo Sái/Yên Tử
Giếng Ông Hổ chùa Bảo Sái/Yên Tử/12/2011
Leo lên đỉnh non thiêng đầy sương mù và gió lạnh
Đá dựng chập chùng
Sương đọng long lanh trên đầu ngọn trúc
Chùa và tháp cổ chập chờn ẩn hiện trong mây
Bà con áp dụng các yếu chỉ trong kỹ thuật giao tiếp và thích ứng tình huống của KCDS. Tiếng cười tiếng hát theo suốt cả chuyến du xuân. Mọi người đều hòa hợp và an vui. Không có bất kỳ một sự khó chịu hay va chạm nào.
Mọi người đi trong mây mù ẩm ướt. Gió hát trên đồi cao và không khí thơm lừng mùi hoa chành rành nở sớm.
Đá dựng bên đường đi
Và tiếng cười trong vắt như tiếng giọt sương tinh khiết rơi trên nền đá núi
Khi bình minh chưa ló dạng. Yên Tử sương sa mù mịt, Khi gió hú buồn tênh trong khu rừng trúc. Mọi người đã thức dậy luyện công ở sân Vườn Tháp.
17 năm trước thầy đã sáng tác bài "nhất Nguyên Quyền" 72 thức tại nơi đây và đã dạy lần đầu tiên ở tại Vườn Tháp này. 17 bảy năm sau cũng tại chỗ này những môn sinh KCDS vẫn đang tập luyện bài tập này trên đỉnh non thiêng, trước mặt thầy và trước anh linh của chư Tổ.
Hú lên một tiếng, cho rừng thiêng ngái ngủ giật mình thức dậy, chào đón khách nhàn du.
Hề hề. . . Thần thông tối thượng để leo núi không mệt là nhận biết tỉnh giác để nghỉ ngơi khi sắp mệt, Luôn vừa sức mình, không cố gắng biểu thị mình hơn người khác.
Vỏ sò vỏ ốc có trong các tảng đá trên đỉnh non thiêng. Hóa ra có khi xưa kia nơi này là biển ?
Người già và bệnh nhân nếu đắc khí và giữ được định, vẫn leo lên tới đỉnh Chùa Đồng mà không thấy mệt /Yên Tử/12/2011
Bà già chống gậy trúc già
Mây bay gió cuốn bà là bà tiên
Bà tiên đến tổ sư Thiền
Hỏi thăm "chuyện ấy" có phiền người tu?
Tổ cười tổ bảo bà ngu
Hội nhập thế giới pháp tu thượng thừa:
Ăn thì theo phái tiểu thừa
"Chuyện ấy" theo phái đại thừa Lạt Ma
Nhà xe theo phái nước ta
Thế là quốc tế bà về khỏi lo
Kỷ niệm trên non thiêng Yên Tử /12/2011
Rong chơi trong biển mây
Ngồi chơi giữa biển mây
Lềnh bềnh đá nổi trong mây
Chắc là tiên nữ từ đây xuống trần
Buâng khuâng ngồi đợi cô Tiên
Chợt đâu tiếng khánh non Thiền ngân nga
Giật mình dụi mắt nhìn ra
Mây bay gió cuốn, chim ca quanh mình
Anh linh chư Tổ còn đây
Kìa là Bia Phật đá xây ngang trời
Rong chơi đời đến nơi đây
Bỗng thấy đồng đất, đồng trời, đồng mây
Đạọ Đời hợp nhất chốn nầy
Phật Trời Ma Quỉ từ đây chẳng còn.
Chùa Đồng/Yên Tử
Chuông đồng trên đỉnh non thiêng/Yên Tử/12/2011
Đảnh lễ Tổ sư Thiền để xin tiền. . . ./Yên Tử/12/2011
Rỗng Không và Viên Dung / Bàn thờ chùa Đồng/Yên Tử/12/2011
>>>>>>>>
Mời bạn xem phim:
1/ Tham quan chùa Cầm Thực
2/ Luyện công yên Tử
3/ Chùa Hoa Yên
4/ Chùa Một Mái
5/ 72 động tác Dưỡng Sinh
6/ Hát trên non thiêng
7/ Luyện công trên đỉnh non thiêng
8/ Chùa Đồng