Thể là cái gốc của muôn loài muôn vật, lúc nào cũng vô tướng, tịch lặng, rỗng không mà lại ẩn tàng khả năng thích ứng.

Dụng là thể, hiển tướng thông qua duyên. Do vậy nên tuy năng động mà ngầm chứa cái mầm quay về rỗng không yên lặng. Lực làm thể biến hoá thành dụng rồi trở về thể gọi là khí.

-         Bánh xe “ Thể Dụng” quay mãi chẳng lúc nào ngừng nghỉ. Nên “Khí” là năng lượng năng động miên viễn. Bởi vậy nó luôn thích ứng tình huống. Chẳng do đâu mà có, cũng chẳng bao giờ mất đi, như như tự tại.

-         Bánh xe tuy quay, nhưng tại tâm trục, chẳng có tí lực nào. Cũng vậy, do khí có gốc là thể, nên gốc của khí là tịch lặng, rỗng không. Bởi vậy khí có cái đặc tính “phản ảnh” là bản chất của tịch lặng rỗng không.

-         Do khí có cái tướng là dụng, nên tuy tướng trạng của khí là “tuỳ duyên” mà lại có khuynh hướng “quay về” tịch lặng rỗng không. Bởi quay về là bản chất của hoạt dụng.

 

Trên đây là 3 đặc tính trong nguyên lý vận hành tự nhiên của Khí. Vậy thuận theo trời đất, một bài tập Khí Công Dưỡng Sinh cũng có 3 giai đoạn tương ứng như vậy. Tuy ba mà là một: Bởi tam thừa chẳng qua là nhất thừa biến hoá ra. Trong một vẫn có đủ cả ba: Bởi cái một và cái toàn diện là thống nhất:

1/ Giai đoạn chuẩn bị: Người luyện công, tịnh hoá thân tâm, hợp nhất với tịch lặng rỗng không, tức là hợp nhất với cội nguồn bản thể thì khắc đắc khí mà không hiển tướng, (có năng lượng mà cơ thể không chuyển động). Khi ấy tính “phản ảnh” tự hiển thị, hay người hành công tự có “cái biết không cố gắng” còn gọi là tự nhiên biết hay “bát nhã”. Đây là “Tịnh công” :  giai đoạn đầu tiên của bất kỳ bài tập Khí Công Dưỡng Sinh nào.

2/ Giai đoạn hành công: Trên cái nền rỗng không nầy, người hành công phản ảnh một tình huống nhất định. Nghĩa là thu nhận các thông tin khách quan của sự việc mà không phân tích, không diễn dịch. Tình huống biến thành một lệnh cho não bộ, với phạm trù hiển thị là toàn bộ nội dung của các thông tin trinh nguyên nầy. Bởi người hành công cũng chính là một phần của tình huống. Nên trong các thông tin này phải có các thông tin về chính cơ thể mình như: tình trạng sức khoẻ, tuổi tác, bệnh lý v.v. . Để năng lượng hiển thị chẳng những phù hợp với sự việc phải giải quyết mà còn phù hợp với chính cơ thể của người hành công nữa. Đây là điều kiện quan trọng để bài tập chẳng những có kết quả mà còn luôn phù hợp, không quá sức.

Như vậy người hành công đã tự qui định phạm trù tâm lý để khí hiển tướng. Nên gọi là làm chủ quá trình hành công bằng nhận biết tỉnh giác là vậy!

Phạm trù tâm lý này là cú huých để khí từ thể chuyển hoá thành dụng. Giống như nước không có hình dạng nhất định, nhưng luôn lấy hình dạng vật đựng. Bởi đặc tính thích ứng nên khí tự có khả năng hiển thị theo khuôn mẫu tâm thức. Sự hiển tướng này là bản chất của khí nên có tính khách quan. Bởi vậy chính tự nhiên thể hiện qua cơ thể chứ không phải tập luyện. Do vậy người tập phải là môi trường dễ thích ứng nhất thì năng lượng mới biểu thị cùng cực, mới đi vào tế vi, mới phát huy cao độ được.

Bởi hoạt dụng chỉ là tướng trạng bên ngoài. Gốc của khí là thể, rỗng không yên lặng nên luôn tịch chiếu. Theo nguyên lý này người tập cũng vậy, bên ngoài cơ thể lỏngthư giãn, thuận theo dòng chảy của năng lượng để động tác tự hiển thị, bên trong yên lặng nhận biết, chứng kiến hoạt động của chính mình. Đây là giai đoạn “động công” cũng chính là thiền động ! Theo đấy người hành công trở thành chứng nhân cho chính mình! . . .

Bên trong yên lặng chứng kiến, bên ngoài hoạt dụng tuỳ duyên chính là theo con đường của “Hoạt Phật” vậy! . . .

3/ Giai đoạn thu công: Do gió mà mặt hồ nổi sóng, gió lặng sóng tự về với nước. Bởi khuôn mẫu tâm thức mà khí từ thể chuyến hoá thành dụng. Không còn khuôn mẫu tâm thức nữa thì khí khắc từ dụng tự quay về hợp nhất với thể. Cũng vậy, sau khi thích ứng tình huống, yêu cầu hoạt dụng không còn nữa. Người hành công tự xoá bỏ khuôn mẫu tâm thức để khí tự quay về bản thể, hợp nhất với nguồn cội. Đây là điều cực quan trọng trong Khí Công Dưỡng Sinh, nhằm làm cho các kỹ thuật tâm lý sử dụng trong bài tập không lưu ảnh, khiến người tập luôn làm chủ chính mình, không nô lệ với phương pháp, cũng không nô lệ cho mọi định kiến chấp trước.

Khuôn mẫu tâm thức tồn tại bởi cái nền rỗng không trên ấy có chứa các yếu tố tâm lý. Các yếu tố tâm lý này là các ý nghĩ và tình cảm từ thô cho tới vi tế. Xoá bỏ khuôn mẫu tâm thức là không còn các yếu tố tâm lý và cái rỗng không này.

Không đè nén, không chủ quan gạt bỏ mà dùng ánh sáng của mặt trời nhận biết để làm các đám sương mù này tự tiêu tan đi. Bởi khi nhận biết thì có người nhận biết và đối tượng nhận biết. Nên khi “dụng tâm quán tâm” nhận biết rỗng không thì rỗng không trở thành đối tượng chứ không trùng với ta là người nhận biết. Cũng vậy khi “dụng tâm quán tâm” nhận biết ý nghĩ, tình cảm, thì chúng trở thành đối tượng của nhận biết chứ không trùng với ta là người nhận biết.

Bởi vậy qua nhận biết người hành công cách ly được với khuôn mẫu tâm thức hay tâm trí. Do vậy mà khí không còn khuôn mẫu nào nữa để hiển thị nên tịch lặng, không phải có, không phải rỗng không, yên lặng hợp nhất với nguồn cội , còn gọi là thể nhập tánh! . . .

Hư không trở về với hư không là như vậy! . . . như vậy! . .     

                                                      

TƯỞNG VẬY /30/6/2004