Đặt cái gùi xuống tảng đá phẳng lì loang lổ rêu xanh và địa y hoa trắng nở li ti.

Lão Ngưu đưa tay vuốt mồ hôi đang chảy ròng ròng trên mặt, che mắt, ngửa mặt lên trời chiêm ngưỡng “chò đại gia”.  Nó chính là lão thượng đại tiền bối của khu nhà mồ, khu bỏ mả, khu rừng Cấm ma quái này.
Thuộc giống chò xót, nó cao tít tắp, cành lá vươn ra rậm rạp như một khu rừng nho nhỏ sống động và huyền bí trên trời cao. Cũng nhờ nó ở giữa khu rừng thiêng với nhiều truyền thuyết ma rừng, quỉ đói, mà còn sót lại đến ngày nay. Không một thợ rừng nào dám đụng nhát rìu nhát búa. Không người hữu thần nào dám leo lên cây vì sợ phạm thượng, còn người vô thần lại sợ dân làng chống đối, nên cuối cùng “chò đại gia” tự nhiên biến thành một khu bảo tồn mini.
Chim muông thú rừng trốn tránh sự săn lùng của con người đều chạy về đây ẩn cư. Còn mấy giò phong lan quí hiếm thì bám vào các hốc đầy lá mục và cành khô. Chúng phun rễ trắng xoá, lá dài ngoằng xanh thẫm, lác đác hoa nở lưa thưa, rung rinh cười trong gió. . . .
Thôi thì!. .  Không biết cơ man nào là chim, đủ loại, màu sắc sặc sỡ nhảy tanh tách chuyền từ cành nọ qua cành kia. Không biết cơ man nào là sóc và nhen, chúng vừa giật đuôi từng chặp, vừa bò vừa nép mình vào lớp vỏ cây nứt nẻ xù xì. Hàng chục, hàng trăm tổ dồng dộc treo lủng lẳng đung đưa theo gió. Tổ nào cũng đan bằng cỏ khô vàng nhạt trông như cái bao tử treo ngược, miệng to như cái bát, tông hổng quay xuống đất. Ở đó lấp ló dăm cái đầu chim non đang ngoác miệng đòi ăn. Trong vòm lá xanh tươi thấp thoáng bầy khỉ nhỏ đuôi dài ngoằng, đang bồng bế nhau, đánh võng, nhào lộn, đùa bỡn ầm ỉ. Chúng tranh nhau bẻ cành khô ném vào mấy con rắn lục mình xanh đuôi đỏ đang quấn mình, thè lưỡi, thòng đầu xuống đất. . . Loáng thoáng qua đám rễ to lớn nổi vồng lên quanh gốc cây, có mấy cặp mắt sáng quắc với mấy cái mũi hồng hồng của lũ chồn hương. Mùi thơm của xạ theo gió xộc vào mũi. Con Mực sủa lên inh ỏi, lão Ngưu phải quát thật to nó mới chịu nằm im.
Hàng chục tổ ong thế, thứ ong nổi tiếng dữ và nhiều mật của Trường Sơn. Tổ nào cũng đóng vào mấy nhánh ngang, thòng xuống như chiếc chiếu màu nâu sẫm. Tổ lớn nhất bằng chiếc chiếu đôi, tổ nhỏ nhất chí ít cũng bằng chiếc chiếu đơn. Từ đấy phát ra tiếng u u. . .vù vù. .  rền rĩ. Thỉnh thoảng tụi ong lại đồng loạt chớp cánh rào rào. Lão Ngưu mỉm cười:
- Hềhề!. . .Chắc tụi ong canh gác đã phát hiện ra mình, nên chúng thị uy hăm doạ.
Tiếng khỉ khọt khẹt chí choé ồn ào, tiếng chim hót líu lo, tiếng nhen và sóc tắc lưỡi chộc…chộc đánh nhịp từng chặp. . . từng chặp, tiếng tắc kè báo giờ âm vang trong gộp đá già tối mờ mờ, tiếng gió xào xạc uể oải lười biếng, tiếng suối róc rách nhàn hạ chảy lòn qua khe đá, tiếng con mang tác buồn hiu trong khu rừng thưa lốm đốm hoa nắng. . . .
Ôi!. . .Bản giao hưởng của đại ngàn huyền bí đó sao?!. .
Lão Ngưu như đã nghe. . .Từ đời từ kiếp nào đã nghe! . . đang nghe. . .và nghe như thân quen!. . . Mơ hồ từ cõi lặng yên! . .Giai điệu lan ra! . .loang xa!. . .ngân nga!. . . rì rầm rồi thì thầm với con tim bé thơ trong lồng ngực già nua!. . .
Ôi!. . .Lão như thấy người nhạc trưởng vô vi vĩ đại, mình toả hào quang đang cầm cậy gậy thần điều khiển dòng chảy của bản tình ca thiên cổ! . . . bản tình ca không tiếng động! . . Để nó chảy. . . chảy mãi, chảy đến khu rừng nhà mồ này, rồi nổi sóng buồn vui trên bề mặt của đại dương nhân thế!.
. . .
Huýt gió gọi con Mực. Cả hai tránh xa gốc cây đề phòng tụi ong tấn công. Lão Ngưu mỉm cười yên lặng:
-         Hềhề!. . .Thế là già đã đến được chỗ của các bạn rồi!. . .
Để đến được chỗ này. Đã ba ngày qua lão Ngưu lần theo dấu mấy con ong lấy nước và phấn hoa quanh lều cỏ. Nhìn theo hướng chúng bay, lão đến được khu rừng già. Chờ mãi mới bắt gặp chúng lại đến lấy phấn trên đám hoa rừng phía ngoài lũng đá. Nhìn điệu múa của chúng lão biết chắc tổ ong chỉ ở gần đây thôi. Thế mà cũng phải mất nửa ngày, người con của núi rừng mới lần đến được chỗ của “chò đại gia”!
. . . 
Chẳng có tượng nhà mồ, chẳng có lều bỏ mả nào còn sót ở đây. Đời sống mới, nên khu rừng này từ lâu không còn được sử dụng để chôn người chết, Tuy nhiên danh tiếng của nó, người quanh vùng ai mà chẳng biết. Người nào nhỡ đi lạc vào đây về nhà thế nào cũng bị ngứa, khắp người chảy nước vàng, thuốc men cũng phải rất lâu mà có khi vẫn không khỏi. Đại bộ phận phải nhờ thầy mo người dân tộc cúng mới lành bệnh!. . .
Thiêng là thế!. . . Ấy nhưng chỉ là tin đồn, còn bây giờ lão Ngưu lại thấy mình đang bắt đầu ngứa! . . .Toàn  thân lão như bị dị ứng đỏ ửng. . .
-         Chết mẹ rồi!. . Mấy hôm rày trời chợt nắng chợt mưa. Khí đá bốc ra nhiều như vậy. Rừng Cấm đầy trọc khí. . . .Phải thải độc thôi!. . .
. . .
Lão già ngồi xuống phiến đá chỗ râm mát, chấp tay thụ khí bắt đầu hành công. Chánh định và tỉnh giác trong trạng thái đắc khí. Nhận biết rồi nương theo chiều vận hành tự nhiên của năng lượng. Tay lão tự chuyển động từ tốn, điều hoà, lần lượt vượt qua đan điền tinh, đan điền khí, đan điền thần, tam hoa tụ đỉnh, đảnh lễ tại bảy luân xa và các luân xa bổ trợ. Trong trạng thái thiên địa nhân đồng nhất, tay lão tự kiết ấn tịnh pháp giới, còn lão chánh định vào mật chú. Hai ngón tay út hợp nhất tạo thành mũi nhọn trên đỉnh đầu. Cơ thể lão già như mũi tên lớn hướng lên khoảng không mênh mông. Năng lượng tràn ngập và thấm đẫm. Lão điều khí qua nhâm đốc mạch rồi theo kinh lạc đẩy ra da. Vệ khí hiển thị toàn thân. Toàn thể bề mặt da của lão râm ran như có muôn ngàn mũi kim nhỏ châm nhẹ.
Lão biết mình đang điều khí chính xác!. . . Lão biết tâm mình đang trụ chắc vào chánh niệm không có tạp niệm hay vọng tưởng điên đảo. Lão biết các biểu thị của khí cảm đang xảy ra, nhưng không tin là có hoặc không có mà luôn trụ chắc vào đề mục hành công. Lão tỉnh giác nương theo chiều dịch lý mà không tự phát bản năng hay duy ý chí. Lão định kiên cố ở tâm và thích ứng tình huống ở cơ thể. Lão vượt trên đúng sai động tịnh để thành phương tiện của cái tồn tại. Lão biết lão đang tạo điều kiện để cơ thể thích ứng với khu rừng thiêng đầy trọc khí.
Thế rồi cảm giác râm ran mất đi. . . .tiếp đến cảm giác như có lửa tam muội thiêu đốt toàn thân . . .rồi cảm giác mát mẻ, rỗng không hiển thị. . . .Trong dòng chảy tự nhiên của khí, ấn tịnh pháp giới dùng đầu ngón út như ngòi bút vẽ linh phù toàn thân, báo hiệu vệ khí đã sung mãn đủ đầy. . .
Lão Ngưu đã hết ngứa, cơ thể trở nên cực kỳ khoan khoái, cảm giác như nhẹ hẳn đi chẳng còn trọng lượng. Biểu thị khinh an rồi an lạc thiền xuất hiện. Lão già biết mình đã thải xong trọc khí. Lão cũng biết trong vòng vài hôm nhất định cơ thể sẽ tự tăng cường khả năng thải độc qua đường bài tiết. . . . .
Rồi lão biết hơi thở của mình trở thành cực nhỏ, mong manh như sợi tơ trời và dài vô tận, lan khắp tứ chi. Biết toàn thân thông suốt không ách tắt. Biết nhịp tim mình đang chậm dần. . . .chậm dần. . . Biết biểu thị an thần xuất hiện và giấc ngủ khí công đang đến!. . .Ôi!. . Lão biết mình đang ngủ!. . .
Ô hay!. . .Cơ thể lão ngủ, nhưng lão thì vẫn còn tỉnh giác!. . . .
. . . 
 
Khi lão già thức dậy, nắng đã loang lổ khắp người. Lão kiết ấn hộ thân, vẽ phù vào khắp cơ thể và chung quanh, xong xả thiền:
-         Giờ thì chẳng thể ngứa nữa!. . .Hềhề!. . .Mình phải tìm cách lấy ít mật ong về sao thuốc và ngâm rượu mới được. Đây đúng là cái ngân hàng mật cực tốt. Cho dù bây giờ ở đây chẳng ai cấm leo lên cây. Nhưng lấy được mật cũng không phải dễ.
. . .
Đúng vậy!. . . Đúng là bầy ong biết lợi dụng địa hình nên chọn thế làm tổ rất đắc địa. Hầu như không thể xâm phạm được!. . . .
Này nhé, cây chò cao vút, thân to mấy người ôm không xuể. Từ dưới đất lên chổ bắt đầu có nhánh, thân cây thẳng tắp chẳng có chổ bám víu để leo. Muốn leo nhất định phải bắt đon, nhưng như vậy sẽ đánh động và quá lâu nên sẽ bị ong tấn công rất nguy hiểm. Đã thế một số dây rừng còn xuyên qua tổ chúng rồi lòng thòng chui xuống đất. Hềhề!. . .Không thể vẹt chúng ra để vào tận gốc. . . Kể ra chúng cũng khôn thật!. . .Tất cả tổ, chúng đều đóng vào nhánh ngang nên rất khó bò ra để lấy mật, vì rất dể ngã nếu bị ong đốt. Hơn nửa nó còn là cây chò xót. Nên nếu đụng chạm vào cây, lông ở võ sẽ làm da ngứa ngáy phồng dộp rất khó chịu. . . .. .
Hềhề!. . .hay Bành Thống thời tam quốc đã truyền “liên hoàn kế” cho chúng?!. . . Chỉ một cái cây mà có quá nhiều tổ ong như vậy phân bố trên một diện khá rộng. Nếu bắt tổ này sẽ bị ong các tổ kia tấn công. Còn nếu dùng khói để đuổi tất chúng đi thì không khả thi vì trên một diện rộng và quá cao khói sẽ bị gió thổi bạt đi. Vả lại chung quanh đây trên một vùng khá rộng không có cây nhỏ và bụi rậm để chặt lá tươi và cành tạo khói.
Nhìn “chò đại gia” nằm giữa lũng sâu, chập chùng đá tai mèo nhọn hoắt vây quanh như một cái giếng khổng lồ. Lão già biết nếu bị ong thế tấn công thì chỉ có chết vì không thể chạy kịp và không nơi trú ẩn.
Còn nếu dùng vải bạt dày may bộ quần áo chống ong, mặt có chừa lưới để thở và quan sát. Xong bắt đon leo lên để lấy thì sao? . . .Hềhề!. . . Cũng chẳng được vì thời gian thao tác quá lâu khi động tụi ong khôn ngoan sẽ xúm lại hút hết mật rồi bay đi nơi khác không bao giờ quay lại nữa.
-         Thế thì phí thật vì chẳng những không lấy được mật mà còn mất hẳn đàn ong!. . .
Suy đi tính lại lão già thấy chỉ còn cách dùng ống trúc lấy mật.
Theo cách này lão sẽ nối nhiều thân trúc đã thong mắt, một đầu vót thật nhọn. Sau đấy ngồi dưới gốc cây chẳng cần leo, chẳng cần hun khói, cũng chẳng cần mặc áo quần gì đặc biệt. Lão sẽ đẩy đầu cây lên từ từ từng tí một để lũ ong không phản ứng, rồi cuối cùng đâm chính xác vào túi mật. Mật sẽ theo ống trúc chảy từ từ xuống bình đựng.
Hềhề!. . .Người khác thì không làm được vì không đủ sức mạnh và khéo léo để đẩy cây trúc dài mà vẫn chính xác. Nhưng lão Ngưu tin mình làm được. Hơn nữa lão còn biết rõ trong tổ ong, chỗ nào là túi mật, chỗ nào là vú hoa, chỗ nào là tầng ong non.
Lão mỉm cười vì tìm được cách thích hợp. Bởi lão chẳng muốn lấy nhiều, chẳng muốn lấy hết mật của đàn ong. . . .Làm như thế sẽ quá đáng!. . . Đàn ong sẽ thiếu lương thực trong mùa mưa tớiacnhooi05 cuxong xa, nên có thể bị chết. Hay ít nhất chúng cũng sẽ không bao giờ quay lại chỗ này nữa. . .
-  Mỗi tổ già chỉ xin một ít thì cũng đủ dùng rồi. Cần gì phải lấy hết mật, cần gì phải phá ong non, cần gì phải phá tổ của chúng chứ!. . .Hềhề!. . .
Rừng đã ngã về chiều. Gió đã đổi hướng. Ban đầu thổi re re rồi đột nhiên xoáy mạnh từng hồi. Rừng cây cuộn mình vật vã. Chắc mây đen đang kéo về nên trời đất chợt trở nên nhợt nhạt âm u. Sấm rền vang, thoạt bên đông thoạt bên tây, nổ đùng đùng như có nhiều thần thiên lôi đang đùa, rượt đuổi nhau trên trời. Chớp sáng loè rạch ngang rạch dọc xé rách bầu trời. Lá khô lá tươi, cát bụi cùng sỏi nhỏ bay vù vù theo cơn lốc. Thế nhưng mưa vẫn chưa tới. . .
Nhưng nó sẽ tới trong chốc lát nữa thôi!. . .
Lão Ngưu huýt gió gọi con Mực. Con chó nhỏ cuống quít trước cơn thịnh nộ của trời đất. Còn người bạn già của nó thì vẫn không vội vàng gì!. . .Lão già mỉm cười, chậm rãi bước những bước khoan thai vững chắc đi thẳng vào giữa cơn dông để về nhà!. . .
Đường rừng lão thuộc như lòng bàn tay nên chẳng thể nào bị lạc!. . .Còn cơn dông. . . chẳng hề gì! . . . nó cũng có vẻ đẹp riêng huy hoàng và tráng lệ!. . . Nhờ nó mà con đường về nhà của lão đỡ buồn chán biết bao!. . .
-         Hềhề!. . .Chẳng phải vậy thì ta đã không đến khu rừng nhân thế này!.
 
Cơn mưa dông đã ập về!. . .ào ào rào rạt trên cánh rừng nguyên sinh!. . .Bản giao hưởng đang bắt đầu!. . . Người con của núi rừng như một nốt lặng giữa giai điệu tàn phá của trần gian!. . .
Gió quật muôn chiều. . .Sấm chớp nổ đùng đùng. . .Mưa như trút nước. . Rừng cây răng rắc ngả nghiêng. . .Mấy bụi cỏ nhỏ nghiêng mình theo chiều gió, như xanh hơn, như tràn trề sức sống!. . .
Bóng lão già và con chó nhỏ cũng nhoè trong màn mưa. Trông như vệt cỏ nhỏ nhoi, mỏng manh, đang nghiêng mình múa may vui đùa và hạnh phúc trong cơn dông!. . . .
  
  MÂY/12/7/2005