- Tôi có cơ duyên được gần gũi vị Phật sống Việt Nam là ngài Lưu Công Danh và được ngài chỉ dạy.

Bởi đã có người tự xưng là Vô Thượng Sư nên tôi cũng xưng tụng vị Phật sống của tôi là Vô Thượng Phật? Ông có nghe nói đến vị Phật sống ấy chứ?

-  Có. . . .Báo chí ở nước ta, viết cũng khá nhiều. . .và đều xưng tụng ngài là Phật sống. . . .Ai mà chả biết. . . .Thế nhưng tôi hỏi khí không phải. Bây giờ tôi viết con số không này (0). Và tôi xưng tụng con số không của tôi là Vô Thượng Không. . . nghĩa là con số không này có giá trị "Không" cao nhứt. Chẳng có con số không (0) nào "không" hơn nó, thì ông nghĩ sao?

-  Đã là số không (0) thì chẳng thể có Vô Thượng Không.

-  Cũng vậy, nếu thật sự là Phật thì chẳng thể là Vô Thượng Phật!.

-  Ông vừa bảo với tôi, minh sư là yếu tố quan trọng nếu không nói là quyết định trên con đường tu tập. Tôi thì không cho là vậy. . . Bởi thế tôi xin hỏi, trước minh sư ấy là ai? Và nếu cứ truy lần đến cùng cực thì trước người minh sư đầu tiên, là ai?

-  Trước người minh sư đầu tiên, chính là người minh sư bây giờ!. . .

-  Không thể thế đuợc.

-  Này!. . .số không(0) tôi viết to nhỏ đậm nhạt khác nhau, thì có vì vậy mà giá trị của nó thay đổi không?

-  Không.

-  Này! . . Hôm nay tôi viết số không (0) rồi ngày mai, ngày kia, tuần sau, tháng sau, năm sau. . .tôi lần lượt viết những con số không (0) khác. Có vì vậy mà những con số không này giá trị khác nhau?

-         Không.

-         Cũng vậy, tại sao lại bắt buộc phải có vấn đề "trước đó". Trước và sau là những khái niệm chỉ có ở phạm trù tâm trí. Trên đường tròn thì điểm nào trước điểm nào sau? Bởi vậy minh sư là duy nhất Một vượt khỏi phạm trù trước sau, ta người, đây đó, có không . . .

-         Nói như ông thì minh sư ấy cũng có ngay trong người trò. . . Thế thì sao lại phải cần người thầy tại thế?

-         Có ngay trong người trò. Nhưng không vì vậy mà người trò có thể thành thục và hiển thị toàn diện tính cách ấy?

-         . . . .

-         Giống như ông đã mua cái xe hơi rồi. . . .Ông đã có nó rồi. . . Có người nói cho ông cách điều khiển nó. . . .Ông đã đọc nhiều sách dạy lái xe. . . .học thuộc lòng luật đi đường. . . Nói chung ông đã có và đã biết nó. . . .Nhưng có phải vì vậy mà ông có thể sử dụng  thành thục nó ngay không?

-         Không thể được, tuy đã có và đã biết. . . .Nhưng cần phải học lái xe. . . Phải thực hành một thời gian nào đấy. . . mới có thể dùng nó như ý được. . . .Thậm chí cái xe và người chủ phải cùng nhau hành động một thời gian đủ dài, mới có  kinh nghiệm cần thiết. . . mới thật sự an toàn và tiện ích. . . .

-         Mô Phật. . .Cũng vậy, người thầy tại tâm và người học đạo cũng phải cùng nhau hành động một thời gian đủ dài thì cái tánh "minh sư" mới hiển thị đầy đủ và thường xuyên nơi người học đạo!. . . . Trước đấy người thầy tại thế là quan trọng. . . .trước đấy người dạy lái xe là quan trọng. . . .

-         Người dạy lái xe thì dạy lái xe. Vậy minh sư tại thế thì dạy cái gì?

-         Dụng tỉnh giác trong mọi nơi, mọi lúc, mọi việc.

-         Học lái xe thì sẽ biết lái xe. Còn học tỉnh giác thì thực chứng cái gì?

-         Tỉnh giác không cố gắng!. . . .

-         Minh sư như ông nói phải chăng là cái "tánh Thầy" chứ không phụ thuộc sắc tướng mà nó đang tuỳ duyên hiển thị?

-         Đúng vậy

-         Vậy bỏ "sư" đi chỉ còn là "minh" mới thật là thầy?

-         Tại sao lại thế?

-         Vì "minh" là sáng, nên người học trò nhờ vậy hết "Vô minh".

-         Chẳng phải vậy, thầy thực sự, chẳng còn "sư", cũng chẳng còn "minh".

-         Vì sao lại thế?

-         Vì nhà Phật không dạy "chân lý là gì" không chiếu sáng ai cả. . . chỉ hướng dẫn người học đạo gột rửa thân tâm, khi tịnh thì huệ tự hiển thị!. . . Ông là người đi dạy Kinh Dịch chắc ông hiểu dịch lý. . . .Bỏ cái "sư" sắc tướng như là bỏ "âm dương" thì về cái "Minh" Thái cực. . . . .Bỏ cả "Minh" thái cực thì về Vô cực, tức là :"tánh không" hay "Lai" . . . . Bỏ Vô cực thì về với "Đạo". . . .Cũng có nghĩa hợp nhất với "Như". . . hay giác ngộ thành Phật vì gồm đủ Như và Lai. . . .

-         Xin cảm ơn ông. . . về những điều đã nói.

-         Mô Phật!. .Tôi tưởng vậy chứ chưa chắc đã vậy. Xin ông hỏi việc này với chư vị thiện tri thức rồi nói lại cho tôi biết với. . . .

 

Ba Gàn/29/3/2006