Khả Năng Nhận Biết

Site Root

Site Root
A description has not yet been added to this group.

Tâm lý khí công

Những thuật ngữ, khái niệm về tâm lý khí công.

Khả Năng Nhận Biết

Tâm lý khí công

Rate This
Khả Năng Nhận Biết

A Di Đà Phật
 
Yếu chỉ của bài thiền hôm nay là khả năng nhận biết của người tu tập.
 
Tại sao phải nói vấn đề này?
 
Bởi vì Phật thừa là trí huệ tối thượng. Tu có nghĩa là sửa, sửa thì phải biết mới sửa được.
 
Phải biết cái gì nên làm cái gì không nên làm.
Việc hành thiền thì yếu chỉ chỗ nào?
Cái gì không được hành động?

Mất khả năng nhận biết giống như người mù đi thì thế nào cũng va chạm. Người tu hành dù có điển lực nhưng hành động không bằng trí huệ, mất làm chủ bản thân, thiếu cái thân tịnh, thiếu sự nhận biết thì như vậy sẽ sai chệch đi.
 
Các bạn đến đây tu tập, thế nhưng ta hỏi:
- Ai là người đến đây?
- Ai là người tu tập?
- Bạn có ngồi chỗ này hay chăng?
 
… (Hải triều âm) …
 
Bạn chớ lầm tưởng thể xác là mình. Cơ thể bạn ngồi đây nhưng tâm bạn bấn loạn, nhưng bạn không nhận biết là bạn đang ngồi đây, bạn thiếu sự tĩnh giác thế thì chỉ có thể xác bạn có mặt, còn bạn thì chẳng có mặt. Vậy thì không phải bạn tu tập, bạn là người giả tu, thế thì bạn có phải là đang hành công hay chăng? Lẽ dĩ nhiên là không. Dù bạn treo bộ phận não bạn ở thiền đường suốt đời đi nữa, bạn chẳng bao giờ giác ngộ.
 
Cũng vậy, thể xác chỉ là quần áo bên ngoài, chỉ là cái vỏ chứa đựng linh hồn bất nhiễm bên trong. Nếu bạn để cái vỏ bạn chỗ này còn bạn ở chỗ khác, bạn đang ở thế gian, bạn đang ở chợ đời, bạn đang ở trường đấu tranh của vật dục, thế thì chẳng phải bạn có mặt ở thiền đường đâu, chỉ cái vỏ bạn ở đây đấy.
 
Bạn không tu thì làm sao tiến bộ? Thể xác bạn có mặt, thể xác bạn nhận điển quang nên thể xác bạn tiến bộ, đây là bạn đã lành bệnh rồi. Thế nhưng linh hồn người chẳng ở đây, linh hồn bạn ở chỗ khác, linh hồn bạn chẳng bao giờ biết tu tập thế thì làm sao Satory được?
 
Bạn tu tập phải có cái biết đầu tiên, đó là biết cơ thể này chẳng phải là ta, đó là biết tâm trí này chẳng phải là ta, đó là biết tình cảm này chẳng phải là mình. Mọi cái có cái sắc tướng, có hình dáng, hữu hạn đều có sự thấy biết nhìn nhận, đối tượng của nhận biết, cái ấy không phải là bạn đâu. Bạn là sự nhận biết, bạn là bản thể đứng yên, rỗng không thấy hết, biết hết, đó là Phật tánh, đó là cái đằng sau mọi hình dáng, nó ở trong, nó ở đằng sau thể xác bạn đấy. Nó ở trong, nó ở sâu, nó ở tận tâm điểm của ý nghĩ và tình cảm bạn đấy.
 
Ta bảo, dù bạn có học thức thế gian cao cấp đi nữa, nếu linh hồn bạn không tu tập, bạn vẫn còn là kẻ ngu dốt. Ta bảo, dù cơ thể, cơ bắp có khỏe mạnh cách mấy đi nữa, nếu linh hồn bạn không có mặt tu tập thì bạn vẫn là kẻ yếu đuối.
 
Thế nhưng làm sao biết mình đang có mặt để tu tập? Sự có mặt đi liền với sự nhận biết. Bạn tu tập thì bạn biết rõ ràng mọi hành động, ý nghĩ và tâm lý của bạn khi bạn đang tu tập, thế thì gọi là bạn có mặt. Nếu bạn tụng kinh như cái máy, nếu bạn lễ lạy như người máy, nếu bạn nhận điển quang như một kẻ mê tín không làm chủ cơ thể thế là bạn không có mặt. Ta bảo, cái máy kia cũng nhận điển cũng có hình ảnh, cũng có âm thanh, nhưng bạn có thể ra phố mà mua nó được. Bạn tuy là kẻ nhận điển lực, múa may, nói năng nhưng bạn là cái máy bởi linh hồn bạn không nhận biết việc này, bởi trí huệ bạn không làm chủ việc này, bởi trang nghiêm cơ thể và thanh tịnh tâm thiếu mặt khi nhận điển lực của Mẹ. Vậy nhận biết là quan trọng. Vậy thấy là quan trọng. Vậy mở con mắt Phật là quan trọng.
 
Bạn thấy hình tượng của Tổ sư Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát trong mỗi một bàn tay đều có một con mắt, đó là tượng trưng trong mỗi hành động của bạn từ vật lý đến tâm lý đều có sự nhận biết theo dõi và làm chủ. Bạn là hành động tu tập hoặc hành động bình thường để sinh hoạt đều phải trong sự nhận biết, nói thì biết lời mình nói, làm thì thấy rõ hành động mình làm, ý nghĩ khởi lên trong tâm thì thấy và biết rõ ràng, tình cảm khởi lên thì quán chiếu rõ ràng. Nếu mọi sự diễn ra mà con mắt thứ ba nhắm lại, đấy là bản năng, đấy là động vật làm, không phải linh hồn bạn làm.
 
Vậy bạn cứ hỏi với ta: sao tu lâu như vậy mà không chứng đắc? Tao bảo, cơ thể bạn tu nên nó đã lành bệnh còn bạn chưa tu thì làm sao mà tiến bộ, hãy để sự nhận biết đi liền, có mặt, hiện diện và tức thời trong mọi hành động. Bạn ngồi như vậy, bạn có thấy rõ cơ thể bạn ngồi chăng? Bạn đi như vậy, bạn có thấy rõ ràng dáng bạn đi chăng? Bạn nói câu này, bạn có nghe rõ và hiểu rõ nội dung câu nói bạn chăng? Tình cảm khởi lên trong tâm, bạn có biết hay chăng? Cơ thể bạn mà bạn còn chưa biết, sao bạn dám nói đến Trời Phật Thần Thánh vậy? Cơ thể của bạn, bạn còn chưa làm chủ được, sao bạn dám nói làm chủ điều thiêng liêng. Ý nghĩ bạn trong đầu bạn đấy mà bạn không biết, sao bạn biết đến việc thế giới bên kia. Hãy thực tế đi, đừng hoang tưởng nữa!
 
Trí huệ khai mở khởi sự làm chủ cơ thể và tâm lý mình nhiên hậu sẽ đến bờ giác ngộ. Vậy bạn đừng tưởng con mắt thứ ba là thần thông hoang tưởng như nhiều người nói. Con mắt thứ ba đấy là ánh sáng của huệ lực. Bạn thấy bằng sự hiểu biết, bạn biết bằng khách quan, bạn biết mà không cố gắng thì gọi là mở con mắt thứ ba. Dù bạn là người ngoại cảm, thấy được ma quỷ, thấy được mồ mả, nhưng bạn không thấy được ý nghĩ trong đầu bạn, ta bảo, bạn sẽ rơi xuống địa ngục đấy. Bạn không cần thấy ma quỷ, bạn chỉ cần thấy mọi hành động và ý nghĩ bạn thì khắc bạn sẽ Satory. Thần thông là phương tiện để hộ bạn tu tập, bạn lại biến phương tiện thành mục đích, bạn lại đeo đuổi để có vài khả năng hơn người khác. Ta bảo, dù thần thông bạn tối thượng bạn không nhận biết thì cũng vô ích. Ta bảo dù bạn chẳng có thần thông nhưng trí huệ phát sinh bạn làm chủ được thân và tâm, thế thì sẽ đi đến đích.
 
Trong kỹ thuật nhận biết, ta sẽ bắt đầu hướng dẫn các bạn từ các bài tập cơ bản nhất đến sự nhận biết tối thượng đấy là nhận biết mình đang nhận biết. Đầu tiên, bạn phải nhận biết toàn bộ hành động của cơ thể mình, đấy là thiền động, đấy là kỹ thuật khí công mà bạn đã học. Sau đấy bạn tập nhận biết hơi thở của mình, làm chủ hơi thở mình, vì hơi thở là cầu nối giữa linh hồn và thể xác, giữa chúng sanh và Phật. Sau khi bạn làm chủ được hơi thở, bạn bắt đầu tiến dần vào thế giới không sắc tướng, bạn tập nhận biết ý nghĩ mình, mọi ý nghĩ khởi lên, bạn dùng trí huệ thấy và biết, khắc nó tiêu tan đi, khắc bạn sử dụng ý nghĩ chứ không nô lệ ý nghĩ nữa.
 
Sau khi bạn làm chủ được niệm, bạn bắt đầu nhận biết tình cảm khởi lên. Khi bạn bắt đầu làm chủ được tình cảm mình bằng cái nhận biết, thì bạn tiến tới trạng thái nhận biết rỗng không của tâm thức. Sau cùng, bạn nhận biết sự nhận biết của mình thì khắc bạn lạc vào thế giới của đại định. Ta chỉ có thể hướng dẫn đến đấy, phần còn lại là do chư Phật, chư Bồ Tát và Thánh Mẫu. Ta chỉ giúp bạn chuẩn bị, tiếp cận, chuẩn bị, còn người thầy thật sự đấy là chư Phật, chư Bồ Tát và Mẹ. Thế nhưng, để cho chư vị thiêng liêng dạy được tốt, bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn không được nhận điển quang khi cơ thể chưa tập luyện để chuẩn bị nhận điển, bạn không được nhận điển quang tá khẩu và làm việc khi bạn chưa làm chủ ý nghĩ và tình cảm trong tâm. Gọi là dọn mình để nhận điển quang thiêng liêng, bạn chưa dọn thân và tâm thì chưa thực sự tập được. Ta là người thầy tại thế giúp bạn quét dọn thân tâm mình để học với chư Phật, chư Bồ Tát và Thánh Mẫu. Đừng dùng cái cơ thể ốm yếu này mà nhận điển lực, bạn sẽ không làm chủ được cường độ điển, đừng dùng tâm lý rối loạn kích động này mà nhận điển lực thì bạn sẽ có những ý nghĩ hoang tưởng, đừng dùng tâm hồn ủy mị, đầy xúc động của bạn mà nhận điển lực, như vậy các biểu hiện của tình cảm sẽ kích động lên.
 
Nước đựng trong bình thì mang hình dáng của bình đựng, điển quang thiêng liêng là tịnh nhưng tâm hồn bạn động do vậy điển quang thiêng liêng chứa trong cái tâm hiếu động của bạn trở thành sai đi. Không phải bạn cứ nhận điển lực là đúng đâu, bởi vì điển lực là bản thể luôn luôn đúng nhưng khi ứng dụng thì qua tâm của bạn, thế mà tâm bạn chưa hề một phút rèn luyện làm sao sử dụng điển lực đúng đắn được?
 
Ta không phải là thầy bạn nhưng ta là A xà lê giúp bạn giữ giới luật, giúp bạn trang nghiêm cơ thể, giúp bạn tịnh tâm thì điển quang của chư vị thông qua tâm trang nghiêm và thanh tịnh này mới là hiệu lực. Ta sẽ vô cùng có lỗi với Chư Phật và Thánh Mẫu nếu để bạn nhận Điển mà thân ô trọc, tâm rối loạn.
 
Này nhé, bạn muốn tiếp khách ở nhà bạn, khắc bạn quét dọn nhà cửa, khắc bạn rửa mặt mũi chân tay và thay quần áo sạch. Vậy sao bạn nhận điển lực của Mẹ vào người mà bạn để thân mình phạm giới, tâm mình nghĩ bậy. Ta không phải là Thầy bạn đâu, Chư Phật, Chư Bồ tát và Mẹ mới là Thầy, nhưng ta là người thay mặt chư vị giữ giới luật cho bạn, để bạn học tốt.
 
Hy vọng qua thời pháp hôm nay, bạn luôn luôn hành động trong sự nhận biết, bạn luôn luôn tu tập trong sự nhận biết, bạn ngủ bằng hai con mắt thế gian, nhưng con mắt Phật đừng bao giờ nhắm lại.
 
Ánh sáng của sự nhận biết soi rọi đến đâu thì cái bậy, cái sai được điều chỉnh ngay, thể xác vật lý của bạn thì có sáu giác quan gọi là lục căn để nhận biết thì thể linh hồn bên trong cũng có sáu giác quan, đấy là sáu luân xa để nhận biết, bạn khai mở được hệ thống luân xa của bạn thì giống như bạn đánh thức linh hồn bên trong thể xác bạn vậy. Hành động kiết ấn vẽ phù và chuyển điển là do vị Thầy tâm linh của bạn dạy, còn bạn thì phải nhận biết, bạn phải theo dõi, bạn phải giữ chừng mực, bạn phải điều hòa để cho Thầy bạn dạy bạn được dể dàng. Bạn phải có mặt trong lúc hành công, nghĩa là bạn phải nhận biết mọi hoạt động của điển lực. Ta bảo bạn nô lệ tham dục nguy hiểm thế nào thì bạn nô lệ điển lực nguy hiểm cũng như vậy. Bạn tịnh thì khắc bạn hòa nhập thế giới của thiêng liêng.
 
Mọi lời cầu nguyện đều là tham lam, chư Phật và Thánh Mẫu là Đại từ bi, bạn không cần xin khắc được cho, chỉ cần bạn thanh tịnh hội nhập được với chư vị, chư Phật và Thánh Mẫu đâu cần bạn lạy nhiều, xin xỏ lâu như vậy. Đừng hành thiền mà không nhận biết, thế là nguy hiểm. Đối với người tu cố gắng là tham lam, không việc gì phải cố gắng cả, cứ thuận tự nhiên mà hành động, yên lặng thì tuệ giác mới phát sinh, còn náo động, còn rối loạn thì đi kèm với vô minh.
 
Nếu bạn quên nhận biết thì gọi là thất niệm, bạn luôn luôn thấy và biết hơi thở mình, nếu bạn nghĩ bậy, bạn không có mặt, tuy bạn nhắm mắt nhưng bạn phải cảm nhận được hết tư thế ngồi, vẻ mặt và tác phong tu tập của mình. Bạn nhắm mắt lại mà bạn biết thì con mắt thứ ba mới mở ra, bạn không thấy bằng nhục nhãn của bạn đâu, mà bạn thấy bằng con mắt thứ ba. Vậy chẳng cần mở mắt khắc ánh sáng của Phật lực làm bạn thấy toàn thân mình, còn bạn háo động, mở mắt, liếc qua liếc lại thì bạn rơi xuống địa ngục. Yên lặng mà thấy, yên lặng mà biết, biết là do tịnh nó biết chứ không cố gắng để biết, gọi là tự nhiên trí.
 
Ban đầu bạn cứ cảm nhận toàn thân bạn, dần dần huệ lực phát sinh thì bạn sẽ thấy và biết. Bạn muốn mở thiên nhãn và Phật nhãn, cái thấy đầu tiên là thấy bạn đấy, bạn thấy bạn không được sao thấy ma quỷ thần thánh được. Nếu bạn nhắm mắt hành công mà bạn không thấy được toàn thân bạn, bạn lại bảo với ta là thấy chư Thiên, ta bảo bạn đang hoang tưởng đấy. Bạn còn chưa thấy được bạn, sao thấy chư Thiên được, nếu bạn thấy được bạn khắc bạn trang nghiêm và không rối loạn. “Không một bộ phận nào của cơ thể mà tôi không thấy, mà tôi không biết”. “Tôi thấy mà không cần mở mắt, tôi biết bằng linh giác”. Hành động của cơ thể bạn khi có điển quang là do chư Phật, Bồ Tát và Thánh Mẫu điều khiển, còn bạn thì nhận biết hành động của mình, bạn đừng làm, mà Thánh Mẫu, Bồ Tát và Phật làm nên gọi là vô tác. Chư vị thiêng liêng sẽ ứng điển dạy bạn, còn bạn thì phải có mặt, bạn không có mặt thì làm sao học, có mặt nghĩa là có nhận biết vì bạn là sự nhận biết, vậy bạn có mặt thì khắc có cái nhận biết.
 
Như ánh trăng trên trời cao kia, yên lặng mà soi sáng núi đồi, bạn cũng yên lặng và nhận biết toàn bộ hoạt động của cơ thể mình. Trăng kia soi sáng núi đồi mà chẳng làm ảnh hưởng sự chuyển động của rừng cây, ngọn cỏ. Bạn nhận biết toàn bộ hoạt động của mình mà không làm ảnh hưởng hoạt động mình. Chư vị sẽ phóng điển quang điều hành động tác bạn, còn bạn thì yên lặng thấy và biết. Tại sao vậy? Vì như vậy thì bạn mới đang học. Bởi vì nếu không thì thể xác bạn học còn bạn thì không học đấy. Thể xác bạn học thì nó lành bệnh, còn bạn không học thì tham dục vẫn còn.
 
Như ánh mặt trời rọi đến đâu thì sương mù tan đến đấy, bạn nhận biết toàn cơ thể và hoạt động bạn thì mọi hoạt động khắc đi vào trang nghiêm và thanh tịnh, chư Phật, Bồ Tát và Thánh Mẫu dạy sao không hiệu lực được? Tại vì bạn thiếu nhận biết, rối loạn nên sinh ra không hiệu lực. Bạn thấy đầu bạn thì đầu bạn khắc thẳng và trang nghiêm. Bạn thấy lưng bạn thì lưng bạn khắc thẳng và trang nghiêm. Bạn thấy tay chân bạn thì tay chân bạn tuy chuyển động mà không mất trang nghiêm. Bạn thấy chỗ nào, chỗ ấy khắc có hào quang của Phật. Nhắm hai con mắt thịt bạn lại, mở con mắt thứ ba nghĩa là nhận biết tỉnh giác, dần dần chẳng những bạn thấy bạn mà bạn thấy xuyên thấu tam giới đấy. Nhưng trước tiên bạn phải thấy cái gần, cái trước mắt cái đã. Nói thì biết lời mình nói, làm thì thấy rõ hành động mình làm, nếu không bạn chỉ là nô lệ của tham dục, chủ nhân của hành động là trí huệ, đừng để bản năng điều khiển hành động và lời nói. “Tôi biết mà không cố gắng để biết”. “Tôi tịnh tâm thì khắc tôi thấy tự nhiên gọi là tự nhiên trí của nhà Phật”.
 
Bạn thấy mặt bạn thì khắc nó không có chuyển động cơ mặt nữa mà nó yên lặng an lạc.
Bạn thấy cơ thể bạn thì khắc nó không méo mó nữa mà ngay thẳng và trang nghiêm.
Bạn có tứ oai nghi là đi đứng nằm ngồi, nhưng bạn phải có cái oai nghi thứ năm là oai nghi khi nhận điển lực. Tứ oai nghi là dành cho người không có điển lực, còn có điển lực bạn phải thêm một oai nghi nữa đó là hành động oai nghi, trang nghiêm khi nhận điển lực.
Tứ oai nghi thể hiện tâm chánh định của tâm người tu, còn oai nghi thứ năm là chuyển động trang nghiêm và thanh tịnh bằng điển lực thể hiện bạn giữ được tâm chánh định khi giao điển quang. Bởi vì nhiều người khi ý thức thì giữ được chánh định, khi nhận điển quang thì mất chánh định đi trở thành hoang tưởng. Vậy trong cuộc sống bạn giữ được tứ oai nghi, còn khi nhận điển lực nhứt thiết giữ được oai nghi thứ năm đó là hành động trong trang nghiêm.
 
Bên trong tâm phẳng lặng để phản ảnh hành động bên ngoài gọi là Đại Bát Nhã bên trong.
Bên ngoài chuyển động bằng điển lực trong trang nghiêm thanh tịnh gọi là Đại Bi.
 
Người học đạo với Mẹ thì phải trang nghiêm, từ tốn mới hiệu lực. Bạn rối loạn là bạn nô lệ điển lực, khắc bài học sai đi. Bạn cứ nhận điển quang hợp nhất với Mẹ thì khắc người biết và đáp ứng yêu cầu của bạn, còn bạn xin xỏ lạy lục như vậy, tâm rối loạn thì không nhận điển lực được, gọi là thông tâm, bạn giao điển thì khắc chư vị biết cần gì phải nói ra. Bạn nhận biết toàn bộ hoạt động của mình, điều chỉnh đầu, lưng, tay chân và khế ấn cho phù hợp. Bạn có cái oai nghi thứ năm đó là hành động oai nghi, bạn giao được điển lực với Thánh Mẫu thì khắc ngài thông tâm và biết bạn cần gì. Tâm đại bi của ngài khắc giúp đỡ bạn cần gì bạn phải xin xỏ lạy lục.
 
Ta muốn kể từ nay bạn nhận điển quang của Phật và Mẹ thì phải làm chủ điển lực, nhận điển phải nhận biết đừng nô lệ điển, bạn không làm, các Quan và Long thần hộ pháp của Ngài làm, bạn thì nhận biết, bạn thấy hết toàn bộ hoạt động của bạn. Điển quang của Cha và Địa Mẫu thì luôn luôn oai nghi và hiệu lực. Nhưng tâm bạn rối loạn sẽ thành ra không hiệu lực, thân bạn không tề chỉnh sẽ thành ra không hiệu lực.
 
Bạn nhận điển quang bề trên mà bạn vẫn bị bệnh, bạn nhận điển quang của Phật mà tâm tham dục cứ khởi lên từng giây từng phút đấy là vì bạn thiếu sự nhận biết trong hành công. Bạn không có mặt, chỉ thể xác bạn có mặt thì làm sao mà bạn có ích lợi. Bạn bảo bạn đến đây tu mà ta thì thấy cái vỏ bạn đến đây còn bạn thì ở chợ đời, phải cấp thời điều chỉnh việc ấy đi, vô lượng kiếp rồi bạn đã tu mà không tiến được tại vì bạn không nhận biết, con mắt Phật không chịu mở ra.
 
Thời mạt pháp này mà bạn nhận được điển quang của Mẹ, chư Phật và Bồ tát là vô lượng kiếp trước bạn đã tu tập rồi đấy, thế nhưng bạn chưa giác ngộ bởi vì bạn thiếu cái nhận biết tỉnh giác. Thời này, người nào có điển lực thì kiếp trước đã dày công tu tập thế nhưng chưa thành công bởi vì không chịu tỉnh giác trong hành công.
 
Bạn tập nhận biết tỉnh giác khi nhận điển quang của Thiên Y Ana Bồ tát tề chỉnh, trang nghiêm, oai nghi, thanh tịnh, giữ cơ thể thẳng và trang nghiêm, giữ hành động điều hòa, giữ tâm không nghĩ bậy thì Ngài mới dạy được. Không phải cứ nhận điển quang là tốt mà nhận điển quang trong trang nghiêm và thanh tịnh mới tốt, còn nếu không là không tốt. Bạn phải biết như vậy. Giữ đầu thẳng, lưng thẳng, tay chân hoạt động bằng điển lực điều hòa, bạn phải mở con mắt thứ ba ra, thấy hết hành động làm chủ mọi động tác, đừng để điển lực quá mạnh mà không làm chủ được. Bạn rối loạn cơ thể khi hành công thì thất bại.
 
Trong cuộc sống đời thường nếu người nào nói năng hành động mà không khuôn phép, không tề chỉnh trong sinh hoạt, người ấy sẽ bị xã hội loại đi. Trong tu tập cũng vậy, người nào rối loạn thân tâm khi hành công đều thất bại. Bạn phải giữ nét mặt bạn tỉnh giác trước, đừng để chìm sâu vào vô thức như vậy. Bình thường tâm thị đạo. Bạn nhận điển lực mà giống như không nhận điển vậy, người ngoài nhìn vào không biết là bạn có điển lực. Nếu bạn cố ý làm ra phi thường khắc bạn sẽ thành bất bình thường, người học đạo phải vô tướng, bạn là học trò của chư Phật, và Thánh Mẫu thì kẻ khác phải không biết, đừng huênh hoang, đừng khoe khoang ngã mạn, khế ấn của bạn hung dữ, nét mặt bạn tỏ thần lực đấy là bạn muốn trấn áp người khác, bạn thiếu tâm Bi của nhà Phật, không được. Thần thông bạn cao ánh mắt phải diệu hiền, nét mặt phải khoan hòa, động tác từ tốn, tâm phải rộng lượng, nếu thường chấp lỗi người khác khắc thất bại. Vậy mà bạn hành công trước mặt ta, bạn để sân hận thể hiện qua khế ấn thế là không được. Nếu ra đời kẻ khác xúc phạm, khắc bạn dùng uy lực để trấn áp thì ta cũng mang lỗi với chư Phật.
 
(HST ghi lại)
Comments
  • doc xong bai viet nay giup toi hieu duoc them nhieu dieu. thanks!

  • Bai viet nay rat hay ! cam on nhieu lam ! no nhu mot loi nhac nho tren con duong nhan biet ! That la kho ma cung that de de nhan biet !!!!! xin cam on ! dung la don dep tham tam la mot viec can lam tung phut tung giay , lien tuc va lien tuc! cam on

  • NAM MO A DI DA PHAT

  • Bài viết quá hay, xúc tích dễ hiểu và có độ sâu. Mong nhận được của tác giả này những bài viết tương tự. Cảm giác của tôi khi đọc bài viết này như người lang thang tìm thấy một công việc. Hahaha! Cảm ơn!  

  • Trong lúc tu tập đã khó. Ứng dụng trong đời thường càng khó hơn.

    Thế mới hiểu người xưa nói " Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu tại chợ, thứ ba tu tại chùa" .

    Đường xa thăm thẳm, chông gai dày đặc .

    Chỉ mỗi chữ " vô" thôi cả đời này học có đủ chăng ?

  • Cứ thấy khó khăn lại cố vượt qua. Mỗi lần vượt qua chút chút, đọc lại lời Thầy lại thấy sáng ra một chút.

    Chỉ mong mỗi chút, mỗi chút trong tu tập để tuệ tốt hơn.

  • Cứ thấy khó khăn lại cố vượt qua. Mỗi lần vượt qua chút chút, đọc lại lời Thầy lại thấy sáng ra một chút.

    Chỉ mong mỗi chút, mỗi chút trong tu tập để tuệ tốt hơn.

  • A Di Đà Phật!

    Xin Thầy và chư Huynh cho con hỏi: trong bài Thầy dạy: "cái thấy đầu tiên là thấy bạn đấy", nhưng con cần một ví dụ cho dễ hiểu, ví dụ như khi đã "thấy" rồi, thì mình có thể... cạo râu mà không cần dùng gương không ạ?

    Thật ra con chỉ muốn hiểu cụ thể hơn về bài giảng này, kính mong Thầy và chư Huynh phát tâm từ bi chỉ dạy cho!

    Nam mô A Di Đà Phật!

    Kính chúc Thầy và chư Huynh thân tâm thường an lạc!

  • Xin cảm ơn các Thiện Tri Thức !

    Nam Mô Gu Ru !