- Thưa cụ, thế nào là tam thân nhất thể?
- Đó là 3 trạng thái cùng biểu thị trong một xác thân. Thí dụ: Phật- Pháp- Tăng. Cha- Con- Thánh Thần. Brahma- Visnu- Siva. . . .v.v. . . . hay nói cách khác: Bản Thể -Thế giới Hiện Tượng - và một hiện tượng cá biệt (tại một thời điểm nào đấy trong dòng chảy biến dịch).
- Đây có phải là qui luật phổ quát của sự vật?
- Đúng vậy
- Thế trong KCDS “tam thân nhất thể” biểu thị như thế nào?
- Này Cỏ May, Ba thân Phật nói ở trên có lẽ đầu tiên được Vô Trước (sa.asaṅga) trình bày rõ nhất, xuất phát từ quan điểm của Đại Chúng Bộ (sa.mahāsāṅghika) và về sau được Đại thừa tiếp nhận.
Ba thân là ba trạng thái của kinh nghiệm giác ngộ.
Chứng được Pháp thân chính là tri kiến được tự tính sâu xa nhất của muôn vật, và tự tính này chính là Tánh Không, trống rỗng.
Báo thân và Hoá Thân (Ứng thân) là thân của sắc giới, là phương tiện tạm thời giúp hành giả chứng ngộ được Tánh Không.
Thân, khẩu, ý của một vị Đạo sư (sa. guru) đồng nghĩa với ba thân nói trên.
Ba thân, được biểu tượng bằng thần chú OṂ-AH-HUM.
Sức mạnh toàn năng của Pháp Thân được thể hiện ở đây bằng Tỷ Lô Giá Na Phật (Vairocana Bodhi). Giáo pháp Đại Thủ Ấn kết hợp với Thiền có khả năng giúp hành giả đạt được kinh nghiệm về tâm thức vô tận của Pháp Thân.
Báo Thân được xem là một dạng của “thân giáo hoá.” Các Báo thân xuất hiện dưới dạng Ngũ Trí Như Lai và được xem là phương tiện để tiếp cận với chân như. Báo Thân xuất hiện dưới nhiều hình tướng khác nhau. Tịch tĩnh (sa.śānta) hay phẫn nộ (sa.krodha). Có khi được trình bày với các vị Thần Thể (bo.yidam) hay Hộ Pháp (sa.dharmapāla).
Ứng thân hay Hoá Thân là một dạng “thân giáo hoá” với nhân trạng, là các vị Bồ Tát tái sinh qua một thân thể.
Ba thân nêu trên không phải là ba trạng thái độc lập mà là biểu hiện của một đơn vị duy nhất. Thỉnh thoảng được miêu tả bằng thân thứ tư là Tự Tánh Thân (sa.svābhāvikakāya). Trong một vài Tantra, thân thứ tư này còn được gọi là Đại Lạc Thân (sa.mahāsukhakāya).
Này Cỏ May, vì đặc tính của 3 thân là khác nhau, mà cả 3 thân trên đều cùng hiện diện trên Báo Thân (xác thân). Nên tuỳ theo tình huống, 3 thân sẽ thay nhau biểu thị qua lời nói và hành động. Do vậy lời nói và hành động của một vị thầy mật tông đã chứng đắc “Tam thân nhất thể”là phi logic, là có khi không hợp với quan điểm thông thường của đám đông. Đấy là vì chư vị thiêng liêng tuỳ căn, tuỳ thời, tuỳ tình huống, có khi biểu thị từ bi, có khi biểu thị phẩn nộ, có khi biểu thị giới hạnh trang nghiêm, có khi biểu thị qua nghệ thuật. . .v.v. . .để dùng phương tiện thiện xảo trị bệnh cứu người hoặc hoằng dương chánh giáo của Như Lai. Tất cả cái đấy đều là Tánh khởi Dụng, nên không thể dùng tâm trí nhị nguyên phán xét đúng-sai, phải-trái.
Tuy “nhất thiết pháp không”. Nhưng “Tất cả các pháp đều không lìa tự tánh”. Tuy chư huynh đã nhận được gia trì lực của Như Lai. Ngộ vị thầy vô vi qua trường năng lượng. Nhưng công phu kiến địa vẫn còn chưa tinh thuần. Cho nên phải vừa tu học vừa làm Phật sự. Áp dụng yếu chĩ của giải thoát môn vào cuộc sống thường nhật. Đấy là lúc Báo Thân trả nghiệp mà không gây nghiệp mới, vì thân khẩu ý do tam mật tương ưng. Cũng vì thế nên hoạt động của hành giả biến thành Tánh khởi Dụng của Hóa Thân nên vô ngã. Do vậy gọi là “Vô Tác”. Có hành động làm mà chẳng có pháp nào được làm vì thiêng liêng tự biểu thị qua ta, nên gọi là “Pháp Không mà không lìa Tự Tánh”.
Này Cỏ May, vai trò của “Tam Thân Nhất Thể”đối với một vị Guru. Cũng giống như con người thật của người nghệ sĩ khác với các vai mà người nghệ sĩ ấy diễn trên sân khấu. Guru phải là người đã chứng đắc Tánh Không. Nhưng “Pháp Không mà không lìa tự tánh” nên 3 thân Phật là Pháp Thân, Hoá Thân và Báo Thân đồng biểu thị nơi ngài.
Tưởng vậy/9/11/2012