Hỏi:

Nam Mô A Di Đà Phật .

Bạch Thầy , khi con niệm danh hiệu Đức A Di Đà cùng với xâu chuổi Thầy ban cho con thì xuất hiện những động tác sau :

Bàn Tay phải con lần chuổi, cứ mỗi một niệm thì ngón tay vẽ các đường mantra lên một hột, xong dứt thì lần qua hột tiếp theo, xong đồng thời bàn tay trái  kiết  ấn và các ấn này luôn lần lượt thay đổi .

Con  chuyển động ở tư thế quỳ. Nó chuyển động tuần tự theo 4 hướng, kết hợp cùng lúc với  tay trái kiết ấn,  tay phải lần chuổi, miệng niệm Hồng Danh Đức A Di Đà ). Đầu tiên hai tay chỉ xuống đất trước  và thân chuyển động theo 4 hướng. Xong đến vòng thứ hai thì hai tay để ngang người  và thân cũng chuyển động như vậy , ....cứ chuyển  động  như thế đến  vòng sau  cùng là hai tay dâng lên  trên đỉnh đầu , cuối cùng đảnh lễ là mới kết thúc ...

Thưa Thầy tất cả chuyển động này đều trong trang nghiêm , tịnh , tỉnh giác ,..song .con không hề có ý định là muốn học điều  gì. Vì vậy con muốn hỏi Thầy là  những động tác mà  con hành công như vậy có đúng không ạ ? Tại sao các  chuyển động lại lễ như vậy ?

Kính mong Thầy  chỉ dạy , con DT thành tâm  cảm tạ công đức này .

Con DT kính thư .

>>>>>> 

Đáp:

Chữ Sổ là đếm. Tay lần hột chuỗi gọi là Sổ Châu Thủ. Châu là Ngọc Châu, Ngọc Trai: Vật gì tròn trịa cũng gọi là Châu, như Niệm Châu là hạt tràng hạt. Sổ Châu, tiếng Phạn là PASAKAMALA, dịch âm là Bát Tắc Mạc. Sổ Châu, lại gọi là Niệm Châu, Tụng Châu, Chú Châu, Phật Châu, tức dùng chỉ xâu 1 số hạt châu ( hột tròn ) nhất định để tiện cho việc lần đếm lúc xưng danh niệm Phật hoặc trì tụng Đà-Ra-Ni.

Ở trong Kinh điển Phật Giáo mà có ra cái khởi nguyên quan hệ đến Niệm Châu hầu hết đều căn cứ vào sự khai thị của Đức Phật đối với Vua Ba Lưu Ly đã được ghi chép lại trong Kinh Mộc Hoạn Tử.

Căn cứ Kinh Kim Cang Đảnh Du Già Niệm Châu chép:

” Các hạt chuỗi là biểu thị cho Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, còn Mẫu Châu là biểu thị cho Đức Phật Vô Lượng Thọ, hoặc là biểu thị cho Phật quả của sự tu hành đã hoàn thành viên mãn, cho nên lúc lần đến hột Mẫu Châu ( Hột lớn trên đầu chuỗi ), thì không được vượt qua, phải lật xoay ngược trở lại mà lần.

Căn cứ Kinh Nhiếp Chơn Thật chép:

+Phật Bộ: dùng ngón cái với ngón trỏ của tay phải mà lần chuỗi.

+Kim Cang Bộ: dùng ngón cái với ngón giữa của tay phải mà lần chuỗi.

+Bảo Bộ: dùng ngón cái với ngón vô danh ( áp út ) của tay phải mà lần chuỗi.

+Liên Hoa Bộ: dùng ngón cái với ngón út của tay phải mà lần chuỗi.

+Yết Ma Bộ: dùng ngón cái hợp với cả 4 ngón còn lại của tay phải mà lần chuỗi.

Một tay bên phải của Đức Thiên Thủ Quán Âm nắm xâu Chuỗi ( Niệm Châu ), gọi là Sổ Châu Thủ vậy.

Còn cách con đang hành trì là mật pháp “sổ niệm châu”của của bản môn. Là công phu cao cấp phải dùng hoá thân để lần chuỗi. Nghĩa là nương theo gia trì lực của Như Lai hoặc chư Bồ Tát mà lần chuỗi. Theo đấy tam mật phải tương ưng. Thân mật biểu thị qua khế ấn ở tay trái (mudra). Khẩu mật biểu thị qua việc trì hồng danh A Di Đà nhất tâm bất loạn. Ý mật biểu thị qua các chuyển động đặc thù của cơ thể và tay kiết ấn trước ngực (mantra). Còn tay phải là “Sổ châu thủ” thì cầm xâu chuỗi bằng lực gia trì và động tác lần chuỗi là do chư Phật, chư Bồ Tát điều hành chứ không đơn thuần chỉ là họat động của thể xác.

Tuy là nhận gia trì lực để hành công. Nhưng hành giả không được lạc vào vô thức bản năng, mà phải luôn nhận biết tỉnh giác, biểu thị qua việc tay phải lần chuỗi điều hoà trang nghiêm thanh tịnh đúng phương pháp chứ không loạn động hoặc chỉ lần chuỗi bằng cơ bắp của thân vật lý.

Động tác tâm linh của mật tông là động tác thiêng liêng biểu thị qua một hành động bình thường. Cho nên hành giả phải tránh lạc vào 2 cực của nhị nguyên là: thể dục thông thường qua cơ bắp của xác phàm phu hoặc động tác của gia trì lực nhưng rối loạn hoặc khác thường.

Khi hành công, hành giả trước tiên phải Đắc Khí hoặc nhận gia trì lực của chư Phật. Miệng trì hồng danh A Di Đà (Dalani). Tay trái kiết ấn(Mudra) và nương theo điển quang gia trì biến hóa khế ấn (Mahamudra). Tay phải cầm xâu chuỗi và lần hạt bằng gia trì lực. Tuy nhiên động tác phải điều hoà trang nghiêm không rối loạn. Tay trái kiết ấn nương gia trì lực của đức đạo sư A Di Đà để vẽ linh phù (Mantra). Miệng niệm hồng danh A Di Đà hoặc trì thầm, tay trái kiết ấn và nương gia trì lực vẽ linh phù (Mantra). Tay phải các ngón tay vừa vẽ linh phù trên hạt châu gọi là vê tròn quả phúc vừa lần chuỗi, động tác của cơ thể hoặc chân di chuyển phải tương thích với các sự chuyển động thiêng liêng trên. Gọi là tam mật tương ưng. Muốn vậy hành giả không làm bằng thể dục thông thường, không làm bằng động tác múa thiêng của gia trì lực mà là thiêng liêng biểu thị qua động tác lần chuỗi như thể dục thông thường. Khi nhập thiền hành công, động tác của hoá thân sẽ tác động ở tam giới: Thượng giới động tác phía trên đỉnh đầu, Trung giới động tác ở phần trước ngực và chung quanh. Địa giới động tác hướng xuống đất.

Người muốn thực hành bí pháp này phải trường trai và giữ các giới cấm thủ của nhà Phật. Lần đầu tiên phải học trực tiếp với bổn sư mình để biết cách thiết lập Mandala, nhận gia trì lực của Như Lai và hoá thân hiển thị hành công. Tránh tham pháp tự ý làm bằng điển quang mà không có sự truyền pháp của bổn sư hoặc hành công mà hàng ngày vẫn liên tục phạm giới thì lợi bất cập hại.

Qua đại nhân duyên, con đã được ta đích thân truyền thụ “sổ niệm châu” của bản môn, nên hoá thân hành công như vậy là chính xác. Thường hành công đúng phương pháp thì cơ thể sẽ khoẻ mạnh, thân tâm thường an lạc, nghiệp chướng tiêu trừ, gia đình hạnh phúc, tu học và hành thiện độ sanh chóng thành chánh quả.

Thủ trì nhất bá bát

Diệt tội đẳng hà sa

Viễn ly tam đồ khổ

Xích sắc biến liên hoa.

Nam mô Định Tâm Vương Bồ-tát Ma Ha Tát.