Chùa theo kiểu Công Xưởng
Ngày mai chúng tôi đi rồi. Cuộc hành trình về miền đất Phật lại tiếp tục. Lần này chúng tôi phát nguyện sẽ lần theo dấu chân của đức Thích Ca Mâu Ni Phật: Từ nơi ngài sinh ra, lớn lên, nơi ngài tu và chứng đạo Bồ Đề, nơi ngài chuyển pháp luân lần thứ nhất, nơi ngài nhập niết bàn, những nơi xưa kia ngài đã từng thuyết những bộ kinh lớn dọc theo hai bên bờ sông Hằng, để chiêm bái đảnh lễ và nhận “Vô tự kinh” từ Phật Tổ Như Lai mang về quê nhà.


Mô Phật, có lần tôi hỏi thế nào là ‘Vô tự kinh”? Có giống như Ngô Thừa Ân đã kể trong Tây Du Ký, là kinh không chữ giống như Thầy trò Đường tăng nhận lần thứ nhất khi gặp Phật Tổ không?

Già Năm yên lặng hồi lâu rồi mỉm cười từ tốn:
- Này con, Ngô Thừa Ân cho Thầy Trò Đường tăng trước hết nhận kinh “Không chữ” sau đó mới cho nhận kinh “có chữ”. Phải chăng ý của người xưa muốn nói, trước tiên phải có cái thực tâm muốn thọ nhận chánh pháp của Như Lai, buông xuôi, không phán xét bằng tâm trí nhị nguyên, không chấp vào bất kỳ hình tướng văn tự nào. Nhiên hậu mới thọ nhận kinh có chữ như là phương tiện thiện xảo của Như Lai. Bởi vậy ngoài cái hiểu, cái biết, phải có cái “Đồng cảm” sâu sắc thiêng liêng với kinh điển. Này con, chẳng những bằng cái đầu mà còn phải bằng con tim trống không nhưng tràn đầy rung động. Chẳng những bằng trực ngộ mà còn phải bằng lòng biết ơn vô hạn với người xưa đã quên thân vì đạo pháp và chúng sanh.
- Bởi vậy cụ mới có những chuyến đi về miền đất Phật?
- Mô Phật, ngày nay nhờ ơn chư Tăng và nhờ phương tiện của khoa học. Kinh điển của Như Lai lúc nào cũng sẵn đấy và thật là đầy đủ. Nhưng lòng ta lúc nào cũng muốn được đến những nơi thiêng liêng ấy. Để tận mặt thấy, tận tai nghe, tận tay sờ từng hòn đá cành cây, bước trên những con đường mà ngày xưa dấu chân của Như Lai đã từng xuôi ngược vì phúc lạc của chúng sanh. Mô Phật, được đến những chỗ ấy, được đứng những nơi ấy, được ăn ngủ tại những nơi ấy, được đảnh lễ chiêm bái Như lai tại những nơi ấy. Chắc con tim già nua của ta sẽ tràn đầy rung động và đồng cảm với người xưa. Haha. . .ha! Lời kinh tiếng kệ mà ta đã học nhờ vậy sẽ thấm sâu hơn. Cái đầu tâm trí của ta chắc nhờ vậy, như được cắt bỏ đi, thay vào đó là con tim đại bi sẽ nói năng và hành động.

Gió chiều xôn xao khắp núi Vân.
Mộc lan và hoa nhài ngan ngát. Mẫu đơn, hồng leo, ngũ sắc, địa lan và vô số loài hoa rừng chen nhau khoe sắc. Sương chiều hay mưa bụi không biết mà ẩm ướt, mờ mờ, lưa thưa, lẩn quất khắp nơi. Lá rụng đầy trên lối đi và trên vai các bức tượng đứng lặng im. Hoàng hôn màu đỏ đang hấp hối trên mặt nước lấp lánh đầy sao... Tụi giang cánh xám đang yên lặng ngủ gật trên ngọn hàng tre gai cạnh núi Mẹ. Thỉnh thoảng chúng như giật mình thức dậy, trò chuyện ồn ào, rồi lại ngủ tiếp.
Ôi! Cái lồng lộng như đang yên lặng thì thầm tâm sự cùng cái thiêng liêng. Chúng tôi vốc nước hồ rửa tay chân để chuẩn bị lễ Phật. Đàn cá chép nghe động kéo đến đông đặc quẫy mạnh để chào người quen. Nước hồ mát lạnh bắn tung tóe:
- Chào tụi bay nhé. Ngày mai tao đi rồi. Nhớ đừng lên gần chân cầu mà bị mèo bắt đấy.
Tôi chào chúng rồi yên lặng thọc tay xuống nước. Đàn cá lượn qua lượn lại cọ mình vào tay tôi. Tôi đưa tay vuốt lưng một con cá chép thật to đầu như đầu rồng. Con này tôi đã mua lại rồi bỏ vào hồ núi Vân khi nó cắn câu bị bắt ngoài hồ lớn. Mấy con to nhất trong hồ này cũng vậy. Nay thì chúng đã dạn và quen với người lắm rồi.
Trong bóng chiều bảng lảng và mưa bụi bay bay. Chúng tôi nhận ân điển thiêng liêng, xoay người theo lực xoắn lốc, dùng đại thủ ấn đảnh lễ Như Lai, chư Bồ tát, chư Tổ, đảnh lễ Mẹ và hộ pháp chư Thiên chư Thần, xin phép các ngài để ngày mai lại lên đường về miền đất Phật.

Thôi!. . . Chào đàn chim ri, chào mấy mẹ con nai vàng, chào chú trâu đen, chào bầy thỏ trắng, chào cô Bé cậu Bé, chào cái hoang sơ vắng lặng, chào những con người đang ngày đêm thầm lặng chấp tác nơi đây.
Thôi!. . . chào hết. . . . chào hết. . . . chào cả cái tâm tình sâu nặng mưa nắng chẳng hề nhạt phai!
Chào cái chẳng chia hai, ngày mai ta lại lên đường!
. . . . .

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ dừng ở Bangkok/Thái Lan một ngày, để thăm thiền viện Dharmakaya tôi gọi đùa là thiền viện Đĩa Bay. Thiền viện lớn nhất thế giới hiện nay. Nó có thể chứa tới một triệu người cùng lúc ăn, nghỉ và tu tập.
Sau đó chúng tôi sẽ bay sang Kolkata/Ấn Độ, để bắt đầu cuộc hành trình theo bước chân Như Lai.
Đi một vòng Ấn Độ, đến biên giới Nepal, chúng tôi sẽ xin Visa tại đây rồi tìm về quê hương của Như Lai, nơi ngài đã vì chúng sanh mà đản sinh ở cõi Ta Bà này.
Chúng tôi mua vé qua mạng và tự mình thiết kế chuyến đi không thông qua công ty du lịch nào, nên lên máy bay ở Nội Bài mới biết hôm nay là ngày tết Kong Chan, ngày tết “Té nước” của người Thái.
Sân bay Bangkok to lớn sang trọng và hiện đại hơn nhiều so với các sân bay quốc tế của ta. Thái Lan có ngành du lịch rất phát triển và là nơi trung chuyển tốt nên khách quốc tế đông nghịt. Thành phố qui hoạch tốt, nhà nhiều tầng hơn ta, đường phố sạch đẹp với những quảng trường rộng lớn, những công viên xanh ngắt đầy hoa và những cổng chào vàng ánh trang trí bằng những thiên thần và hình ảnh vua cùng hoàng hậu.
Để tiện việc đi thăm thiền viện Đĩa Bay, qua mạng chúng tôi đã đặt phòng trước tại khách sạn Ratchana Palace ở ngoại ô Bangkok.
Đi vào hệ thống xa lộ nhiều tầng rất hiện đại của bạn, tự nhiên thấy thương đất nước mình quá. Biết bao giờ mới đuổi kịp bạn bè trong khu vực, chứ nói gì đến sánh vai cùng bốn biển năm châu!
Vì là ngày lễ té nước đầu năm, nên nhà hàng, quán ăn, hai bên đường phố đều đóng cửa để nghỉ. Thấy bất tiện nên chúng tôi quay về trung tâm Bangkok tìm về khu phố đi bộ Khao San Road, nơi duy nhất bây giờ có nhiều khách sạn vẫn phục vụ cho du khách nước ngoài.
Khách sạn Siam Oriental Inn, nằm giữa khu phố đi bộ, là nơi sẽ diễn ra lễ té nước đông vui nhất của Bangkok. Biết vậy, nên từ sáng sớm chúng tôi đã ăn sáng để nhanh chóng ra khỏi khu phố đi bộ. Bởi vì chỉ tí nữa thôi đường phố, sẽ đông người chen lấn, chật như nêm. Ai cũng tích cực té nước vào người khác và bôi bột trắng vào mặt những người qua đường. Khi ấy ra khỏi khu phố này cũng là điều rất khó.
Thức ăn chay của Thái  ăn rất ngon, chỉ tội hơi cay một tí. Trong tiếng nhạc sôi động, các cô phục vụ măc quần cộc, áo hở ngực, tóc nhuộm đủ màu, đeo khoen tai ở cánh mũi. Vừa bưng khay trên tay vừa đi vừa nhún nhảy vừa lắc mông theo điệu nhạc. Phục vụ nam người Thái nhuộm tóc, mặc áo chim cò. Trên cánh tay và người xăm đầy những hình vẽ xanh đỏ. Ngực mang dây chuyền có vẽ những chữ bùa hay hình ông Phật.
Một đứa bé trai tay cầm một số dây hoa nhài kết thành vòng vừa tiến đến bàn chúng tôi để bán vừa lắc vừa người nhún nhảy theo điệu nhạc giật gân. Tiền thuê phòng và tiền ăn có phần rẻ hơn so với ở ta. Khách ngoại quốc rất đông, toàn là loại quái kiệt. Tóc tai, quần áo, cử chỉ chẳng hề giữ gìn, rất phóng khoáng và vui vẻ lịch sự.
. . . . .[#breakpage#]
Buổi sáng chúng tôi đến Grand Palace  Wat Phra Kew. Đây là khu du lịch nổi tiếng và tiền vào cửa đắt nhất ở Bangkok. Mỗi người phải mất 8 đô la cho một lần vào. Tại cổng vào, một số khách bị giữ lại để mặc áo kín ngực, dài tay, quần không quá ngắn và không đi dép. Nghe nói áo dài Việt Nam cũng bị xếp vào loại không được mặc khi vào thăm khu này.
Dưới nắng mùa hè rực rỡ, những mái chùa cong vút, vàng rực chói chang, những ông thần khổng lồ nhăn răng trợn mắt vàng ánh, đứng cạnh những nữ thần cong đuôi xòe cánh cũng vàng ánh, bố trí la liệt chung quanh những cái tháp mái tròn như đền Hồi giáo, với ngọn vút lên trời nhọn hoắt như mũi dáo. Vách chùa, những hàng cột dài, tượng Thần và mọi thứ đều dát bằng những miếng mỏng màu vàng ánh, trông tủn mủn vụn vặt, kệch cỡm và phô trương.
Có mấy tượng Phật và chư Thiên bằng đá theo phong cách Trung Quốc đứng lạc lõng giữa những cái tỉ mỉ dụng công và hoa hòe cứng ngắc. Từng dãy tượng Kim Xí Điểu đang quắp rồng Nagar chạy quanh tường khu chánh điện với con Kruk giang cánh đỡ đầu kèo và các tượng nữ Thần với áo hở rốn, hở ngực đang đứng theo các tư thế gợi cảm, cho thấy cái mùi Hindu giáo lẫn lộn trong Phật giáo ở nơi đây.
Chúng tôi mua một cái hoa sen trắng và chai dầu thơm nước màu vàng để tắm Phật.
Một tượng Phật lớn bằng đồng và một tượng nhỏ bằng bạc đều được đặt trên khay chứa nước thơm. Rất đông người Thái vừa niệm Phật, vừa cầm hoa sen nhúng vào nước thơm để tắm cho hai tượng Phật này. Một lòng thành kính chúng tôi cũng vừa niệm Phật vừa làm các nghi thức trên.
Bên trong ngôi chùa này là tượng các vua Thái mặc quân phục kiểu Âu Tây với kiếm mang ở hông đứng hai bên. Ở giữa là tượng Phật với đầu đội mão nhọn hoắt và ngực nở bụng thon như lực sĩ.
Các bức tường đều được phủ kín bằng tranh tường kể về sự tích đức Phật với màu chủ đạo là tím than và đỏ.
Thoạt nhìn bên trong với cái vòm cao vút, thì nó có vẻ giống một thánh đường Thiên Chúa Giáo hơn là chánh điện của chùa Phật giáo.
Đến trưa chúng tôi quay về. . .
Vì là ngày tết đầu năm nên không cách gì kiếm được một quán ăn chay. Chúng tôi đành phải quay về khách sạn. Vì chỉ ở đây mới có cơm chay. Ôm máy quay phim và máy chụp hình trước ngực, để quay về khách sạn, chúng tôi phải cúi người, chen vào đám đông đang gào la hò hét trong tiếng nhạc kích động mở hết cỡ. Cuối cùng cũng về được đến nơi nhưng người ướt sũng, mặt dính đầy bột trắng. May mà máy móc chẳng sao!

Hôm nay là ngày lễ “té nước” đón năm mới truyền thống của người Thái. Khu Khao San Road như sôi lên. Dân Bangkok đổ về khu này chật cứng như nêm. Hai bên lề đường san sát những thùng gỗ đựng đầy nước sạch. Những quầy hàng bán súng bắn nước, bán mặt nạ cao su, bán thức ăn nhanh, bán bột trắng. . .v.v. . .để phục vụ cho người dự hội. Thanh niên nam nữ tóc tai bù xù nhuộm đủ màu, áo quần theo mốt lãng mạn hở ngực hở đùi. Tay người nào cũng cầm súng bắn nước, hoặc cầm cái tô nhựa đựng đầy bột trắng dẻo quẹo. Họ thi đua bắn nước, tạt nước và trét bột trắng vào mặt vào người nhau, tạo thành một không khí vui tươi, tràn ngập tiếng cười tiếng la hét. Người nào cũng dậm dực lắc lư như điên khùng theo điệu nhạc kích động. Cả đường phố dài biến thành hội hóa trang, khiêu vũ cuồng loạn. Nhiều thiếu nữ trẻ đẹp đứng trên những chiếc thùng phuy, uốn éo với điệu nhảy khêu gợi, trong khi chung quanh đám thanh niên như điên lên vỗ tay hò hét và hát theo. Một cô gái đẹp bốc lửa đứng trong một cái lồng bằng nhựa để tránh nước và bột, cũng đang lắc ngực, lắc mông, nhún vai, giật chân, vỗ tay với điệu nhảy rạo rực mê hồn. Tiếng nhạc, tiếng cười đùa, tiếng vỗ tay, tiếng dậm chân, rầm rập, hừng hực, trong một không gian đầy bụi nước.
Du khách và người bản xứ không còn phân bỉệt, già trẻ gái trai không còn phân biệt, quen lạ không còn phân biệt, chỉ có nước và nước, chỉ có bột trắng và tiếng cười, chỉ có giai điệu và chuyển động, chỉ có niềm vui bất tận của trần gian trong một ngày giải thoát khỏi mọi khổ đau!
Ôi!. . . Ngày hội “té nước”, ngày hội Kong Chan. . . Cảm ơn ngươi, cảm ơn những người bạn Thái, cảm ơn những người bạn khắp năm châu, cảm ơn những nụ cười ánh mắt tràn ngập niềm vui, đã cho chúng tôi thấy thế nào là những phút giây Moska hiếm hoi ở trần gian đau khổ này!
Ăn xong, ngồi nghỉ tại chỗ một tí, chúng tôi quyết định đi thăm thiền viện Đĩa Bay ngay, nếu không sẽ không kịp.
Xe Tuk Tuk chạy đầy, tắc xi cũng nhiều. Nhưng người biết thiền viện này lại ít vì nó ở xa BangKok.
. . . . .

Cuối cùng chúng tôi cũng đã tới nơi.
Đập vào mắt trước tiên, là cái nhà khổng lồ hình đĩa bay, với cái mái tròn vàng ánh. Tường cái Đĩa Bay lát đá phản quang hừng lên dưới nắng chiều. Chung quanh vắng tanh chẳng thấy một bóng người. Bước qua một cái sân lát đá mài rộng mênh mông như sân bóng đá. Chúng tôi thấy một cái nhà trống khổng lồ như một công xưởng hiện đại với mái vòm và cột bằng khung sắt.
Nhan nhản khắp nơi và trên một cái bình phong cực lớn giữa cái chùa công xưởng. Tôi thấy ảnh của vị tăng sáng lập thiền viện in màu thật vĩ đại, bề thế, đặt ở giữa, hai bên có cắm hai dãy cờ màu đỏ bên trên có logo của thiền viện hình cái đĩa bay. Cung cách bài trí trông như hình lãnh tụ đặt tại quảng trường.
Nhà chia ra làm nhiều khu. Có khu ăn, khu nghỉ, khu ngồi thiền, khu nam, khu nữ, chia lô đánh số, cây cột nào cũng có màn hình và loa phóng thanh. Sàn nhà đổ bê tông. Có tầng hầm và tầng trên, phân biệt cho nam nữ.
Khu ngồi thiền, mỗi nguời ngồi trong một cái màn buông xuống chung quanh cái nón rộng vành bằng nhựa xanh trông như cái lồng để chống muỗi. Mỗi cái lồng như vậy đều có bóng điện nhỏ xíu. Ban đêm, khi cả triệu người cùng ngồi thiền trong những cái lồng chống muỗi như vậy. Trông như muôn vạn vì sao đang nhấp nháy trong dải ngân hà, mà trung tâm điểm là cái đĩa bay đang hừng lên thành nhiều vòng màu sắc khác nhau lộng lẫy và huyền ảo. Thật là một cảnh trần gian hiếm có.
Còn nhiều cái nhà nữa, nhưng đều giống vậy, đều có hình đĩa bay hoặc là làm bằng khung giàn thép theo kiểu nhà máy ở các khu công nghiệp.
Sâu bên trong, và trên cái sân bê tông ngập tràn nắng có mấy tác phẩm mỹ thuật lấy hứng từ hình tượng xoắn lốc của năng lượng vũ trụ.
Có rất nhiều khu khác nhau, qua mỗi khu đều có trạm gác với barie và nhân viên bảo vệ mặc đồng phục đen, mang giày cao cổ, bộ đàm giắt ở thắt lưng.
Tôi thấy một số vị tăng sinh mặc áo vàng cười đùa với nhau trên một chiếc xe như xe ba gác, do một người ngồi sau đang ra sức đạp. Thì ra do khuôn viên quá rộng nên họ không đi bộ từ khu này qua khu kia được. Người nào cũng mặt mũi hồng hào, khỏe mạnh, vui vẻ. Hỏi ra mới biết ở đây, họ đều ăn mặn.
Khu này toàn bê tông và sắt thép chẳng có cây có nước nên quá nóng. Chúng tôi chán nên lội bộ xuống khu phía dưới. Nơi đây có bãi cỏ, rừng cây. Người mới tu mặc đồ trắng còn để tóc. Tu sĩ mặc áo màu vàng cạo đầu, một bên vai trật ra. Chắc là tiểu thừa.
Trên bãi cỏ và dọc theo rìa khu rừng, có một dãy trại màu xanh thấp thoáng bóng áo vàng ra vô.
Giữa bãi cỏ là một ngôi chùa có tháp chuông nhọn hoắt cao vút giống hệt như thánh đường Thiên Chúa Giáo, nhưng bên trong không có đức Giêsu mà là tượng đức Thích Ca theo kiểu lực sĩ, đầu có chóp nhọn, ngực nở, bụng lép.
Theo chân một tốp người áo trắng chúng tôi hé cửa bước vào bên trong. Trên một chiếc bục cao nằm giữa cái Thánh đường thờ Phật. Tôi thấy rất nhiều tăng mặc áo vàng đang ngồi ê a đọc chú. Chung quanh họ và phía dưới là đám bận áo trắng đang quì yên lặng thỉnh thoảng lại cúi đầu lạy rất cung kính.
Chúng tôi chấp tay nhận điển và đảnh lễ Như Lai. Điển quang rất yếu dù tiếng niệm chú của đám đông vẫn không ngớt dồn dập, thôi thúc và ráo riết!
Khi trời tắt nắng, chúng tôi quay trở về khách sạn. Các nhân viên bảo vệ ở thiền viện Đĩa Bay này rất tốt tính. Họ mỉm cười hòa nhã và nhường ghế cho chúng tôi ngồi đợi tắc xi.
Tôi gặp một vị tăng áo vàng người Âu và một vị khác người Trung Quốc cũng đang tu học tại đây.
 Mọi người tôi gặp tại thiền viện này ai nấy đều ít nói, hòa nhan, từ thị và ái ngữ. Thật quí hóa lắm thay!
. . . . .[#breakpage#]

Chờ ở băng chuyền tại sân bay Savaranabhumi/ Ấn Độ hơn tiếng đồng hồ chúng tôi mới nhận được hành lý của mình. Chung quanh tôi rất nhiều người đàn ông Ấn với hành lý là những kiện hàng to đùng trong những cái bọc vải màu đen. Chắc họ buôn hàng từ Thái về.
Nhà ga hàng không của Kolkata chật và bẩn. Những chiếc tắc xi màu vàng cổ lổ sỉ với tài xế da đen nhẻm, vui tính. Đường phố bụi bặm, nhà cửa lâu đời, khói đen và bụi bám đầy, áo quần phơi tự nhiên ngoài ban công. Những chiếc xe khách hình hộp đã quá tả, với cửa sổ và ghế ngồi làm bằng gỗ. Phu khuân vác đi thành hàng trên lề đường với những kiện hàng to tướng trên đầu. Những chiếc xe lam nhỏ xíu mui trùm vải bạt chạy lăng quăng khắp phố. Nhiều thanh niêm nam nữ mặc âu phục thanh lịch với điện thoại di động trên tay, đang đi giữa cái dòng người đen đủi, quần áo lôi thôi. Từng chặp bác tài xế tắc xi của chúng tôi lại thò đầu ra ngoài xe la hét chửi thề với những chiếc xe khác đang đứng ì ra đấy xả khói mù mịt hay đang chạy rề rề chờ khách.
Nhiều người vô gia cư đang nằm ngủ dưới bóng mát của những cây me tây hoa vàng dọc theo một con kênh nước ô nhiễm đen sì với những mảng lục bình hoa tím nở lưa thưa.
Quạ đen từng bầy đi tự nhiên trên hè phố chen với người. Có mấy con đang tắm cùng với một người đàn ông ốm nhách tại một vòi nước công cộng đang phụt lên lênh láng trên đường.
Rất nhiều người đàn ông ở trần da đen thui đang gò lưng đạp cái xe gì như xe ba gác chất hàng cao ngất, mồ hôi ướt đẫm dưới cái nắng như thiêu như đốt và nhiệt độ 38 – 39 độ C.
Chúng tôi đi giữa bụi mù, tiếng còi xe loạn xạ, tiếng tàu điện lengkeng, tiếng nhạc eo éo, tiếng la, tiếng chửi bới và những nụ cười đen nhẻm với hàng răng trắng toát. Đi giữa những mái tóc xoăn với chấm đỏ giữa trán và tiếng mời chào với những ánh mắt sắc, dài, có đuôi.
Xe không cách gì vào ga được, vì một đám đông hỗn độn đang ì ra đấy. Chúng tôi đành phải kéo hành lý cuốc bộ mà vào.
Nhà ga đông nghịt. Người nằm chờ tàu, ngủ trên nền la liệt. Mọi thứ đều nhớp nháp. Hành lý và người qua lại chen chúc đến chóng mặt. Nhân viên an ninh mang tiểu liên và mặc quân phục màu vàng đi đi lại lại nhìn ngó khắp nơi. Toilette bẩn và hôi. Không có nước rửa tay và xà phòng.
4 giờ chiều tàu mới chạy. Có một quán thức ăn nhanh ở tít đằng xa. Chúng tôi vào tầng dưới để ăn đứng, vì sợ phải kéo hành lý lên cầu thang.
Món ăn Ấn, thứ gì cũng sền sệt, chủ yếu màu vàng đất, béo ngậy với mùi dầu hạt cải hăng hắc rất khó ăn. Chúng tôi ăn bằng thìa, còn những người Ấn đứng chung quanh thì ăn bốc.
Không có nhân viên đứng ở các cửa lên xuống để chỉ dẫn cho khách. Nhưng cuối cùng chúng tôi cũng lên được toa của mình.
Tàu có máy lạnh, nhưng trang bị nội thất kém xa tàu thống nhất của ta. Nhưng được cái là được ăn liên tục. Cứ cách khoảng 1 tiếng là lại được phục vụ thức ăn hoặc đồ uống. Đến nỗi lát sau thì chúng tôi không cách gì ăn được nữa.
Xuống ga chúng tôi thuê một chiếc xe lam để về Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya).
Khoảng 9 – 10 giờ tối, đường phố đông đúc. Xe chúng tôi đang chạy thì có mấy thanh niên mặt mũi bặm trợn ra hiệu cho xe nép vào lề đường, nhường cho một đám rước đi qua.
Tôi ngạc nhiên khi thấy một đám đông như đang lên đồng, lắc lư nhảy múa la hét phía sau một cái kiệu lộng lẫy, bên trong có tượng một vị Nữ Thần nhiều tay, rất gợi cảm. Đoàn rước có hẳn một cái xe mang máy nổ và loa phóng thanh theo để mở nhạc và kinh tôn giáo. Ôi! Thật là lộng lẫy đầy màu sắc và ồn ào huyên náo làm sao!
Không ai bảo ai, chúng tôi đều chẳng dám chụp hình quay phim vì sợ cái đám đông kia nổi khùng lên thì khốn!
Cho đến bây giờ. Nằm trên giường khách sạn tại khu Bồ Đề Đạo Tràng rồi. Cờ xanh đỏ, dây ngũ sắc, tiếng gào thét nhảy múa đi đã xa rồi, mà tôi vẫn còn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Ôi! Thật là quái lạ và kinh dị!

Mô Phật, chuyến hành hương về miền đất Phật kỳ này chắc sẽ hứa hẹn nhiều điều thú vị đây.
Tôi nghĩ thầm như vậy rồi đi vào giấc ngủ bình an bên cạnh Bồ Đề Đạo Tràng yên lặng của Như Lai.

(Còn tiếp)

Mây/ Ghi chép theo đoàn/ 16/4/2008