(Ngồi với vị tăng Nepal dưới gốc bồ đề cổ thụ tại Lâm Tỳ Ni)

Nắng vàng như mật ong chảy qua những đồi cỏ may hiu hắt, rồi đổ dồn xuống những phế tích rong rêu. Quạ đen bay thành từng đàn kêu buồn bã. Chim sáo lòn trong những vòm lá dài lăn quăn của hàng cây Asoka đứng lặng im hai bên con đường dẫn vào vườn Lộc Uyển

Pankaj đang than phiền vì trời quá nóng và bị muỗi đốt khi hôm không ngủ được. Anh tỏ vẻ thờ ơ vô cảm trước những đống gạch vụn đổ nát hoang tàn.

Còn tôi lòng bồi hồi xúc động như đang đứng trước ngôi nhà cũ của mình, nơi cha mẹ đã sinh mình ra ở đấy, nơi chất chứa biết bao kỷ niệm buồn vui. Nơi có tiếng cười trẻ thơ hồn nhiên, có giọt mồ hôi làm dính sợi tóc mai của mẹ với tiếng thở dài âm thầm của người. Nơi có lời thuyết pháp liên miên bất tận của cha, ngày lại ngày vang lên giữa cái chợ đời, nơi cuộc chơi vẫn chưa hồi kết thúc!

 

Ôi, Vườn Lộc Uyển đây rồi!

Tôi đang đứng giữa vườn Nai sao?

Tôi đang đứng giửa nơi Như Lai đã chuyển pháp luân lần thứ nhất rồi sao?

Ôi, lòng tôi bao ngày mong ước.

Bây giờ là thực rồi mà cứ ngỡ như mơ!

 

Tôi hỏi Pankaj:

-         Này sao lại gọi là vườn Nai

-         À chuyện kể rằng, xưa kia vùng này nai sống rất nhiều. Một hôm có vị vua đi săn bắn chết rất nhiều nai. Con Nai đầu đàn thấy vậy, mới đến lạy lục cầu xin đức vua:

"Nhà vua bắn chết nhiều nai như vậy, cũng đâu có ăn thịt hết được. Thôi để từ nay hàng tháng tôi sẽ dâng cho ngài một con nai để ngài khỏi lạm sát" Nhà vua đồng ý.

Một hôm đến lượt con nai mẹ có mang phải nộp mạng cho vua để giết ăn thịt. Trước khi chết con nai mẹ khóc rất nhiều. Nhà vua hỏi tại sao. Thì nó nói, nó chết để cứu mạng cho cả đàn thì cũng không có gì đáng ân hận. Chỉ thương cho con nó trong bụng cũng phải bị chết oan. Nhà vua nghe nói thương tình tha cho cả đàn nai từ đó không có lệ cống nữa, và ra lệnh làm hàng rào bảo vệ chung quanh khu vực này để đàn nai an toàn mà sinh sôi phát triển. Từ đó nai ở các khu rừng khác cũng kéo đến đây sinh sống rất đông đúc. Nên nơi này có tên là "Vườn Nai".

Thấy tôi yên lặng không nói gì. Pankaj gợi chuyện:

-         Nhưng này tôi nghĩ chắc khi xưa nơi đây nhiều nai nên gọi là vườn Nai. Chứ câu chuyện kia là bịa đặt, làm gì có nai mà nói được tiếng người kia chứ. . . hềhề. . .!

-         Nhưng tôi tin là có đấy. Anh biết không, chẳng cứ là nai mà gạch đá rong rêu ở đây cũng biết nói tiếng người. Không tin anh thử yên lặng cùng cực và giao cảm với nó thì sẽ nghe được chúng nó nói gì.

Pankaj ngạc nhiên, há mồm không nói chi.

Tôi mỉm cười yên lặng:

-  Phải một mình. . . tuyệt đối một mình thôi Pankaj! . .Hãy trèo lên tận đỉnh của sự cô đơn, thì sẽ thấy mọi thứ đều có linh hồn và rồi linh hồn của mình sẽ nghe, sẽ nói, sẽ gặp gỡ, sẽ tâm sự và sẽ cùng múa hát với muôn vạn linh hồn của cõi lặng yên!

. . . . .

Những đồi cỏ may lúp xúp, những bức tường đổ nát hoang tàn, những đống gạch đỏ rong rêu nằm chen với lá khô và cỏ. . .Chỉ còn một cái tháp tròn thật to ở cuối vườn là vẫn còn đứng đấy thi gan cùng năm tháng. Vườn Lộc Uyển nơi Như Lai chuyển pháp luân lần thứ nhất qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể, ngày nay chỉ còn có vậy thôi ư?!.

Trời nắng chang chang. Nhiệt độ trên 40 độ C. Hơi nóng run run bốc lên. Mọi người đều tìm chỗ bóng râm để tránh nắng.

Riêng tôi cứ một mình tha thẩn dọc theo những bức tường đổ nát mà nước mắt rưng rưng. Tôi như thấy muôn nghìn bóng áo vàng chào mừng tôi trở lại, muôn vạn câu Phật hiệu chào nhau, muôn vạn bàn tay, muôn nghìn ánh mắt nụ cười thân thương. Phút chốc những bức tường như chợt đứng lên múa may. Muôn nghìn viên gạch đỏ rong rêu như bừng lên, dâng cao lên, tụ lại thành những bảo tháp nguy nga, những chùa chiền trang nghiêm tráng lệ.

Ôi, Trong bóng mát của ngàn xưa vọng lại. Tôi đi giữa những hàng cây Sala ngập tràn tiếng chim. Men theo bờ những ao sen sực nức hương thơm. Đâu đây có tiếng niệm Phật, tiếng trì kinh và lời Như Lai thuyết về Tứ Diệu Đế, về Bát Chánh Đạo, về Vô Ngã Tướng, vang vang trong gió ngàn lồng lộng.

Kỳ lạ thay. Tôi vẫn tỉnh giác mà như người mộng du. Tôi cứ đi. . . cứ đi, khi dừng lại, giật mình tỉnh ra thì thấy mình đang đứng trước một cái bệ lớn.

Bệ có 4 cửa ở 4 mặt lõm vào. Mặt trước có ai đã thắp một hàng nến trắng đang cháy lập lòe. Một nhành hoa đặt bên cạnh mấy nén hương thơm cắm vào khe đá.

Tôi gọi Pankaj đến và quả quyết:

-         Này Pankaj, đây có phải là chỗ Như Lai đã chuyển pháp luân lần thứ nhất độ cho 5 anh em Kiều Trần Như không?

-         Hiện tại đây là vấn đề đang còn tranh cãi. Các nhà nghiên cứu chưa thống nhất với nhau. Một số cho là tại chỗ ngôi bảo tháp lớn ở cuối vườn kia, một số người cho là ở chỗ này. Một số lại cho là ở một vài địa điểm nữa trong khu phế tích này. Thế tại sao ông cứ nhất quyết cho là ở chỗ này?

-         Hềhề. . .Ta hỏi và nó nói thế.

Tôi vừa nói vừa đưa tay chỉ vào cái bục bằng gạch trước mặt. Pankaj tưởng tôi nói đùa cười hềhề. . .rồi bỏ đi.

. . . .

Như có một lực hút kỳ lạ kéo tôi vào cái bục. Như có một tình cảm thiêng liêng từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất dâng lên, từ chung quanh đổ dồn về, từ ngàn xưa đọng lại. . . thấm đẫm và tràn ngập thân tâm tôi . . . Haha. . .ha! Tôi muốn khóc mà khóc không được! Tôi muốn cười mà cười không được! Tôi muốn la lên thật to cho vơi niềm cảm xúc đang trào dâng chất ngất thế mà vẫn đứng lặng câm. . !

Ôi, Người tôi rung lên bần bật. . . điển quang sáng chói. . . hương thơm sực nức. . . Tôi chấp tay trước ngực niệm Phật hiệu, lập tức tay được kéo lên đỉnh đầu. Đại thủ ấn hiển thị trên luân xa 7 tại đại huyệt Bách Hội. Xong Mudra tự tách ra vẽ linh phù toàn thân và vào hệ thống luân xa trên cơ thể.

Tôi chưa kịp biết chuyện gì đã xảy ra, thì điển quang đã tác động để xuất hiện động tác đảnh lễ rất đặc biêt.

Có nhiều tiếng người đang đến gần. Không muốn cho họ thấy các biểu thị của mật tông có thể họ sẽ hiểu nhầm. Tôi liền cắt điển bái tạ rồi xoay người định bước ra.

Bổng nhiên như có một lực vô hình tác động khiến người tôi quay lại. Tôi yên lặng tỉnh giác để xem điển quang làm gì? Thì thấy hai tay chấp lai rồi xuất hiện Đại Thủ Ấn khi nãy lần nữa. Nhưng lần này khế ấn chọc thẳng lên trời rồi người tôi vừa xoay tròn theo lực xoắn lốc quanh cái bục vừa dùng đại thủ ấn ấy đảnh lễ hư không.

Trong tai tôi tự nhiên vang lên tiếng niệm:

Nam Mô Chuyển Pháp Luân Như Lai. . . Nam Mô Chuyển Pháp Luân Như Lai. . . Nam Mô Chuyển Pháp Luân Như Lai. . . . . .

Khi người tôi xoay hết vòng về lại chỗ cũ. Cơ thể tự nhiên quì xuống đảnh lể Như Lai cùng chư vị A La hán.

Là người học Phật, tôi rất biết mình không bao giờ được hoang tưởng. Thế nhưng lạ thay, tôi đang rất tỉnh giác và đầy nhận biết. Nhưng hễ tôi cứ tách tay ra. . .thì tay lại tự chấp vào rồi đại thủ ấn ấy lại hiển thị. . . nhiều lần như vậy. . .

Mô Phật. . .Tôi là cái người đang tỉnh giác và đầy nhận biết. Biết cái cơ thể mình đang nương điển quang biểu thị như vậy, trong chừng mực, trang nghiêm thanh tịnh và không loạn động! Thế thì nó là vấn đề.

Tôi bèn chủ động ngồi xuống thiền định với đại thủ ấn ấy trước ngực. Tự tôi tôi biết chắc chắn rằng đó là ấn lệnh của đức Chuyển Pháp Luân Như Lai. . . Mô Phật, khi tôi có ý nghĩ này thì đầu tôi tự nhiên gật lia lịa không kiềm chế được.

Tôi lặng yên, điều hòa hơi thở, đi vào thiền định, không trụ vào các việc vừa rồi. Khi tâm yên lặng và trong suốt tự nhiên tôi biết ý nghĩa của đại thủ ấn này:

Năm ngón tay của một bàn tay tương ứng với 5 giác quan của cơ thể: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý căn tương ứng với huyệt lao cung giữa lòng bàn tay.

Trong ấy ngón tay út tương ứng với nhãn căn. Thế cho nên hai ngón út chấp lại có nghĩa là hợp nhất cái nhìn chia hai của nhị nguyên, không nhìn bằng mắt thường mà nhìn bằng Phật nhãn giữa hai mắt: Kiến sắc phi can sắc.

Ngón cái tương ứng với thân căn. Hai ngón cái không dấu kín vào trong như ấn Kim Cang, bởi vì muốn Kim Cang Bất Hoại Thân thì thân phải vô tướng. Còn đại thủ ấn này ngón cái chỉ bị ngón trỏ đè khống chế. Ý nói muốn thân có "giới tự giữ", thì phải luôn miệng niệm Phật hiệu: Nam Mô Chuyển Pháp Luân Như Lai. Ngoài ra khi niệm liên tục và nhất tâm bất loạn thì khi cơ thể nhận điển quang, các pháp luân (Chakaras) sẽ được ngài hộ trì khiến không loạn động mà luôn có thiền vị. Khiến thiền ngữ và thiền cơ tự nó xảy ra tức khắc, tức thì, ngẫu hứng, sáng tạo và phi khái niệm. . .!

Ngoài ra đại thủ ấn này còn có một công năng cực kỳ huyền diệu. Đó là nó sẽ chuyển hóa năng lượng dục thành năng lượng giác ngộ. Khiến người tu tập không bị tình dục lôi kéo làm loạn tâm. Toàn bộ khế ấn trông rất giống ấn Um Lam là ấn tịnh pháp giới. Với Lam: là năng lượng Dục. Um: là rỗng không mà hiển thị thành vạn pháp. Khi Lam đi vào cái rỗng không của Um thì chuyển hóa thành năng lượng giác ngộ.

Bây giờ đại thủ ấn Chuyển Pháp Luân rất giống ấn Um Lam nên nó cũng có công năng như vậy. Nhưng ở đây không phải năng lượng dục tác động vào cái "Tâm không" là điều rất khó đạt, mà năng lượng dục chỉ tác động vào cái Thân chánh định, đã bị Phật hiệu khống chế, thì dễ thực hành hơn.

. . . . .

Chung quanh chúng tôi đều đổ nát và hoang tàn.

Chúng tôi đến cuối vườn Lộc Uyển, nơi có cái tháp hình tròn màu xám để đảnh lễ Như Lai và 5 anh em ngài Kiều Trần Như. Bởi đây cũng là một nơi được nhiều người cho rằng chính là nơi ngài đã chuyển pháp luân lần đầu tiên.

Phía trước chúng tôi có các tu sĩ người Myanma cũng đang dâng hoa, trì kinh và đi nhiễu quanh tháp. Còn chúng tôi thông công đảnh lễ chư vị bằng đại thủ ấn. Sau đó nhận ân điển thiêng liêng xoay người nhiễu Phật chung quanh tháp. Điển quang yếu và không có chi đặc biệt.

Như đứa bé kia khát sữa đòi bú. Khi mẹ nó đến gần, dù trời tối như bưng không nhìn thấy chi. Bằng cảm nhận thiêng liêng của mình, nó lập tức phân biệt được mẹ mình với những người khác mà nín khóc.

Mô Phật, tôi cũng vậy, dù đi khắp cả khu vườn Lộc Uyển to lớn, hay đang đảnh lễ trước cái tháp uy nghi này. Con tim tôi tự nhiên đều luôn hướng về cái bục gạch có 4 mặt lõm khi nãy. . .

Bằng cảm nhận thiêng liêng tôi tự biết, nơi ấy chính là chỗ của Như Lai thường ngồi. . . nơi của đấng từ phụ muôn loài đã chuyển pháp luân.

Haha. . .ha! Đứa bé kia trực nhận ra mẹ nó, qua hương thơm từ người mẹ, qua những tiếng động quen thuộc và qua cái trực giác thiêng liêng của tình mẫu tử thâm sâu. Tôi cũng vậy, tôi trực nhận ra chỗ ngồi của đấng Thế Tôn Từ Phụ qua hương thơm của đạo, qua âm nhạc cõi lặng yên, qua rung động của con tim mình và qua cái trực giác thiêng liêng bất khả tư nghì. . . .

Ôi, đạo cảm thông không thể nghĩ bàn!

Trưa hôm ấy về khách sạn. Tự nhiên tôi như người lên đồng. Ân điển thiêng liêng tác động khiến cơ thể tôi tự hiển thị 108 động tác chuyển pháp luân với ấn lệnh của Chuyển Pháp Luân Như Lai trên tay. Những người đi cùng đã ghi lại hình và giới thiệu với chư huynh.

Mô Phật, nó chỉ là kinh nghiệm của riêng tôi. Có khi chỉ là biểu thị những cảm xúc của tôi đối với Như Lai mà thôi!

Bởi vậy chỉ những ai là người đồng cảm thì mới có thể dùng những động tác ấy như là những khởi thức của thiền động. . . như là duyên lành để thông công tạo sự giao cảm với thiêng liêng. Chia sẻ cùng chúng tôi những rung động trào dâng ngút ngàn. Những rung động của những đứa con xa nhà đã lâu, nay đang quay về miền đất Phật!

. . . . .

Từ vườn Lộc Uyển, chúng tôi phải đi 250km để đến thành Xá Vệ, nơi mà xưa kia Như Lai đã ở tại đấy 22 mùa mưa trong khu vườn Ngài Cấp Cô Độc đã dâng tặng. Và hầu hết những bộ kinh quan trọng của Phật giáo đều được ngài tuyên thuyết tại đây.

Thành Xá Vệ giờ chẳng còn gì. Chỉ còn hai dấu vết tháp cổ với những nền móng và những bức tường đổ nát hoang tàn. Màu đỏ sẫm của gạch tháp cổ rong rêu như nổi bật trên nền cánh rừng thưa tái sinh lúp xúp những lùm những bụi. Thỉnh thoảng vút lên những cây đại thụ cao ngất da nhăn nheo dáng hình cổ quái. Một đàn bò đang nhẩn nha gặm cỏ khô chung quanh phế tích. Mấy người đàn ông Ấn chăn bò ngồi dưới bóng mát của những bức tường đổ nát, gầy gò, da đen thui. Thấy chúng tôi đi ngang chìa tay xin tiền, ánh mắt buồn xa xăm, giọng nói đùng đục như tiếng của đất, của gạch vụn và của nắng gió vọng lại từ một quá khứ nào đấy xa lắc xa lơ.

Từ thành Xá vệ. Chúng tôi xuyên rừng chừng độ cây số, thì đến Cấp Cô Độc Viên. Nơi xưa kia trưởng giả Cấp Cô Độc đã dùng vàng lát kín mặt đất để mua lại nó từ thái tử Kỳ Đà và dâng nó cho Như Lai.

Đức Bổn Sư đã ngụ ở đây và những bộ kinh quan trọng của Phật giáo cũng đã được ngài tuyên thuyết nơi nầy.

Đây là một khu rừng rộng lớn. Không biết xưa kia thế nào, chứ bây giờ đầy những cây cổ thụ xòe bóng mát. Nhiều nhất là Bồ Đề, trúc, cây Asoka, những thảm cỏ xanh mướt, những luống hoa quí đang khoe hương sắc. Rải rác đó đây là những khu rừng thưa đầy lá rụng bao quanh những hồ nước trong vắt. Những nền móng rong rêu. Những bức tường đổ nát. Di tích của những chùa những tháp một thời huy hoàng trang nghiêm tráng lệ, giờ hoang tàn nằm đấy lặng yên.

Ôi, tướng của Như Lai có sinh có diệt chứ Phật nào có diệt có sinh. Phế tích này cũng vậy, tướng nó rong rêu hoang tàn theo lẽ vô thường sinh diệt, chứ hồn của nó thì vẫn còn nguyên vẻ thâm trầm sống động của thuở ngày xưa.

Ôi, Nắng bây giờ mằn mặn. Hay giọt mồ hôi nào từ quá khứ xa xăm vừa lăn qua khóe mắt bờ môi. Có tiếng quạ kêu buồn bã cô liêu. Lá trên cây rụng nhiều. . .rụng nhiều trên nền cái hoang tàn đổ nát.

Ôi. .  Phế tích buồn và đẹp như một bài thơ!

 

Mấy con khỉ cũng thôi chạy nhảy đùa bỡn, chúng tới gần ngồi bên yên lặng nhìn tôi tò mò.

Tôi ngồi lặng yên dưới bóng mát của một gốc Bồ Đề to lớn, nhắm mắt lại, để cái hồn mình ra khỏi cái cơ thể này mà giao lưu gặp gỡ cảnh cũ người xưa! Mô Phật, tôi biết chỉ qua cái thể xác này, cái tai này, cái mắt này, cái cơ thể này, thì cái thằng tôi làm sao cảm nhận hết cái mùi của đạo. . .cái tình tối thượng thiêng liêng. . .cái hương vị của rỗng không. . .cái mỉm cười trong yên lặng chẳng có nguyên nhân gì!

Gió mát thổi lồng lộng. Tiếng chim ríu rít trong những vòm cây xanh ngắt. Tiếng người nói chung quanh nhỏ dần. . . nhỏ dần. . .lăn tăn rồi biến mất. . . .!

Ôi, Trong cái màn sương khói mơ hồ như thực như hư, tôi thấy Như Lai đang ngồi đấy mọi người ngồi chung quanh, thân mật và gần gũi biết bao. Như đàn con xúm xít chung quanh Cha già, chẳng phải là thần linh hiển thị giữa đám người trần tục u mê.

Haha. . .ha! Thế là có người hỏi và Cha trả lời bình dị. Mọi người cùng vui vẻ. Tình thương và trí tuệ ngập tràn những con tim chân thật.

Ôi, kỳ lạ chưa, tôi thấy mình cũng đang ngồi đấy, nhỏ quá, bé quá, ngu dốt quá, chẳng biết gì để hỏi, chẳng hiểu được gì khi nghe Như Lai nói. Chỉ ngồi đấy mỉm cười sung sướng mà nước mắt rưng rưng!

Bỗng Như Lai  đưa ngón tay vàng chỉ tôi, miệng ngài hơi mỉm cười. Tôi giật mình ngẩng đầu lên, mặt tôi đầm đìa nước mắt mà tiếng cười bất ngờ bật khỏi bờ môi bay ra. . .vang xa. . .vang xa. . .

Ha ha. . .ha! cả pháp hội đều cười vui vẻ, chẳng phải cái mỉm cuời thường thấy như bấy lâu nay!

Nắng chiều đã tắt trên những ngọn cây cao. Chúng tôi ra về trong tiếng quạ kêu buồn bã, tiếng chim tu hú cô đơn, đám khỉ ngồi yên lặng nhìn theo và tôi biết trên trời, chung quanh đây và trong những khu rừng thưa kia đang ngập tràn bóng tối có những nụ cười yên lặng và những đôi mắt từ bi vẫn dõi nhìn theo bóng đàn con đang bước đi trên con đường truy tìm chân lý!

. . . . .

Chúng tôi tiến về phía biên giới Ấn Độ, để sang Nepal, đến vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi đức Thích Ca đã vì chúng sanh trong tam giới mà đản sinh ở cõi Ta Bà.

Đồng không mông quạnh. Trời nắng chang chang. Xe chúng tôi như đội cả bầu trời nắng to để đi xuyên qua những đám bụi khổng lồ vần vũ trong gió lửa. Từng chặp nó lại nhảy cẫng lên vì những ổ gà và đá cuội, như con ngựa thần đang tung vó đạp mây bay về thượng giới.

Chúng tôi dừng ở một quán ăn bên đường để ăn trưa. Bữa trưa gồm có mì xào rau, trứng chiên quấn rau, Lasi là món sữa chua phổ thông và rất nổi tiếng ở Ấn.

Cũng như mọi quán ăn khác bên đường. Chim sáo và quạ nhiều vô kể chúng lang thang trong tiệm để nhặt thức ăn rơi, thân thiết với mọi người và rất thoải mái như đang ở trong rừng. Chắc ở đất nước này chả ai giết thú vật nên chúng mới được thế!

Một điều thú vị là tất cả người Ấn mà tôi đã gặp và đã thấy ở quán ăn, hầu như chỉ ăn chay không thấy ai ăn thịt cá bao giờ. Tôi hỏi Pankaj thì anh ta bảo thỉnh thoảng cũng có người ăn thịt nhưng rất hiếm và chỉ dùng thịt gà. Còn đại bộ phận là đều do ngũ cốc rau, hoa quả và sữa chế biến ra. Ấn Độ có rất nhiều tôn giáo khác nhau. Nhưng họ đều có một điểm chung là thích ăn chay.

Quán ăn tràn ngập tiếng cười nói. Nhưng không thấy ai hút thuốc. Ngay chỗ vào có vòi nước và xà phòng để rửa tay vì họ đều ăn bốc. Trên tường có bức tranh vẽ ngài Hanoma đang ngồi thiền vẻ mặt rất hóm.

Tuy trời quá nóng, nhiều ruồi muỗi, thức ăn không hợp khẩu vị và phải đi liên tục người rất mệt mỏi, nhưng chúng tôi thấy vô cùng thú vị trước mọi sự đang diễn ra chung quanh.

Ồ. . .mọi thứ đều khác ở nhà, đều gợi trí tò mò tưởng tượng và đều rất chân thật đáng yêu.

Những khuôn mặt đen thui đầy râu, với râu mép cong vút rất hề. Những dáng Sari gợi cảm và thướt tha. Những cái bụng phệ với bàn tay to thô ráp và nụ cười hềhề chất phác. Những cái cười loáng thoáng, với ánh mắt nhìn trộm lấp lánh có đuôi dài ươn ướt. Tiếng nói thỏ thẻ như tiếng chim của các cô gái và tiếng trầm trầm đều đều liên tục của những người đàn ông rất giống âm điệu của những bài mật chú thiêng liêng. Những con bò trắng lững thững, những đàn dê nhẩn nha trên đường. Những con khỉ rừng ngồi ở vệ đường xin ăn với khách bộ hành. Những ngôi đền với nóc nhọn hoắt. Những đám cưới đầy màu sắc với âm nhạc và nhảy múa. Những tu sĩ ăn mặc như Thần linh với cây đinh ba của Thần Siva trên tay, ngực trần, trán có vạch nhiều đường đỏ như máu vừa đi trên con đường đầy bụi và khói vừa trì chú rầm rì trong cái nắng như thiêu như đốt. . . .

Ôi, mọi thứ quanh tôi ở thế gian này đang từng giây từng phút diễn ra sống động đầy màu sắc biến hóa liên miên, tưởng chừng như hỗn độn nhưng thật ra đều chảy theo chiều của năng lượng vũ trụ và phải chăng đều từ cái yên lặng sấm sét của Như Lai hóa hiện mà thành?!

Quá trưa chúng tôi tới cửa khẩu ở Belahya

Xe cộ từng đoàn nối đuôi nhau. Người qua lại tấp nập. Hình như chẳng kiểm tra kiểm soát gì mấy. Chỗ làm thủ tục của người Ấn bé tẹo trông như cái cửa hàng tạp hóa, mọi người vào ra tự nhiên thoải mái. Nhân viên cửa khẩu là mấy người đàn ông to béo lực lưỡng không mặc đồng phục dáng điệu xuề xòa không cứng ngắc như ở Việt nam và Trung Quốc.

Sang phía bên kia cũng thế. Nhân viên an ninh của Népal đưa tay ngoắc hai chiếc xe lôi chở chúng tôi ngừng lại để kiểm tra hành lý. Khi nghe nói chúng tôi là người Việt Nam họ liền cười vui vẻ rồi phất tay cho qua rất thân thiện và thoải mái.

. . . . .

Qua một cái cổng hình vòng cung. Chúng tôi đi bộ vào khu rừng nơi xưa kia nơi hoàng hậu Ma Da đã sinh ra thái tử Tất Đạt Đa. Sau này tu chứng và đã thành đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chiều xuống chậm. Mặt trời như cái thúng đỏ lòm bồng bềnh trên ngọn cây Bồ Đề. Con sông Tiler xanh ngắt phía sau khu rừng cây kia, ngập tràn tiếng cười của lủ trẻ chăn bò, trong vắt như những tiếng đàn dương cầm lăn tròn trên nền đá núi hoang vu.

Có nhiều chùa của các nước xây dựng chung quanh đây và trong khu rừng này. Việt Nam ta cũng có tại đây một cái chùa rất to và rất đẹp.

Sừng sững trước mặt chúng tôi là cái tháp hình vuông màu đỏ sẫm bên trên có tóp hình tròn nhọn hoắt vẽ cặp mắt Phật theo phong cách Tây Tạng.

Cổng vào khu di tích là phía Đông. Nhưng cửa vào tháp nơi có dấu tích chính xác đức Phật đản sinh lại nằm ở phía Nam.

Chung quanh tháp có nhiều di tích đổ nát nay chỉ còn nền móng và các bức tường nham nhở hoang phế.

Phía tây tháp có trụ đá của vua A Dục dựng, bên trên có khắc chữ do chính nhà vua đã viết để đánh dấu nơi đức Phật đã sinh ra đời.

Phía bắc là một bải cỏ rộng lớn, phía xa kia là khu rừng thưa lấp ló mái ngói đỏ,các đầu đao cong vút và nóc chùa của các nước.

Mặt chính của tháp quay về hướng nam. Ở đó sừng sững một cây Bồ Đề cổ thụ cực lớn, gốc nó to đến nỗi 9 hay 10 người ôm cũng không hết, cành lá vươn ra, xanh mát cả một vùng rộng lớn. Dưới gốc và trong cái hốc của cây bồ đề có thờ một phiến đá nơi mà Như Lai đã được sinh ra trên đó. Một vị sư già người Népal đang hương khói và thiền định liên tục tại đây.

Qua một cái ao rộng nước trong vắt thì đến cửa vào tháp.

Muốn vào cửa phải leo lên một cái bực cấp. Bên trong tháp là con đường đi nhiễu Phật lát ván chung quanh và bên trên những nền móng tường vách đã đổ nát được phục chế. Ở giữa tháp là nơi đức Phật đã được sinh ra đời.

Từ con đường lát ván chung quanh, có một con đường cũng lát ván dẫn vào tận nơi người đã được sinh ra. Đứng ở đây nhìn xuống nền tháp thì thấy trong một cái hòm kính, có trưng bày một phiến đá màu xanh xám, bên trên có vết lõm như hình dấu chân người. Có dòng chữ viết bằng tiếng Anh: "Đây là nơi đánh dấu chính xác nơi đức Phật đã sinh ra đời".

Ngước lên thì thấy trên bức tường gạch đỏ hoang phế có phù điêu chắc là bằng cây màu đen, diễn tả cảnh đức Phật đản sinh.

Khi chúng tôi vào tháp, thì có một đoàn khách người nước ngoài cũng đang tham quan đảnh lễ.

Khi đoàn khách này đi xong. Tôi bước tới nơi mà xưa kia Như Lai đã thị hiện tướng sinh ra đời, thông công, đảnh lễ ngài bằng đại thủ ấn.

 

Bên ngoài có tiếng người cười nói xôn xao, có tiếng thông dịch, có thể nhiều người sẽ vào. Nhưng mặc kệ. . .tôi bất chấp tất cả. . .chẳng thèm giữ gìn ý tứ gì cả. . .Tôi cứ thế thông công và nhận điển quang.

Người tôi xoay tròn. Khế ấn của đức Chuyển Pháp Luân Như Lai lại xuất hiện vẽ linh phù toàn thân và vào các pháp luân (chakaras) trên khắp cơ thể. Chung quanh như tan ra. . .mờ ảo tôi chẳng còn nghe chi. . .chẳng còn thấy chi. . . .năng lượng giác ngộ dịu dàng đầm ấm mà mãnh liệt biết bao. . . .trào dâng. . .tràn ngập cả thể xác và linh hồn tôi. . . .

Ánh sáng chói lòa. . . hương thơm sực nức. . . đâu đây như có tiếng nhạc từ lưng trời văng vẳng khi có khi không.

Ah. . .trong cơn linh giác, tôi thấy mình râu tóc bạc phơ đang quì ở đấy. Còn Như Lai có tướng trẻ thơ đang đứng đấy mỉm cười. Không phải ngài bước đi ở chỗ dưới kia, để bước chân nở hoa sen. Mà tiến lại gần tôi, đặt tay lên đỉnh đầu tôi. Lập tức người tôi phát sáng ra và như trôi nổi bồng bềnh trên mặt đất.

Ôi, tôi như người mộng du mà tỉnh giác. Cái biết, biết cơ thể của nó đang đứng dậy, nước mắt đầm đìa, nụ cười yên lặng trên môi, vừa xoay người chung quanh tháp, vừa hiển thị đại thủ ấn (Mahamudra).

Cái biết còn thấy những bảo vệ người Népal và mọi người đều cung kính cúi đầu bước ra xa tránh chỗ để tôi và cơ thể tôi hành đại lễ chung quanh ngài.

Tôi cũng thấy Như Lai đang đứng đấy mơ hồ trong sương khói, tà áo lụa phất phơ mỉm cười và luôn quay mặt về phía tôi.

Tôi đi chầm chậm, thần thái ung dung, khế ấn thay đổi liên tục trên hai tay. Phật hiệu vang lên trong tâm không lúc nào ngừng.

Phải rất lâu tôi mới đi hết vòng và quay về chỗ cũ để đảnh lễ Như Lai.

Bên ngoài có tiếng nhiều người đang đi vào.

Tôi bái tạ ngài, Phật mẫu Ma Da, chư Thiên và Thánh chúng rồi yên lặng bước ra khỏi bảo tháp mà lòng vẫn còn tràn đầy xúc động, chưa nguôi.

Khi vừa bước ra bên ngoài. Tự nhiên điển quang thiêng liêng lại điều khiển tôi đến gốc cây Bồ Đề cổ thụ ở mé ao trước cửa tháp.

Bóng chiều lẩn quất đâu đây. Dây cát tường bay phần phật chung quanh gốc cây thiêng. Chim chóc gọi bạn về tổ thiết tha. Tôi gật đầu chào vị sư già người Népal. Ngài cười hiền từ, đưa cho tôi mấy nén hương thơm.

Tôi cầm lấy cắm hai nén hai bên gốc cây. Còn một nén tự nhiên cầm lại.

Nương điển quang tôi quì xuống. Môt tay kiết ấn, tay kia cầm cây hương tự nhiên vẽ linh phù lên không trung, chung quanh, xuống đất, rồi vẽ vào đỉnh đầu mình và toàn thân. Đây là lần đầu tiên có hiện tượng lạ này. Tôi yên lặng nhận biết tỉnh giác để chờ xem cơ thể mình biểu thị những gì qua ân điển thiêng liêng.

Tôi thấy điển quang điều khiển cây hương vẽ phù nhiều lần vào miệng mình, rồi cắm vào bát hương.

Vị sư già cười lên khoan khoái tay vừa lần chuỗi hạt vừa trì chú trợ công.

Mô Phật,. . .Tự nhiên tôi thấy cái khăn trắng đang quấn qua hòn đá thiêng như đang phát sáng ra. Tâm cơ máy động, tức khắc tôi tự biết mình phải nhận chiếc khăn lệnh này.

Tôi đưa tay chỉ vào cái khăn trắng. Vị sư già cười hềhề, lấy trong bọc ra một cái khăn vàng đưa cho tôi.

Tôi cầm lấy. Điển quang liền tác động khiến tôi kiết ấn vẽ phù vào cái khăn vàng, làm động tác dâng khăn trên đỉnh đầu và xoay chung quanh. Đoạn xoay người đứng lên di chuyển đến bên hòn đá thiêng cởi chiếc khăn trắng đang quấn ở đấy ra đưa cho vị sư già và quàng cái khăn vàng còn mới cho Như Lai.

Vị sư già như bị lên đồng, tự nhiên đứng bật dậy loạng choạng cầm lấy cái khăn trắng vừa bắt ấn vừa trì chú vừa quấn vào cổ tôi. Một bàn tay của ngài luống cuống đặt trên đỉnh đầu tôi.

Tự nhiên tay trái tôi hiển thị đại thủ ấn. Còn tay mặt kiết ấn thọc mũi nhọn bàn tay vào huyệt Đản Trung giữa ngực vị sư già. Cả hai chúng tôi đồng rung lên. Điển quang giao hòa qua lại liên miên bất tận.

Tự nhiên cả hai buông nhau ra cùng ngồi xuống gốc bồ đề. Vị sư già ngồi theo thế thiền định với khế ấn trên đùi. Tự nhiên tôi cũng ngồi xuống, nắm lấy bàn tay nhăn nheo của ngài cười lên ha hả. Ngài cũng cười theo. Gió rừng và hoàng hôn như mang tiếng cười của hai người con Phật bay ra xa mãi. . . .xa mãi. . .cho đến tận muôn đời sau.

Vị sư già hỏi bằng tiếng Népal. Người thông dịch của chúng tôi nói lại. Tôi bảo cho ngài biết chúng tôi từ Việt Nam tới.

Ngài cười và nói được bằng tiếng Việt lơ lớ:

-         Việt Nam tốt. .  .Việt nam tốt. . .!

Mọi người cùng hoan hỷ cười theo.

Trước khi ra về, tự nhiên điển quang tác động khiến tôi xuất kỳ bất ý chộp lấy xâu chuỗi hạt của ngài mang vào cổ mình và ra dấu muốn xin để hành công tu tập. Ngài tỏ vẻ không ưng, lắc đầu quầy quậy rồi bắt ấn đưa lên. Tôi cũng nhất quyết không trả lại và cũng bắt ấn đưa lên. Cứ như vậy hồi lâu.

Tự nhiên tôi nhớ chuyện ngài Đường tăng muốn nhận kinh có chữ thì phải dâng bát vàng. Tôi chợt cười lên ha hả và bảo người đi cùng đặt xuống trước mặt ngài tờ giấy bạc rồi bỏ đi.

Quay lại tôi thấy ngài vẫn còn lắc đầu, nhưng rồi lại đứng lên đưa tay chào chúng tôi với nụ cười yên lặng trên môi mà cái đầu thì vẫn lắc.

Hềhề. . .nhưng trong tâm linh tôi biết ngài chỉ đùa đấy thôi. Chứ nếu ngài không đồng ý đời nào tôi lấy được bảo bối của ngài.

Về chỗ nghỉ, tôi mới thấy xâu chuỗi láng bóng vì thấm đẫm mồ hôi của ngài khi công phu. Nó tuy xấu xí nhưng mang nặng nghĩa tình của người bạn từ phương trời xa, nơi đất Phật.

Tôi yên lặng quay về hướng gốc cây bồ đề. . .quay về hướng có vị sư già, người bạn vong niên của mình từ vô lượng kiếp chấp tay vái chào thân tình và cung kính.

 

Mô Phật.

Sáng mai chúng tôi sẽ rời Népal, đất nước đáng yêu mà tôi chưa có duyên đi vào sâu hơn nữa.

Nước bạn vừa qua cuộc bầu cử và phái cực đoan đang thắng thế, nên tình hình chính trị và kinh tế đang trong giai đoạn hỗn loạn rối ren.

Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cứ.

Thôi thì chúng tôi lại lên đường quay về Ấn Độ tiếp tục chuyến hành hương của mình đang còn dở dang.

Chúng tôi sẽ đến tham quan tìm hiểu trung tâm thiền của Osho tại Ấn Độ và sẽ có bài viết gửi về hầu chuyện cùng chư huynh.

 

Thôi,  Chào Népal huyền bí và đáng yêu. Hẹn sẽ có ngày gặp lại.

 

(Còn tiếp)

 

Mây/ Ghi chép theo đoàn/26/4/2008