Mandala của lục độ Tara tại Bạch Vân Cư Tự

Rời Lhasa chúng tôi đi về phía Tây, dọc theo con sông Yarlung Tsangpo để đến Shigatse, chiêm bái và đảnh lễ Phật tại tu viện Bạch Vân Cư Tự.

Trời lạnh!. . . . Hai bên đường bạch dương đứng thành từng hàng thẳng tắp. . . . Khắp nơi thanh liễu xanh tươi như tiếp thêm nhựa sống cho đồi núi khô cằn đầy sỏi đá.
Dây kiết tường nhiều màu sắc giăng mắc khắp nơi: . . . giữa hai hẻm núi, . . . trên nóc nhà. . .  và trên các hòn đá lớn. . . .
Thanh liễu mọc thành những vạt lớn. Gốc thật to màu nâu sậm, xù xì uốn lượn, da nứt nẻ. Nhưng phía trên lại có rất nhiều ngọn non, mốc xanh, vươn lên mạnh mẽ trong gió lạnh. . . .
-          Này Tiêu, sao những cây liễu này gốc thì già mà cành lại non thế?
-          Đó là vì người Tạng thường cưa các nhánh liễu để làm nhà, làm củi đốt. . . . đến mùa xuân cây liễu lại ra lộc mới. . . . Cứ thế cho nên cây liễu nào cũng có gốc cổ thụ và có rất nhiều ngọn non. . . .
Trên những nương rẫy hình bậc thang. Những người đàn ông Tạng da đen thui, mũ rộng vành, quần áo màu chàm hay đen đang cày.
Họ đi phía sau, hai con trâu Yak đi phía trước với vải đỏ cột trên sừng. . . . Chúng kéo theo sau lưỡi cày sáng loáng làm cỏ vàng úa bị lật tung lên thành những đường đất dài màu xam xám. . . .
Sau mùa đông băng giá. . . . giờ thì mùa xuân đã về. . . . tuyết đang tan. . . . khe lạch và hồ ao đều đầy nước. . . .
Cỏ mùa xuân đang bắt đầu nhú lên trên thảo nguyên bao la. . . . . Quạ đen, diều hâu bay lượn trên trời. . . . Đó đây người Tạng thành từng nhóm đang cặm cụi cần mẫn. . . tiếng hát bay trong gió sớm, tiếng cười tiếng nói chân chất như tiếng đất mới trở mình. . . .
Phân trâu yak dán đầy các bức tường đất và chất thành từng đống lớn quanh nhà. . . . Nhà nào có nhiều trâu và nhiều phân khô là nhà giàu!. . . . 
Trời nắng to. . . . thế nhưng băng vẫn còn phủ đầy các đỉnh núi. . . . .
Băng tan tạo thành những con suối nhỏ. Nhưng đó đây cát bay đã phú đầy các hẻm núi và các thung lũng sâu nhấn chìm mọi thứ. . . . . 
Trên thảo nguyên bao la, cỏ đã bắt đầu phun mầm xanh. Kiều mạch và một số loại rau xứ lạnh đang ngoi lên đón nắng xuân trong những thửa vườn với những bức tường đá cuội quây chung quanh. . . .
Chúng tôi đi dọc con sông Yarlung Tsangpo, để đến Shigatse, nơi có tu viện Bạch Cư Tự với Tông Sơn Cổ Bảo trên núi cao. . . . . Lẽ dĩ nhiên tên tiếng Tạng thì không phải vậy, nhưng Tiêu đã dịch phiên âm ra tiếng Hán là như thế!. . . .  
Đường đi men theo triền núi đá, với những hòn đá to xếp chồng lên nhau chông chênh như sắp đổ ập xuống. . . . .
Còn phía bên kia là vực sâu hun hút. Dưới đó có con sông Yarlung Tsangpo, đang uốn lượn, khi gầm thét, khi rì rào, nước trong xanh sùi bọt trắng xóa. . . .
Chúng tôi lặng người trước cảnh quan hùng vĩ và kỳ thú. Nơi đây, trời xanh mây trắng, núi tiếp núi. Ngọn nào cũng phủ đầy tuyết trắng. . . .
-          Này xem kìa mùa hè mà tuyết lại đang rơi đấy. . . .
Theo tay Mã Sa Sa chúng tôi thấy trên đỉnh núi phía tây, mây đen giăng phủ, và tuyết đang đổ xuống đỉnh như những vệt chổi màu ghi sậm ai tinh nghịch vừa quét lên nền trời. . . . Kỳ lạ thay các đỉnh núi khác thì màu nắng vẫn vàng tươi. . . .
-           Này nhưng sao biết đó là tuyết rơi? Tôi tò mò hỏi Tiêu.
-          À!. . . . Ở chỗ chúng ta thì mưa đang rơi, nhưng trên những đỉnh kia với độ cao lớn thì luôn là tuyết rơi. . . .
Xe chúng tôi như bị kẹp giữa hai vách núi sừng sững cao đến tận trời xanh. . . . Còn dưới kia thì dòng Yarlung Tsangpo, như con giao long mạnh mẽ đang uốn mình trườn xuống miền bình nguyên với đồng cỏ bao la. . . .
Thỉnh thoảng dòng sông cũng rộng ra. . . nước trong xanh chảy chậm giữa những bãi cát trắng phau chẳng dấu chân người. . . .
Trên triền núi đá lác đác mấy cái nhà người Tạng, bạc thếch, nhỏ xíu, núp dưới những cây thanh liễu và dư thụ mọc chen trong những vỉa đá già. . . Khung cảnh nên thơ mà hùng vĩ. . . . Trong lòng thanh thản, chúng tôi thấy mình như nhỏ bé và được tự do giữa trời đất thênh thang chẳng khác gì những cánh diều hâu đang bay lượn trên nền trời lạnh giá. . . . 
Trước khi đến tu viện Bạch Vân Cư Tự thuận đường chúng tôi quyết định vượt đèo Kamba-la, để thăm hồ Yamdrok-tso, một thắng cảnh nổi tiếng của Tây Tạng. . . .
Đèo Kamba-la cao 4.790m so với mặt nước biển. . . . Không khí loãng. . . . ai cũng thấy nhức đầu. . . . nhưng may chẳng ai bị chảy máu cam cả!. . . .
Xe lắc lư như con thiên mã đang tung cánh bay vào mây trắng. . . . Một bên là vực sâu thăm thẳm. . . . với dòng Yarlung Tsangpo đang gầm thét. . . . một bên là những đồi cỏ bao la. . . .
Vô vàn trâu Yak trông như những hòn đá đen, đang yên lặng gặm cỏ úa. . . . Tạng ngao là loài chó chăn cừu rất dữ của người Tạng thì chạy lăng quăng sủa ông ổng chung quanh đàn thú . . . .
Tạng Ngao là giống chó xứ lạnh rất cao lớn. . . dũng mãnh. . . . có tài chăn cừu, trâu, bò và dê. . . Một con Tạng Ngao có thể cắn chết 6 đến 7 con bẹc giê là chuyện thường tình. . . .
Tiêu chỉ lên đồi cao và bảo tôi:
-          Này!. . . Tạng Ngao và trâu Yak còn gọi là Mao Ngưu hiện tại rất có giá. . . . Nhất là trâu Yak. . . . ngoài giá trị truyền thống, xương nó còn dùng để nấu cao. . . . Có thể còn tốt hơn cao hổ cốt. . . .
-          Làm sao được vậy?
-          Tại vì khi mưa về chẳng những cỏ mùa xuân mọc lên mà “Đông trùng hạ thảo” cũng bắt đầu đâm chồi. Mao Ngưu ăn thứ cỏ bổ dưỡng ấy nên thịt và xương nó lúc ấy rất có giá trị. Nhất là xương của Mao Ngưu được nấu thành thuốc quí là nhờ cỏ “Đông trùng hạ thảo” đấy!
-          À! Ra thế!. . . .
Xe đã lên đến đỉnh đèo, tai chúng tôi ù đi chẳng nghe thấy gì nữa. . . . Trời đang nắng to nhưng lại rất lạnh. . . . Tuyết chảy róc rách trong các khe núi. . . . Mây trắng dưới chân. . . . Và dưới kia, hồ Yamdrok-tso xanh rờn hiện ra như trong các giấc mơ hay các chuyện thần thoại tôi vẫn thường nghe kể hồi còn ấu thơ. . . .
Thật kỳ lạ. . . . trên đỉnh núi mà lại có cái hồ to và đẹp đến thế. . . . Với hình thù nhiều ngóc ngách chứ không tròn trịa. . . . Tôi đoán . . . . .chẳng phải là miệng núi lửa mà là tuyết vĩnh cửu ở những rặng núi chung quanh khi xuân về chảy ra đọng lại mà thành. . . . .
Mải chụp hình và quay phim, tôi không để ý đến mấy người Tạng dắt mấy con Tạng Ngao, trâu Yak và dê quây kín chung quanh. . . .
Họ nói tiếng Tạng. . . . Tôi không hiểu họ nói gì. . . . Nhưng qua điệu bộ tôi biết họ muốn mời tôi chụp hình với các con thú của họ. . . . Giá một lần chụp với một con thú là 5 tệ. . . .
Đang bận, tôi lắc đầu từ chối. . . . nhưng bị các con thú vây quanh chẳng đi đâu được. . . .Tôi đành phải đồng ý. . . . . Khi đang chụp thì một số người trong đoàn chạy đến đứng chung. . . .
Một số người Tạng dắt thú của họ cũng chạy ào đến đứng chung vào. . . .
Xong việc họ ào đến tính tiền. . . . tôi chẳng biết đường nào mà lần. . . .
Dùng dằng. . . nhưng rồi cũng qua được! . . . .
Thế là tôi phải mất oan một số tiền cho những thủ đoạn chèo kéo lừa bịp!. . . .
Nhìn những khuôn mặt rám nắng tinh quái của mấy người Tạng này, trong lòng tôi chợt nổi lên một nỗi xót xa. . . .
Tôi chợt nhớ những lời kinh rầm rầm rì rì. . . . những cái lạy nằm bẹp người sát đất. . . .những cái pháp luân lúc nào cũng quay tròn trên tay. . . . những nụ cười hồn nhiên, những tiếng hát trên cao nguyên lộng gió bên cạnh đàn trâu yak. . . . Chẳng biết lúc nào đã thành cái quần bò. . . . cái ao thun hở rốn. . . . cái ánh mắt vằn những tia máu và những nụ cười nửa miệng tinh quái đang phì phèo điếu thuốc lá thơm! . . .
Ôi! Buồn thay. . .
Khi người hành khất ở đây, chẳng đàn hát để xin tiền, mà thay vào đấy là câu thần chú Um Mani Padme Hum niệm không ngớt trên môi, với cái mũ chìa ra ở tay!. . . .
Hỡi con thỏ đen tâm linh truyền thống. . . .ta biết tìm ngươi ở đâu bây giờ?!. . . .
. . . . .
Xe chúng tôi quay ngược trở về. Rồi lại men theo dòng sông Yarlung Tsangpo . . . tiến sâu hơn. . . leo cao dần. . . về phía những rặng núi đá hùng vĩ với đỉnh trắng xóa lấp lánh dưới ánh mặt trời. . . .
Từ xa trông Bạch Vân Cư Tự với Tông Sơn Cổ Bảo giống như một lâu đài Âu Châu đứng ngạo nghễ trên đỉnh đồi với tường đá bao quanh. . . . Tôi nói ý này với Mã Sa Sa thì cô cho biết:
-          Thời xa xưa ngôi cổ tự này ngoài việc tu tập, nó còn được dùng như một cơ quan của chính quyền. Bởi vậy, khi người Anh liên kết với các nước khác đánh vào nơi này. . . Các tu sĩ đã phải xây bức tường đá này để bảo vệ tu viện. . . . Nhưng cuối cùng đã không bảo vệ được. . . . Khi ấy, toàn bộ nữ tu ở đây đã tự tử để không lọt vào tay giặc. . . . nơi ấy là Tông Sơn Cổ Bảo nằm kề bên tu viện Bạch Vân Cư Tự này. . . .
. . . . .
Là một tỉnh lẻ, lại ở tít trên núi cao nên khác hẳn các tu viện ở Lhasa. . . . Nơi đây sạch sẽ trang nghiêm và thanh tịnh. Có rất ít du khách. . . . Thường là các Phật tử Âu Mỹ về đây chiêm bái hay là các nhà nghiên cứu.
Tu viện như một bảo tàng lớn về nghệ thuật với vô số tượng Phật, Bồ Tát và chư Lạt Ma. . . . Đặc biệt có một số tượng rất lớn làm bằng đất rất sinh động. . . . Các bức bích họa đầy màu sắc. . . . Các hoa văn trang trí cực kỳ tinh xảo. . . . . . Đây là tu viện thờ Ngũ Trí Như Lai với Ngũ Vị Kim Cang. . . . Điển quang thanh khiết và rất mạnh. . . . Đặc biệt nhất là có 2 bức bích họa thật lớn vẽ vô số Phật với các tư thế khác nhau.
Bức thứ nhất, chính giữa là Bồ tát Quán Âm. . . . chung quanh vô số Phật. . . . Các hướng dẫn viên thấy không quan trọng nên bỏ qua và dẫn chúng tôi đi nơi khác. . . .
Đột nhiên Già Năm giữ chúng tôi lại. . . . Cụ già đưa tay chỉ lên bức bích họa và bảo:
-          Chư huynh để ý.. . . . Đây là Đại Bi Thần Công của Bồ tát Quán Âm. . . Các tượng Phật nhỏ xíu chung quanh là nhằm ghi lại các tư thế với các động tác và khế ấn. . . .Chư huynh hãy đảnh lễ Bồ Tát, nhận ân điển thiêng liêng và trì chú Đại Bi để Phật pháp tự hiển thị. . . .
Thế là chúng tôi hành công theo lời cụ chỉ dạy. . . . rất nhiều cái hay. . . . cái kỳ lạ không nói được nên lời! . . . Khi chúng tôi vừa thu khí về thì một vị Lạt Ma đến. Ngài bảo, nhìn cung cách chúng tôi đảnh lễ và hành công thì chúng tôi rất thích hợp khi hành công với ân điển thiêng liêng của đức Vô Lượng Thọ Phật. . . .

Theo tay ngài chỉ, già Năm đưa chúng tôi đến một bức bích họa khác. . . . Ở đây thì đức A Di Đà được vẽ ở giữa, chung quanh cũng có vô số Phật. . . . Tất cả đều được vẽ bằng bột vàng thật.
Già Năm đưa tay chỉ vào bức bích họa và bảo:
-          Mô Phật!. . . Ở đây là Hrih thần công của đức đạo sư A Di Đà. . . . Chư huynh hãy đảnh lễ Phật. Nhận ân điển thiêng liêng. . . .Trụ vào thần chú Hrih hay tam mật tương ưng vào hồng danh, để Phật pháp tự hiển thị. . .
Chúng tôi hành công theo lời già Năm chỉ dạy, ai cũng thấy điển quang ở đây rất mạnh, rất nhiều động tác và khế ấn lạ hiển thị. . . . Chư vị Lạt Ma và các Phật tử người Tạng qua lại thấy chúng tôi hành công. . . . Ai cũng vui mừng tán thán. . . . . . . .
Một vị Lạt Ma hướng dẫn chúng tôi đi chiêm bái và đảnh lễ Phật cùng chư Thiên tại Bạch Vân Cư tháp. Đây là một tháp lớn. . . ngọn dát vàng rực rỡ. . . Thờ 108 vị Phật, Bồ Tát và Dakini. . . . Vì các hướng dẫn viên chỉ biết về lịch sử và tính mỹ thuật, còn không biết gì về công năng hoặc đường tu, nên Già Năm phải hướng dẫn chúng tôi hành lễ:
-          Mô Phật!. . . Tháp có 3 tầng, chư vị thì nhiều nhưng đều an vị thành một Mandala, với tầng thấp nhất thờ 6 vị thần Kim Cang với 6 màu khác nhau. . . . Đây là hóa thân của Lục độ Tara, được thờ ở tầng 2. Lục độ Tara là hóa thân của Bồ Tát Quán Âm thành 6 dạng với 6 màu khác nhau. Đây lại là hóa thân của đức Vairocana Bodhi (Tỳ Lô Giá Na) được thờ ở tầng trên cùng. . . . Vậy chư hynh hãy đảnh lễ theo các danh hiệu như thế. . . . thực hành pháp Lục Độ Tara với ân điển của Bồ tát Quán Thế Âm. . . .
Theo sự chỉ dẫn của già Năm. . . . chúng tôi hành công cực kỳ hiệu quả. . . . Cảm giác thân thuộc như đang luyện công ở Tổ đường nơi quê nhà. . . . . . . .
Đảnh lễ Như Lai ra về, chúng tôi đều bồi hồi xúc động!. .
Hóa ra Phật pháp vẫn còn đấy, vẫn ẩn tàng giữa bao cái nhố nhăng và dâu bể của cuộc đời! . . . .
Hoàng hôn đang về muộn trên thảo nguyên. . . . 
Phía các dãy núi mù xa, hình như tuyết đang rơi. . . . Trời trở lạnh đột ngột, nhưng lòng chúng tôi như ấm lại. . . . Dưới vực sâu kia, con sông Yarlung Tsangpo, đang uốn mình tung bọt trắng qua các hẻm đá già. . . . Nhưng tôi biết thế nào rồi nó cũng về đến bình nguyên bao la, nơi thế nước hiền hòa trầm lặng mà vĩ đại mênh mông trước khi hợp nhất với đại dương bao la. . . .
AH!. . . . Con thỏ đen tâm linh của miền đất Phật. . . Hình như ta đã thoáng thấy ngươi rồi!. . .
 
Mây/Ghi chép theo đoàn/22/4/2007 

 (còn tiếp: Bài 4: Hiện tại gặp quá khứ)