Vườn cảnh Nhật Bản là kiểu vườn truyền thống mang những đặc trưng riêng. Nơi mà thiên nhiên được sắp đặt theo ý đồ nghệ thuật nhằm mang lại ý nghĩa tượng trưng. Nghệ thuật vườn Nhật Bản có nguồn gốc lâu đời trên nền tảng của Thần Đạo sau này được kết hợp một cách nhuần nhuyễn với nghệ thuật tạo hình của Zen, khiến nó ngày càng tinh tế, và đầy lãng mạn. Sỏi và đá đã được sử dụng để biểu thị cho sự linh thiêng của Nhật Bản từ thời xa xưa. Do đó, sự phát triển của vườn đá để thể hiện tư tưởng Thiền là một quá trình chuyển đổi dễ dàng. Là một phần của nghi lễ hàng ngày, đá trong vườn được thu về các mô hình của đại dương bao la hay hình ảnh của một dòng sông đang chảy, hoàn thành với các xoáy nước nhỏ. Sức hút của khu vườn này đến từ sự “im lặng” và bình dị đến lạ thường. Ở Nhật, các khu vườn thiền truyền cảm hứng và sức mạnh nội tâm cho hành giả ở các trung tâm đào tạo Zen.
Những khu vườn thiền như là một phương cách đầy ngẫu hứng, tái tạo sự bình thường nhưng sâu sắc về bản chất nguyên sơ của điều tối thượng. Nét đẹp của một khu vườn Nhật được kết hợp từ nhiều yếu tố đặc trưng của: đá, nước và cây cảnh. Người ta thường lấy hồ nước làm trung tâm, tạo các địa hình tự nhiên như gò và núi, rồi dùng thực vật cùng đá để làm những cảnh sắc tô điểm thêm hoặc phục vụ cho ý đồ sắp đặt theo một ý tưởng nào đó.
Có nhiều loại khác nhau của khu vườn Zen, như: vườn khô Karesansui, vườn trà Chaniwa hay vườn đi dạo Kaiyushiki:
Vườn đi dạo Kaiyushiki là kiểu vườn thiết kế trên một khoảng không rộng lớn bắt buộc người xem phải dạo bước tản bộ qua khắp khu vườn mới thấy hết được vẻ đẹp của nó. Mỗi khu được sắp xếp mang những vẻ đẹp độc đáo với những điểm nhấn đặc biệt.
Không cầu kỳ và bí ẩn như Karesansui mà mang vẻ tôn nghiêm, trầm mặc, vườn trà Chaniwa được thiết kế cho phù hợp với những nơi có tổ chức nghi lễ thưởng trà (Chanoyu). Bố cục của một khu vườn Chaniwa bao gồm trung tâm là trà thất chính với con đường mòn nhỏ bằng đá dẫn đến đó gọi là nobedan, điểm xuyết với những bụi hoa và cây cảnh xanh mướt. Ngoài nobedan, Chaniwa có thêm những đặc trưng khác như đèn đá, bể nước bằng đá hay hàng rào truyền thống làm bằng tre, nứa...Vì chanoyu là một nghi thức trang trọng và chỉ những người khách được mời mới được buớc vào trà thất nên Chaniwa không phải là khu vườn để ai cũng có thể thoải mái vào thăm quan.
Nhưng nổi bật nhất là vườn khô, được gọi là karesansui, nghĩa đen có nghĩa là núi khô trên cát. Vườn đá của Nhật Bản (karesansui) hay còn gọi là sân vườn thiền định (Zen garden) do ảnh hưởng đặc trưng mang phong cách Thiền tông và được áp dụng nhiều trong các thiền viện, trà thất. Không giống như những kiểu vườn truyền thống khác. Vườn kiểu Karesansui không có sự hiện diện của yếu tố nước. Đơn giản đó là sự sắp xếp của đá, sỏi, cát, thành những hình gợi nên cảm giác sông, hồ, biển cả với núi đá, hòn đảo nhô lên. Kiểu vườn này thoạt trông có vẻ đơn giản, bình thường nhưng giá trị thực của nó đòi hỏi người thưởng ngoạn, phải ngồi thiền hoặc trầm tư, mặc định mới từ từ thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa hàm chứa bên trong những những hình dáng đơn giản kia.
Khu vườn khô trong ngôi đền Ryoanji ở Kyoto được tạo ra từ năm 1499, là một trong những khu vườn lâu đời nhất theo kiểu vườn đá Zen. Khung của khu vườn có hình chữ nhật với những viên đá wabi sabi, thể hiện sự đơn giản khiêm tốn. Trong khoảng không hình chữ nhật đó, các tảng đá nhỏ được bố trí theo nhóm dường như là ngẫu nhiên. Bức tường thấp xung quanh đủ để ngăn cách sự bận rộn của đô thị với những hàng cây xanh được đưa vào bên trong khu vườn. Trong khu vườn, sự tối giản được làm đến tối đa. Nhưng ngôn ngữ hình tượng của nó gợi nhiều cảm xúc và mở ra một thế giới bao la như có âm nhạc của cõi lặng yên cùng biểu thị với vô lượng vô biên các cõi của vũ trụ đa chiều. Bởi vậy chiêm ngưỡng những kiệt tác này của Zen khiến trong lòng ta gợi lên nhiều cung bậc cảm thụ khác nhau:
Hôm chúng tôi đến Ryoanji. Khu vườn khô Karesansui ở đây trông như một cái sa bàn lớn. Nền là mặt cát rộng, tượng trưng cho đại dương. Trên đó có 14 hòn đá, hiện tại được xếp thành 5 nhóm. Trông như 5 hòn đảo trên đại dương bao la. Không có cây cối, chỉ có 5 cụm đá. Toàn cảnh khu vườn thiền bởi vậy trông có vẽ yên lặng, mênh mông, mở rộng ra đến vô cùng vô tận, dù là khu vườn có tường thấp bao quanh.
Người hướng dẫn viên du lịch nói với mọi người:
- Các nghệ nhân bực thầy của Zen đã làm ra khu vườn khô này. Nó vốn có 15 hòn đá. Nhưng hiện tại chỉ có 14 hòn. Còn một hòn nữa, người xưa lưu truyền lại, bảo rằng, dành cho thiền nhân đến đây hành công tự mình khám phá và xác định.
Mọi người yên lặng đứng ngắm khu vườn, ai nấy đều trầm tư trong yên lặng. Rất đông người ngồi thiền chung quanh khu vườn trên các hành lang bằng gỗ. Chắc là họ đang hành thiền để tìm hòn đá thứ 15 nhằm hoàn thiện tác phẩm theo lời dạy của người xưa.
Hắn ngắm khu vườn một lúc, rồi ra ngồi ở gốc một cây thông già yên lặng ngắm ánh nắng mùa xuân đang chảy chầm chậm trong khu vườn anh đào đang bắt đầu hé nhụy.
Có người đến bên và bảo:
- Sao ông không ngồi thiền để tìm hòn đá thứ 15. Chẳng phải cổ đức đã dạy như vậy sao?
- Hề. . .hề. . . .có ngồi đến hết kiếp này và vô lượng vô biên kiếp sau, ta cũng không thể tìm thấy hòn đá ấy.
- Ông có cho là trong số những người đã đến đây, đã có ai tìm được hòn đá ấy chăng?
- Này bạn, chẳng có ai cả. Ngay cả người làm ra khu vườn này cũng chẳng thể tìm ra.
- Sao lạ thế?
- Đây là trò chơi giải trí của khách tham quan. Nhưng là công án của thiền.
- Căn cứ vào đâu mà ông nói thế?
- Này bạn, khi người nghệ sĩ tâm linh sáng tác, thì không phải họ làm mà là thượng đế hóa thân qua họ để làm. Hay nói cách khác chỉ có việc làm mà không có người làm. Đó là Tánh khởi Dụng hay bản thể biểu thị thành hiện tượng một cách vô ngã.
Nhưng “ý tại ngôn ngoại” nghĩa là không thể diễn đạt được “cái tối thượng” bằng ngôn từ cũng như bằng các tướng khác. Chỗ thiếu hụt, cái giới hạn của Tướng trước “cái Toàn Diện” là “hòn đá thứ 15”.
Vậy trước “cái tối thượng” hay thượng đế phi nhân cách. Mọi người kể cả người đã chứng ngộ đều thiếu hòn đá thứ 15 của mình mỗi khi biểu thị.
Hòn đá ấy mỗi khi mỗi khác, mỗi thời mỗi thay đổi, biến hóa liên miên nên làm sao ta có thể tìm được chứ.
- Thế còn tại sao ông gọi đó là trò chơi của chư Tổ phái Zen?
- Người tâm trí khi nghe nói về hòn đá thứ 15. Liền ngồi thiền dụng trí, tìm kiếm trên sự so sánh với những hòn đá đang có. Hoặc cố gắng đi vào yên lặng để hòn đá tự hiện ra, hoặc cố giao tiếp với Phật lực gia trì để các ngài chỉ hộ hòn đá ấy. . .v.v. . . Làm như vậy thì tự mình cột chặc vào nhị nguyên, không thể kiến tánh. Do vậy họ chỉ tìm ra hòn đá của tâm trí chứ không thể chứng ngộ. Và lẽ dỉ nhiên người ấy không thể thấy cái bất tư nghì khi muốn diễn đạt điều tối thượng.
Bởi thế, chẳng cần cái vườn khô Karesansui của Ryoanji ở Kyoto, mới thiếu hòn đá thứ 15. Mà mọi hiện tượng đang biểu thị chung quanh ta đều do Tánh hiển Tướng, nên đều thiếu hòn đá thứ 15 của nó.
Sự bất toàn của hiện tượng hay hòn đá thứ 15 của Zen, chính là nguyên nhân nhờ vậy mà dòng biến dịch của trời đất là miên viễn liên tục không bao giờ đứt đoạn.
Này bạn, do vậy giả dụ nếu hòn đá thứ 15 này hiển thị, trời đất được cân bằng và lập tức thế giới hiện tượng sẽ bị hủy diệt . . . hề hề. . . .và đó là ngày tận thế!
Này bạn, hòn đá thứ 15 chính là “cái bất toàn” cần thiết ấy. Nó là khách quan, vượt qua mọi giới hạn, mọi phạm trù và mọi phương cách kể cả Zen hoặc thiền.
Vườn thiền gợi lên nhiều cảm xúc cho người thưởng ngoạn nó. Trên đây là cảm thụ của chúng tôi, những người đang tập sự tu thiền. Còn đối với các nghệ sĩ của Asutralia thì họ lại sáng tạo nên một kiểu nghệ thuật sắp đặt kỳ quái. Họ thay các hòn đá của vườn thiền bằng những bộ phận trên cơ thể khoả thân của người mẫu. Tác phẩm mang tên khu vườn Klunk từng được triển lãm ở Tokyo, Nhật Bản. Tác phẩm là sự kết hợp của vườn thiền Phật Giáo Nhật Bản với những bộ phận cơ thể như đầu, lưng, tay, mông... của các người mẫu bằng xương bằng thịt đứng bên dưới "khu vườn". Những cơ thể này hiện lên trông như những hòn đá nguyên sơ đang nhô lên mặt nước tĩnh lặng. Theo Oddity, bốn nghệ sĩ Australia đã sáng tạo nên khu vườn Klunk là những người gây sốc trên thế giới với nhiều ý tưởng khác lạ. Mời bạn ngắm tác phẩm độc đáo của các nghệ sĩ này. Ảnh trên The 189.
Vườn thiền theo thời gian đã trở thành một nét văn hoá đặc trưng của Nhật Bản, được ưa chuộng trên toàn thế giới. Không chỉ riêng ở Nhật Bản mà ở nhiều nơi khác trên thế giới cũng có vườn theo phong cách này:
Vườn Thiền ở Cowra, Úc
Vườn Hamilton ở Wakaito, New Zealand
Vườn thiền ở Portland, Mỹ
Vườn trà ở San Francisco, Mỹ
Một góc vườn Thiền tại Hà Lan
. . . . . .
Mùa xuân về, tháng 2 âm lịch, hoa đào bắt đầu nở. Các vườn thiền ở Nhật vốn đã đẹp, bây giờ cực kỳ diểm lệ trong nắng xuân. Dọc theo bờ sông, con suối, trong công viên và các vườn thiền,khắp mọi nơi hoa đào bắt đầu khoe hương sắc. Chúng tôi đi giữa rừng đào mà như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Giày mất ở Trung Hoa
Hoá ra . . .
Nó đang nằm ngắm hoa đào ở Nhật
- Thưa cụ, sau khi tham quan một số chùa Zen và vườn thiền. Cụ tâm đắc điều gì?
- Sự tối giản đến cùng cực. Mọi sự đều toát lên cái im lặng, trang nghiêm và hoà hợp với thiên nhiên cùng môi trường sống. Chánh điện thường chỉ có một tượng Phật nhỏ nhưng rất đẹp. Trên tường không treo gì. Phòng rộng chỉ trải chiếu đơn sơ. Không có chùa to Phật lớn, không có người ra vào đông đúc ồn ào. Sự yên lặng thanh thoát bao trùm khắp nơi. Khuôn viên rộng rất ít người qua lại. Nếu có tụng kinh thì cũng rất nhỏ. Chứ không gỏ mõ dộng chuông đánh trống hoặc dùng loa gây tiếng ồn. Bàn thờ Phật không có đèn hào quang nhấp nháy. Chỉ có duy nhất một cái hòm công đức bằng gỗ đặt ở chánh điện ngăn cách khu bên ngoài dành cho Phật tử và khu bên trong dành cho chư tăng ni. Không đặt hòm công đức tràn lan và khắp nơi như ở bên mình.
Cái thâm sâu tinh tuý của Zen được người Nhật kết hợp nhuần nhuyễn với tín ngưỡng bản địa mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc là Thần Đạo. Nên cái hào hùng kết hợp được với cái thanh cao thi vị tràn đầy nghệ thuật. Còn ở nước ta tiếc thay, nhiều người học Phật vẫn còn kỳ thị, nếu không nói là không biết bảo tồn tôn trọng các tín ngường bản địa mang màu sắc dân tộc.
Điều thú vị hơn cả là họ đưa Zen vào các sinh hoạt hằng ngày để rèn tâm chứ không nhất thiết phải dùng các hình thức tâm linh tôn giáo. Thí dụ như: Vườn thiền, trà đạo, bắn cung, kiếm đạo, cắm hoa, tranh thiền thư pháp, âm nhạc . .v.v. . .khiến việc tu học không cách ly cuộc sống mà trái lại làm cho chất lượng cuộc sống ngày càng thanh cao thú vị hơn.
Đường vào một đền Thần Đạo
Cổng đặc trưng của đền Thần Đạo, bên trong là tượng Samurai mang kiếm
Chánh điện một Đền Thần Đạo ở Nhật
Trước các đền và chùa thường có một hồ nước sạch để rửa tay trước khi vào lễ. Nước thường từ miệng con rồng phun ra
Những lá số vận xui được cột trên dây ngoài trời trước đền Thần Đạo để cầu giải hạn
Một chùa Zen giữa rừng thông
Một phòng ngồi thiền
Hành lang bằng gỗ ở chùa Zen
Mộ Tổ sư RinZai của Zen
Một cái thất của tu sĩ Zen
Nơi thờ các cháu bé ở chùa
Lễ Phật ở chùa Nhật
Tokyo về đêm
... hòn đá thứ 15 thật thú vị, nếu ai cũng có hòn đá này thì có thể ...nhận ra nó để ...hòa nhập...