Vũng Tàu khi nắng khi mưa
Rỗng Không mưa nắng khắc vừa cuộc chơi
Bãi Sau, Bãi Trước, Bãi Dâu
Bãi Dứa, Mũi Đá, Gành Hào, Nghinh Phong
Núi Lớn, Núi Nhỏ, thong dong
Hạ Long phố biển thần tiên dạy cười
Hề hề. . . .
Ở Vũng Tàu, Bãi Sau mới là Bãi du lịch. Du khách thường nghỉ và tắm ở đây. Nhưng chúng tôi lại thích Bãi Trước hơn vì núi ăn lan ra tận biển với những gềnh, những dãy đá già rêu bám xanh rì viền quanh những bãi tắm nhỏ xinh xinh thơ mộng. Dân chài vẫn làm việc bên cạnh người tắm biển và rừng vẫn đang hát cùng với sóng đại dương. Ít ra thì cái dung dị đời thường vẫn còn tí chút để làm dịu bớt cái gay gắt, cái xa hoa, của du lịch .
Trời còn tối mờ mờ. Chuông chùa công phu ngân nga trong gió biển lành lạnh. Ở Vũng Tàu này chùa quá nhiều, nhìn đâu cũng thấy chùa, chùa tựa lưng vào núi nhìn ra biển. Chúng tôi theo thói quen dậy sớm. Luyện công xong, cả bọn rủ nhau ra bờ biển chạy dọc theo con đường Hạ Long như dải lụa đang phất phơ trong sương sớm.
Gió biển lồng lộng, sóng biển rì rào, Núi Lớn, Núi Nhỏ và đại dương mênh mông như còn đang ngái ngủ. Mùi cà phê rang thơm lừng và tiếng rao bánh mì chìm trong gió đại dương. Không khí sạch và mát. Gió biển mằn mặn. Chúng tôi chạy xuống bờ cát ẩm ướt và lạnh, đến một bãi tắm nhỏ, chung quanh đá dựng chập chùng, sóng tung bọt trắng.
Không khí, gió biển, nắng ban mai, cảnh trí mênh mông, trong lòng vô sự, cảm nhận cái thú vị trong từng hạt cát, trong từng cái lá cành cây, trong từng ánh mắt nụ cười, trong từng hơi thở của nhịp sống bình dị đời thường, chân khí hợp nhất với thể xác, động tác hợp nhất với năng lượng biểu thị tự nhiên, ăn uống hợp lý, sinh hoạt thuận tự nhiên, tùy thời tùy lúc, tùy duyên tùy sự mà tự thích ứng tình huống, tự cùng trôi với dòng chảy của cuộc sống thì khắc tự an, tự vui. Như thế là thể nhập vào dòng chảy của cái đời thường đang tỏa hào quang và đang được chắp thêm đôi cánh.
Đó chẳng phải là phép dưỡng sinh vốn có từ vô thủy vô chung hay sao?
Nó ở ngay đây, tại chỗ này, ngay giây phút này đây và ngay tại chính cơ thể và tâm trí mình, cũng như mọi sự mọi vật gần gũi bình dị chẳng phải ở cõi niết bàn hay thiên đàng nào xa lắc xa lơ trong tâm tưởng. . . .
Trong cái ngõ hẹp. Quán cà phê Nó, là cái hiên rộng với phong lan, cây cảnh dây leo, non bộ và rất nhiều tranh mỹ thuật làm từ tre nứa và gỗ hay đơn giản vẽ bằng sơn lên tường hay vẽ trên các tấm ván bìa thô ráp tự nhiên. . . . Màu xanh của cây lá và sự dịu dàng bình yên đầy chất thơ trong ngõ vắng làm tôi rất thích. . . .
Có tiếng chim hót và tiếng nói nhẹ như gió của cô gái bưng cà phê như là mời khách đến chơi nhà. . . .Ánh mắt có đuôi và nụ cười lặng lẽ. Giọt cà phê rơi xuống và khói thuốc bay lên. Còn cái thằng tôi thì đang ngồi yên để tâm hồn mình lang thang trên tận đỉnh cô đơn. . . .Ah. . .haha. . .ha. . . .
Quán chẳng phải quán. Nhà chẳng phải nhà. Triết lý và cuộc đời thực đan xen, hòa quyện nhau, đơn giản, gần gũi và bình yên trong lòng cái thành phố du lịch xôn xao lộng gió. . . .
Chúng tôi yên lặng nhìn giọt cà phê rơi, nhìn Phật, nhìn Chúa, nhìn thằng bé bán báo, nhìn đôi chân mang giày đinh, nhìn người đàn bà khỏa thân, nhìn người nghệ sĩ với cây đàn ghita, nhìn bàn tay chấp với niềm tin trong ánh mắt, nhìn khuôn mặt với sự dằn vặt "Ta là ai?", nhìn nụ cười, nhìn cái miệng méo xệch, nhìn mặt nạ, nhìn đầu lân,. . . .rồi nhìn lại chính mình. . . . .
Ta là ai?. . . .ta là ai ư ?. . . .
Cái đầu lân đang hỏi.
Trong giây phút này đây, trong biển dâu đời thường muôn mặt, có ai thấy được khuôn mặt thật của mình phía sau cái đầu lân hàng ngày vẫn đang múa may, trợn mắt, nói cười ?
Ha. .ha. . . ha. . .hóa ra nó chẳng là cái mẹ gì. . . .hay nó chính là linh hồn của mọi sự. . . thì có gì khác đâu chứ ?!
Cái đầu lân đang bận hỏi
lúc nào cũng đang hỏi
lúc nào cũng đang đóng kịch
từ vô lượng kiếp rồi vẫn thế
Có rảnh phút giây nào đâu để mà biết chứ.
hề hề. . . .
Mồ hôi ướt đầm lưng áo. Người đàn ông trung niên bán mì hai cầm tay hai chiếc đũa dài liên tục gõ vào bàn, thành những tiếng cộc cộc lấy nhịp.
Thế rồi như một vũ điệu kỳ lạ. Tay kia ông ta cầm chiếc vợt bằng lưới cán dài để vớt mì trong cái thùng nước luộc sôi sùng sục tỏa khói mờ mịt. Động tác nhịp nhàng đưa lên đưa xuống như múa. Vốc mì vàng ươm nhảy lên nhảy xuống tanh tách trong cái lưới sắt. Nước sôi chảy xuống tong tong. Hơi nóng bốc lên nghi ngút. Tiếng cười nói của thực khách, tiếng lửa réo trong lò , tiếng nước sôi sùng sục, tiếng dao bằm cành cạch trên thớt, tiếng bát chén loảng xoảng, tiếng xe cộ chạy ngoài đường bóp còi náo nức, tiếng gió đùa trong hàng cây. Tiếng của cuộc đời bình dị hòa âm, vang lên, ngày nào cũng vậy, thế mà nhịp điệu âm giai thay đổi từng phút từng giây.
Người đàn ông mỉm cười trong nắng ban mai như thực như hư qua màn hơi nước mờ mịt. Vũ điệu của hai tay ông chợt linh động mềm dẻo và nhập thần. Vốc mì bay tít lên cao rồi rơi xuống. Tay kia ông đưa cái lưới hứng điệu nghệ. Trong tiếng trầm trồ thán phục của thực khách. . .Vũ điệu của mì cứ thế nhịp nhàng. . . .nhịp nhàng. . . . Khi vốc mì đã khô nước, ông lấy đũa gắp bỏ vào cái bát con để người phụ việc chế biến thành tô mì ngon tuyệt.
Ôi!. . . giai điệu của cuộc đời bình dị.
Khi mồ hôi cộng với niềm say mê yêu nghề, khi đặt hết tâm trí vào công việc, biến công việc thành nghệ thuật, thì mọi nhịp điệu và chuyển động của đời thường tự khắc nở hoa, tự khắc biến thành vũ điệu của thiền động trong cái " thiền đường thế gian " đời thường đầy sinh động.